Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Gặp gỡ các đại diện của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và một số Cộng đồng người Do Thái ở Hungary - Diễn từ của Đức Thánh Cha

Gặp gỡ các đại diện của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và một số Cộng đồng người Do Thái ở Hungary - Diễn từ của Đức Thánh Cha

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia

[12-15 tháng Chín 2021]

Gặp gỡ các đại diện của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và một số Cộng đồng người Do Thái ở Hungary

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Bảo tàng viện Nghệ thuật (Budapest)

Chủ nhật, 12 tháng Chín 21

_________________________________


Anh em thân mến,

Tôi thật vui vì chúng ta có thể gặp nhau và tôi cảm ơn vì những lời thật đẹp và sự hiện diện của anh em ngày hôm nay, bên cạnh nhau. Đây là những dấu hiệu của một khát khao to lớn cho sự hiệp nhất. Chúng cho chúng ta biết về một hành trình, thường rất gian nan và trong quá khứ không phải luôn dễ dàng, hành trình mà anh em đã thực hiện với lòng can đảm và thiện chí, hỗ trợ lẫn nhau dưới con mắt quan sát của Đấng Tối Cao, Đấng ban phúc lành cho anh chị em sống trong tình hiệp nhất. (xem Tv 133:1).

Khi tôi nhìn xuống các bạn, những người anh em của tôi và cùng là những người Kitô hữu, tôi chúc phúc cho hành trình liên tục của các bạn hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn. Tôi rất xúc động trước những lời của huynh đệ Tin Lành Calvin của chúng ta là Đức Giám mục József Steinbach, Chủ tịch Hội đồng Đại kết các Giáo hội Hungary – xin cảm ơn hiền huynh. Tôi nghĩ đến Tu viện Pannonhalma, là trái tim thiêng liêng đang đập của đất nước này, nơi các bạn đã gặp gỡ để cùng nhau suy tư và cầu nguyện ba tháng trước. Cùng hiệp lời cầu nguyện cho nhau và hợp tác trong tình bác ái với nhau vì lợi ích của thế giới mà Thiên Chúa hết mực yêu thương (xem Ga 3:16): đây là con đường cụ thể nhất dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn.

Khi chào các bạn, những người anh em thân mến của tôi trong đức tin của tổ phụ Abraham chúng ta, tôi xin cảm ơn Đức Rabbi Zoltán Radnóti vì những lời rất sâu sắc đã chạm đến trái tim tôi. Tôi xin bày tỏ lòng cảm kích của tôi trước những nỗ lực của ngài trong việc phá bỏ các bức tường ngăn cách chúng ta trong quá khứ. Người Do Thái cùng như người Kitô giáo, các bạn đã cố gắng để không còn coi nhau là người lạ nhưng là bạn bè, không còn là thù địch mà là anh chị em. Sự thay đổi cách nhìn này là do Thiên Chúa ban phúc; đó là một sự hoán cải tạo nên những khởi đầu mới, một sự thanh tẩy mang lại đời sống mới. Những ngày này được đánh dấu bằng các đại lễ Rosh Hashanah và Yom Kippur; Tôi xin dâng lên những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất cho những ngày lễ này, đó là thời gian của ân sủng và lời kêu gọi canh tân tinh thần. Thiên Chúa của tổ phụ chúng ta luôn chỉ cho chúng ta những hướng đi mới. Cũng như Người đã biến sa mạc thành một con đường dẫn về Đất Hứa, thì Người cũng muốn đưa chúng ta ra khỏi những sa mạc khô cằn của sự cay đắng và thờ ơ, để tiến về miền đất của tình bằng hữu mà chúng ta hằng mong ước.

Trong Kinh Thánh, không phải ngẫu nhiên mà những người được đặc biệt kêu gọi đi theo Chúa luôn phải lên đường đi đến những vùng đất chưa được khám phá và những nơi xa lạ. Chúng ta nghĩ về tổ phụ Abraham, người đã phải rời bỏ nhà cửa, gia đình và quê hương. Những ai theo Chúa được kêu gọi hãy bỏ lại đằng sau những thứ gì đó. Chúng ta cũng đang được yêu cầu bỏ lại những hiểu lầm trong quá khứ, những tuyên bố của chúng ta rằng mình đúng trong khi những người khác là sai, và đi trên con đường dẫn đến lời hứa bình an của Đức Chúa. Vì các kế hoạch của Người luôn luôn vì hòa bình, và không bao giờ là sự bất hạnh (xem Gr 29:11).

