Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Xe giáo hoàng ở Bangkok là một chiếc Nissan bán tải khiêm nhường

Xe giáo hoàng ở Bangkok là một chiếc Nissan bán tải khiêm nhường

Chiếc xe được cải tiến để trống cả hai bên vì Đức Thánh Cha Phanxico muốn được gần gũi với các tín hữu

Xe giáo hoàng ở Bangkok là một chiếc Nissan bán tải khiêm nhường


Đức Thánh Cha Phanxico sẽ có những chuyến đi ngắn trong Bangkok từ 20-23 tháng Mười Một trong một chiếc Nissan bán tải được cải tiến. (Photo supplied)
5 tháng Mười Một, 2019

Chiếc xe sẽ chở Đức Thánh Cha Phanxico quanh Bangkok trong chuyến tông du của ngài đến Thái Lan đã lộ diện là chiếc Nissan bán tải màu trắng.

Chiếc bán tải được sản xuất bởi một nhà máy trụ sở tại Thái Lan của hãng xe Nhật Bản, được cải tiến để có thể phục vụ làm xe giáo hoàng.

Trang bị động cơ điện, chiếc xe có lắp đặt một ghế bành bọc da trên khoang chở hàng, khoang này được bọc một lớp thảm đỏ mịn trên sàn. Mui xe phủ nhựa trong suốt phía trên để bảo vệ Đức Thánh Cha Phanxico trong trường hợp trời mưa.

Chiếc xe được tiết lộ ngày 4 tháng Mười Một bởi các nhà tổ chức sự kiện, có ba bậc lên xuống gắn sau thùng xe để Đức Thánh Cha có thể lên xuống dễ dàng.

Xe được để trống cả hai bên vì Đức Thánh Cha Phanxico yêu cầu rằng ngài phải được tiếp cận với tín hữu trên đường càng gần càng tốt.

Cũng như các xe giáo hoàng khác, chiếc bán tải Nissan sẽ mang biển số đặc biệt “SCV 1,” viết tắt của chữ Status Civitatis Vaticanae (Nhà nước Vatican).

Đức Phanxico đã yêu cầu phải sử dụng những loại xe đơn giản, ít phô trương để chở ngài trong những chuyến tông du. Loại xe bán tải Nissan rất phổ biến ở Thái Lan vì là một dòng xe được lựa chọn bởi nhiều người nông dân và những người sống trong các vùng nông thôn.

Trong những chuyến đi trên khắp thế giới, Đức Thánh Cha Phanxico đã sử dụng nhiều loại xe được cải tiến. Một số được trang bị kính chống đạn phủ cả bốn phía.

Sự đề phòng về an ninh được cho là cần thiết sau âm mưu ám sát Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II bởi một tay súng người Thổ Nhĩ kỳ tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong Vatican năm 1981.

Chiếc xe ở Bangkok sẽ không gắn kính chống đạn để bảo vệ giáo hoàng, nhưng sẽ có lực lượng an ninh dày đặc dọc các tuyến đường ngài sẽ đi qua trong thủ đô của Thái Lan.

Trước đây Đức Thánh Cha Phanxico đã đặt tên cho thùng kính chống đạn là một “thùng cá mòi.” Ngài cũng làm nhẹ bớt những lo lắng về sự an toàn của ngài, ngài nói với tờ báo Tây Ban nha La Vanguardia: “Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng chúng ta cứ đối mặt với nó đi, ở tuổi của tôi, tôi chẳng có gì nhiều để mất.”

Đức Giáo hoàng, được mọi người biết đến như là một vị giáo hoàng của mọi người, nổi tiếng về việc thích được tiếp cận gần gũi và trực tiếp với đám đông trong những chuyến thăm các dân tộc trên khắp hành tinh.

Điều này rất quan trọng với ngài, Đức Phanxico nhấn mạnh, “để hiểu biết con người, để lắng nghe và mở rộng quỹ đạo ý tưởng.”

