Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30 tháng 3, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 30 tháng Ba, 2022

___________________________


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, tập trung vào chủ đề: “Tin tưởng vào sự viếng thăm thế hệ tiếp nối của Thiên Chúa” (Bài đọc Kinh Thánh: Lc 2: 25-30).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho chuyến Tông du sắp tới của ngài đến Malta, vào ngày 2 và 3 tháng Tư.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành tòa thánh.

*****

Bài giáo lý về Tuổi già

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta sẽ nhìn đến hình ảnh dịu dàng được Thánh sử Luca khắc họa, mô tả hai nhân vật cao tuổi, ông Simeon và bà Anna. Lý do sống của họ trước khi rời khỏi trần gian này là chờ đợi sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ đã chờ đợi Thiên Chúa, tức là Chúa Giêsu, đến viếng thăm họ. Nhờ sự linh báo của Chúa Thánh Thần, ông Simeon biết rằng ông sẽ không chết trước khi được nhìn thấy Đấng Mêsia. Bà Anna đến đền thờ hàng ngày, dâng mình phục vụ Thiên Chúa. Cả hai ông bà đều nhận ra sự hiện diện của Chúa trong hài nhi Giêsu, Đấng lấp đầy cuộc chờ đợi lâu dài của họ với sự an ủi và làm cho họ vững lòng khi từ biệt cuộc đời. Đây là cảnh gặp gỡ Chúa Giêsu, và sự từ biệt.

Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao tuổi tràn đầy sức sống thiêng liêng này?

Trước hết, chúng ta học được rằng sự trung thành chờ đợi sẽ làm nhạy bén các giác quan. Ngoài ra chúng ta biết rằng chính Chúa Thánh Thần làm việc này: soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ, Veni Creator Spiritus, mà chúng ta vẫn tiếp tục cho đến ngày nay để khẩn cầu với Chúa Thánh Thần, chúng ta thưa: “Accende lumen sensibus”, “Xin hướng dẫn tâm trí chúng con bằng ánh sáng ân phúc của Người,” soi sáng cho các giác quan của chúng ta. Thần Khí có thể làm việc này: mài giũa những giác quan linh hồn, bất chấp những giới hạn và thương tổn của các giác quan của thân xác. Tuổi già khiến sự nhạy bén của cơ thể suy yếu theo cách này hay cách khác: người thì bị lòa, người khác bị điếc. Tuy nhiên, một tuổi già trải qua trong sự chờ đợi cuộc viếng thăm của Thiên Chúa sẽ không bỏ lỡ khi Ngài đến; trái lại, nó thậm chí sẵn sàng nắm bắt hơn, sẽ có nhiều sự nhạy bén hơn nữa để chào đón Chúa khi Ngài đi qua. Hãy nhớ rằng người Kitô hữu điển hình là phải chú ý đến những cuộc viếng thăm của Chúa, bởi vì Người đi qua trong cuộc đời chúng ta, với những linh cảm, với những lời mời gọi để chúng ta trở nên tốt hơn. Và Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi qua mà tôi không để ý.” Chính Chúa Thánh Thần là Đấng chuẩn bị các giác quan để hiểu được khi Chúa đến thăm chúng ta, cũng như Người đã làm với ông Simeon và bà Anna.

Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết: chúng ta cần một tuổi già được ban tặng các giác quan thiêng liêng sống động có khả năng nhận biết những dấu chỉ của Thiên Chúa, hoặc hơn nữa là Dấu hiệu của chính Chúa Giêsu. Một dấu chỉ luôn luôn thử thách chúng ta: Chúa Giêsu thử thách chúng ta bởi vì Người là “dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2: 34) – nhưng làm chúng ta ngập tràn niềm vui. Tuy nhiên khủng hoảng không nhất thiết mang đến sự buồn bã, không: khủng hoảng trong việc phục vụ Thiên Chúa thường mang đến cho bạn sự bình an và niềm vui. Sự tê liệt của những giác quan thiêng liêng – và điều này là rất tệ – sự tê liệt của những giác quan thiêng liêng, trong sự phấn khích và tê liệt của các giác quan cơ thể, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu, và điểm nguy hiểm nhất của nó là thực tế hầu như không nhận thức được nó. Chúng ta không nhận ra mình đã bị tê liệt. Và điều này xảy ra, nó xảy ra. Nó vẫn luôn xảy ra và nó đang xảy ra trong thời đại chúng ta. Những giác quan bị tê liệt, không hiểu được những gì đang xảy ra: khi chúng bị tê liệt, những giác quan bên trong, những giác quan của Thần Khí giúp chúng ta hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc sự hiện hữu của sự dữ, không thể phân biệt giữa những điều này.

Khi bạn mất xúc giác hoặc vị giác, ngay lập tức bạn nhận biết được. Tuy nhiên anh chị em cũng không thể bỏ qua tình trạng đó của linh hồn, sự nhạy cảm của linh hồn, trong một thời gian dài, sống mà không nhận biết rằng bạn đã mất đi sự nhạy cảm của linh hồn. Nó không đơn thuần là vấn đề suy nghĩ về Thiên Chúa hoặc tôn giáo. Sự nhạy cảm của các giác quan thiêng liêng liên quan đến lòng trắc ẩn và sự thương xót, sự xấu hổ và hối lỗi, trung thành và tận tụy, dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và với người khác. Thật tò mò: sự vô cảm ngăn cản bạn không hiểu được lòng trắc ẩn, nó ngăn cản bạn không hiểu được sự thương xót, nó ngăn cản bạn không cảm thấy xấu hổ hoặc hối lỗi vì đã làm những điều xấu xa … Nó như vậy. Những giác quan thiêng liêng bị tê liệt làm bạn rối trí và bạn không còn cảm nhận được những điều đó về mặt tinh thần. Và có thể nói, tuổi già trở thành nạn nhân đầu tiên, nạn nhân đầu tiên của tình trạng mất sự nhạy cảm này. Trong một xã hội chủ yếu sử dụng khả năng nhạy cảm để hưởng thụ thì sẽ thiếu sự chú ý đến tính mong manh, và sự ganh đua chiến thắng sẽ chiếm ưu thế. Và đây là cách đánh mất đi tính nhạy cảm. Chắc chắn, những mỹ từ về sự hòa nhập là công thức thông lệ của mọi diễn văn đúng khuôn mẫu chính trị. Nhưng nó vẫn không mang đến sự điều chỉnh thực sự trong việc chung sống bình thường: một văn hóa nhân hậu xã hội đang đấu tranh để phát triển. Tinh thần huynh đệ con người – mà tôi cảm thấy cần phải tái khởi động cách mạnh mẽ – giống như một tấm áo bị loại bỏ, được ngưỡng mộ, nhưng … trong một viện bảo tàng. Người ta đánh mất sự nhạy cảm của con người, những hoạt động của Thần Khí làm cho chúng ta trở thành con người.

Đúng là trong đời sống thực tế chúng ta có thể quan sát thấy, với những cảm xúc biết ơn, rất nhiều bạn trẻ có thể tôn vinh tình huynh đệ này cách trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề lại nằm chính ở chỗ này: có một khoảng cách, một khoảng cách đáng xấu hổ, giữa chứng tá sức sống của lòng nhân hậu xã hội và chủ nghĩa tuân thủ buộc tuổi trẻ phải thể hiện mình theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách này?

Từ câu chuyện của ông Simeon và bà Anna, cũng như những trình thuật Kinh thánh khác về những người cao tuổi nhạy cảm với Thần Khí, có một điều ẩn giấu đáng được đưa lên hàng đầu. Về thực tế, điều mặc khải khơi dậy sự nhạy cảm của ông Simeon và bà Anna bao gồm những gì? Nó bao gồm việc nhận biết nơi đứa trẻ dấu hiệu chắc chắn cho sự viếng thăm của Thiên Chúa, đứa trẻ mà họ không sinh ra và họ nhìn thấy lần đầu tiên. Họ chấp nhận việc không phải là nhân vật chính, nhưng chỉ là những chứng nhân. Và khi một người chấp nhận không phải là nhân vật chính, nhưng tham gia vào với cương vị là nhân chứng thì thật tốt: người đó đang trưởng thành thật tốt lành. Còn những ai luôn muốn trở thành nhân vật chính thì sẽ không bao giờ trưởng thành trên hành trình tiến đến sự viên mãn của tuổi già. Sự viếng thăm của Thiên Chúa không thể hiện trong cuộc đời họ, [...]: Thiên Chúa không mặc lấy xác phàm trong thế hệ của họ, nhưng trong thế hệ tiếp nối. Họ mất tinh thần, mất khát vọng sống trưởng thành, và như người ta thường nói, họ sống hời hợt. Đó là thế hệ vĩ đại của những người thiển cận, không cho phép bản thân cảm nhận mọi điều bằng sự nhạy cảm của Thần Khí. Nhưng tại sao họ không cho phép bản thân họ? Một phần do tính lười biếng, và một phần vì họ đã không có khả năng: họ đã đánh mất nó.

