Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh “Lạy Nữ vương Thiên Đàng” ngày 14.04.2024

“Thật đẹp khi chia sẻ thực tại đã chạm đến cuộc sống của chúng ta, để nó có thể được lưu lại”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh “Lạy Nữ vương Thiên Đàng”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh “Lạy Nữ vương Thiên Đàng” ngày 14.04.2024

Vatican Media


*******

Trưa Chúa nhật thứ ba Phục sinh hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng cùng với khoảng 15 nghìn tín hữu và khách hành hương có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.

_____________________________________


Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay Tin Mừng đưa chúng ta trở lại với buổi tối Lễ Vượt qua. Các tông đồ đang tập trung tại Phòng Tiệc Ly, khi hai môn đệ từ Emmau trở về và kể lại cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giêsu. Và trong khi họ đang bày tỏ niềm vui mừng về kinh nghiệm của mình, Đấng Phục Sinh hiện ra với cả cộng đoàn. Chúa Giêsu đến đúng lúc họ đang chia sẻ câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Người. Điều này khiến cha nghĩ rằng chia sẻ niềm tin là điều rất tốt, chia sẻ niềm tin là điều quan trọng. Trình thuật này khiến chúng ta phải suy ngẫm về tầm quan trọng của việc chia sẻ niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

Mỗi ngày chúng ta bị tấn công dồn dập bởi hàng ngàn tin nhắn. Trong đó có nhiều tin nhắn hời hợt và vô ích, những tin khác bộc lộ sự tò mò hớ hênh hoặc tệ hơn nữa là phát sinh từ những lời đàm tiếu và ác ý. Chúng là những tin chẳng có mục đích; ngược lại, chúng gây hại. Nhưng cũng có những tin tốt, tích cực và mang tính xây dựng, và tất cả chúng ta đều biết rằng nghe được những điều tốt đẹp thì hay biết bao, và chúng ta sẽ trở nên tốt hơn khi điều này xảy ra. Và cũng thật tốt khi chia sẻ những thực tại, dù tốt hay xấu, đã chạm đến cuộc sống của chúng ta để giúp người khác.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta thường phải cố gắng nói về nó. Chúng ta phải cố nói về điều gì? Điều đẹp nhất mà chúng ta phải kể ra là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đều đã gặp Chúa và chúng ta phải nói về điều đó. Mỗi người chúng ta có thể nói thật nhiều về điều này: Chúa đã chạm đến chúng ta như thế nào và chia sẻ điều này, không phải như một người thuyết trình trước người khác, nhưng bằng cách chia sẻ những khoảnh khắc riêng qua đó chúng ta cảm nhận được Chúa sống động và gần gũi, Đấng đã làm rạo rực niềm hân hoan trong tâm hồn chúng ta hoặc lau khô những giọt nước mắt của chúng ta, Đấng đã truyền tải niềm tin và sự an ủi, sức mạnh và sự hăng say, hoặc sự tha thứ, sự dịu dàng. Những cuộc gặp gỡ này mà mỗi người chúng ta đã trải qua với Chúa Giêsu, hãy chia sẻ và truyền đạt chúng. Đây là vấn đề quan trọng để thực hiện trong gia đình, trong cộng đồng, với bạn bè. Cũng như thật tốt khi nói về những nguồn cảm hứng tốt lành đã dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống, những suy nghĩ và cảm xúc tốt đẹp đã giúp chúng ta rất nhiều để tiến bước, cũng như về những cố gắng và làm việc của chúng ta để hiểu và tiến bộ trong đời sống đức tin, thậm chí có thể là hối lỗi và lần lại những bước đi của chúng ta. Nếu chúng ta làm việc này, Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên, giống như Người đã làm cho các môn đệ trên đường Emmau vào buổi tối Lễ Vượt Qua, và làm cho những cuộc gặp gỡ cũng như môi trường của chúng ta trở nên đẹp đẽ hơn nữa.

Vậy, giờ đây chúng ta hãy cố gắng nhớ lại giây phút mạnh mẽ của đời sống đức tin của chúng ta, cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa Giêsu. Mọi người đều có cuộc gặp gỡ đó, mỗi người chúng ta đều có sự gặp gỡ với Chúa. Chúng ta hãy thinh lặng và suy nghĩ: tôi đã tìm thấy Chúa khi nào? Chúa đã ở gần tôi khi nào? Chúng ta hãy suy nghĩ trong thinh lặng. Và tôi có chia sẻ cuộc gặp gỡ với Chúa để tôn vinh Người không? Ngoài ra, tôi có lắng nghe người khác khi họ nói với tôi về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta chia sẻ niềm tin để làm cho các cộng đoàn của chúng ta trở thành những nơi tuyệt vời hơn để gặp gỡ Chúa.

______________________


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến!