Ngài nói thêm: “Thế giới được đan chéo bằng những con đường để đến gần nhau hơn và để di chuyển, nhưng điều quan trọng là chúng phải dẫn đến sự thiện.”



[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/11/2019]


Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla
© Vatican Media

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

Lần viếng Hang Toại đạo đầu tiên của Đức Thánh Cha

02 tháng Mười Một, 2019 19:32

Chiều hôm nay, cầu cho tất cả các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha đến dâng Thánh Lễ tại Hang Toại đạo Priscilla, ở Via Salaria, Roma.

Lúc 4 giờ chiều Thánh Lễ được cử hành trong Tiểu Vương cung Thánh đường San Silvestro Papa. Các nữ tu Benedictine là những người trông coi Hang Toại đạo Priscilla và khoảng 100 người tham dự.

Cuối Thánh Lễ và trước khi trở về Vatican lúc 5.30 chiều, Đức Thánh Cha Phanxico thực hiện cuộc viếng ngắn xuống hang toại đạo ở phía dưới, dừng lại một lát trước biểu tượng của Đức Mẹ Madonna có niên đại giữa thế kỷ thứ 3, ở trong hành lang, phía trước nhà nguyện Hy Lạp. Khi trở về Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico đến viếng Hầm mộ Vương cung Thánh đường Vatican để cầu nguyện riêng một lát cho các Giáo hoàng đã qua đời.

Dưới đây chúng tôi đăng văn bản bài giảng (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

Việc dâng Lễ cho tất cả những người đã qua đời trong một hang toại đạo nói cho chúng ta rất nhiều điều – với cha đây là lần đầu tiên trong đời cha đi vào một hang toại đạo, nó là một sự ngạc nhiên. Chúng ta có thể suy nghĩ đến cuộc sống của những con người đó, những người đã phải lẩn trốn, những người tạo ra văn hóa chôn cất người chết và dâng Thánh Lễ trong nơi này … Nó là một thời điểm lịch sử tồi tệ, nhưng nó vẫn chưa trôi qua: ngay cả hôm nay vẫn có, có nhiều. Có nhiều hang toại đạo trong những quốc gia khác, nơi mà người ta thậm chí phải giả vờ như đang tổ chức bữa tiệc hay một buổi sinh nhật để dâng Thánh Lễ, vì ở đó cấm làm những việc như vậy. Ngay cả hôm nay vẫn có những Ki-tô hữu bị bách hại, còn nhiều hơn cả những thế kỷ đầu, nhiều hơn. Nơi đây – hang toại đạo, sự bắt bớ, những Ki-tô hữu – và các Bài đọc, làm cha liên tưởng đến ba từ ngữ: căn cước, vị trí và niềm hy vọng.

Căn cước của những người đã tập họp ở đây để dâng Thánh Lễ và ca tụng Thiên Chúa, cũng giống như căn cước của những anh chị em chúng ta hôm nay ở rất nhiều, rất nhiều quốc gia nơi người Ki-tô hữu là một phạm nhân, vì Ki-tô giáo bị cấm cách, họ không có quyền gì. Chuyện cũng như vậy. Căn cước ở đây là điều mà chúng ta đã nghe: đó là Tám mối phúc. Căn cước của Ki-tô hữu là Bát phúc. Không có một Bát phúc khác. Nếu anh chị em thực thi điều này, nếu anh chị em sống như vậy, anh chị em là người Ki-tô hữu. “Không, nhưng mà tôi thuộc về hội đoàn kia, hội đoàn nọ …, tôi thuộc phong trào này …” Đúng, đúng, tất cả những điều tốt đẹp; nhưng đó là sự màu mè trước thực tại này. Căn cước của anh chị em là đây [chỉ vào Tin mừng], và nếu anh chị em không có điều này, thì các phong trào hay những sự thuộc về đó đều là vô ích. Hoặc bạn phải sống theo Tin mừng, hoặc bạn không phải là người Ki-tô hữu; đơn giản như vậy. Chúa đã nói điều đó. “Vâng, nhưng nó không hề dễ dàng, tôi không biết phải sống theo cách đó như thế nào …”. Có một trích đoạn khác trong Tin mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này, và trích đoạn Tin mừng đó cũng sẽ là “nghị định thư vĩ đại” mà chúng ta sẽ bị phán xét căn cứ theo đó. Nó ở trong Tin mừng Mát-thêu 25. Với hai trình thuật Tin mừng, Tám Mối Phúc, và nghị định thư vĩ đại, chúng ta sẽ cho thấy căn cước của chúng ta là người Ki-tô hữu bằng lối sống như vậy. Không theo con đường đó thì sẽ không có căn cước. Đó chỉ là sự tưởng tượng là người Ki-tô hữu, nhưng không phải là căn cước.

