Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: Ngày Trái đất lần thứ 50 này chúng ta phải canh tân sự tôn trọng thánh thiêng đối với Trái đất

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: Ngày Trái đất lần thứ 50 này chúng ta phải canh tân sự tôn trọng thánh thiêng đối với Trái đất
Copyright: Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha: Ngày Trái đất lần thứ 50 này chúng ta phải canh tân sự tôn trọng thánh thiêng đối với Trái đất

Kêu gọi sự hoán cải môi sinh qua những hành động cụ thể, mỗi người theo cách nhỏ bé của mình

22 tháng Tư, 2020 10:16

Đức Thánh Cha nói “Trong ngày kỷ niệm Ngày Trái đất hôm nay, chúng ta được kêu gọi hãy canh tân ý thức của chúng ta về sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, vì nó không chỉ là nhà của chúng ta nhưng còn là ngôi nhà của Chúa."

Ngài nhấn mạnh rằng khi thực hiện như vậy sẽ làm tất cả chúng ta ý thức hơn rằng chúng ta “đang đứng trên đất thánh!”

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời kêu gọi này trong Tiếp Kiến chung sáng nay, ngày 22 tháng Tư năm 2020, được truyền hình trực tiếp từ Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Hôm nay đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái đất, Đức Thánh Cha dành riêng bài giáo lý nói về việc chăm sóc cho trái đất.

Nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để canh tân cam kết của chúng ta yêu thương và chăm sóc cho ngôi nhà chung và các thành viên dễ bị tổn thương của gia đình nhân loại, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “như đại dịch coronavirus đã dạy cho chúng ta, chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách đố toàn cầu bằng cách thể hiện tình đoàn kết với nhau và ôm lấy những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta.”

Đức Phanxico nhấn mạnh rằng Tông huấn về môi trường của ngài, Laudato Si’, nói cụ thể về việc “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta,” nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải phát triển ý thức chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.”

Đức Thánh Cha phê phán rằng chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho trái đất, và thất bại trong việc chăm sóc cho anh chị em của chúng ta.

“Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại tha nhân, và cuối cùng là chống lại Đấng Tạo hóa, là Cha nhân từ, đã ban tặng cho tất cả mọi người và vô cùng mong muốn chúng ta sống trong tình hiệp nhất và nuôi dưỡng nhau.”

Nhấn mạnh trọng tâm ở điểm này, Đức Phanxico rời văn bản của ngài và đặt câu hỏi: “Và trái đất đã phản ứng như thế nào?”

Ngài nhấn mạnh, “Có một câu nói của người Tây Ban nha vô cùng rõ ràng, câu đó nói: ‘Thiên Chúa luôn luôn tha thứ; con người chúng ta đôi khi tha thứ; trái đất không bao giờ tha thứ.’ Trái đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta đã bóc lột trái đất, thì hậu quả đáp lại sẽ là vô cùng tồi tệ.”

Nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân của chúng ta, và cách thức chúng ta phải hành động để khôi phục lại sự hài hòa giữa con người và môi trường, Đức Phanxico kêu gọi “một sự hoán cải môi sinh qua cách thể hiện trong những hành động cụ thể.”

Ngài nói, “Là một gia đình duy nhất và độc lập, chúng ta buộc phải có một chương trình chung để ngăn chặn những mối đe dọa cho ngôi nhà chung của chúng ta.”

Đức Phanxico nhắc nhở rằng mỗi người chúng ta có thể đóng góp theo những nhỏ bé của mình.

Đức Thánh Cha Phanxico động viên, “Trong mùa Phục sinh của sự canh tân này, chúng ta hãy cam kết yêu thương và quý trọng món quà đẹp đẽ trái đất, là ngôi nhà chung của chúng ta, và chăm sóc cho tất cả các thành viên của gia đình nhân loại.”

