Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Cầu nguyện, đọc sách và thức dậy muộn hơn. Đó là kỳ nghỉ hè tại nhà của Đức Phanxico

Cầu nguyện, đọc sách và thức dậy muộn hơn. Đó là kỳ nghỉ hè tại nhà của Đức Phanxico

“Gia đình tôi không giàu có, tôi không quen đi nghỉ hè.” Và ngài sẽ vẫn có buổi đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu trong Vatican.

Cầu nguyện, đọc sách và thức dậy muộn hơn. Đó là kỳ nghỉ hè tại nhà của Đức Phanxico
Đức Phanxico sống trong căn hộ số 201 trong khu Casa Santa Marta trong Thành Vatican, do Đức Wojtyla xây dựng để cung cấp nơi ở cho các Hồng y trong suốt thời gian Mật nghị. Nó là tòa nhà năm tầng; căn hộ của Đức Thánh Cha ở tầng hai. Nó có một phòng khách, phòng đọc sách, phòng ngủ và phòng tắm

Pubblicato il 31/07/2017
Ultima modifica il 31/07/2017 alle ore 16:43
DOMENICO AGASSO JR AND ANDREA TORNIELLI

THÀNH VATICAN
Đối với Đức Giáo hoàng Wojtyla nghỉ hè có nghĩa là về các vùng núi, vùng núi cao khi có thể, đi bộ đường dài và thinh lặng khi thưởng lãm những đỉnh núi. Với Đức Benedict XVI nghỉ hè có nghĩa là đọc sách, nghiên cứu và chơi piano, trong các vùng núi hoặc tại lâu đài Castel Gandolfo. Vị kế nhiệm của ngài là Phanxico nghỉ hè bằng cách làm chậm lại những thói quen hàng ngày, những buổi tiếp kiến và lễ, nhưng không ra khỏi khu ở của ngài. Và vì thế khu nghỉ hè của Giáo hoàng theo lịch sử - mà Đức Gio-an Phao-lô II đã thêm vào một hồ bơi yên tĩnh - vẫn không được vị kế nhiệm của ngài sử dụng và trở thành một nhà bảo tàng mở cửa cho công chúng.
Đức Jorge Mario Bergoglio có kỳ nghỉ hè cuối cùng, nghĩa là một kỳ nghỉ hè xa nhà, trong thập niên 1970. Từ đó, Đức Giáo hoàng đương kim luôn thích trải qua thời gian nghỉ hè ngay tại nơi ở của ngài và trong thành phố của ngài; làm chậm lại nhịp độ của công việc hàng ngày mà không rời khỏi nơi ở.

NHỮNG KỶ NIỆM
Gia đình Đức Bergoglio không nghỉ hè. Đức Giáo hoàng nói, “Chúng tôi không giàu có. Thường thường chúng tôi để nó vào cuối tháng nhưng không nhiều lắm. Chúng tôi không có xe hơi, chúng tôi không đi nghỉ hè hay những việc đại loại như vậy.” Quả thật, thân phụ của Đức Jorge Mario muốn con trai của ông tìm việc làm trong suốt thời gian không đến trường. Đầu tiên cậu làm trong một xưởng sản xuất vớ, ban đầu là một người trông coi. Khi cậu sang năm thứ ba, cậu được giao cho công việc quản lý. Trong vài năm sau đó cậu vừa nghiên cứu và làm việc trong một phòng nghiên cứu hóa học. Vì vậy quyết định không đi nghỉ hè là kết quả của thói quen đã có ngay từ thuở nhỏ và sau này khi lớn lên.
Đức Francesco nói về những kỳ nghỉ của ngài trên chuyến bay trở về từ Hàn quốc năm 2014: “Tôi vẫn luôn có kỳ nghỉ của tôi, cũng như ngay lúc này, tôi vẫn thường làm như vậy, vì … có lần tôi đọc một quyển sách rất thú vị, tựa đề: ‘Hãy vui lên. Bạn bị loạn thần kinh chức năng!’ Tôi cũng có một chút loạn thần kinh chức năng … Một trong những rối loạn này là tôi có hơi quá ở lì một chỗ nơi tôi sống. Lần cuối cùng tôi đi nghỉ hè bên ngoài Buenos Aires, cùng với cộng đoàn Dòng Tên, là năm 1975. Tôi luôn luôn nghỉ hè – thật đấy – nhưng tại nơi tôi ở; tôi thay đổi nhịp độ cuộc sống. Tôi ngủ nhiều hơn; tôi đọc những thứ tôi muốn; tôi nghe nhạc; tôi dành thêm nhiều thời gian cầu nguyện … Và việc này giúp tôi thư giãn.”
Ngài Bergoglio thức giấc trễ hơn một chút so với giờ bình thường của ngài là 4:45 sáng, dâng Lễ một mình và không có những buổi tiếp kiến. Cuộc hẹn gặp gỡ duy nhất của ngài với tín hữu là giờ Kinh Truyền tin Chúa nhật. Có thêm nhiều thời gian gặp gỡ và chuyện trò với bạn bè nhưng cũng có thêm một lượng thời gian kha khá để nghiên cứu các tài liệu và chuẩn bị những diễn từ cho các chuyến đi của ngài.