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

Đây là căn cước của người Ki-tô hữu. Từ ngữ thứ hai: vị trí. Những con người đó đến đây để lẩn trốn, để được an toàn, thậm chí là để chôn người chết; và những con người ngày nay phải cử hành Thánh Lễ trong bí mật, trong những quốc gia Ki-tô giáo bị cấm cách … Cha nghĩ đến người nữ tu đó ở Albania đã phải vào trại cải tạo, vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, và các linh mục bị cấm không được ban các bí tích, và người nữ tu này ở đó đã làm phép rửa trong bí mật. Người ta, những người Ki-tô hữu biết tin nữ tu làm phép rửa và những người mẹ mang con họ đến; nhưng chị nữ tu không có cái chén, một thứ để đựng nước … Chị (1) đã làm việc đó bằng những chiếc giày: chị (1) lấy nước từ sông và rửa tội bằng những chiếc giày. Vị trí của người Ki-tô hữu là ở mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc quyền trong cuộc sống. Một số người muốn có nó, họ là những Ki-tô hữu “đủ điều kiện.” Nhưng họ có nguy cơ an vị với tình trạng “đủ điều kiện” đó và bỏ rơi mất “tính Ki-tô hữu”. Người Ki-tô hữu, vị trí của họ ở đâu? “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1): vị trí của người Ki-tô là ở trong tay Thiên Chúa, ở nơi Ngài muốn. Tay Thiên Chúa, là bàn tay của Con của Người là Đấng muốn mang những vết thương theo cùng với Ngài để trình lên với Chúa Cha và can thiệp cho chúng ta. Vị trí của người Ki-tô hữu là ở trong sự can thiệp của Chúa Giê-su trước mặt Chúa Cha, trong bàn tay của Chúa. Và chúng ta thật vững vàng khi ở đó, bất kể việc gì xảy ra, thậm chí có thánh giá xảy đến. Căn cước của chúng ta [chỉ vào Tin mừng] nói rằng chúng ta được phúc nếu người ta bắt bớ chúng ta, nếu họ nói mọi điều chống lại chúng ta; nhưng nếu chúng ta ở trong bàn tay Thiên Chúa, khẩn cầu tình thương, thì chúng ta trở nên vững vàng. Đây là vị trí của chúng ta. Và hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: vậy tôi cảm thấy an toàn nhất ở nơi đâu? Trong bàn tay của Chúa hay với những thứ khác, với những an toàn khác mà chúng ta “thuê” nhưng cuối cùng sẽ đổ vỡ, những thứ không có sự kiên định?

Những người Ki-tô hữu này, với thẻ căn cước này, những người đã sống và đang sống trong bàn tay của Chúa, là những con người của hy vọng. Và đây là từ ngữ thứ ba hôm nay hiện lên trong tâm trí của cha: sự hy vọng. Chúng ta nghe thấy lời đó trong bài đọc hai: thị kiến sau cùng nơi mọi thứ được lập lại, nơi mọi điều được tái tạo, đó là quê hương nơi tất cả chúng ta cùng đi tới. Và để đi đến đó, chúng ta không cần những điều kỳ lạ, chúng ta không cần những thái độ sành điệu: chúng ta chỉ cần đưa ra thẻ căn cước của mình: “Được rồi, hãy tiến vào.” Niềm hy vọng của chúng ta trong nước Trời, niềm hy vọng của chúng ta được thả neo ở đó, và chúng ta với dây thừng trong tay, vững vàng nhìn đến bờ sông kia, nơi chúng ta phải vượt qua.

