Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Nhà lãnh đạo Anh giáo tham gia cùng với đức giáo hoàng, đức thượng phụ trong thông điệp về tạo vật (toàn văn)

Nhà lãnh đạo Anh giáo tham gia cùng với đức giáo hoàng, đức thượng phụ trong thông điệp về tạo vật (toàn văn)

Nhà lãnh đạo Anh giáo tham gia cùng với đức giáo hoàng, đức giáo chủ trong thông điệp về tạo vật (toàn văn)

pantanaloficial.com.br

Kathleen N. Hattrup

07/09/21


Kinh thánh và các thánh cung cấp những quan điểm để hiểu được các thực tại trong hiện tại và lời hứa về một điều gì đó lớn lao hơn những gì chúng ta thấy bây giờ.

Lần đầu tiên, nhà lãnh đạo của Liên minh Anh giáo, Đức Tổng giám mục Canterbury, đã cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống Bartholomew ký thông điệp chung cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Tạo vật.

Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố ngày 1 tháng Chín là ngày thế giới Công giáo cầu nguyện theo ý chỉ này. Giáo hội Chính thống giáo đã công nhận ngày này từ năm 1989.

Thông điệp năm nay mời gọi cầu nguyện cho các cuộc họp vào tháng Mười Một ở Glasgow, nhưng cũng nhắc lại rằng tất cả chúng ta có thể thực hiện những thay đổi cá nhân để quản lý tốt hơn món quà tạo vật của Thiên Chúa.

Dưới đây là toàn văn thông điệp:


*****

THÔNG ĐIỆP CHUNG VỀ VIỆC BẢO VỆ TẠO VẬT

Trong hơn một năm qua, tất cả chúng ta đều đã trải qua những hậu quả tàn phá của đại dịch toàn cầu — tất cả chúng ta, dù nghèo hay giàu, yếu đuối hay khỏe mạnh. Một số người được bảo vệ tốt hơn hoặc dễ bị tổn thương hơn những người khác, nhưng sự lây lan nhanh chóng có nghĩa là chúng ta phải phụ thuộc vào nhau trong nỗ lực giữ an toàn. Chúng ta nhận ra rằng, khi đối mặt với thảm họa trên toàn thế giới này, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, rằng hành động của chúng ta chắc chắn ảnh hưởng lẫn nhau, và những gì chúng ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra ngày mai.

Đây không phải là các bài học mới, nhưng chúng ta đã phải đối mặt với chúng một lần nữa. Mong rằng chúng ta không lãng phí giây phút này. Chúng ta phải quyết định chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai môt thế giới như thế nào. Thiên Chúa ủy thác: ‘Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống’ (Đnl 30:19). Chúng ta phải chọn cách sống khác; chúng ta phải chọn sống.

Tháng Chín được nhiều tín hữu Kitô giáo cử hành là Mùa Tạo vật, là cơ hội để cầu nguyện và chăm sóc cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau vào tháng Mười Một tại Glasgow để thảo luận về tương lai của hành tinh chúng ta, chúng ta cầu nguyện cho họ và cân nhắc những lựa chọn mà tất cả chúng ta phải đưa ra. Do đó, với tư cách là những nhà lãnh đạo của các Giáo hội, chúng tôi kêu gọi mọi người, bất kể tín ngưỡng hay thế giới quan của họ là gì, hãy cố gắng lắng nghe tiếng kêu của trái đất và của những người nghèo khổ, xem xét lại hành vi của mình và cam kết những hy sinh có ý nghĩa vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.