Ở đây tôi muốn cùng các bạn suy tư về hình ảnh gợi sự liên tưởng của cây Cầu Chain nối hai nửa thành phố này. Cây cầu không hợp nhất hai phần thành phố lại với nhau, mà là giữ chúng lại với nhau. Đó cũng là cách thức nên xảy ra với chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ để lấn át người khác là chúng ta đang phá đổ thay vì xây dựng, hoặc khi chúng ta cố gắng cô lập những người khác thay vì bao gồm họ. Điều này đã thường xuyên xảy ra trong lịch sử! Chúng ta phải cảnh giác và phải cầu nguyện để điều đó không bao giờ xảy ra lần nữa. Và cam kết cùng nhau thúc đẩy một nền giáo dục trong tình huynh đệ, để những cơn hận thù bộc phát phá hủy tình huynh đệ sẽ không bao giờ thắng thế. Tôi nghĩ đến mối đe dọa của chủ nghĩa bài Do Thái vẫn đang rình rập ở Châu Âu và các nơi khác. Đây là một ngòi nổ không được phép bén lửa. Và cách tốt nhất để tháo ngòi nổ này là tích cực cùng nhau làm việc, và thúc đẩy tình huynh đệ.

Cây cầu vẫn còn một bài học nữa để dạy chúng ta. Nó được chống đỡ bởi các dây xích khổng lồ được tạo thành bởi nhiều vòng sắt. Chúng ta là những chiếc vòng sắt đó, và mỗi người trong chúng ta đều rất quan trọng cho dây xích. Chúng ta không thể sống tách rời, nếu không cố gắng để hiểu nhau, sẽ trở thành con mồi cho sự nghi kỵ và xung đột.

Một cây cầu là để hợp nhất. Theo nghĩa này, nó nhắc nhở chúng ta về khái niệm nền tảng trong Kinh thánh của giao ước. Thiên Chúa của giao ước yêu cầu chúng ta không đầu hàng trước chủ nghĩa ly khai hoặc lợi ích đảng phái. Người không muốn chúng ta liên minh với một số người với cái giá phải trả là những người khác. Thay vì vậy, Người muốn các cá nhân và cộng đồng trở thành những cây cầu của tình bằng hữu với tất cả mọi người. Ở đất nước này, các bạn đại diện cho các tôn giáo lớn có trách nhiệm thúc đẩy những điều kiện để sự tự do tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích cho tất cả mọi người. Các bạn cũng được kêu gọi để trở thành hình mẫu cho mọi người. Đừng bao giờ nói rằng những lời gây chia rẽ phát ra từ miệng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng là những lời rộng mở và hòa bình. Trong thế giới của chúng ta, bị giằng xé bởi rất nhiều cuộc xung đột, đây là chứng tá khả dĩ nhất của những người đã được ban ơn để biết Thiên Chúa của giao ước và hòa bình.

Cây cầu Chain không chỉ nổi tiếng nhất mà còn là cây cầu lâu đời nhất trong thành phố. Nhiều thế hệ đã vượt qua nó. Nó mời gọi chúng ta nghĩ lại quá khứ. Ở đó, chúng ta đã gặp phải những thời gian đau khổ và ảm đạm, những hiểu lầm và bắt bớ, nhưng ở một mức độ sâu xa hơn, chúng ta sẽ tìm thấy một di sản tinh thần chung lớn hơn. Di sản quý giá này cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai khác. Tôi rất xúc động trước suy nghĩ của tất cả những người bạn trong Chúa, những người đã chiếu rọi ánh sáng của Người vào bóng tối của thế giới này. Tôi đặc biệt nghĩ đến thi sĩ Miklós Radnóti, một nhà thơ lớn của đất nước này. Sự nghiệp rực rỡ của ông đã bị cắt đứt bởi lòng thù hận mù quáng của những người đầu tiên đã ngăn cản ông giảng dạy và sau đó chia tách ông ra khỏi gia đình, không vì lý do gì khác ngoài nguồn gốc Do Thái của ông.

Bị giam trong trại tập trung, trong một chương đen tối và sa đọa nhất của lịch sử con người, ông Radnóti vẫn tiếp tục sáng tác thơ cho đến khi chết. Bor Notebook là tập thơ duy nhất của ông thoát khỏi thảm họa diệt chủng Shoah. Nó minh chứng cho sức mạnh niềm tin của ông vào hơi ấm của tình yêu thương giữa băng giá của những trại giam, thắp sáng trong bóng tối của hận thù bằng ánh sáng của niềm tin. Bị đè bẹp bởi những xiềng xích trói buộc linh hồn, tác giả đã khám phá ra một sự tự do lớn lao hơn và lòng can đảm để viết rằng, “là một tù nhân… tôi đánh giá tất cả những gì tôi đã hy vọng” (Bor Notebook, Thư gửi vợ). Ông cũng đặt ra một câu hỏi còn vang vọng cho chúng ta ngày nay: “Còn bạn, bạn sống như thế nào? Tiếng nói của bạn có tìm được âm vang trong thời gian này không? ” (Bor Notebook, First Eclogue). Anh chị em thân mến, tiếng nói của chúng ta chắc chắn không thể không làm vang vọng Lời đã ban cho chúng ta từ Thiên đàng, những âm vang của hy vọng và hòa bình. Ngay cả khi không ai lắng nghe hoặc chúng ta bị hiểu lầm, ước mong những hành động của chúng ta không bao giờ phủ nhận sự Mặc khải mà chúng ta là chứng nhân.