Căn cước: Bát phúc và Mát-thêu 25. Vị trí: nơi an toàn nhất là trong bàn tay của Chúa, được lây nhiễm bởi tình yêu. Niềm hy vọng, tương lai: neo chặt ở đó, nơi bờ sông bên kia, nhưng tôi bấu víu vào dây thừng. Điều này rất quan trọng, luôn luôn bám vào dây thừng! Rất nhiều lần chúng ta chỉ nhìn thấy dây thừng, thậm chí không thấy neo, thậm chí không nhìn thấy bờ bên kia; nhưng anh chị em, bám chắc vào dây thừng để anh chị em sẽ đến nơi an toàn.

[01741-IT.02] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2019]


Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

‘Toàn cầu hóa và tính tương thuộc’

23 tháng Mười, 2019 18:04

Ngày 17 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, phát biểu trước Ủy ban Thứ Hai của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình Hành động 20, nói về “Toàn cầu hóa và tính tương thuộc.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi nỗ lực toàn cầu chung để giải quyết sự bần cùng và nạn đói. Tòa Thánh xem Chương trình Hành động Phát triển Bền vững 2030 như một công cụ qua đó giải quyết những thách thức này. Đức Tổng Giám mục Auza miêu tả cộng đồng quốc tế như là một “gia đình các dân tộc,” được liên kết xuyên suốt nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, công nghệ, sức khỏe, và di cư. Trong khi sự toàn cầu hóa cung cấp cho chúng ta phương tiện qua đó chúng ta có thể cùng nhau hoạt động hướng tới ích chung, để trở nên khỏe mạnh, đó phải là sự toàn cầu hóa được xây dựng trên tình huynh đệ nhân loại và tình đoàn kết, và chống lại chủ nghĩa đơn phương, sự thống trị của giới quyền lực trên người yếu thế và sự áp đặt những hệ tư tưởng của những người dư thừa trên những người vô sản.


Dưới đây là toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục

Thưa ông Chủ tịch, 

Các quốc gia và các dân tộc trên thế giới phải đối mặt với vô vàn thách thức không thể giải quyết bởi riêng một Chính phủ hay một tổ chức quốc tế. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi câu trả lời toàn cầu. Điều này thậm chí trở nên rõ rệt hơn trong những nỗ lực chung của chúng ta để đạt được những mục tiêu quan trọng của Chương trình Hành động Phát triển Bền vững 2030. Sự bần cùng và nạn đói không thể bị xóa sạch khỏi hành tinh của chúng ta bởi một nhân tố duy nhất, bất kể nhân tố đó mạnh mẽ tới đâu.

Bởi vì toàn cầu hóa là một thực tại, cho nên cộng đồng quốc tế – và đặc biệt là Ủy ban này của Đại Hội đồng – phải chú ý nhiều hơn nữa đến loại hình toàn cầu hóa hiện đang được thúc đẩy và tác động cụ thể của nó đối với những người nam, nữ, và trẻ em. Báo cáo gần đây nhất của ông Tổng Thư ký về Thực thi trọn vẹn lời hứa của sự toàn cầu hóa: thúc đẩy sự phát triển bền vững trong một thế giới tương thuộc, chỉ ra ba lĩnh vực cụ thể – phát triển thương mại và công nghệ, sức khỏe và hạnh phúc, và di cư – trong đó toàn cầu hóa đã chứng minh vừa là nhân tố kích thích tích cực lẫn tiêu cực.[1] Nói tóm lại, toàn cầu hóa có thể hoặc gây hại hoặc tạo ích lợi, tùy vào cách chúng ta điều hành nó.