Tầm quan trọng của tính bền vững

Trong truyền thống chung của Kitô giáo chúng ta, Kinh thánh và các vị thánh cung cấp những quan điểm soi sáng để hiểu được các thực tại trong hiện tại và lời hứa về một điều gì đó lớn lao hơn những gì chúng ta thấy trong lúc này. Khái niệm người quản lý — đối với trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với tài sản của Thiên Chúa ban tặng — cho thấy một điểm khởi đầu quan trọng cho tính bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy một người giàu có và dại khờ, tích trữ nhiều thóc gạo trong khi quên mất chung cuộc hữu hạn của mình (Lc 12:13–21). Chúng ta học được bài học của đứa con hoang đàng sớm nhận lấy của thừa kế, rồi phung phí nó và cuối cùng chịu đói khổ (Lc 15:11–32). Chúng ta được cảnh báo không áp dụng các phương án ngắn hạn và rẻ tiền là xây dựng trên cát, thay vì xây ngôi nhà chung của chúng ta trên đá để chống chọi với những cơn bão tố (Mt 7:24–27). Những câu chuyện này mời gọi chúng ta có một cái nhìn rộng lớn hơn và nhận ra vị trí của chúng ta trong câu chuyện mở rộng của nhân loại.

Nhưng chúng ta đã đi theo hướng ngược lại. Chúng ta đã gia tăng tột độ lợi ích của bản thân với cái giá phải trả là các thế hệ tương lai. Khi chỉ tập trung vào của cải cho bản thân, chúng ta nhìn thấy rằng những tài sản lâu dài đã bị cạn kiệt vì lợi ích ngắn hạn, bao gồm cả món quà hào phóng của thiên nhiên. Công nghệ đã mở ra những khả năng mới cho sự tiến bộ nhưng cũng là cơ hội để tích lũy tài sản vô độ, và nhiều người trong chúng ta hành xử theo những cách ít thể hiện sự quan tâm đến người khác hoặc những giới hạn của hành tinh. Thiên nhiên có khả năng phục hồi, nhưng rất mong manh. Chúng ta đã và đang chứng kiến những hậu quả của việc chúng ta từ chối bảo vệ và canh giữ nó (St 2:15). Bây giờ, trong thời điểm này, chúng ta có cơ hội để ăn năn, để quyết tâm trở lại, đi theo hướng ngược lại. Chúng ta phải theo đuổi sự quảng đại và công bằng trong cách chúng ta sống, làm việc và sử dụng đồng tiền, thay vì vụ lợi ích kỷ.


Tác động đối với những người sống trong cảnh nghèo khổ

Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay nói lên một cách hùng hồn cho biết chúng ta là ai và cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chúng ta đứng trước một sự công bằng khắc nghiệt: sự mất mát đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, và biến đổi khí hậu là những hậu quả không thể tránh khỏi do các hành động của chúng ta, vì chúng ta đã tiêu thụ nhiều tài nguyên của trái đất một cách tham lam hơn mức độ hành tinh có thể chịu đựng. Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với một sự bất công sâu sắc: những người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất của các sự lạm dụng này là những người nghèo nhất trên hành tinh và ít chịu trách nhiệm nhất trong việc gây ra những hậu quả đó. Chúng ta phục vụ một Thiên Chúa công bằng, Đấng vui thích trước công trình sáng tạo và tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng cũng nghe thấy tiếng kêu của những người nghèo khổ. Do đó, có một lời gọi vốn có trong chúng ta để đáp lời với lòng đau đớn khi chúng ta nhìn thấy sự bất công quá lớn như vậy.

Hôm nay, chúng ta đang phải trả giá. Thời tiết cực đoan và thiên tai trong những tháng gần đây với sức mạnh kinh hoàng và thiệt hại nhiều về nhân mạng cho chúng ta thấy rất rõ ràng rằng biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức trong tương lai, mà là vấn đề sinh tồn trước mắt và cấp bách. Lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán trên diện rộng đe dọa toàn bộ các lục địa. Mực nước biển dâng cao, buộc các cộng đồng phải di dời; những trận lốc xoáy tàn phá toàn bộ các khu vực, hủy hoại cuộc sống và sinh kế. Nước trở nên khan hiếm và nguồn cung cấp lương thực mất an ninh, gây ra sự xung đột và di tản cho hàng triệu người. Chúng ta đã nhìn thấy điều này ở những nơi mà con người phải dựa vào các vùng đất nông nghiệp quy mô nhỏ. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy điều đó ở các nước công nghiệp phát triển hơn, nơi mà ngay cả những cơ sở hạ tầng công phu cũng hoàn toàn không thể ngăn chặn sự tàn phá bất thường.