Cuối cùng, trong sự cô độc và hoang vắng của trại tập trung, khi nhận ra sự sống của mình đang dần tàn lụi, thi sĩ Radnóti viết: “Tôi bây giờ chính tôi là một cái rễ ... Đã từng là một bông hoa, tôi đã trở thành một cái rễ” (Bor Notebook, Root). Chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành những cội rễ. Về phần mình, chúng ta thường tìm kiếm hoa trái, kết quả hoặc sự khẳng định. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã làm cho lời Người trổ sinh hoa trái trên mặt đất bằng một cơn mưa êm đềm làm cho cánh đồng nở hoa (xem Is 55:10). Người nhắc nhở chúng ta rằng hành trình đức tin của chúng ta là những hạt giống, những hạt giống sau đó trở thành những rễ đâm sâu nuôi dưỡng ký ức và làm cho tương lai trổ hoa. Đây là điều mà Thiên Chúa của các tổ phụ chúng ta yêu cầu nơi chúng ta, bởi vì – như một nhà thơ khác đã viết – “Thiên Chúa chờ đợi ở những nơi khác; Người chờ đợi ở nền tảng mọi thứ. Ở nơi gốc rễ. Ở dưới” (Rainer Maria Rilke, Vladimir, the Cloud Painter). Chúng ta chỉ có thể vươn tới những đỉnh cao nếu chúng ta có cội nguồn sâu xa. Nếu cội nguồn của chúng ta là việc lắng nghe Đấng Tối Cao và người khác, chúng ta sẽ giúp cho con người cùng thời biết chấp nhận và yêu thương nhau. Chỉ khi chúng ta trở thành những gốc rễ của hòa bình và chồi non của sự hiệp nhất, chúng ta mới chứng minh khả tín trước mắt thế giới, những người nhìn chúng ta với niềm khao khát có thể mang lại hy vọng nở hoa. Tôi xin cảm ơn và động viên anh em hãy kiên trì trên hành trình cùng nhau, cảm ơn anh em! Xin thứ lỗi cho tôi vì ngồi và nói, nhưng tôi không còn ở tuổi mười lăm nữa! Cảm ơn anh em.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2021]


Đức Thánh Cha chào các nhà báo trên chuyến bay trực tiếp đến Budapest

Đức Thánh Cha chào các ký giả trên chuyến bay trực tiếp đến Budapest

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia

(12-15 tháng Chín 2021)

Đức Thánh Cha chào các nhà báo trên chuyến bay trực tiếp đến Budapest

Chuyên cơ giáo hoàng

Chủ nhật, 12 tháng Chín, 2021

_____________________________________

Đức Thánh Cha chào các ký giả trên chuyến bay trực tiếp đến Budapest


Ông Bruni

Xin chào (buổi sáng) mọi người. Xin chào Đức Thánh Cha.

ĐTC

Chào mọi người.

Ông Bruni

Tôi nghĩ tôi cùng chung suy nghĩ của mọi người khi nói rằng chúng ta rất vui và biết ơn khi gặp [bà ấy]. Chúng ta gồm bảy mươi tám nhà báo và nhà điều hành truyền thông, tám người trong số đó đến từ các quốc gia chúng ta sẽ đến, năm người từ Hungary và ba từ Slovakia. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì lời chào của ngài và những lời mà ngài muốn gửi đến chúng con.

ĐTC

Chào (buổi sáng) anh chị em. Cảm ơn vì sự đồng hành. Chuyến bay này mang một chút hương vị của sự tạm biệt, vì vị Thầy của nghi lễ sẽ chia tay chúng ta: đây là chuyến đi cuối cùng, vì ngài đã trở thành một giám mục. Rồi “người độc quyền nhiệm vụ” rời bỏ chúng ta [ngài quay sang nhìn Đức ông Datonou mỉm cười]. Đức ông rất giỏi … Đức ông cũng đã được bổ nhiệm làm giám mục và nhường vị trí cho Đức ông Giorgio người Ấn độ [Đức ông George Jacob Koovakad]: luôn mỉm cười, luôn luôn. Đức ông sẽ là “người độc quyền nụ cười!” Alitalia chia tay chúng ta … Nhiều người rời bỏ, nhưng chúng ta khôi phục việc đi lại và đây là điều rất quan trọng, vì chúng ta sẽ đem lời và tiếng chào đến cho nhiều người.

Cảm ơn mọi người đã đến, cảm ơn Đức ông Dieudonné, cảm ơn Đức ông Giorgio, “người độc quyền nụ cười.” Cảm ơn Đức ông Marini, cảm ơn tất cả anh chị em và cảm ơn Alitalia đã đưa chúng ta đi rất xa. Hôm nay không có trưởng đoàn, trong chuyến bay này không có chị Valentina [Alazraki], nhưng có anh [Philip] Pullella, tôi nghĩ: anh ấy kia rồi, tôi nhìn thấy đường băng [chỉ về phía đầu của anh Pullella].

Chúng ta tiếp tục, luôn nhớ về những người không có mặt trên chuyến bay vì họ là bạn đồng hành của chúng ta. Bây giờ tôi phải tạm biệt, hơi vội một chút vì thời gian eo hẹp. Cảm ơn anh chị em.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/9/2021]