Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 5 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 5 tháng 1, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 5 tháng Một, 2021

*****

Giờ Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu” (Bài đọc Kinh Thánh: Mt 1:20b-21).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.

________________________________

Bài Giáo lý về Thánh Giuse - 6. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta sẽ suy ngẫm về Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Matthêu và Luca trình bày ngài như là cha nuôi của Chúa Giêsu, không phải là cha ruột của Người. Thánh Matthêu chỉ rõ điều này, tránh dùng công thức “cha của” được dùng trong gia phả cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu; thay vào đó, Thánh sử xác định rõ Thánh Giuse là “chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (1:16). Mặt khác, Thánh Luca khẳng định điều đó bằng cách nói rằng ngài “được coi là” cha của Chúa Giêsu (3:23), tức là ngài xuất hiện như là cha của Chúa Giêsu.

Để hiểu được mối quan hệ phụ tử hợp pháp hoặc được coi như của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ đại ở Đông phương, việc nhận con nuôi là rất phổ biến, hơn cả ngày nay. Người ta nghĩ đến trường hợp “thế huynh hôn” phổ biến ở Israel, như được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Ít-ra-en” (25:5-6). Nói cách khác, cha của đứa trẻ này là em rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã chết, người cho đứa trẻ mới sinh tất cả các quyền thừa kế. Mục đích của luật này gồm hai mặt: bảo đảm cho con cháu của người đã khuất và giữ gìn tài sản.

Với tư cách là người cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse có quyền đặt tên cho con trai mình, công nhận người con về mặt pháp lý. Về mặt luật pháp ngài là cha, nhưng không phải là cha đẻ; ngài không phải là cha ruột của Chúa Giêsu.

Trong thời cổ đại, tên gọi là bản trích yếu danh tính của một người. Thay đổi tên của một người có nghĩa là thay đổi chính bản thân, như trong trường hợp của tổ phụ Abraham, tên của ông được Thiên Chúa đã đổi thành “Abraham”, có nghĩa là “cha của nhiều người”, “vì”, như Sách Sáng thế nói, ông sẽ là “cha của vô số dân tộc” (17: 5). Điều tương tự cũng xảy ra đối với Giacóp, người sẽ được gọi là “Ít-ra-en”, có nghĩa là “người đã đấu với Thiên Chúa”, vì ông đấu tranh với Thiên Chúa để buộc Người chúc phúc cho mình (xem St 32:29; 35:10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho một người hoặc một cái gì đó có nghĩa là khẳng định quyền của người đó đối với những gì được đặt tên, như ông Ađam đã làm khi đặt tên cho tất cả các loài động vật (xem St 2:19-20).

Thánh Giuse đã biết rằng, đối với người con của Đức Maria thì Thiên Chúa đã chọn sẵn một cái tên – tên Chúa Giêsu được đặt bởi cha thật của Ngài là Thiên Chúa – “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”; như Thiên Thần giải thích, “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21). Khía cạnh đặc biệt này của Thánh Giuse giờ đây cho phép chúng ta suy ngẫm về tình phụ tử và tình mẫu tử. Và tôi tin rằng, điều này rất quan trọng: suy nghĩ về vai trò làm cha ngày nay. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại nổi tiếng mồ côi, phải không? Thật là kỳ lạ: nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh mồ côi, và có thể cảm nhận tình trạng mồ côi này. Xin Thánh Giuse, người đã thay thế vị trí của người cha thật là Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu cách giải quyết tình trạng mồ côi đang gây nguy hại cho chúng ta ngày nay.


Đưa một đứa trẻ đi vào thế giới để trở thành cha hoặc mẹ của đứa trẻ là chưa đủ. “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (Tông thư Patris corde). Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những người đang mở lòng đón nhận sự sống qua việc nhận con nuôi, đó là một thái độ tốt đẹp và quảng đại. Thánh Giuse cho chúng ta thấy rằng mối dây liên kết này không phải là thứ yếu; nó không phải là một điều đến sau, không. Sự lựa chọn này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, tình phụ tử và tình mẫu tử. Có biết bao trẻ em trên thế giới đang chờ đợi một ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao đôi vợ chồng muốn làm cha, làm mẹ nhưng không thể thực hiện được vì lý do sinh học; hoặc, cho dù đã có con nhưng họ muốn chia sẻ tình cảm gia đình với những đứa trẻ chưa có gia đình. Chúng ta đừng ngại chọn con đường nhận con nuôi, chấp nhận “rủi ro” khi chào đón trẻ em. Và ngày nay, có một sự ích kỷ nào đó với tình trạng mồ côi.