Thật tệ khi một nền văn minh đánh mất sự nhạy cảm của Thần Khí. Ngược lại, thật tuyệt vời khi chúng ta tìm thấy những người già như ông Simeon và bà Anna vẫn bảo tồn được sự nhạy cảm của Thần Khí, và có thể hiểu được những tình huống khác nhau, cũng như hai ông bà hiểu được tình huống trước mắt họ, đó là sự tỏ mình ra của Đấng Mêsia.

Không có sự oán giận và không có sự buộc tội về điều này, khi họ ở trong tình trạng xơ cứng, tình trạng tê liệt. Thay vì vậy, thật xúc động biết bao và an ủi vô cùng khi những giác quan thiêng liêng vẫn sống động. Cảm xúc và sự an ủi khi có thể nhìn thấy và công bố rằng lịch sử thế hệ của họ không bị mất đi hoặc lãng phí, nhờ vào biến cố nhập thể và tỏ lộ trong thế hệ tiếp nối. Và đây là điều những người già cảm nhận được khi cháu chắt đến chuyện trò với họ: họ cảm thấy như được hồi sinh. “À, cuộc sống của tôi vẫn ở đây.” Đến gặp gỡ người cao tuổi là rất quan trọng; lắng nghe họ là rất quan trọng. Điều quan trọng là phải nói chuyện với họ, vì có sự giao lưu văn minh, sự giao lưu trưởng thành giữa người trẻ và người già. Và theo cách này, nền văn minh của chúng ta sẽ tiến bộ theo cách trưởng thành.

Chỉ tuổi già thiêng liêng mới có thể đưa ra chứng tá này, khiêm nhường và chói lọi, làm cho nó trở nên khả tín và là mẫu gương cho tất cả mọi người. Tuổi già đã vun đắp sự nhạy cảm của linh hồn sẽ dập tắt mọi đố kỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi quy kết lẫn nhau về việc Chúa đến trong thế hệ tiếp nối, là việc đến cùng với lúc ra đi của mỗi người. Và đây là điều xảy ra với một người già cởi mở với một người trẻ cởi mở: người đó sẽ từ biệt cuộc sống trong khi, có thể nói rằng, “đang chuyển giao” cuộc sống cho thế hệ mới. Và đây là sự từ biệt của ông Simeon và bà Anna: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi.” Sự nhạy cảm thiêng liêng của tuổi già có khả năng phá vỡ tính cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ theo cách tin cậy và dứt khoát. Điều này chắc chắn là không thể đối với con người, nhưng là có thể đối với Thiên Chúa. Và ngày nay chúng ta rất cần điều này, sự nhạy cảm tinh thần, sự trưởng thành tinh thần; chúng ta cần những người cao tuổi khôn ngoan, trưởng thành trong tinh thần, những người mang đến hy vọng cho cuộc sống! Cảm ơn anh chị em.

________________________________________


LỜI KÊU GỌI

Anh chị em thân mến,

Thứ Bảy và Chúa nhật tới tôi sẽ đến Malta. Tại vùng đất rực rỡ đó, tôi sẽ là một người hành hương theo bước chân của thánh Tông đồ Phaolô, ngài đã được chào đón ở đó với tình người rất lớn lao sau khi bị đắm tàu trên biển trên đường đến Roma. Do đó, chuyến Tông du này sẽ là một cơ hội để đi về những nguồn cội của việc loan báo Tin Mừng, để trực tiếp biết về một cộng đoàn Kitô hữu với một lịch sử sống động kéo dài hàng ngàn năm, và gặp gỡ những cư dân của một đất nước nằm ở trung tâm của Địa Trung Hải và ở phía nam của lục địa Châu Âu, nơi ngày nay đang ngày càng chào đón rất nhiều anh chị em đến tìm kiếm nơi ẩn náu. Tôi thân ái chào tất cả các bạn người Malta: chúc một ngày tốt lành. Tôi cảm ơn tất cả những người đã làm việc để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này và tôi xin tất cả anh chị em hãy đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2022]


Vatican phát hành video kỷ niệm phép lành ‘urbi et orbi’ từ khi bắt đầu đại dịch

Vatican phát hành video kỷ niệm phép lành ‘urbi et orbi’ từ khi bắt đầu đại dịch

Vatican phát hành video kỷ niệm phép lành ‘urbi et orbi’ từ khi bắt đầu đại dịch

Dicastero Comunicazione Vaticano

Kathleen N. Hattrup 

27/03/22


27 tháng Ba năm 2020 là đêm của một phép lành ngoại thường, có một không hai trong lịch sử.

Đánh dấu hai năm kỷ niệm thời khắc cầu nguyện trên toàn thế giới do Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự khi bắt đầu đại dịch, hai văn phòng của Vatican đã sản xuất một video phản ánh về buổi tối hôm đó và lời mời gọi của Đức Giáo hoàng.

Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện và Bộ Truyền thông đã phát hành video vào ngày 27 tháng Ba, hai năm sau phép lành “urbi et orbi” ngoại thường đó.

Buổi cầu nguyện kéo dài một giờ vào tối hôm đó được đánh dấu bởi sự trống vắng hoàn toàn của Quảng trường và Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, với cơn mưa càng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm. Chưa bao giờ trong lịch sử có một buổi cầu nguyện tương tự diễn ra, với ân sủng của phép lành “urbi et orbi” ngoại thường được mọi người đón nhận gần như hoàn toàn thông qua chương trình phát sóng trực tiếp. Việc chọn ban phép lành vào dịp đó là một cách duy nhất để cho thấy Đức Kitô hiện diện.

Bài giảng của Đức Giáo hoàng phản ánh về việc Coronavirus đã liên kết chúng ta trong sự hiệp nhất nhân loại như thế nào, như là anh chị em.

Ngài nói, “Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo chống.”

Video được phát hành nhân kỷ niệm hai năm kết hợp những hình ảnh của buổi tối cầu nguyện hôm đó, cùng với các gia đình và trẻ em, đưa ra lời mời gọi hy vọng. Cuối cùng, nó mời gọi một cam kết chung để dẫn đến hòa bình.

Sau giờ đọc Kinh Truyền tin trưa nay, Đức Thánh Cha lưu ý, và thông báo rằng một quyển sách sẽ được phát cho các tín hữu, để giúp họ cầu nguyện trong lúc khó khăn.

Đúng hai năm trước, từ chính Quảng trường này, chúng ta dâng lên lời khẩn nguyện chấm dứt đại dịch. Hôm nay chúng ta làm việc đó để xin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Khi rời khỏi Quảng trường, anh chị em sẽ được tặng một quyển sách do Ủy ban Vatican Covid-19 cùng với Bộ Truyền thông của Vatican biên soạn, để mời gọi anh chị em cầu nguyện trong những lúc khó khăn, không sợ hãi, luôn có niềm tin nơi Chúa.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2022]


Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

15 điều chúng ta chưa biết về Đức Thánh Cha Phanxicô

15 điều chúng ta chưa biết về Đức Thánh Cha Phanxicô

15 điều chúng ta chưa biết về Đức Thánh Cha Phanxicô

Antoine Mekary | Aleteia

I.Media for Aleteia 

26/03/22


Quyển sách mới phỏng vấn những người nghèo đem đến cho chúng ta hình ảnh đức giáo hoàng với sự giản dị và chân thật.

Bạn biết không? Bài thơ yêu thích của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bài thơ của thi sĩ Pháp thế kỷ 19, Paul Verlaine. Và nỗi thất vọng lớn đầu tiên của ngài khi còn nhỏ là nhận ra rằng phụ thân của ngài không sở hữu tất cả các xe ô-tô ở Buenos Aires. Trong quyển sách về những câu hỏi và trả lời với những người nghèo từ khắp nơi trên thế giới (“Des pauvres au pape, du pape au monde,” được xuất bản bằng tiếng Pháp vào ngày 1 tháng Tư năm 2022), ngài đưa ra những cái nhìn sâu sắc cách tự nhiên về bản thân và cuộc sống của mình. Dưới đây là một vài điểm nổi bật.