Ngày mai có thể tồi tệ hơn. Trẻ em và thanh thiếu niên của hôm nay sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nếu chúng ta không nhận lấy trách nhiệm, với tư cách là ‘những người cộng tác với Thiên Chúa’ (Gn 2,4–7), để gìn giữ thế giới của chúng ta. Chúng ta thường xuyên nghe thấy tiếng nói của những người trẻ tuổi, những người hiểu rằng tương lai của họ đang bị đe dọa. Vì lợi ích của họ, chúng ta phải lựa chọn cách ăn uống, du lịch, tiêu dùng, đầu tư và sống khác đi, không chỉ nghĩ đến ích lợi và thu vén trước mắt mà còn cả những lợi ích cho tương lai. Chúng ta phải ăn năn tội lỗi của thế hệ chúng ta. Chúng ta sát cánh cùng những người anh em của chúng ta trên khắp thế giới trong lời cầu nguyện liên lỷ và hành động cống hiến cho một tương lai ngày càng phù hợp hơn với những lời hứa của Thiên Chúa.


Mệnh lệnh hợp tác

Trong suốt thời gian đại dịch, chúng ta đã biết được mức độ dễ bị tổn thương của mình. Các hệ thống xã hội của chúng ta bị quá tải, và chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ. Chúng ta phải thừa nhận rằng cách chúng ta sử dụng đồng tiền và cách tổ chức xã hội của chúng ta đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng ta thấy mình yếu đuối và lo âu, bị nhận chìm trong hàng loạt những khủng hoảng; sức khỏe, môi trường, lương thực, kinh tế và xã hội, tất cả đều có mối liên kết sâu sắc với nhau.

Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta một sự lựa chọn. Chúng ta có một vị trí duy nhất là giải quyết các vấn đề bằng sự thiển cận và trục lợi, hoặc nắm bắt thời gian này như một cơ hội để hoán cải và thay đổi. Nếu chúng ta coi nhân loại như một gia đình và cùng nhau làm việc hướng tới một tương lai đặt nền tảng trên ích chung, chúng ta sẽ thấy mình đang sống trong một thế giới rất khác. Cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ một tầm nhìn về đời sống nơi mọi người cùng phát triển tốt lành. Cùng nhau, chúng ta có thể chọn cách hành động với tình yêu thương, công bằng và lòng thương xót. Cùng nhau, chúng ta có thể tiến đến một xã hội công bằng hơn và hoàn thiện hơn với những người dễ bị tổn thương nhất ở trung tâm.

Tuy nhiên điều này liên quan đến việc thực hiện các thay đổi. Mỗi cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng các nguồn tài nguyên của mình. Con đường này đòi hỏi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa tất cả các giáo hội trong sự cam kết chăm sóc cho tạo vật. Cùng với nhau, với tư cách là những cộng đồng, các nhà thờ, các thành phố và quốc gia, chúng ta phải thay đổi lộ trình và khám phá những cách thức làm việc mới cùng với nhau để phá bỏ những rào cản truyền thống giữa các dân tộc, ngừng tranh giành tài nguyên và bắt đầu hợp tác.