Dưới đây là bản dịch tiếng Anh của Vatican huấn từ của Đức Thánh Cha sáng nay:


* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Trái đất lần thứ năm mươi. Đây là cơ hội để canh tân lại cam kết của chúng ta yêu thương và chăm sóc cho ngôi nhà chung và các thành viên dễ bị tổn thương của gia đình nhân loại. Như đại dịch coronavirus đã dạy cho chúng ta biết, chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách đố toàn cầu bằng cách thể hiện tình đoàn kết với nhau và ôm lấy những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta. Tông huấn Laudato Si’ nói cụ thể về việc “Chăm sóc cho Ngôi nhà Chung của Chúng ta.” Hôm nay, chúng ta cùng nhau suy tư một chút về trách nhiệm đối với “nơi tạm trú trần gian của chúng ta (Tông huấn Laudato Si’, 160). Chúng ta phải phát triển ý thức chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta được nặn ra từ đất, và hoa trái của mặt đất duy trì sự sống của chúng ta. Tuy nhiên, như sách Sáng Thế ký nhắc nhở, chúng ta không đơn thuần là “bụi đất”; chúng ta mang trong mình sinh khí đến từ Thiên Chúa (x. St 2:4-7). Từ đó chúng ta sống trong ngôi nhà chung này như một gia đình nhân loại trong hệ sinh thái với các sinh vật khác của Thiên Chúa. Mang hình ảnh của Chúa, imago Dei, chúng ta được kêu gọi phải chăm sóc và tôn trọng tất cả mọi loài sinh vật, thể hiện tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với anh chị em chúng ta, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta, để noi theo mẫu gương tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được tỏ lộ trong Con của Người là Chúa Giêsu, Đấng đã tự hạ mình trở thành người phàm để chia sẻ hoàn cảnh với chúng ta và giải thoát chúng ta.

Vì tính ích kỷ, chúng ta đã thất bại trong trách nhiệm là người bảo vệ và quản lý trái đất. “Chúng ta chỉ cần có một cái nhìn thật thẳng thắn vào sự thật để thấy rằng ngôi nhà chung của chúng ta đang rơi vào tình trạng hư hỏng nghiêm trọng” (nt., 61). Chúng ta đã làm ô nhiễm và chúng ta đã bóc lột nó, gây nguy hiểm cho sự sống của chúng ta. Vì lý do này, nhiều phong trào quốc tế và địa phương đã nổi lên để kêu gọi lương tâm của chúng ta. Tôi vô cùng cảm kích trước những sáng kiến này; và con cái chúng ta vẫn cần phải xuống đường để dạy cho chúng ta điều hiển nhiên: chúng ta không có tương lai nếu chúng ta phá hủy môi trường đang gìn giữ chúng ta.

Chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho trái đất, ngôi nhà vườn của chúng ta; chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho anh chị em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại tha nhân, và cuối cùng là chống lại Đấng Tạo hóa, là Cha nhân từ, đã ban tặng cho tất cả mọi người và vô cùng mong muốn chúng ta sống trong tình hiệp nhất và nuôi dưỡng nhau. Và trái đất đã phản ứng như thế nào? Có một câu nói của người Tây Ban nha vô cùng rõ ràng về vấn đề này, câu đó nói: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ; con người chúng ta đôi khi tha thứ; trái đất không bao giờ tha thứ.” Trái đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta đã bóc lột trái đất, thì hậu quả đáp lại sẽ là vô cùng tồi tệ.

Làm sao để chúng ta khôi phục lại mối tương quan hài hòa với trái đất và với mọi người trong gia đình nhân loại? Một mối tương quan hài hòa … Rất thường khi chúng ta đánh mất tầm nhìn về sự hài hòa: sự hài hòa là công việc của Chúa Thánh Thần. Trong ngôi nhà chung, trên trái đất cũng vậy; trong mối tương quan của chúng ta với mọi người, với tha nhân, với người nghèo, chúng ta khôi phục lại sự hài hòa này bằng cách nào? Chúng ta cần phải có một cách nhìn mới về ngôi nhà chung. Chúng ta cứ nói thẳng thắn rõ ràng rằng: nó không phải là một nhà kho chứa tài nguyên cho chúng ta bóc lột. Với người tín hữu chúng ta, thế giới tự nhiên là “Tin mừng của Tạo vật”: nó diễn tả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc bảo bọc sự sống con người và tạo dựng lên thế giới và tất cả mọi loài trong đó, để giữ gìn nhân loại. Như trình thuật kinh thánh về tạo dựng kết luận: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1:31). Chúng ta chứng kiến những thảm kịch tự nhiên đó là phản ứng của trái đất đối với cách đối xử tệ bạc của chúng ta, tôi suy nghĩ: “Nếu bây giờ tôi hỏi Thiên Chúa nghĩ như thế nào, tôi nghĩ Người sẽ chẳng nói cho tôi điều gì tốt lành.” Chúng ta là những người đã tàn phá công trình của Thiên Chúa!