Về sở thích của Đức Thánh Cha

Bài thơ yêu thích của ngài

Anh chị em biết đấy, tôi có một khía cạnh ưu tư. Và tôi thích đọc lại cho mình nghe một bài thơ tiếng Pháp phản ánh tâm hồn tôi khi nó u uất. Đó là bài thơ của thi sĩ Verlaine: “Tiếng thổn thức da diết của những cây vĩ cầm mùa thu khiến trái tim tôi đau đớn với tiếng u sầu buồn tẻ …” Có một nhà thơ Pháp khác mà tôi rất yêu thích, đó là Baudelaire, và bài thơ Fleurs du mal của ông.

Quyển sách yêu thích của ngài

Tôi yêu thể loại văn học sử cổ đại. Và trong số đó, quyển sách yêu thích của tôi là Aeneid. Tôi cũng đọc nhiều tác giả hiện đại. Nhưng những tác phẩm văn học sử cổ đại định hình cho tôi nhiều hơn.

Thể loại nhạc vỗ về ngài

Đối với tôi, điều vỗ về tôi, điều “hạ nhiệt” cho tôi và làm tôi trầm tĩnh trở lại, là nghe nhạc. Và cụ thể hơn đó là Wagner.

Vị thánh yêu mến của ngài

Thánh Teresa Lisieux.

Chế độ ăn hiện tại của ngài

Ba năm trở về trước, tôi ăn được tất cả các món. Bây giờ thì hơi buồn, tôi bị biến chứng đường ruột nặng, viêm túi thừa cấp tính, và tôi phải ăn cơm, khoai tây luộc, cá nướng hoặc thịt gà. Ăn nhạt, ăn nhạt, ăn nhạt …

Màu quần của ngài

Hai ngày sau khi tôi được bầu chọn, có người nói với tôi, “Thưa cha, cha phải mặc quần trắng.” Tôi trả lời, “Tôi đâu phải là người bán cà-rem dạo!”

Phương pháp học tiếng Đức của ngài

Anh vừa nhắc tôi về những sách học ngôn ngữ được gọi là “Assimil.” […] Đó là cách tôi bắt đầu học tiếng Đức, và đó là cách bạn mở ra cánh cửa học ngôn ngữ mới.

15 điều chúng ta chưa biết về Đức Thánh Cha Phanxicô

Điều làm cho ngài khó chịu

Khi người ta bắt đầu ca tụng tôi, tôi cảm thấy khó chịu, vì tôi biết đó không phải sự thật.

Điều thích hợp với tôi là sự gần gũi với mọi người, vì thế họ không phải biến tôi thành một loại thần tượng hay sùng bái tôi.


Quá khứ của Đức Thánh Cha

Nỗi thất vọng lớn đầu tiên của ngài

Tôi nhớ lần vỡ mộng đầu tiên của tôi về cha tôi như thể nó mới xảy ra hôm qua, hoặc ít nhất là lần đầu tiên tôi có thể nhớ. Lúc tôi khoảng năm hoặc sáu tuổi. Cha tôi đưa tôi đến phòng khám để cắt amidan. (Hồi đó, y tá sẽ cho bạn ngồi xuống, giữ chặt bạn, đặt vật gì đó vào giữa hai hàm răng của bạn để giữ cho bạn không ngậm miệng lại, và dùng một chiếc kéo để cắt! Nó đúng như những gì tôi đang nói với bạn. Máu vương khắp nơi. Họ thậm chí không cho bạn thời gian để la hét, họ mang đến cho bạn một cây kem, và với cây kem, bạn quên hết mọi thứ!)

Khi chúng tôi ra khỏi phòng khám, cha tôi gọi taxi để về nhà. Khi chúng tôi đến nơi, cha tôi trả tiền cho tài xế. Tôi đã rất ngạc nhiên! Tôi không thể nói vì tôi quá đau, và tôi phải ăn kem để giảm bớt cơn đau. Nhưng hai ngày sau, khi tôi có thể nói chuyện trở lại, điều đầu tiên tôi nói với cha là, “Tại sao ba lại trả tiền cho bác tài?” Cha tôi giải thích công việc của người lái xe cho tôi. Tôi không thể tin vào tai mình: “Sao thế? Đó là xe của ba mà.” Trong sự lý tưởng hóa về cha tôi, tôi tin chắc rằng ông sở hữu toàn bộ mọi chiếc xe hơi trong thị trấn, và đó là sự thất vọng đầu tiên của tôi khi biết rằng nó không phải như vậy.

Tai nạn xe

Tôi lái xe đến một thành phố cách Buenos Aires 155 dặm, mất năm giờ lái xe, để dự lễ truyền chức linh mục. Tôi tới dự lễ thụ phong đó, và khi kết thúc, tôi tự nhủ, “Mình sẽ không ăn ở đây vì nó sẽ khiến mình buồn ngủ.” Và tôi rời đi. Khi tôi đang lái xe, trời bắt đầu đổ mưa và đến một điểm chiếc xe bị trượt bánh. Tôi lúc đó quãng 50 tuổi và tôi nghĩ, “Khi đăng ký ô-tô của mình hết hạn, mình sẽ không gia hạn thêm.” Vì với tôi, dường như tai nạn này là một dấu hiệu.

Những hoài nghi

Không phải tôi nghĩ rằng tôi không còn tin vào Thiên Chúa nữa, nhưng quả thực tôi đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?” Đó là một kinh nghiệm khó khăn, đen tối. Mọi thứ dường như chìm trong bóng tối. Điều này có lẽ đã xảy ra với tôi vào thời điểm tôi rời Buenos Aires sống tha hương ở Đức, và sau đó ở Cordoba, Argentina. Những thời gian rất khó khăn, vâng, rất đen tối. […] Tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi cầu nguyện, tôi đặt mình trong tay Chúa, tôi cầu xin sự tha thứ, tôi để mình được giúp đỡ.

Đời sống thiêng liêng của Đức Thánh Cha

Lòng sùng kính thiên thần bản mệnh

Thiên Thần của Chúa đấng bảo vệ tôi

Lòng mộ mến muôn đời đã dẫn tôi tới ngài

Xin giúp tôi, cứu thoát tôi, và đưa tôi tới sự sống đời đời (Ghi chú BT – có thể là lời cầu nguyện truyền thống với Thiên Thần bản mệnh, bản dịch sửa đổi)

Những khuyết điểm chính của ngài

Tôi là người nóng nảy. Tôi gọi nó như thế nào nhỉ! Mất kiên nhẫn … Có lúc tôi trả lời quá vội vàng. Tôi thỉnh thoảng có suy nghĩ là tôi giỏi hơn người khác. Đã có lúc tôi không có kiên nhẫn chờ đợi. Và tất cả những lỗi này đều liên quan đến cảm giác tự phụ là một gốc rễ rất cay đắng, rất xấu mà tôi phải luôn cảnh giác trong mọi lúc.

Linh mục giải tội của ngài

Tôi xưng tội với Cha Manuel, một linh mục Dòng Phan sinh, ngài đã gọi tôi hôm nay. Cứ hai tuần một lần ngài gọi cho tôi và nói, “Hai tuần đã qua rồi đó cha.” Rồi ngài đến và giải tội cho tôi. Tên ngài là Manuel Blanco, và ngài là người Tây Ban Nha. Ngài là bề trên của một cộng đoàn Phan sinh ở Roma.

Một câu hỏi ngài tự hỏi bản thân vào buổi tối

Khi tôi cầu nguyện vào buổi tối và tôi cố gắng kiểm điểm lương tâm để duyệt xét lại những gì đã xảy ra trong ngày, cách tôi sống, một câu hỏi luôn luôn trở lại với tôi: Tôi có sống đúng với phẩm giá không? Và khi chúng ta nói đến phẩm giá, chúng ta có ý nói về ý nghĩa thực tại, sự khiêm nhường, và nhu cầu cần người khác.

