Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 19.11.2023: “Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

“Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 19.11.2023: “Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 19/11), Đức Thánh Cha Phanxicô đứng tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau giờ kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha dự bữa tiệc trưa dành cho khoảng 1.250 người túng thiếu trong khán phòng Phaolô VI, nhân dịp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 7. Đến bàn ăn, Đức Thánh Cha ban phép lành và gửi lời chào đến những người hiện diện.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh Kính Đức Mẹ:


_____________________________________________


Trước giờ Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta dụ ngôn về những yến bạc (x. Mt 25:14-30). Một người chủ lên đường đi phương xa và giao phó những yến bạc, hay đúng hơn là tài sản của ông, “vốn liếng” của ông, cho những người hầu: yến bạc là một đơn vị tiền tệ. Ông phân chia chúng tùy theo khả năng của mỗi người. Khi trở về, ông yêu cầu tường trình lại những gì họ đã làm. Hai người trong số họ đã làm được gấp đôi số tiền họ nhận được, và ông chủ khen ngợi họ, trong khi người thứ ba vì sợ hãi đã chôn những yến bạc và chỉ nhằm mục đích hoàn trả lại, đó là lý do khiến anh ta bị quở trách nặng nề. Nhìn vào dụ ngôn này, chúng ta học được hai cách khác nhau để đến gần Thiên Chúa.

Cách thứ nhất là cách của người đã đem chôn giấu yến bạc mà anh ta nhận được, anh ta không thể nhìn thấy sự giàu có mà Thiên Chúa đã ban cho mình: anh ta không tin tưởng ông chủ cũng như chính bản thân. Thật vậy, anh ta nói với ông chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” (c. 24). Anh ta sợ ông chủ. Anh ta không nhìn thấy sự quý trọng, anh ta không nhìn thấy sự tin tưởng mà ông chủ dành cho anh ta, mà chỉ nhìn thấy hành động của một người chủ, của một thẩm phán, đòi hỏi nhiều hơn những gì người đó cho đi. Đây là hình ảnh về Thiên Chúa của anh ta: anh ta không tin vào sự tốt lành của Ngài; anh ta không thể tin vào sự tốt lành của Chúa đối với anh ta. Chính vì vậy mà anh ta bế tắc và không cho phép bản thân tham gia vào sứ mệnh mà anh ta đã nhận được.

Rồi chúng ta nhìn thấy cách thứ hai ở hai nhân vai chính kia, những người đáp lại lòng tin của ông chủ bằng cách tin tưởng vào ông.

Hai người này đầu tư tất cả những gì họ nhận được, cho dù ngay từ đầu họ không biết liệu mọi việc có diễn ra tốt đẹp hay không: họ nghiên cứu, họ nhìn thấy những cơ hội và thận trọng tìm kiếm điều tốt nhất; họ chấp nhận rủi ro và đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Họ tin tưởng, họ nghiên cứu và họ mạo hiểm. Nhờ đó, họ có can đảm hành động một cách tự do, sáng tạo, tạo ra của cải mới (x. các câu 20-23).

Thưa anh chị em, đây là nơi giao nhau của hai con đường khi chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa: sợ hãi hay tin cậy. Hoặc là bạn thấy sợ hãi trước mặt Chúa, hoặc là bạn tin cậy Chúa. Và chúng ta, giống như những nhân vật chính trong dụ ngôn – tất cả chúng ta – tất cả chúng ta đều đã nhận được những tài năng quý giá hơn tiền bạc rất nhiều. Nhưng phần lớn cách thức chúng ta đầu tư tài năng phụ thuộc vào niềm tin tưởng của chúng ta nơi Chúa, là điều giải phóng tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên năng động và sáng tạo trong những điều tốt lành. Đừng quên điều này: niềm tin luôn mang lại tự do; nỗi sợ hãi làm tê liệt. Anh chị em hãy nhớ: sự sợ hãi làm tê liệt, niềm tin tưởng giải phóng. Điều này cũng áp dụng trong công tác giáo dục trẻ em. Và chúng ta hãy tự hỏi: tôi có tin rằng Thiên Chúa là Cha và trao cho tôi những món quà vì Ngài tin tưởng tôi không? Và tôi có tin tưởng nơi Ngài đến mức đặt mình vào tình thế phiêu lưu, ngay cả khi kết quả không chắc chắn và không được coi là đương nhiên? Liệu tôi có thể mỗi ngày thưa trong lời cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con tin cậy nơi Ngài, xin ban cho con sức mạnh để tiếp tục tiến bước; con tín thác vào Chúa, vào những điều Chúa đã ban cho con: xin cho con biết cách thực hiện chúng”.