Đối với những người có trách nhiệm sâu rộng hơn — đứng đầu các cơ quan quản lý, điều hành công ty, tuyển dụng nhân sự hoặc những quỹ đầu tư — chúng tôi nói: hãy chọn lợi nhuận lấy con người làm trung tâm; hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ tương lai của tất cả chúng ta; hãy trở thành những nhà lãnh đạo trong giai đoạn chuyển đổi sang các nền kinh tế công bằng và bền vững. ‘Ai được giao phó nhiều, thì bị đòi hỏi nhiều hơn.’ (Lc 12,48)

Đây là lần đầu tiên ba người chúng tôi cảm thấy buộc phải cùng nhau nói lên sự cấp bách của tính bền vững môi trường, tác động của nó đối với tình trạng đói nghèo dai dẳng, và tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu. Cùng nhau, thay mặt cho các cộng đồng của mình, chúng tôi kêu gọi tâm hồn và trí óc của tất cả mọi người Kitô hữu, tất cả các tín đồ và người thiện chí. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ họp tại Glasgow để quyết định tương lai của hành tinh chúng ta và con người trên hành tinh này. Một lần nữa, chúng ta nhớ lại lời Kinh thánh: ‘Hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống’ (Đnl 30:19). Lựa chọn sống có nghĩa là phải hy sinh và tự kiềm chế.

Tất cả chúng ta — dù là ai và ở đâu — đều có thể đóng góp một phần vào việc thay đổi cách phản ứng chung của chúng ta trước mối đe dọa chưa từng có của sự biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Chăm sóc cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa là một nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi sự đáp lời cam kết. Đây là một thời điểm quan trọng. Tương lai của con cái chúng ta và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta phụ thuộc vào nó.


1 tháng Chín, 2021

Thượng phụ Đại kết Bartholomew

Giáo hoàng Phanxicô

Tổng Giám mục Canterbury Justin


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2021]


Cha Tom Colucci: Từ người lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục New York

Cha Tom Colucci: Từ người lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục New York

Cha Tom Colucci: Từ người lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục New York

Shawn Marquardt | Shutterstock

John Burger

11/09/21


Cha đã nhìn thấy những hậu quả của sự dữ tại khu Ground Zero, và khi nghỉ làm tại sở cứu hỏa, cha đã tìm ra một con đường mới để cứu các linh hồn.

Như đã thực hiện được vài năm qua, Cha Thomas Colucci sẽ cử hành một thánh lễ vào thứ Bảy tuần này tưởng nhớ 343 lính cứu hỏa của Thành phố New York thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại Thế giới của New York vào ngày 11 tháng Chín năm 2001. Thánh lễ sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Thánh Phanxicô, nơi Cha Mychal Judge, một tu sĩ dòng Phanxicô và là tuyên úy của Sở Cứu hỏa New York, đã sống cho đến khi thiệt mạng vào ngày 11/9.

Cha Colucci rất có thể đã nằm trong số 343 nạn nhân đó, vì Cha là một trong những lính cứu hỏa đầu tiên phản ứng với các cuộc tấn công trên không vào Tòa Tháp Đôi, xảy ra 20 năm trước vào thứ Bảy tuần này. Từ khi nghỉ việc ở Sở Cứu hỏa New York, cha theo học để trở thành một linh mục và được thụ phong vào năm 2016.

Cha Tom Colucci: Từ người lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục New York


Sáng hôm đó anh Colucci đã làm xong ca đêm, và khi gần về đến nhà, anh nghe bản tin về vụ tấn công và lập tức quay lại. Khi anh và các lính cứu hỏa khác từ công ty của anh đến hiện trường, tòa Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới đã sụp đổ.

Cha kể: “Chúng tôi ngay lập tức nhìn xuyên qua đống đổ nát qua bất kỳ khoảng trống nào mà chúng tôi có thể tìm thấy, để tìm kiếm những người còn sống sót. Chúng tôi làm việc đó được một khoảng thời gian, nhưng một mắt chúng tôi phải để ý vào tòa Tháp Bắc, nghĩ rằng nó cũng sẽ sụp đổ, và điều đó đã xảy ra. Có một tiếng gầm rất lớn. Tất cả chúng tôi bỏ chạy. … Và một đám mây bụi mù phủ lên chúng tôi.”