Khao khát lớn nhất của ngài trong cương vị giáo hoàng

Tôi sẽ nói ngay một cách rất tự nhiên: trở thành một linh mục tốt lành.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2022]


Vị linh mục người Brazil ở Ukraine: “Cuộc sống của họ là của tôi, số phận của họ là của tôi”

Vị linh mục người Brazil ở Ukraine: “Cuộc sống của họ là của tôi, số phận của họ là của tôi”

Vị linh mục người Brazil ở Ukraine: “Cuộc sống của họ là của tôi, số phận của họ là của tôi”


Maria Lozano - ACN 

28/03/22 - updated on 03/29/22


Cha Lucas Perozzi đang ở Kyiv, thủ đô của Ukraine. Từ những ngày đầu của cuộc chiến, cha và ba linh mục khác đã đón khoảng 30 người vào trong nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ An Giấc. Hiện nay cha không ngủ hoặc ăn được nhiều, và trong thời gian này, cha thậm chí bị bệnh một thời gian. Cho dù cha có thể rời khỏi đất nước nếu muốn, nhưng cha quyết định ở lại với những người mà cha đã đến để phục vụ và yêu thương họ.

“Trong thời chiến tranh như lúc này, người dân không thể ở trong nhà riêng của họ mà phải trải qua đêm trong các công sự và trong các nhà ga dưới lòng đất. Thật khủng khiếp, bởi vì những nơi này lạnh lẽo, bẩn thỉu và bầu khí rất tối tăm. Họ sợ hãi, kinh hoàng. Những người đến ở với chúng tôi bây giờ có thể ngủ qua đêm, trong bầu không khí yên bình, bất chấp chiến tranh. Ở đây có tình đoàn kết anh em, mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Khi có người ngã lòng, buồn và sợ hãi, thì sẽ có ai đó giúp đỡ,” Cha Lucas giải thích, trong khi cha tiếp tục với các hoạt động hàng ngày của mình. Trong khi nói chuyện với tổ chức bác ái giáo hoàng Aid to the Church in Need (ACN), cha nói rằng những âm thanh của chiến tranh gầm thét suốt cả ngày. Hàng hóa cũng đang khan hiếm dần. Cha nói thêm, “Một số cửa hàng vẫn mở cửa, nhưng các kệ hàng của họ mỗi ngày trở nên trống trải hơn. Thuốc men cũng bắt đầu cạn kiệt.”

Cha Lucas đã ở Ukraine từ năm 2004. Khi còn trẻ, cha tham dự một cuộc họp của Neocatechumenal Way ở Ý và cuối cùng được mời đến Ukraine, nơi cha trở thành một linh mục. Thời gian ở quốc gia Đông Âu này của cha có mối liên hệ chặt chẽ với ACN. “Chúng tôi nhận được rất nhiều viện trợ từ ACN, và không chỉ là bây giờ trong chiến tranh. Chủng viện Thừa sai Giáo phận Redemptoris Mater, nơi tôi được đào tạo, đã, đang và tiếp tục được ACN hỗ trợ; nhờ ACN tôi đã có thể mua được một chiếc xe hơi ở trong giáo xứ mà tôi sử dụng cho công việc mục vụ; ngôi nhà thờ mà 30 người đang ở trong đó được xây dựng phần lớn thông qua sự giúp đỡ của tổ chức bác ái, và tôi vừa nghe nói rằng chúng tôi nhận được viện trợ khẩn cấp từ ACN để tiếp tục công việc của mình, vì vậy chúng tôi vô cùng mang ơn!”

Vị linh mục người Brazil ở Ukraine: “Cuộc sống của họ là của tôi, số phận của họ là của tôi”

Nhưng cộng đoàn vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ. Cha Lucas nói rằng một gia đình mới với hai đứa con vừa mới đến. Trong hoàn cảnh này, người ta tìm kiếm trên hết là nơi trú ẩn và hỗ trợ tinh thần. Theo vị linh mục, ngay cả chiến tranh cũng không thể dập tắt tia sáng hy vọng. “Hôm qua chúng tôi đã tổ chức một đám cưới, và hôm nay chúng tôi có một đám cưới khác! Người ta cũng đến xưng tội. Thật là ấn tượng, bởi vì người ta đến để xin chúng tôi làm đám cưới, mặc dù họ biết rằng chúng tôi không thể chuẩn bị bất cứ thứ gì cầu kỳ. Họ không có ảo tưởng lãng mạn, họ muốn sống qua những ngày này trong ân sủng của Thiên Chúa, như một gia đình. Ngay cả giữa chiến tranh, chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tiếp tục yêu thương mỗi người chúng ta vô bờ bến.”

Vị linh mục người Brazil ở Ukraine: “Cuộc sống của họ là của tôi, số phận của họ là của tôi”

Chầu Thánh Thể trong chiến tranh với Cha Adamski và Cha Lucas Perozzi (Photo from Aid to the Church in Need).

Cuộc sống khó khăn và liên tục nguy hiểm, nhưng Cha Lucas không có ý định rời Ukraine. Cha kết luận, “Cuộc sống của họ là cuộc sống của tôi, số phận của họ là số phận của tôi. Và linh mục không đơn độc. Giống như cha Lucas, hàng ngàn linh mục và tu sĩ đã chọn ở lại với người dân Ukraine, để trở thành những hạt giống của hòa bình và hy vọng giữa chiến tranh. Trong khi đó, ACN, đã giúp Ukraine với các dự án trong hơn 60 năm, tăng cường hỗ trợ các linh mục và nữ tu để họ cung cấp viện trợ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân của cuộc chiến này.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2022]


Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 27 tháng Ba, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, buongiorno!

Tin mừng cho Phụng vụ Chúa nhật này kể lại Dụ ngôn được gọi là Người con Hoang đàng (x. i15:11-32). Dụ ngôn dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa là Đấng luôn luôn tha thứ từ bi và dịu dàng. Luôn luôn, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Chúng ta mới là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ, nhưng Chúa luôn tha thứ. Dụ ngôn kể cho chúng ta rằng Thiên Chúa là một người Cha không chỉ chào đón chúng ta trở về, nhưng vui mừng và tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho người con trở về sau khi đã tiêu xài hoang phí hết tất cả tài sản của nó. Chúng ta là người con đó, và thật xúc động khi nghĩ về Chúa Cha luôn luôn yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta.

Nhưng trong dụ ngôn còn có một người con lớn gặp khủng hoảng trước mặt cha mình. Nó cũng có thể khiến cho chúng ta khủng hoảng. Thật vậy, người con lớn này cũng ở trong chúng ta, và chúng ta bị cám dỗ nghiêng về phía anh ta, ít nhất phần nào đó: anh ta luôn chu toàn bổn phận của mình, anh ta không bỏ nhà ra đi, vì thế anh ta thấy phẫn nộ khi nhìn thấy người Cha ôm choàng lấy đứa con sau khi nó đã cư xử rất tệ bạc. Anh ta phản đối và nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Thay vào đó, với “thằng con của cha đó”, cha đã đi xa quá đến mức tổ chức ăn mừng! (x. cc. 29-30) “Con không hiểu được cha nữa!” Đây là sự phẫn nộ của người con lớn.

Những lời này minh họa vấn đề của người con lớn. Anh ta đặt mối tương quan của bản thân với Cha chỉ thuần túy dựa trên việc tuân thủ những mệnh lệnh, trên tinh thần bổn phận. Đây cũng có thể là vấn đề của chúng ta, vấn đề giữa chúng ta và với Thiên Chúa: quên đi rằng Người là Cha, và sống đời sống tôn giáo xa cách, chỉ bao gồm những điều cấm đoán và bổn phận. Và hậu quả của sự xa cách này là sự cứng nhắc đối với người lân cận mà chúng ta không còn coi là anh chị em nữa. Thật vậy, trong dụ ngôn, người con lớn không nói chữ em con với người Cha. Không, anh ta nói thằng con của cha đó, như thể nói rằng “nó không phải là em của tôi.” Cuối cùng, anh ta liều đứng ở ngoài nhà. Thật vậy, văn bản nói: “anh ta không chịu vào nhà” (c. 28), vì có người em ở trong đó.

Thấy vậy, người cha đi ra năn nỉ anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (c. 31). Ông cố gắng làm cho người con lớn hiểu rằng đối với ông, mỗi đứa con là tất cả đối với cuộc đời của ông. Những người biết rõ điều này là bậc làm cha mẹ là những người rất gần gũi với tình cảm như Thiên Chúa. Trong một tiểu thuyết có một người cha nói một câu thật đẹp: “Khi tôi trở thành một người cha, tôi sẽ hiểu được Thiên Chúa (H. de Balzac, Il padre Goriot, Milano 2004, 112). Ở điểm này trong dụ ngôn, người Cha trải lòng với người con lớn và bày tỏ hai nhu cầu, không phải là mệnh lệnh, nhưng là những điều cần thiết cho tâm hồn của người con lớn: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 32). Chúng ta cũng phải xem trong lòng mình có hai điều mà Chúa Cha cần: phải ăn mừng và vui vẻ.