Trong ngày kỷ niệm Ngày Trái đất hôm nay, chúng ta được kêu gọi hãy canh tân ý thức của chúng ta về sự tôn trọng thánh thiêng của chúng ta đối với trái đất, vì nó không chỉ là nhà của chúng ta nhưng còn là ngôi nhà của Chúa. Điều này phải làm cho tất cả chúng ta ý thức hơn rằng chúng ta đang đứng trên đất thánh!

Anh chị em thân mến, “chúng ta hãy làm thức dậy ý thức về thẩm mỹ và chiêm ngắm được Chúa ban tặng” (Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Querida Amazonia, 56). Món quà chiêm ngắm mang tính ngôn sứ là điều chúng ta có thể học từ các dân tộc bản địa. Họ dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể chữa lành trái đất nếu chúng ta không yêu thương và tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan để “sống đẹp,” không theo ý nghĩa là có thời gian vui thú, không, nhưng là cách sống hài hòa với trái đất. Họ gọi sự hài hòa này là “sống đẹp.”

Đồng thời, chúng ta cần sự hoán cải môi sinh qua cách thể hiện trong những hành động cụ thể. Là một gia đình duy nhất và độc lập, chúng ta buộc phải có một chương trình chung để ngăn chặn những mối đe dọa cho ngôi nhà chung của chúng ta. “Sự tương thuộc vào nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung” (Tông huấn Laudato Si’, 164). Chúng ta ý thức được tầm quan trọng của sự hợp tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ cho ngôi nhà chung. Tôi thúc giục những người trong các vị trí lãnh đạo hướng dẫn các bước chuẩn bị cho hai Hội nghị Quốc tế quan trọng: COP15 về Hệ Sinh thái tại Côn Minh, Trung Hoa, và COP26 về Biến đổi Khí hậu ở Glasgow, Anh quốc. Hai hội nghị này vô cùng quan trọng.

Tôi cũng ủng hộ hành động phối hợp trên các cấp độ quốc gia và địa phương. Nó sẽ có hiệu quả nếu con người ở tất cả mọi cấp độ xã hội cùng chung sức để tạo ra một phong trào chung “từ dưới lên”. Ngày Trái đất mà chúng ta kỷ niệm hôm nay được khai sinh chính từ cách thức này. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp theo những cách nhỏ bé của mình. “Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này sẽ không làm thay đổi thế giới. Chúng làm lợi cho xã hội, thường không hay biết đối với chúng ta, vì chúng kêu gọi một sự tốt lành chắc chắn sẽ có xu hướng lan rộng, tuy lúc này chưa nhìn thấy (Tông huấn Laudato Si’, 212).

Trong mùa Phục sinh của sự canh tân này, chúng ta hãy cam kết yêu thương và quý trọng món quà đẹp đẽ trái đất, là ngôi nhà chung của chúng ta, và chăm sóc cho tất cả các thành viên của gia đình nhân loại. Như những người anh chị em với nhau, chúng ta cùng khẩn cầu lên Chúa Cha trên trời: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (x. Tv 104:30).