Liên quan đến những khía cạnh tích cực, toàn cầu hóa là một phương tiện xây dựng để đem các dân tộc lại với nhau, chia sẻ kiến thức và công nghệ, gắn kết trong việc giao thương tạo ích lợi cho nhau, và hợp tác để giải quyết những vấn đề chung, bao gồm việc di cư hàng loạt.

Loại hình toàn cầu hóa tạo ích lợi này phải được thúc đẩy và hỗ trợ bởi những nỗ lực đa phương xây dựng trên nền tảng “thiện chí và lòng tin của các bên, sự sẵn sàng hợp tác và đối xử với nhau trong sự tôn trọng, trung thực và công bằng, và cởi mở nhằm tìm ra những giải pháp chung để vượt qua những bất đồng. Nó cũng đòi hỏi sự chung sức theo đuổi ích chung, đặt công bằng lên hàng đầu và pháp quyền, hỗ trợ và phát triển cho những người thiếu thốn nhất và bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương.”[2]

Sự toàn cầu hóa như vậy khuyến khích sự tác động lẫn nhau đầy triển vọng giữa bản sắc của các dân tộc và quốc gia, hướng đến sự cân bằng hợp lý. Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định, “chiều kích toàn cầu phải được cân nhắc kỹ lưỡng để không đánh mất tầm nhìn của địa phương.”[3] Để đạt được sự cân bằng như vậy, toàn cầu hóa phải được đặt nền tảng trong phẩm giá vốn có của mỗi con người và sự chân nhận về tình đoàn kết đích thực và cần thiết giữa các cá nhân và các dân tộc.

Về mặt khác, sự toàn cầu hóa trở nên có hại khi nó thể hiện qua “những hành động đơn phương khi trả lời lại cho những thách thức quốc tế, những chính sách phe nhóm hoặc quốc gia dân tộc thu hẹp loại trừ và xa lánh, sự thống trị của giới quyền lực đối với những người thua thiệt, sự áp đặt ý chí và những hệ tư tưởng của giới giàu có lên những người vô sản, đó là một số trong những cách thể hiện của sự thất bại không chân nhận người khác một cách bình đẳng như là những thành viên của một gia đình nhân loại, từ đó không khí sợ hãi, mất niềm tin, và chống đối thắng thế.”[4] Đây là những ví dụ về sự toàn cầu hóa bào mòn tình huynh đệ nhân loại và tình đoàn kết làm trụ cột cho một sự toàn cầu hóa khỏe mạnh. Thật vậy, “sự thất bại trong việc chân nhận rằng cộng đồng quốc tế là một gia đình các dân tộc cùng chia sẻ một vận mệnh và ngôi nhà chung phải là trung tâm của những thách thức nhiều mặt ngày nay đang đứng trước chính sách đa phương.”[5] Những hậu quả gây thiệt hại lớn nhất của sự toàn cầu hóa tiêu cực đó được tìm thấy trong những quốc gia thua thiệt nhất và trong những vùng dân cư thua kém nhất.

Thưa ông Chủ tịch,

Trong khi những khuynh hướng tích cực của sự toàn cầu hóa phải được xây dựng và thúc đẩy, thì tác động tiêu cực của tính toàn cầu hóa phải được xử lý bằng sự hợp tác đa phương hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả không mong muốn của nó, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao ích chung của tất cả mọi người trong thế giới ngày càng chịu sự tương thuộc nhiều hơn bao giờ hết.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

___________________

[1] Cf. A/74/239.

[2] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trước các Thành viên Ngoại giao đoàn, 7 tháng Một 2019.

[3] Nt.

[4] Hồng y Pietro Parolin, Báo cáo của Tòa Thánh trong Phiên Tranh luận Chung của phiên họp thứ 74 của UNGA, 28 tháng Chín 2019.

[5] Nt.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2019]