Trước hết, ăn mừng có nghĩa là thể hiện rằng chúng ta gần gũi với những người ăn năn hoặc những người đang trên đường, với những người đang gặp khủng hoảng hoặc những người xa cách. Tại sao chúng ta phải làm điều này? Bởi vì điều này giúp vượt qua nỗi sợ hãi và sự chán nản có thể ập đến từ việc nhớ lại tội của một người. Những người đã phạm lỗi lầm thường cảm thấy bị cắn rứt trong lòng. Xa lánh, thờ ơ và những lời cay nghiệt không giúp được gì. Vì vậy, cũng giống như Chúa Cha, cần phải cho họ sự chào đón ấm áp để động viên họ tiến tới. “Nhưng thưa cha, hắn ta đã làm quá nhiều điều”: hãy có sự chào đón ấm áp. Và chúng ta, chúng ta có làm điều này không? Chúng ta có tìm kiếm những người đã bỏ đi xa không? Chúng ta có muốn ăn mừng với họ không? Một tấm lòng rộng mở, lắng nghe chân thành, một nụ cười hiền hòa có thể làm được biết bao sự tốt đẹp; hãy mừng vui, đừng làm cho họ cảm thấy khó chịu! Và người Cha đã có thể nói: “Thôi được rồi con trai, về nhà đi, vào chỗ làm việc, vào phòng, chuẩn bị bản thân và công việc! Và đây cũng có thể là một cách tốt để tha thứ. Nhưng không! Thiên Chúa không biết cách tha thứ mà không ăn mừng! Và Chúa Cha ăn mừng vì Người hân hoan khi thấy đứa con trở về.

Và rồi cũng như Chúa Cha, chúng ta cần phải vui mừng. Khi một người có tấm lòng đồng điệu với Thiên Chúa sẽ nhìn thấy sự ăn năn của người khác, họ mừng vui, bất kể người kia đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng đến mức nào. Đừng khư khư tập trung vào những lỗi lầm, đừng chỉ ngón tay vào những điều sai trái họ đã phạm, nhưng hãy mừng vui trước điều tốt lành vì sự tốt lành của người khác cũng là của tôi! Và chúng ta, chúng ta có biết cách để mừng vui vì người khác không?

Cha muốn kể lại một câu chuyện tưởng tượng, nhưng là câu chuyện giúp minh họa tấm lòng của người cha. Ba hoặc bốn năm trước có một vở kịch nhạc pop về đứa con hoang đàng với toàn bộ câu chuyện. Và cuối cùng, khi người con đó quyết định trở về nhà với cha, anh ta tâm sự điều đó với một người bạn rằng: “Tôi sợ rằng cha tôi sẽ từ mặt tôi, sợ rằng ông ấy không tha thứ cho tôi!” Và người bạn khuyên anh ta: “Hãy gửi một lá thư cho cha bạn và nói với ông, ‘Thưa cha, con đã ăn năn, con muốn trở về nhà, nhưng con không chắc là cha có vui lòng không. Nếu cha muốn chào đón con, xin hãy cột một chiếc khăn tay trắng trên cửa sổ.’ Và rồi người con bắt đầu lên đường. Và khi cậu ta về gần đến nhà, tại khúc đường quanh cuối cùng, khi cậu ấy đứng trước mặt ngôi nhà. Và cậu ta nhìn thấy gì? Không phải một chiếc khăn: nó phủ đầy những khăn tay màu trắng, các cửa sổ, khắp mọi nơi! Chúa Cha cũng chào đón như vậy, cách trọn vẹn, thật vui mừng. Đây là Chúa Cha của chúng ta!

Xin Đức Trinh nữ Maria dạy chúng ta cách đón nhận lòng thương xót của Chúa để nó trở thành ánh sáng nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy những người lân cận.

_________________________________

Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh tàn khốc và vô nghĩa này, giống như mọi cuộc chiến nó đại diện cho sự thất bại của mọi người, cho mọi người trong chúng ta. Chúng ta phải từ bỏ chiến tranh, một nơi chết chóc mà những người cha người mẹ phải chôn cất con của họ, nơi con người giết anh chị em của họ mà thậm chí không nhìn thấy họ, nơi người quyền lực quyết định và người nghèo phải chết.

Chiến tranh không chỉ tàn phá hiện tại, nhưng tàn phá cả tương lai của xã hội. Tôi đọc thấy rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine, cứ hai đứa trẻ thì có một bé phải di tản khỏi đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc phá hủy tương lai, gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng đối với những người bé mọn nhất và vô tội nhất trong chúng ta. Đây là hành động vô nhân của chiến tranh – một hành động man rợ và phạm thánh!

Chiến tranh không được trở thành điều gì đó không thể tránh khỏi. Chúng ta đừng để cho mình trở nên quen thuộc với chiến tranh. Thay vào đó, chúng ta cần phải biến sự tức giận của ngày hôm nay thành cam kết cho ngày mai, vì nếu sau những gì xảy ra, chúng ta quay trở lại như chúng ta trước đây thì tất cả chúng ta sẽ có tội theo cách nào đó. Trước nguy cơ tự hủy diệt, ước mong rằng nhân loại hiểu rằng thời khắc xóa bỏ chiến tranh đã đến, xóa bỏ nó khỏi lịch sử nhân loại trước khi nó xóa bỏ lịch sử con người.

Tôi xin mọi nhà lãnh đạo chính trị hãy suy tư về điều này, để cống hiến hết mình cho việc này! Và nhìn vào đất nước Ukraine bị tan hoang để hiểu chiến tranh làm cho hoàn cảnh của mọi người mỗi ngày trở nên tồi tệ hơn như thế nào. Vì vậy, tôi xin lặp lại lời thỉnh cầu: Đủ rồi. Hãy dừng lại. Hãy bắt vũ khí câm nín. Hãy bước tới hòa bình cách nghiêm túc. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện tha thiết với Nữ vương Hòa bình, Đấng mà chúng ta đã thánh hiến nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine, với sự tham gia đông đảo và mãnh liệt là điều mà tôi phải cảm ơn tất cả anh chị em. Chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện. Kính mừng Maria …

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào các tín hữu đến từ Mexico, Madrid và Lyon; các sinh viên từ Pamplona và Huelva, và các bạn trẻ đến từ những quốc gia khác nhau tham gia lớp bồi dưỡng ở Loppiano. Cha chào các giáo dân của giáo xứ Đức Mẹ ở Roma, và những giáo dân đến từ Saint George ở Bosco, Bassano del Grappa và Gela; các ứng viên Thêm Sức từ Frascati và nhóm “Bạn bè của Dakêu” từ Reggio Emilia; cũng như Ủy ban thúc đẩy Perugia-Assisi March vì Hòa bình và Tình huynh đệ đã đến cùng với một nhóm học sinh để lặp lại cam kết của họ đối với hòa bình.

Cha chào những người tham gia cuộc thi Marathon ở Roma. Năm nay, thông qua một sáng kiến của các Vận động viên Vatican, một số vận động viên đã tham gia vào sáng kiến liên đới với những người khó khăn trong thành phố. Xin chúc mừng anh chị em!

Đúng hai năm trước, trong quảng trường này, chúng ta đã dâng lên lời khẩn xin chấm dứt đại dịch. Hôm nay, chúng ta thực hiện điều đó để xin chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tại các lối vào của Quảng trường, anh chị em sẽ được tặng một quyển sách do Ủy ban Covid-19 của Vatican phối hợp với Bộ Truyền thông xuất bản. Đó là lời mời gọi cầu nguyện không run sợ trong những lúc khó khăn, luôn có niềm tin nơi Thiên Chúa.

Cha hy vọng tất cả anh chị em có Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2022]


Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

Vị ‘Hồng y từ thiện’ của Đức Giáo hoàng lái xe cứu thương được trao tặng đến Lviv

I.Media for Aleteia

26/03/22


Đức Hồng Y Krajewski vừa rời khỏi Fatima, nơi ngài chủ sự nghi thức thánh hiến nước Nga, trở về và thẳng tiến đến Ukraine.

Giám đốc văn phòng báo chí Vatican đã thông báo với truyền thông Vatican vào ngày 26 tháng Ba rằng Đức Hồng y Konrad Krajewski, vị phụ trách công việc bác ái của Đức Giáo hoàng, đang thăm Ukraine lần thứ hai.