LỊCH SỬ
Trong khi đó mọi người vẫn đến thăm lâu đài Castel Gandolfo, chứ không phải Đức Thánh Cha. Trước đây, chỉ có những nguyên thủ quốc gia hoặc những vị thuộc phẩm trật giám mục cao cấp mới được vào. Nhưng bây giờ, cũng giống như tháng Mười vừa qua, bất cứ ai cũng có thể vào căn phòng của các đức giáo hoàng và quan sát tận mắt chiếc giường nơi Đức Pi-ô XII và Đức Phao-lô VI qua đời; xem những chiếc điện thoại cổ được các vị giám mục của Roma sử dụng; ghế sofa và ghế bành phòng thư viện mà trên đó hai vị giáo hoàng, Bergoglio và Ratzinger, đã ngồi đối diện nhau; và cái bàn nơi những tập hồ sơ Vatileaks đã từng nằm trên đó.

[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/08/2017]


Huấn từ Kinh Truyền tin: Các Dụ ngôn về gia tài được chôn giấu và viên ngọc quý

Huấn từ Kinh Truyền tin: Các Dụ ngôn về gia tài được chôn giấu và viên ngọc quý

Chúa Giê-su “là gia tài được chôn giấu; Ngài là viên ngọc với giá trị khổng lồ”
30 tháng Bảy, 2017
Huấn từ Kinh Truyền tin: Các Dụ ngôn về gia tài được chôn giấu và viên ngọc quý
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau Kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Bài giảng của Chúa Giê-su trong chương 13 của Tin mừng Mát-thêu, trong đó có bảy dụ ngôn, hôm nay kết thúc với ba dụ ngôn giống nhau: gia tài được chôn giấu (c. 44), viên ngọc quý (c. 45-46) và lưới cá (c. 47-48). Tôi xin dừng lại ở hai dụ ngôn đầu, trong đó nhấn mạnh đến quyết định của nhân vật chính là bán tất cả những gì họ có để mua được thứ mà họ đã khám phá ra. Trong trường hợp thứ nhất đó là người nông dân tình cờ gặp được một gia tài bị chôn giấu trong cánh đồng nơi ông làm thuê. Cánh đồng này không phải là tài sản của ông, ông phải mua nếu ông muốn sở hữu gia tài: vì thế ông quyết định liều bán cả gia tài của ông để không đánh mất cơ hội vô cùng may mắn kia. Trong trường hợp thứ hai chúng ta tìm thấy một thương gia buôn bán ngọc quý; ông ta là một chuyên gia am hiểu tường tận, đã lọc tìm ra được một viên ngọc có giá trị lớn. Ông cũng đã đánh cược mọi thứ cho viên ngọc đó, đến mức bán tất cả những thứ ông có.
Những sự tương đồng này cho thấy rõ hai đặc tính liên quan đến việc sở hữu Nước Chúa: đi tìm hy sinh. Sự thật rằng Nước Chúa là dành cho tất cả mọi người – đó là một món quà, đó là một quà tặng, đó là ơn sủng — tuy nhiên, Nước Trời không để sẵn trên một đĩa bạc; nó đòi hỏi phải có động thái: chúng ta phải tìm kiếm, phải đi, phải ra đi. Thái độ tìm kiếm là một điều kiện tiên quyết để tìm ra được; điều vô cùng quan trọng là tâm hồn phải bừng cháy lên lòng khao khát đạt đến được sự thiện hảo quý giá, cụ thể đó là Nước Chúa được thể hiện nơi con người của Chúa Giê-su. Ngài là gia tài được chôn giấu; Ngài là viên ngọc với giá trị khổng lồ. Ngài là sự khám phá căn nguyên, Đấng có thể trao tặng một bước ngoặt quyết định cho cuộc sống của chúng ta, làm nó trở nên đầy ý nghĩa.