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2020]


Đức Thánh Cha và Tổng thống Pháp thảo luận về phản ứng với Coronavirus

Đức Thánh Cha và Tổng thống Pháp thảo luận về phản ứng với Coronavirus
Đức Thánh Cha Phanxico và Tổng thống Macron vào tháng Sáu năm 2018 © Vatican Media

Đức Thánh Cha và Tổng thống Pháp thảo luận về phản ứng với Coronavirus

Báo cáo từ ‘Vatican News’

22 tháng Tư, 2020 18:45

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ sự gần gũi và ủng hộ với Pháp, nơi Covid-19 đã cướp đi hơn 20.000 sinh sống, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Văn phòng Tổng thống nói rằng Đức Giáo hoàng và Tổng thống Macron đã nói chuyện qua điện thoại trong khoảng 45 phút chiều thứ Ba. Văn phòng cũng cho biết Đức Giáo hoàng đã khen ngợi “những phản ứng mang tính xây dựng của Pháp ở cấp độ quốc tế sau cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch gây ra.”

Vatican News đưa tin, văn phòng Báo chí Tòa thánh chưa đưa ra tuyên bố nào về sự kiện này, như thông lệ thông thường về các cuộc trao đổi riêng tư với Giáo hoàng, nhưng văn phòng truyền thông của ông Macron cho biết hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý về sự cần thiết phải ngừng bắn toàn cầu trong tất cả các cuộc xung đột.

Điều này phản ánh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico trong sứ điệp Chúa nhật Phục sinh Urbi et Orbi trong đó ngài nói: “Xin Đức Kitô là hòa bình của chúng ta soi sáng cho những người có trách nhiệm trong các cuộc xung đột, để họ có được sự can đảm ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức trong mọi miền trên thế giới.”

Trong thông điệp đó, Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhắc nhở thế giới rằng đây không phải là thời gian cho sự thờ ơ, cho tính quy ngã hoặc chia rẽ, và nói: “Ước mong rằng tất cả các quốc gia điều chỉnh chính sách để đáp ứng những nhu cầu lớn nhất trong thời điểm hiện tại qua cách giảm bớt các khoản nợ đè nặng trên bảng kết toán của những quốc gia nghèo nhất, nếu không thể xóa toàn bộ.”

Lời kêu gọi này ngay lập tức nhận được phản ứng của Tổng thống Macron, ông đã tuyên bố về khả năng hủy bỏ nợ của các nước Châu Phi để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống virus Covid-19 và những hậu quả sâu rộng của nó. Và, cùng chung lời với Đức Giáo hoàng, ông Macron cũng kêu gọi sự hợp nhất trong cuộc chiến chống virus.

Với hơn 20.000 người chết, Pháp là quốc gia thứ ba bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi coronavirus ở Châu Âu, sau Ý và Tây Ban Nha.

Văn phòng Tổng thống nói rằng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến những quan điểm chung của họ về các vấn đề này và tiết lộ rằng ông Macron muốn giải thích về việc Pháp cam kết sẽ tiến hành như thế nào. Khi bắt đầu cuộc trò chuyện qua điện thoại, ông Emmanuel Macron được cho là cũng đã nhắc lại lời mời Đức Giáo hoàng đến thăm Pháp.

Sự trao đổi quan điểm giữa Giáo hoàng và Tổng thống Pháp diễn ra trước thềm cuộc họp của các nguyên thủ 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, dự kiến sẽ được tổ chức bằng hình thức hội nghị video vào ngày 23 tháng Tư.

Cuộc họp đó được mong chờ sẽ đưa đến những quyết định quan trọng liên quan đến các công cụ tài chính mà Liên minh sẽ thông qua để hỗ trợ các quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là các quốc gia bị virus tấn công nặng nề nhất – Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Sau cuộc trao đổi qua điện thoại của ông Emanuel Macron với Đức Thánh Cha Phanxico, bản tin cho biết Tổng thống cũng đã đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo và các hiệp hội thế tục ở Pháp.

Theo một thông cáo của Điện Élysée, đó là cơ hội để duy trì sự đối thoại giữa những cơ quan chính quyền và các tổ chức có nền tảng đức tin trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được thi hành do đại dịch Covid-19. Đức Giám mục de Moulins-Beaufort đại diện cho Giáo hội Công giáo.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2020]