Ngài lái chiếc xe cấp cứu do Đức Giáo hoàng Phanxicô tặng cho thành phố Lviv, nơi gần như chưa bị bom đạn của Nga chạm đến nằm ở ở phía tây đất nước.

Vừa rời khỏi Fatima ở Bồ Đào Nha, nơi ngài đã cử hành nghi thức thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba cùng thời gian với Đức Giáo Hoàng tại Roma, vị giáo sĩ cấp cao người Ba Lan một lần nữa lại lên đường, lần này theo hướng tới vùng chiến sự.

Ngài sẽ tặng chính quyền thành phố chiếc xe cứu thương vừa được vị đứng đầu Giáo hội Công giáo làm phép.


Sự thánh hiến tại Fatima

Đức Hồng Y Krajewski nói rằng ngài đang thực hiện chuyến đi này “với tất cả niềm tin của mình” để “nhìn thấy những kết quả cụ thể” của hành động tận hiến đã hiệp nhất Giáo hội trên toàn thế giới.

Đức Hồng y Krajewski nói với Crux rằng ngài sẽ có một tài xế phụ – một người đàn ông vô gia cư người Ba Lan sẽ ở lại Krakow, trong khi đức hồng y tiếp tục đến Ukraine. Ngài nói với Crux, “Chúng tôi sẽ thay đổi tay lái; từ Rome đến Đông Âu là một chuyến đi dài.”

Cùng với Đức Giáo Hoàng ở Quảng trường Thánh Phêrô, khoảng 15.000 tín hữu – bao gồm cả Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa – đã tập trung tại Fatima trong buổi thánh hiến.

Trong chuyến đi lần trước đến Ukraine cách đây hai tuần, vị tuyên úy tông tòa đã vượt biên giới từ Ba Lan đến Lviv và vào nội địa của đất nước.

Đức Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục vụ sự Phát Triển Con Người Toàn Diện, cũng đã đến Hungary và Slovakia để hỗ trợ những người tị nạn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2022]


Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

VINCENZO PINTO | AFP

Kathleen N. Hattrup

25/03/22


Lời cầu nguyện có nhiều điều để chúng ta suy niệm!

Bản văn lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến nước Nga, Ukraine và toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria rất phong phú về ý nghĩa thiêng liêng và thần học. Mặc dù có nhiều điểm cần được làm nổi bật, sau đây là 10 điểm ngắn gọn cần được cân nhắc.

1. NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI, PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY, CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Lời cầu nguyện thể hiện niềm tin của Giáo hội từ những thế kỷ đầu, cả phương Đông và phương Tây. Chúng ta xưng tụng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, tước hiệu được khẳng định cho Mẹ tại Công đồng Êphêsô năm 431.

2. THỪA NHẬN TRỌNG TỘI CỦA THẾ GIỚI

Đức Thánh Cha đưa ra một danh sách các trọng tội đã gây thương tích nặng nề cho thế giới của chúng ta, và một số tội trọng là mối quan tâm đặc biệt của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói đến các cuộc chiến tranh thế giới, và sự hiệp thông của các dân tộc; Đức Phanxicô thường bày tỏ hy vọng rằng các tổ chức của cộng đồng quốc tế có thể là một sức mạnh cho hòa bình và công lý.

Ngài than van về những giấc mơ tan vỡ của tuổi trẻ – là một chủ đề yêu thích khác của ngài – và khuynh hướng các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.

Ngài nói về việc đàn áp những sinh linh vô tội, có lẽ là một tiếng vang cho thấy ngài cảm nhận cách sâu sắc về tội phá thai, và việc chúng ta thiếu sự quản lý đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

3. KHẲNG ĐỊNH RẰNG THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ MỆT MỎI TRONG VIỆC THA THỨ

Có lẽ một trong những điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng nhấn mạnh nhất đối với Giáo hội là Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng tha thứ, rằng Người “không bao giờ mệt mỏi” trong việc tha thứ. Điều này một lần nữa được nhắc đến trong lời cầu nguyện thánh hiến.

4. LUÔN LUÔN, LUÔN LUÔN, LUÔN LUÔN

Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria là người mẹ tốt lành nhất trong các bà mẹ, luôn hiện diện trong mọi hoàn cảnh. “Mẹ không ngừng hướng chúng con đến với Chúa Giêsu, vị Hoàng tử của Hòa bình”; “Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con”; “Mẹ luôn luôn ở với chúng con; ngay cả trong những thời khắc âu lo nhất”; “Mẹ luôn tỏ mình cho chúng con biết trong mọi thời đại” v.v.

5. ĐỨC MẸ GUADALUPE

Trong khi việc thánh hiến đặc biệt hướng sự chú ý đến Đức Mẹ Fatima, lời cầu nguyện thánh hiến cũng đề cập đến những lần hiện ra khác của Mẹ. Đáng chú ý là thông điệp của Mẹ tại Guadalupe được trích dẫn:

Một lần nữa nói với chúng ta: “Ta đang hiện diện ở đây, Ta là Mẹ của con.”

6. VÀ ĐỨC MẸ THÁO GỠ NHỮNG NÚT THẮT

Tương tự, lời cầu nguyện đề cập đến một trong những sự sùng kính yêu mến của Đức Giáo hoàng, khẳng định rằng, “Mẹ có thể tháo gỡ những nút thắt nơi tâm hồn và thời đại của chúng con”.

7. SÁU TƯỚC HIỆU CỤ THỂ

Trong khi có vô số tước hiệu yêu mến và sùng mộ dành cho Đức Mẹ, Đức Giáo hoàng đề cập đến 6 tước hiệu này, với những lời thỉnh cầu cụ thể, bao gồm “bảo vệ thế giới của chúng con khỏi sự đe dọa của vũ khí nguyên tử”.

Sao Biển,

Hòm bia Giao ước mới,

Nữ vương Thiên Đàng,

Nữ vương Mân Côi,

Nữ vương Gia đình Nhân loại,

Nữ vương Hòa bình,

8. THAM CHIẾU VỀ MẸ MARIA TRONG CÁC TIN MỪNG

Lời cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, lưu ý đến lời cầu xin của Đức Maria tại Cana và than van, “trong thời đại của chúng con, chúng con đã cạn kiệt rượu hy vọng, niềm vui đã vụt tắt, tình huynh đệ đã tàn lụi.”

Lời cầu nguyện nói về sự dâng hiến Thánh Gioan của chính Chúa Giêsu, và qua Thánh Gioan, dâng hiến tất cả chúng ta cho Đức Mẹ dưới chân thập giá. “Vào giờ này, nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang cùng đứng với Mẹ dưới chân thập giá, cần phó thác chính mình cho Mẹ và nhờ Mẹ, dâng mình cho Chúa Kitô.”

Và lời cầu nguyện kết thúc với sự nhắc nhở rằng Đức Maria là vinh quang của loài người, là một phụ nữ như chúng ta: “Mẹ đã từng bước đi trên các đường phố của thế giới chúng con; giờ đây xin hãy dẫn dắt chúng con trên những nẻo đường hòa bình. Amen. ”

9. ĐỀ CẬP ĐẶC BIỆT ĐẾN NƯỚC NGA VÀ UKRAINE

“Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, chúng con long trọng phó thác và tận hiến chính mình, Giáo hội và toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraine, cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ.”

10. NGƯỜI NGA VÀ NGƯỜI UKRAINE, NHỮNG ANH EM CỦA CHÚNG TA

Đối với Đức Giáo Hoàng, người đã viết một tông huấn về việc tất cả mọi người đều là anh chị em, là con của một Cha chung, lời cầu nguyện này là một dịp để nhấn mạnh rằng ngay cả trong chiến tranh, chúng ta vẫn là “Fratelli tutti” – tất cả là anh em.

Trong lời cầu nguyện, ngài làm điều này bằng cách nhấn mạnh đến lòng sùng kính lớn lao mà người Nga và người Ukraine dành cho Đức Mẹ:

Người dân Ukraine và Nga, những người hết lòng sùng kính Mẹ, giờ đây cùng hướng về Mẹ, ngay khi trái tim Mẹ rung nhịp yêu thương dành cho họ và cho tất cả những dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bất công và cùng khổ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2022]


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer cùng với những người tị nạn Ukraine đứng trước căn nhà trước đây là nhà của Đức ông Georg Ratzinger


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer gặp gỡ những người tị nạn Ukraine sống trong ngôi nhà trước đây của Đức ông Georg Ratzinger.