Bị bao phủ bởi lớp bụi, những người lính cứu hỏa nhanh chóng bắt đầu đào bới đống đổ nát của tháp Bắc, tìm kiếm những người sống sót, nhưng con số rất ít. Anh Colucci, lúc đó 45 tuổi, vẫn tiếp tục đào bới và tìm kiếm cho đến nửa đêm. Anh tiếp tục quay trở lại “đống nát” trong nhiều tuần sau.

Sở cứu hỏa của anh Colucci có năm người chết và một số người bị thương. Một số lính cứu hỏa đồng nghiệp của anh bị căng thẳng về tâm lý. Trong những tuần sau đó, những người còn lại với công việc không những phải thường xuyên nỗ lực tìm kiếm tại khu Ground Zero mà còn phải trả lời các cuộc gọi cứu hỏa.

Cha nhớ lại: “Họ cần có người trực tại sở cứu hỏa vì vẫn có các cuộc gọi đến, và có thể còn tăng thêm, vì mọi người đều nhìn thấy những gói đồ đáng ngờ ở khắp nơi. Chúng tôi phải phản ứng với tất cả những thứ đó, và với mùi vị, khói hoặc những người khả nghi. Ba tuần đầu tiên vô cùng nặng nề, và tiếp tục với những đám tang.”

Đã có những buổi lễ truy điệu năm người lính cứu hỏa trong nhóm của anh. Ngay trước Lễ Tạ ơn, các phần thân thể của ba người trong số họ đã được xác định, vì vậy họ có thể tổ chức tang lễ. Cha Colucci nhớ lại: “Nó mở ra những vết thương, và những nỗi buồn vô hạn. Một số góa phụ sinh con sau ngày 11/9. Nó rất, rất buồn.”

Cha nói rằng cha biết được khoảng 100 trong số 343 lính cứu hỏa đã thiệt mạng vào ngày 11/9. Giống như những người lính cứu hỏa khác, những ngày thứ Bảy trong các tháng sau đó thường bận rộn với việc tham dự một lễ tang hoặc lễ truy điệu.

Trong khi đó, việc đào bới tại hiện trường là “khủng khiếp, rất buồn và như là phi thực tế,” Cha nói và mô tả công đoạn bắt gặp các phần thân thể và chuyển chúng đến một nhà xác tại hiện trường.

Nhưng từ ngày đầu tiên, Cha nhận thấy có các linh mục Công giáo (và các tuyên úy của các tông phái khác) đã xuất hiện hỗ trợ cả về công việc và tinh thần. Các linh mục ở đó để làm phép cho những hài cốt người được tìm thấy và an ủi cũng như chăm sóc tinh thần cho các nhân viên cứu hỏa và những người khác tại hiện trường. Cha Colucci đặc biệt nhớ đến cha Brian Jordan Dòng Phanxicô, người đi đôi giày thể thao để có thể đứng thẳng trên đống đổ nát nguy hiểm, đầy những mảnh thép sắc nhọn, để có mặt cùng nhóm cứu hộ.

Lẽ tự nhiên là anh chú ý đến các linh mục — anh đã suy nghĩ đến việc trở thành một linh mục sau khi dự định nghỉ hưu vào năm 2005.

Cha nói: “Nó luôn đọng lại một chút trong tâm trí tôi. Tôi đã có một cuộc sống bình thường. Tôi đã hẹn hò. Tôi đã có chỗ của riêng mình. … Tôi đã đi uống bia với các bạn bè.”

Anh cũng có một chút nét tu trì trong mình. “Ngay cả khi ở sở cứu hỏa bạn bè gọi tôi là Cha Tom, ngay cả hồi đó. Tôi là đại biểu của Tu hội Thánh Danh. Các bạn bè thường hỏi tôi những câu hỏi về tôn giáo.”