Trước sự khám phá vô cùng bất ngờ, cả người nông dân lẫn thương gia nhận ra rằng trước mắt họ là một cơ hội duy nhất mà họ không được bỏ lỡ. Vì thế, họ bán tất cả những gì họ có. Sự đánh giá về giá trị vô giá của gia tài dẫn đến một quyết định cũng bao hàm sự hy sinh, sự từ bỏ và những hy sinh. Khi gia tài và viên ngọc được khám phá ra, KHI, có nghĩa là lúc chúng ta đã tìm được Thiên Chúa, thì không được để sự khám phá này bị khô héo đi, nhưng chúng ta phải hy sinh mọi thứ khác để đạt được nó. Nó không phải là thái đội khinh rẻ mọi thứ khác nhưng là hạ bậc chúng xuống bên dưới Chúa Giê-su, đặt Ngài lên vị trí thứ nhất – ơn sủng phải nằm ở vị trí thứ nhất. Người môn đệ của Đức Ki-tô không chỉ là người lấy được một điều gì đó rất quan trọng nơi Ngài; anh ấy còn là người tìm ra được nhiều nhiều hơn thế: anh ấy đã tìm được niềm vui trọn vẹn mà chỉ Thiên Chúa có thể trao ban. Đó là niềm vui rao giảng Tin mừng của người bệnh được chữa lành, của tội nhân được tha thứ, của kẻ trộm mà cửa Thiên đàng mở ra cho anh.
Niềm vui của Tin mừng ngập tràn tâm hồn và toàn bộ cuộc sống của những người gặp gỡ Đức Giê-su. Những ai để cho mình được giải thoát bởi Ngài sẽ được thoát khỏi tội lỗi, khỏi nỗi buồn, khỏi những sự trống rỗng trong lòng, khỏi sự cách ly. Niềm vui luôn luôn được sinh ra và tái sinh cùng với Đức Giê-su Ki-tô (x. Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng, n 1). Hôm nay chúng ta được thúc đẩy để biết chiêm ngắm niềm vui của người nông dân và thương nhân trong các dụ ngôn. Nó là niềm vui của mỗi người chúng ta khi chúng ta khám phá ra sự gần gũi và sự hiện hữu ủi an của Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta — một sự hiện hữu làm biến đổi tâm hồn và mở lòng chúng ta trước những nhu cầu và đón nhận những anh em của chúng ta, đặc biệt là những người thấp kém nhất.
Qua sự can thiệp của Mẹ Maria Đồng Trinh, chúng ta hãy cầu xin để cho mỗi chúng ta, bằng những lời nói và hành động mỗi ngày, có thể làm chứng nhân cho niềm vui tìm được gia tài của Nước Thiên Chúa, cụ thể là, tình yêu Chúa Cha ban tặng cho chúng ta qua Chúa Giê-su.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch của Virginia M. Forrester]

***
Sau Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế Giới chống Buôn Người, được Liên Hợp quốc thúc đẩy.
Hôm nay là Ngày Thế Giới chống lại Nạn Buôn Người, được Liên Hợp quốc tài trợ. Mỗi năm, hàng ngàn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân vô tội của nạn buôn bán mại dâm và nội tạng người, và dường như chúng ta đã quá quen với nó đến mức xem như chuyện bình thường. Đây là điều xấu xa, nó là sự tàn bạo, nó là tội ác! Tôi kêu gọi sự cam kết của mọi người quyết tâm chống lại cơn đại dịch ghê tởm này, một hình thức nô lệ hiện đại. Chúng ta hãy cùng nhau khẩn cầu Mẹ Maria Đồng Trinh giúp đỡ những nạn nhân của nạn buôn người và hoán cải tâm hồn của những kẻ buôn người.
Kính mừng Maria . . .
Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể anh chị em hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt các Nữ tu Dòng Thánh Giu-se Murialdine, các Tập sinh của Dòng Đức Mẹ Cứu giúp người Ki-tô hữu, các thừa tác viên của nhiều giáo xứ, và Câu lạc bộ Khúc Côn cầu Nữ của Buenos Aires.
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/08/2017]