CNA Staff

Regensburg, Đức, 24 tháng Ba, 2022 / 05:20 am


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã mở cửa cho những người tị nạn Ukraine.

Ngôi nhà ở thành phố Regensburg, miền nam nước Đức, đã để không sau khi Đức ông Georg Ratzinger qua đời ngày 1 tháng Bảy năm 2020, thọ 96 tuổi, cho đến khi hai gia đình tị nạn đến.

Đức Benedict XVI đã đến thăm anh trai của ngài vài ngày trước khi đức ông qua đời, dâng Lễ tại ngôi nhà ở Khu Phố Cổ của thành phố.

CNA Deutsch, đối tác bản tin tiếng Đức của CNA đưa tin rằng tòa nhà hiện là nơi ở của hai gia đình từ thị trấn Horishni Plavni, cách thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 80 dặm về phía đông nam.

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đến thăm các gia đình vào ngày 23 tháng Ba. Giáo phận Regensburg cho biết ngài tặng những món quà chào mừng là bia, nước chanh, và một ảnh Đức Mẹ.

Cha Ruslan Denysiuk, một linh mục Chính thống giáo Ukraine, quyết định rời Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vì cha và vợ là bà Hanna đang chuẩn bị đón đứa con thứ tư của họ chào đời vào tháng Tư.

Cha rời bỏ Horishni Plavni bằng xe hơi cùng với bà Hanna, ba đứa con của họ là Bogdan (17 tuổi), Maria (12 tuổi) và Ilia (11 tuổi), và người bà 74 tuổi của họ. Họ lái xe về phía tây đến nước láng giềng Moldova, sau đó qua Romania, Hungary và Áo, trên một chuyến đi dài hơn 1.550 dặm (gần 2500 km) đến Đức.

Những ngày sau khi gia đình tìm được nơi ẩn náu tại ngôi nhà cũ của Đức ông Ratzinger, họ có thêm gia đình chị Galina Lysenko và cô con gái 13 tuổi Aleksandra, là giáo dân giáo xứ của Cha Denysiuk. Chồng của chị Lysenko vẫn ở Ukraine để giúp bảo vệ thành phố Horishni Plavni.

Người dân địa phương đã quyên góp nồi chảo, chén đĩa ăn, quần áo, bàn tủ nội thất và đồ chơi cho hai gia đình.

Nơi ở trước đây của Đức ông Ratzinger thuộc sở hữu của Tu viện Collegiates Thánh Gioan. Các gia đình chuyển đến với sự giúp đỡ của tổ chức Caritas địa phương. Thêm nhiều ngôi nhà cũng được lắp đặt trang bị, với sự hỗ trợ của khu dân cư địa phương và tổ chức xã hội Công giáo Kolping.

Theo Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc, hơn 3,6 triệu người đã tháo chạy khỏi Ukraine trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Hơn 200.000 người tị nạn đã đến Đức, một quốc gia có dân số 83 triệu người.

Đức cha Voderholzer sẽ tham gia nghi thức thánh hiến nước Nga và Ukraine trên toàn cầu cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.

Đức Cha cũng sẽ chủ tế một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Chính tòa Regensburg vào ngày 26 tháng Ba. Phần âm nhạc sẽ do ca đoàn Regensburger Domspatzen nổi tiếng đảm trách, đã từng được hướng dẫn bởi Đức ông Ratzinger. Cha Denysiuk sẽ hát lời nguyện trong Nhà thờ Slavonic. Một buổi lạc quyên sẽ hỗ trợ những người tị nạn Ukraine.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2022]


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

“Cùng hiệp chung với các Giám mục và tín hữu trên toàn thế giới, tôi khao khát dâng tất cả những gì chúng ta hiện đang trải qua cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria cách trọng thể.”

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ trọng Lễ Truyền tin trong Đền thánh Phêrô ngày 25 tháng Ba, 2022. (photo: Courtney Mares/screenshot / CNA/EWTN)

Vatican 25 tháng Ba, 2022


Ghi chú BTV: Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Trọng Lễ Truyền tin ngày 25 tháng Ba, 2022 trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài.

*****

Trong bài Tin mừng Lễ trọng hôm nay, thiên thần Gabriel ba lần nói với Đức Trinh nữ Maria.

Lần thứ nhất là khi Thiên sứ chào Mẹ và nói, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Lý do để mừng vui, lý do để hân hoan, được tỏ lộ trong một vài từ: Đức Chúa ở cùng bà. Thưa anh chị em, hôm nay anh chị em có thể nghe thấy những lời đó nói với anh chị em. Anh chị em có thể lấy những lời đó làm của riêng mình mỗi lần anh chị em tiếp cận với sự tha thứ của Chúa, vì ở đó Chúa nói với anh chị em, “Ta ở cùng con.”

Thường thường, chúng ta nghĩ rằng Xưng tội là đến với Chúa với dáng vẻ chán nản. Tuy nhiên, không còn là vấn đề chúng ta đến với Chúa, nhưng là Chúa đến với chúng ta, đổ đầy ân sủng của Người cho chúng ta, đổ đầy niềm vui cho chúng ta. Sự xưng thú tội của chúng ta là cho Chúa Cha niềm vui nâng chúng ta lên một lần nữa. Nó không còn thiên về tội của chúng ta cho bằng về sự tha thứ của Người.

Hãy suy nghĩ về điều đó: nếu tội của chúng ta là trung tâm của bí tích thì hầu như tất cả mọi sự đều lệ thuộc vào chúng ta, vào sự ăn năn của chúng ta, nỗ lực và quyết tâm của chúng ta. Trái lại, bí tích là về Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta và vực chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình.

Một lần nữa chúng ta nhận ra tính ưu việt của ân sủng và xin ơn để nhận ra rằng Hòa giải trước hết không phải là chúng ta đến gần với Chúa, nhưng là vòng tay của Người bao bọc, làm chúng ta kinh ngạc và choáng ngợp. Thiên Chúa đi vào nhà của chúng ta, như Người đã làm với Mẹ Maria tại làng Nadarét, và mang đến cho chúng ta sự kinh ngạc và niềm vui không ngờ.

Trước hết chúng ta hãy nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa: rồi chúng ta sẽ khám phá lại được lòng yêu mến việc Xưng tội. Chúng ta cần việc này, vì mọi sự tái sinh bên trong, mọi sự canh tân tâm hồn, đều bắt đầu từ đó, từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta không thờ ơ với Bí tích Hòa giải, nhưng tái khám phá được đó là bí tích của niềm vui. Vâng, của niềm vui, bởi vì sự xấu hổ vì tội của chúng ta trở thành cơ hội để cảm nghiệm vòng tay ấm áp của Chúa Cha, sức mạnh dịu dàng của Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, và “sự dịu dàng của tình mẫu tử” của Chúa Thánh Thần. Đó là trung tâm của việc Xưng tội.

Và thưa các anh em linh mục, anh em là những thừa tác viên cho sự tha thứ của Thiên Chúa, hãy trao cho những người đến với anh em niềm vui của lời loan báo này: Mừng vui lên, Thiên Chúa ở cùng anh em. Hãy gạt bỏ sự cứng nhắc, những trở ngại và sự gay gắt; ước mong anh em trở thành những cánh cửa rộng mở dẫn đến lòng thương xót! Đặc biệt trong tòa Giải tội, chúng ta được kêu gọi thực hiện vai trò của người Mục tử Nhân Lành bồng ẵm con chiên trong vòng tay và nâng niu chúng. Chúng ta được kêu gọi trở thành những kênh ân sủng tuôn đổ nguồn nước hằng sống của lòng thương xót của Chúa Cha cho những trái tim cằn cỗi.

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Đức Thánh Cha thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria. (Photo: Screenshots)

Lần thứ hai thiên sứ nói với Mẹ Maria. Mẹ bối rối trước lời chào của sứ thần, và vì vậy sứ thần nói với Mẹ, “Xin đừng sợ” (c. 30). Trong Kinh thánh, bất cứ khi nào Chúa hiện ra với những ai đón nhận Người, Người rất thích bật lên lời đó: Đừng sợ! Chúa nói lời đó với tổ phụ Abraham (x. St 15:1), lặp lại với Isaac (x. St 26:24), với Giacóp (x. St 46:3) v.v.., cho đến Thánh Giuse (x. Mt 1:20) và Mẹ Maria. Bằng cách này, Người gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng và an ủi: khi cuộc sống chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa thì nỗi sợ hãi không còn cầm giữ chúng ta trong vòng cương tỏa.