Cuối cùng, trong Giáo hội: chúng ta có nuôi dưỡng một bầu khí tin cậy, quý trọng lẫn nhau trong môi trường của chúng ta, giúp chúng ta cùng nhau tiến về phía trước, giải phóng con người và kích thích tính sáng tạo của tình yêu thương nơi mọi người không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.

Và xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi – đừng bao giờ sợ hãi Thiên Chúa! Kinh ngạc, tốt; nhưng sợ hãi, không – và tín thác nơi Chúa.

_______________________________________________


Sau giờ đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Cha Manuel Gonzales-Serna, linh mục triều, và 19 bạn đồng hành, gồm các linh mục và giáo dân, bị giết năm 1936 trong bầu không khí bách hại tôn giáo của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, được phong chân phước hôm qua tại Seville. Những vị tử đạo này đã làm chứng cho Chúa Kitô cho đến cùng. Xin tấm gương của các ngài an ủi nhiều Kitô hữu đang bị phân biệt đối xử vì đức tin của họ trong thời đại chúng ta. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!

Tôi xin nhắc lại sự gần gũi của tôi với người dân Myanmar thân yêu vẫn đang tiếp tục phải chịu đựng nạn bạo lực và ngược đãi. Tôi cầu nguyện để họ không nản chí và luôn tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa.

Và thưa anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang bị đau khổ – tôi có thể nhìn thấy những lá cờ ở đây – và cho người dân Palestine và Israel. Hòa bình là có thể. Cần có thiện chí. Hòa bình là có thể. Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh! Và chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn luôn là sự thất bại. Những người duy nhất được lợi là các nhà sản xuất vũ khí.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ bảy, với chủ đề năm nay là: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4:7). Tôi xin cảm ơn những người trong các giáo phận và giáo xứ đã tổ chức các sáng kiến liên đới với những người và gia đình đang phải vật lộn với cuộc sống.

Và hôm nay chúng ta cũng tưởng nhớ tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho người thân của họ, và chúng ta hãy nỗ lực ngăn ngừa những tai nạn.

Tôi cũng muốn đề cập đến Ngày Ngư nghiệp Thế giới sẽ được tổ chức trong hai ngày tới.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới. Cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Madrid, Ibiza và Warsaw, cũng như các thành viên của Hội đồng Liên minh Giáo viên Công giáo Thế giới. Cha chào các nhóm đến từ Aprilia, San Ferdinando di Puglia và Sant’Antimo; Hiệp hội FIDAS của Orta Nova, và những người tham gia “Ngày chia sẻ” của Phong trào Tông đồ Người mù. Xin gửi một lời chào đặc biệt đến cộng đoàn người Ecuador ở Rome đang cử hành Lễ Đức Mẹ Virgen del Quinche. Và cha gửi lời chào tới các bạn trẻ của Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2023]


Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ VII - Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ VII

Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VII - Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Vatican Media


*******

Một bữa ăn trưa do Bộ Bác ái tổ chức và năm nay được chủ trì bởi Khách sạn Hilton, với thực đơn cho tất cả mọi người. Tổng cộng có hơn 1.200 người trong Hội trường Phaolô VI, biến nó thành một nhà hàng lớn và khác thường.

Bữa trưa của Đức Thánh Cha Phanxicô với người nghèo nhân Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ 7 là một cử chỉ quan trọng được khắp thế giới ca ngợi. Đức Thánh Cha là người ủng hộ mạnh mẽ cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, và bữa trưa này là sự nối tiếp cam kết của ngài đối với công bằng xã hội.

Đức Thánh Cha ngồi cùng bàn với các vị khách và chuyện trò với họ về cuộc sống của họ. Ngài lắng nghe những câu chuyện của họ và thể hiện sự ủng hộ cũng như động viên. Bữa ăn trưa là cơ hội để Đức Thánh Cha Phanxicô kết nối với những người sống trong cảnh túng thiếu và thể hiện sự quan tâm của ngài đối với hạnh phúc của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết bữa trưa là một “trải nghiệm tuyệt vời”. Ngài nói đó là một lời nhắc nhở rằng “tất cả chúng ta đều là anh chị em” và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ những người gặp khó khăn.





[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2023]