Tôi đang theo dõi tin tức đến với chúng ta trong vài giờ qua, trong lời cầu nguyện và với sự quan ngại, thậm chí đau đớn, liên quan đến tình hình ngày càng xấu đi ở Israel do sự can thiệp của Iran. Tôi tha thiết kêu gọi hãy dừng mọi hành động có thể châm thêm ngòi cho vòng xoáy bạo lực, có nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột quân sự lớn hơn.

Không ai được đe dọa sự sống của người khác. Ước mong tất cả các quốc gia đứng về phía hòa bình và giúp đỡ người Israel và người Palestine sống hai Nhà nước, bên cạnh nhau trong sự an toàn. Đó là ước mong sâu thẳm và chính đáng của họ, và đó là quyền của họ! Hai nhà nước cạnh nhau.

Hãy sớm có lệnh ngừng bắn ở Gaza và chúng ta hãy quyết tâm theo đuổi con đường đàm phán. Chúng ta hãy giúp đỡ những người dân đang rơi vào thảm họa nhân đạo; hãy thả những con tin bị bắt cóc nhiều tháng trước! Đã có quá nhiều đau khổ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình. Không còn chiến tranh, không còn tấn công, không còn bạo lực! Hãy nói có với đối thoại và có với hòa bình!

Hôm nay tại Ý đánh dấu Ngày Kỷ niệm thứ 100 của Đại học Công giáo Thánh Tâm, với chủ đề: “Nhu cầu cho tương lai: giới trẻ giữa sự tỉnh ngộ và khao khát”. Tôi động viên Đại học này tiếp tục công việc đào tạo quan trọng của mình, trung thành với sứ mệnh và chú ý đến nhu cầu của giới trẻ và xã hội ngày nay.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người dân Rome và những anh chị em hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha chào các tín hữu ở Los Angeles, Houston, Nutley và Riverside ở Hoa Kỳ; cũng như anh chị em người Ba Lan, – có rất nhiều cờ Ba Lan! – đặc biệt là anh chị em thuộc vùng Bodzanów và các tình nguyện viên trẻ của Nhóm Viện trợ Giáo hội Đông phương. Tôi xin chào đón và động viên các nhà lãnh đạo Cộng đồng Sant’Egidio từ nhiều quốc gia Mỹ Latinh.

Cha trìu mến chào các con thiếu nhi đến từ nhiều nơi trên thế giới, các con đến để nhắc nhở chúng ta rằng ngày 25 đến 26 tháng Năm Giáo hội sẽ tổ chức Ngày Trẻ em Thế giới đầu tiên. Cảm ơn các con! Tôi mời gọi mọi người cùng đồng hành với hành trình hướng tới sự kiện này – Ngày Trẻ em thứ nhất – bằng lời cầu nguyện, và tôi cảm ơn những người đang nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện này. Và cha nói với các con thiếu nhi nam nữ rằng: Cha đang chờ đợi các con! Tất cả các con! Chúng ta cần niềm vui và ước mong của các con về một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới hòa bình. Anh chị em chúng ta hãy cầu nguyện cho những trẻ em đang đau khổ vì chiến tranh – có rất nhiều trẻ em! – ở Ukraine, Palestine, Israel và ở những nơi khác trên thế giới, ở Myanmar. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các trẻ và cho hòa bình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cha chào các bạn trẻ thuộc Immacolata. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2024]


Một góc nhìn từ drone của 7 nhà thờ Công giáo lộng lẫy

Một góc nhìn từ drone của 7 nhà thờ Công giáo lộng lẫy

Các video mang lại những góc nhìn đặc biệt và nâng tầm cách nhìn của các tín hữu về những nhà thờ này.

Một góc nhìn từ drone của 7 nhà thờ Công giáo lộng lẫy

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Lộ Đức, Pháp (photo: Unsplash)

Abel Camasca/ACI Prensa/CNA

14 tháng Tư, 2024


Có rất nhiều nhà thờ tuyệt đẹp trên thế giới kết hợp giữa công trình xây dựng ấn tượng với những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy. Trong khi một số nhà thờ có vẻ đơn sơ thì một số khác lại chứa quá nhiều chi tiết đến mức mắt người khó có thể nhìn thấu hết được.

Tuy nhiên, công nghệ mới ngày nay cho phép việc chiêm ngưỡng từ nhiều góc độ khác nhau, bên trong và bên ngoài, những nhà thờ kiệt tác này được cung hiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa.

Dưới đây là bảy video sẽ nâng tầm cách nhìn của người tín hữu về những nhà thờ này, ngoài việc mang đến cho người xem các góc nhìn đặc biệt.


1. Đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp)

Theo trang web của Đền thờ Lộ Đức, khu phức hợp này có diện tích hơn 130 mẫu Anh (hơn 52,6 ha) và bao gồm 22 nơi thờ phượng, trong đó có ba vương cung thánh đường. Đầu tiên là một nhà nguyện mang tên Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được xây dựng trên hang đá nơi Đức Mẹ Lộ Đức hiện ra vào năm 1858.

Thứ hai là Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân côi, nơi những bức tranh khảm mô tả các mầu nhiệm của Kinh Mân côi. Cuối cùng là vương cung thánh đường dưới lòng đất để tôn vinh Thánh Piô X, được khánh thành vào năm 1958 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra.