Anh chị em thân mến, nếu tội làm anh chị em sợ hãi, nếu quá khứ khiến anh chị em lo lắng, nếu những vết thương của anh chị em không lành, nếu những thất bại liên tục làm anh chị em nản chí và anh chị em dường như đã mất hy vọng, đừng sợ. Thiên Chúa thấu biết những yếu đuối của anh chị em và Người lớn lao hơn những lỗi lầm của anh chị em. Người chỉ yêu cầu anh chị em một điều duy nhất: rằng anh chị em đừng ôm giữ lấy những yếu đuối và đau khổ trong lòng mình. Hãy đưa chúng đến với Người, đặt chúng trước mặt Người, và từ chỗ là lý do để tuyệt vọng thì chúng sẽ trở thành cơ hội để phục sinh. Đừng sợ!

Đức Trinh nữ Maria đồng hành với chúng ta: Mẹ đã dâng những lo lắng phiền muộn của Mẹ lên Thiên Chúa. Lời loan báo của thiên thần là một lý do chính đáng để Mẹ sợ hãi. Thiên sứ đề nghị với Mẹ một điều không tưởng và vượt quá khả năng của Mẹ, một điều mà Mẹ không thể giải quyết một mình: sẽ có quá nhiều những khó khăn, những rắc rối với luật Môsê, với Thánh Giuse, với những người trong làng và dân tộc của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ Maria không phản đối. Đừng sợ – những lời đó là đủ đối với Mẹ; sự trấn an của Chúa là đủ đối với Mẹ. Mẹ bám lấy Chúa, như chúng ta muốn làm đêm nay.

Tuy nhiên, chúng ta thường làm hoàn toàn ngược lại. Chúng ta bắt đầu từ những sự chắc chắn của riêng mình, và khi chúng ta mất chúng thì chúng ta mới chạy đến với Chúa. Ngược lại, Mẹ dạy chúng ta hãy bắt đầu từ Chúa, tin tưởng rằng theo cách này thì mọi sự khác sẽ được ban tặng cho chúng ta (x. Mt 6:33). Mẹ mời gọi chúng ta đi về cội nguồn, về với Thiên Chúa là phương thuốc cuối cùng chống lại sự sợ hãi và trống rỗng trong cuộc sống. Có một cụm từ dễ thương được viết phía trên tòa giải tội ở trong Vatican này nhắc nhở chúng ta về điều đó. Cụm từ thưa với Chúa bằng những lời này, “Quay lưng lại với Người là té ngã, trở lại với Người là trỗi dậy, ở trong Người là có sự sống” (x. Thánh Augustine, Soliloquies I, 3).

Trong những ngày này, các bản tin thời sự và những cảnh chết chóc vẫn tiếp tục tràn vào nhà chúng ta, thậm chí khi bom đạn phá hủy nhà cửa của nhiều anh chị em người Ukraine không có khả năng tự vệ của chúng ta. Cuộc chiến tàn bạo đã cướp đi sinh mạng nhiều người, và gây ra đau khổ cho tất cả mọi người, đã khiến cho từng người chúng ta sợ hãi và lo âu. Chúng ta cảm nhận được sự bất lực và kém cỏi của mình. Chúng ta cần được nghe câu, “Đừng sợ.”

Tuy nhiên, sự bảo đảm của con người là không đủ. Chúng ta cần sự gần gũi của Thiên Chúa và được bảo đảm về sự tha thứ của Người, đó là điều duy nhất loại bỏ cái ác, dẹp tan oán hận và khôi phục sự bình an cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy trở về với Chúa và sự tha thứ của Người.

Lần thứ ba thiên thần nói với Mẹ Maria rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1:35). Đó là cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử: bằng cách ban chính Thần Khí của Người. Bởi vì đối với những điều quan trọng, sức riêng của chúng ta là không đủ. Tự sức mình, chúng ta không thể giải quyết thành công những mâu thuẫn của lịch sử hoặc thậm chí những mâu thuẫn trong lòng chúng ta. Chúng ta cần sự khôn ngoan và sức mạnh dịu dàng của Thiên Chúa đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Thần Khí tình yêu là Đấng xua tan hận thù, xoa dịu sự cay đắng, dập tắt lòng tham, làm chúng ta thức tỉnh thoát khỏi sự thờ ơ. Chúng ta cần tình yêu của Thiên Chúa, vì tình yêu của chúng ta là mong manh và không đủ. Chúng ta xin Chúa nhiều điều, nhưng chúng ta lại thường xuyên quên xin Người điều quan trọng nhất, và điều Người khao khát ban tặng cho chúng ta nhất: Chúa Thánh Thần, sức mạnh tình yêu.

Thật vậy, nếu không có yêu thương, chúng ta có thể trao tặng cho thế giới điều gì? Người ta nói rằng một người Kitô hữu mà không có sự yêu thương cũng giống như một cây kim không khâu lại: nó châm chích, nó gây vết thương, và nếu nó không khâu lại, đan kết hoặc vá lại, nó trở nên vô dụng. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm kiếm sức mạnh yêu thương trong sự tha thứ của Chúa: cùng một Thần Khí đã ngự xuống trên Mẹ Maria.

Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới, trước hết tâm hồn chúng ta phải thay đổi. Để điều này xảy ra được, chúng ta hãy cho phép Đức Mẹ nắm lấy tay của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm Trái tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ nơi Thiên Chúa cư ngụ. Mẹ Maria “đầy ân sủng” (c. 28), và do đó không vương tội. Trong Mẹ, không có dấu vết của sự dữ, và do đó Thiên Chúa đã có thể bắt đầu câu chuyện mới về ơn cứu độ và hòa bình với Mẹ. Trong Mẹ, lịch sử chuyển sang trang. Thiên Chúa thay đổi lịch sử bằng cách gõ cửa trái tim Mẹ Maria.

Hôm nay, được đổi mới nhờ ơn tha thứ của Chúa, ước mong chúng ta cũng hãy gõ cửa Trái tim Vẹn sạch của Mẹ. Cùng hiệp chung với các Giám mục và tín hữu trên toàn thế giới, tôi khao khát dâng tất cả những gì chúng ta hiện đang trải qua cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria cách trọng thể. Tôi mong muốn lặp lại việc thánh hiến Giáo hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ, và thánh hiến cho Mẹ cách đặc biệt dân tộc Ukraine và dân tộc Nga, những dân tộc với lòng thảo hiếu, tôn kính Mẹ là Mẹ.

Đây không phải là công thức pháp thuật nhưng là một hành động thiêng liêng. Đó là một hành động hoàn toàn tin tưởng của những người con hướng về Mẹ của chúng, giữa cảnh khốn khổ của cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa đe dọa thế giới chúng ta, đặt tất cả những nỗi hãi sợ và đau đớn của chúng trong trái tim Mẹ và phó thác cho Mẹ. Nó có nghĩa là đặt vào trong trái tim tinh tuyền và không vết nhơ đó, nơi Thiên Chúa được phản chiếu, gia tài vô giá của tình huynh đệ và hòa bình, tất cả những gì chúng ta có và con người chúng ta để Mẹ, người Mẹ mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta, có thể bảo vệ chúng ta và trông nom chúng ta.

Rồi Mẹ Maria thốt lên những lời đẹp nhất mà thiên sứ mang về cho Thiên Chúa: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38). Lời của Mẹ không phải là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, nhưng là khao khát sống vâng nghe Thiên Chúa, Đấng đã “làm kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương” (Gr 29:11). Lời của Mẹ là sự chia sẻ mật thiết nhất trong chương trình hòa bình của Chúa cho thế giới.

Chúng ta dâng mình cho Mẹ Maria để tham gia vào chương trình này, để dâng mình hoàn toàn theo chương trình của Chúa. Sau khi thốt lên lời “Fiat”, Mẹ Thiên Chúa bắt đầu hành trình dài về miền núi để thăm viếng một người chị họ đang mang thai một hài nhi (x. Lc 1:39). Giờ đây xin Mẹ đón nhận hành trình của chúng ta vào trong tay Mẹ: xin Mẹ hướng dẫn những bước đi của chúng ta qua những con đường gập ghềnh và gian nan của tình huynh đệ và đối thoại, trên con đường hòa bình.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2022]