Đã có lần tôi nói về mùa đông nhân khẩu ngày nay, trong đó chúng ta thấy rằng người ta không muốn có con, hoặc chỉ có một đứa và không thêm nữa. Và rất nhiều, rất nhiều cặp vợ chồng không có con vì họ không muốn, hoặc chỉ có một đứa – nhưng họ lại có hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo đã chiếm vị trí của những đứa trẻ. Vâng, thật buồn cười, tôi hiểu, nhưng đó là thực tế. Và sự phủ nhận vai trò làm cha hoặc vai trò làm mẹ hạ thấp chúng ta, nó lấy đi nhân tính của chúng ta. Và theo cách này, nền văn minh trở nên già nua và không còn tính nhân văn, bởi vì nó mất đi sự phong phú của tình phụ mẫu. Và quê hương của chúng ta gánh chịu đau khổ, vì nó không có trẻ em, và như người ta đã nói một cách hài hước, “và bây giờ ai sẽ trả tiền thuế cho lương hưu của tôi, nếu không có con cái?”: có người cười, nhưng đó là sự thật . Ai sẽ chăm sóc tôi? Tôi cầu xin Thánh Giuse ơn để đánh thức lương tâm và suy nghĩ về điều này: về việc sinh con.

Tình cha và tình mẹ là sự viên mãn của đời người. Hãy suy nghĩ về điều này. Đúng là có tình phụ tử thiêng liêng của những người tận hiến cho Chúa, và tình mẫu tử thiêng liêng; nhưng những người sống ngoài đời và lập gia đình, hãy nghĩ đến việc sinh con, trao sự sống mà chúng sẽ mang đến tương lai. Và nếu bạn không thể sinh con, hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng: có một đứa trẻ luôn luôn là một rủi ro, dù là con đẻ hay con nuôi. Nhưng không có chúng sẽ còn rủi ro hơn. Sẽ rủi ro hơn nếu từ chối tình phụ tử, hoặc phủ nhận tình mẫu tử, dù là tình phụ mẫu thật hay thiêng liêng. Nhưng khi phủ nhận, một người đàn ông hay phụ nữ không phát triển ý thức làm cha, làm mẹ, là họ đang thiếu một thứ gì đó, một thứ cơ bản, một thứ gì đó quan trọng. Xin hãy suy nghĩ về điều này.

Tôi hy vọng rằng các cơ quan sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ đối với việc nhận con nuôi, bằng cách giám sát nghiêm túc nhưng cũng đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để ước mơ của biết bao đứa trẻ cần một gia đình, và của biết bao cặp vợ chồng mong muốn được cho chúng tình yêu của mình. trở thành sự thật. Cách đây ít lâu, tôi có nghe lời chứng của một người, một bác sĩ – một nghề quan trọng – ông ấy không có con, và vợ chồng ông quyết định nhận một đứa con nuôi. Và khi thời điểm đến, họ được trao cho một đứa trẻ, và họ được cho biết: “Nhưng chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Có lẽ nó có bệnh gì đó”. Và người bác sĩ nói – tôi đã gặp ông ta – ông nói, “Nếu anh đặt cho tôi vấn đề này trước khi đến, có lẽ tôi đã nói không. Nhưng tôi đã nhìn thấy đứa trẻ: Tôi sẽ nhận nó”. Đây là niềm khao khát được làm cha nuôi, được làm mẹ nuôi. Đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện rằng không ai cảm thấy thiếu thốn tình cảm phụ tử. Và những ai chịu cảnh mồ côi, ướng mong họ có thể tiếp tục tiến bước mà không mang cảm giác khó chịu này. Xin Thánh Giuse che chở, giúp đỡ cho các trẻ mồ côi; và xin ngài cầu bầu cho những đôi vợ chồng muốn có con. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho điều này:

Lạy Thánh Giuse,

Ngài yêu thương Chúa Giêsu với tình yêu của người cha,

xin hãy gần gũi với quá nhiều trẻ em không có gia đình

và đang mong mỏi có một người cha người mẹ.

Xin nâng đỡ những đôi vợ chồng không thể có con,

xin giúp họ khám phá được một chương trình lớn lao hơn

qua sự đau khổ này.

Để không một trẻ em nào thiếu một gia đình, một mối ràng buộc,

một người chăm sóc cho chúng;

và xin hãy chữa lành sự ích kỷ của những người khép chặt lòng đối với sự sống,

để họ mở lòng yêu thương.

Cảm ơn anh chị em.

________________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha chào anh chị em hành hương và các du khách. Trong sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, xin cho từng người trong anh chị em và gia đình trân quý niềm vui của mùa Giáng Sinh này, và tiến đến gần với Đấng Cứu thế đã đến cư ngụ giữa chúng ta trong lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2022]

Tại sao đức giáo hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

Tại sao đức giáo hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

Tại sao đức giáo hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

Đức Thánh Cha Phanxicô sau giờ đọc Kinh Truyền tin trong điện Tông tòa của Vatican ngày 29 tháng Ba, 2020. Credit: Vatican Media.