2. Vương cung thánh đường Thánh Gia (Tây Ban Nha)

Tọa lạc tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha, công trình xây dựng bắt đầu vào năm 1882 và được thiết kế bởi kiến trúc sư Antonio Gaudí. Vẫn chưa hoàn thành hoàn toàn, việc xây dựng còn tiếp tục cho đến ngày nay và nguồn vốn chỉ đến từ tiền lạc quyên. Trang web của vương cung thánh đường Sagrada Familia (Thánh Gia) thông báo về tiến trình xây dựng nhà thờ rằng vào tháng Mười Một năm 2023 “nhóm bốn tòa tháp của các vị thánh sử đã được khánh thành”.

Năm 2026, dự kiến hoàn thành tòa tháp Chúa Giêsu ở trung tâm. Vẻ đẹp bên trong và sự chú ý đến từng chi tiết của các hình ảnh nghệ thuật bên ngoài vương cung thánh đường được thiết kế để nâng cao tâm hồn du khách.



3. Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe (Mexico)

Nhà thờ này được cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa và tọa lạc trên Đồi Tepeyac ở Thành phố Mexico, nơi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego vào năm 1531.

Cấu trúc hiện tại, được hoàn thành vào năm 1976, có thiết kế hình tròn để có thể nhìn thấy linh ảnh Đức Mẹ Guadalupe từ bất kỳ điểm nào trong nhà thờ. Hàng năm có hàng chục triệu người truy cập vào trang web. Các cuộc hành hương tăng vọt trong dịp lễ hàng năm vào ngày 12 tháng Mười Hai.



4. Nhà thờ chánh tòa Santiago de Compostela (Tây Ban Nha)

Ở Tây Ban Nha và khắp Châu Âu, tuyến đường hành hương Camino de Santiago (Con đường Thánh Giacôbê) rất nổi tiếng. Nó kết thúc tại nhà thờ có cùng tên. Trang web của nhà thờ ghi lại rằng nhà thờ được xây dựng trên mộ của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Từ thế kỷ thứ chín, khi bắt đầu công trình xây dựng, nhà thờ đã trải qua nhiều thay đổi, tu sửa và trùng tu. Du khách ngạc nhiên trước mặt tiền theo phong cách baroque thu hút sự chú ý và các chi tiết ấn tượng của nó. Nhà thờ này đã được Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viếng thăm.


5. Nhà thờ chánh tòa Thánh Phêrô và Thánh Cecilia (Argentina)

Nhà thờ chánh tòa và vương cung thánh đường, nằm trong Giáo phận Mar del Plata ở Argentina, được công nhận là Di sản Lịch sử Quốc gia vào năm 1995. Nhà thờ có kiến trúc tân Gothic và nội thất của nhà thờ có giá trị nghệ thuật và tôn giáo rất lớn.

Công trình xây dựng bắt đầu vào tháng Hai năm 1893 và được khánh thành vào ngày 12 tháng Hai năm 1905. Ngôi nhà thờ khổng lồ có thể chứa 7.000 người. Vào tháng Một năm 2022, một chuyến tham quan ảo 360 độ ba tầng của công trình đã được ra mắt.



6. Vương cung thánh đường Notre-Dame de Fourvière (Pháp)

Tọa lạc tại Lyon, Pháp, nhà thờ được xây dựng từ năm 1872 đến năm 1917 trên một ngọn đồi và có thể nhìn thấy từ bất kỳ điểm nào trong thành phố. Nhà thờ có bốn tòa tháp chính và một tháp chuông có đặt tượng Đức Trinh Nữ Maria bằng vàng.

Vương cung thánh đường nằm ở khu vực lâu đời nhất của thành phố Lyon, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Trong video dưới đây, hãy ngắm nhìn tượng Đức Mẹ từ trên cao, khi hoàng hôn buông xuống.



7. Nhà thờ chánh tòa Cologne (Đức)

Nhà thờ chánh tòa nằm ở Cologne, Đức, được coi là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của nghệ thuật Gothic ở châu Âu thời trung cổ. Nó được xây dựng trên một ngôi đền La Mã thuộc thế kỷ thứ tư. Công trình xây dựng bắt đầu vào năm 1248 và mất hơn 600 năm để hoàn thành.

Năm 1996, nó được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Nằm giữa các mái vòm lịch sử là những thánh tích quý giá, vật phẩm phụng vụ, bản thảo, áo choàng và phù hiệu của các tổng giám mục và giáo sĩ của nhà thờ đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ.



Phần thưởng từ Brazil

Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Río de Janeiro, Brazil, là một trong những bức tượng Chúa Phục sinh nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Một nhà nguyện nằm bên trong bệ tượng khổng lồ.

Nằm trên đỉnh núi Corcovado và được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại, bức tượng này tượng trưng Chúa Kitô đang ngự trị và sẽ luôn ngự trị.




[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2024]