Ngày 11 tháng Chín không phải là “ngày thay đổi cuộc chơi”, Cha nói, “nhưng nó giống như đóng dấu quyết định. Tôi đã thấy những hành động anh hùng — Cha Mike [Judge], tất cả các linh mục khác đã ngã xuống. Tôi mới thấy cuộc sống mong manh biết bao. Tôi nhìn thấy những người này vào buổi sáng ngày 11/9 — tất cả chúng tôi đang uống cà phê — và nửa giờ sau đó một số người trong số họ đã chết. Để cho bạn thấy sự sống mong manh biết bao, quý giáo biết bao”.

Trong năm cuối cùng làm việc, anh Colucci bị chấn thương ở đầu do nghề nghiệp, phải phẫu thuật vài lần. Sau đó, anh đã trải qua bảy năm với các cha Dòng Bênêđictô tại Tu viện Núi Saviour ở thành phố Pine, New York, và chủng viện Thánh Vinh sơn ở thành phố Latrobe, Pennsylvania. Nhưng anh cảm thấy mình được gọi đi vào đời sống của một linh mục giáo phận và vào năm 2012, anh vào chủng viện của Tổng giáo phận New York.

Khi được thụ phong năm 2016, cha trở thành người lính cứu hỏa hưu đầu tiên trở thành một linh mục ở New York. Những bạn lính cứu hỏa của cha không thể bỏ qua cơ hội để mừng Cha trở thành một “Cha Tom” thật sự.

“Có khoảng 1.000 người tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Patrick, ba xe cứu hỏa, một ban nhạc kèn túi. Họ đã tạo ra một sự kiện lớn để tổ chức,” cha nói.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây Look Up của Aleteia, Cha Colucci nói rằng vào ngày 11/9, cha thấy rằng “tất cả chúng ta đều góp phần vào một điều gì đó lớn lao hơn thế giới nhỏ bé của chúng ta. Tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau trong một đại gia đình nhân loại. Có một cái gì đó lớn lao hơn. Còn có một mục đích khác trong cuộc sống này, vì vậy tôi cảm thấy muốn làm điều gì đó để có thể giúp được nhiều người, thật nhiều người.” Cha tiếp tục:

Cả trong sở cứu hỏa và trong chức vụ linh mục, bạn đều giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ở sở cứu hỏa, mọi người gọi điện cho chúng tôi mọi lúc bất kể ngày và đêm. Chúng tôi không hỏi họ là ai; chúng tôi chỉ trả lời và giúp họ. Với chức tư tế cũng tương tự như vậy.

Chúng ta có xác và hồn, là con người, và khi chúng ta sống lại trong Ngày Phán xét Cuối cùng, chúng ta sẽ sống lại cả xác và hồn. Vì vậy, cả hai đều rất quan trọng: cứu mạng sống và cứu linh hồn.

Cha Colucci đã trở thành một phần trong huynh đệ đoàn của các linh mục, nhưng cha vẫn không thể quên huynh đệ đoàn mà cha đã là một phần trong suốt 20 năm. Mặc dù không chính thức là tuyên úy của Sở Cứu hỏa New York, nhưng cha thừa tác cho các đồng nghiệp cũ theo nhiều cách khác nhau, chuyện trò trong suốt bữa trưa hoặc trong trận golf về những cuộc chiến đấu của họ vẫn đang diễn ra khởi đi từ biến cố 11/9, và đôi khi tổ chức lễ tang của một lính cứu hỏa chết vì những căn bệnh liên quan đến biến cố 11/9, hay thậm chí đang thi hành nhiệm vụ.

“Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng bạn vẫn phải nhớ về những người này và những gì họ đã làm,” cha nói khi liếc nhìn khung ảnh lớn treo trên tường văn phòng với chân dung của 343 người.

“May mắn thay, Sở cứu hỏa có một tình huynh đệ tuyệt vời. Chúng tôi gặp nhau và chuyện trò với nhau. Đó là cách tốt nhất để đối phó với nó.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2021]