Hannah Brockhaus

Vatican City, 4 tháng Một, 2022 / 04:30 am


Mọi chuyện bắt đầu từ hơn 67 năm trước với ông Luigi Gedda, một bác sĩ Công giáo người Ý, nhà hoạt động chính trị và là nhà lãnh đạo giáo dân có ảnh hưởng.

Trong Năm Đức Mẹ, ông Gedda khi đó là chủ tịch của hiệp hội Azione Cattolica (Công giáo Tiến hành), đã thuyết phục người bạn của ông là Đức Giáo hoàng Piô XII đọc Kinh Truyền tin chung với tín hữu vào buổi trưa từ cửa sổ phòng làm việc riêng của ngài.

Vì vậy, vào ngày 15 tháng Tám năm 1954, ngày Lễ trọng Đức Mẹ Lên trời, Đức Piô XII qua Đài phát thanh Vatican đã ngỏ lời đến người Công giáo ở Rôma và khắp nơi trên thế giới, mời họ cùng thông công với ngài “trong lời kính chào sốt sắng dâng lên Mẹ Thiên Chúa”.

Đây là khởi đầu cho một phong tục của giáo hoàng diễn ra vào các Chúa nhật và Lễ trọng kính Đức Mẹ, khi đó đức giáo hoàng xuất hiện tại cửa sổ thư viện của ngài trong Điện Tông Tòa vào buổi trưa để xướng đọc Kinh Truyền tin bằng tiếng Latinh với các tín hữu tập trung dưới Quảng trường Thánh Phêrô.

Kinh Truyền tin có nguồn gốc từ một cách thực hành thời trung cổ là đọc ba Kinh Kính Mừng liên tiếp, theo đề nghị của Thánh Antôn Padua.

Vào những năm 1200, một nhóm các tu sĩ dòng Phanxicô đã đề nghị rằng việc thực hành này nên được thực hiện vào buổi tối sau khi đọc Kinh tối (giờ Kinh tối), như một cách suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Kitô. Một tiếng chuông sẽ được rung lên để nhắc nhở các tu sĩ và những người khác rằng đã đến giờ đọc các kinh Kính Mừng.

Qua nhiều thế kỷ, ba Kinh Kính Mừng bắt đầu được đọc vào các buổi sáng và buổi trưa.

Ngày nay, lời kinh cũng bao gồm của lời của Thiên sứ Truyền Tin, lời thông báo của Thiên Thần Gabriel với Đức Maria rằng Mẹ đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, và một lời kinh kết thúc.

Bằng chứng về sự lặp lại hiện nay được tìm thấy ngay từ những năm 1500, trong một quyển sách có tên Little Office of the Blessed Virgin Mary, được in ở Roma dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Piô V, và một cuốn sổ tay dành cho người Công giáo xuất bản ở Antwerp năm 1588.

Tại sao đức giáo hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ Kinh Truyền tin tại Vatican ngày 12 tháng Mười Hai, 2021. Vatican Media.


Tại Vatican, nhiều văn phòng có phong tục tạm dừng công việc mỗi ngày để cùng nhau đọc Kinh Truyền tin vào buổi trưa.

Trong mùa Phục sinh, Kinh Truyền tin được thay thế bằng Kinh Regina Coeli (“Lạy Nữ Vương Thiên đàng”), một bản điệp ca Đức Mẹ được đọc hoặc hát trong Lễ Phục sinh.

Trong nhiều năm, các giáo hoàng đã dùng khoảng thời gian trước khi đọc kinh Đức Mẹ để giảng một bài giáo lý ngắn, thông điệp hoặc lời kêu gọi.

Đức Giáo hoàng Phanxicô không đến nghỉ tại lâu đài nghỉ hè của giáo hoàng là Castel Gandolfo, nằm bên ngoài Roma, nhưng các giáo hoàng trước đó đã đến và đọc Kinh Truyền tin từ lâu đài trong thời gian các ngài nghỉ hè.

Tại một số thời điểm nhất định trong đại dịch COVID-19, để tránh các đám đông người tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc kinh qua truyền hình trực tiếp từ phòng làm việc của ngài.

Kinh Truyền tin được phát sóng trực tiếp trên khắp thế giới và phát trực tuyến trên internet. Chuông của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô luôn vang lên vào buổi trưa, trước khi đức giáo hoàng xuất hiện tại cửa sổ điện tông tòa theo phong tục tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria này.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2022]