Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?

Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?

30 tháng Mười Một, 2018
Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?
Antoine Mekary | ALETEIA | I.Media

"The Resurrection" (Sự Phục Sinh) miêu tả Chúa Giê-su vượt lên trong ngày hủy diệt của vụ nổ nguyên tử.

Những tấm hình chụp cậu bé cắt ngang buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxico chạy kéo bàn tay đeo găng trắng của một hiến binh Thụy sĩ tràn lan trên internet trong những ngày vừa qua.

Những tấm ảnh thể hiện một Đức Phanxico vui tươi ngồi trong sảnh đường bằng đá cẩm thạch giản dị. Một số người đưa tấm ảnh lên mạng xã hội và đặt câu hỏi hình ảnh phía sau giáo hoàng là gì.

Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?

Thật vậy, tác phẩm điêu khắc khổng lồ và trông khá hãi hùng lù lù phía sau ngài là gì?

Đó là bức tượng đài “The Resurrection” (sự Phục sinh) do điêu khắc gia Pericle Fazzini thực hiện, năm 1965 ông được Vatican ủy thác tác tạo một phông nền cho Sảnh đường Phaolô VI hiện đại. Đức giáo hoàng sẽ sử dụng sảnh đường này cho những buổi tiếp chung hàng tuần khi thời tiết khắc nghiệt không cho phép sử dụng Quảng trường Thánh Phê-rô.

Bức điêu khắc với kích thước 66 x 23 bộ (khoảng 20,12 x 7 mét) trông khá rùng rợn vì đấy là chủ đích của nó – nó miêu tả Chúa Giê-su trỗi vượt lên khỏi một vụ nổ của bom nguyên tử trong Vườn Cây Dầu Giệt-si-ma-ni.

Điêu khắc gia Fazzini, qua đời năm 1987, giải thích nguồn cảm hứng cho tác phẩm của ông:

“Đột nhiên một ý tưởng chợt hiện đến với tôi về Đức Ki-tô rao giảng hòa bình suốt 2000 năm, và nơi Người cầu nguyện lần sau cùng: đó là vườn cây dầu Giệt-si-ma-ni,” ông Fazzini nói, theo tường thuật trong cáo phó của ông trên New York Times.

“Tôi nảy ra ý tưởng miêu tả Đức Ki-tô giống như Người sống lại từ sau vụ nổ của khu vườn cây ô-liu rộng lớn này, khu thanh tịnh mà Người cầu nguyện lần sau cùng. Đức Ki-tô vượt lên khỏi cửa miệng do một vụ nổ bom nguyên tử xé ra; một vụ nổ kinh hoàng, một cơn lốc xoáy của bạo lực và năng lượng.”

Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?Bức điêu khắc nhìn đáng sợ phía sau đức Giáo hoàng là gì?



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/12/2018]


Đức Thánh Cha động viên những người hành hương của giáo phận hãy sống Mùa Vọng tràn đầy niềm vui

Đức Thánh Cha động viên những người hành hương của giáo phận hãy sống Mùa Vọng tràn đầy niềm vui
© Vatican Media

Đức Thánh Cha động viên những người hành hương của giáo phận hãy sống Mùa Vọng tràn đầy niềm vui

Mùa Vọng là một thời gian của sự an ủi và hy vọng, một năm phụng vụ mới

01 tháng Mười Hai, 2018 20:34

“Anh chị em thân mến, tối hôm nay là khởi đầu cho thời gian của ủi an và hy vọng, thời gian của Mùa Vọng: bắt đầu một năm phụng vụ mới, cùng mang đến tính mới mẻ của Thiên Chúa chúng ta, Đấng “hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an’ (2 Cr 1: 3),” Đức Thánh Cha nói ngày 1 tháng Mười Hai, 2018, trong một buổi tiếp kiến với những người hành hương từ các giáo phận Ugento-Santa Maria di Leuca và Molfetta-Ruvo-Giovinazzo-Terlizzi trong Đại sảnh Phaolô VI tại Vatican. “Cha hy vọng anh chị em sẽ sống Mùa Vọng theo con đường này, như một thời gian của tính mới mẻ ủi an và niềm vui được mong chờ.”


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào (buổi sáng) anh chị em!

Cha cảm ơn anh chị em đã đến, rất nhiệt tình, rất hân hoan! Cảm ơn anh chị em. Tôi cũng xin cảm ơn Đức ông Vito Angiuli và Đức ông Domenico Cornacchia đã thay mặt anh chị em gửi đến tôi những lời rất đẹp. Và cũng cảm ơn anh chị em về số bánh mì: những tấm bánh đó mà làm sandwich thì rất ngon!

Ký ức về đức Don Tonino Bello đã kết nối hành trình của chúng ta: hành trình của cha đến với anh chị em vào tháng Tư và hành trình của anh chị em đến với cha trong những ngày này. Cha muốn chào đón anh chị em bằng một câu đầy tràn sự thương mến, đó là lời của đức Don Tonino nói vào cuối Thánh Lễ Truyền Dầu cuối cùng trước khi ngài sống Cuộc Vượt qua của chính ngài: “Cha muốn nhìn vào đôi mắt từng người từng người trong anh chị em và nói rằng: ‘Cha yêu con’.” Và ước mong rằng điều này trở thành cách sống của chúng ta: như là những người anh chị em của nhau, nhìn vào mắt nhau, và nói lên rằng “tôi yêu bạn.”

Đức Thánh Cha động viên những người hành hương của giáo phận hãy sống Mùa Vọng tràn đầy niềm vui

Ngày hôm đó, đức Don Tonino đưa ra một đề nghị. Ngài nói: “Tôi động viên anh chị em, từ ngày mai, đừng buồn rầu về những gì cay đắng xảy ra trong nhà bạn, hay bất kỳ sự cay đắng nào. Đừng để sự buồn phiền phủ bóng trên cuộc đời anh chị em.” Những người tin vào Chúa Giê-su thì không thể buồn bã được; “Đối nghịch lại với dân tộc Ki-tô hữu là một dân tộc buồn bã” (Tin mừng Dũng khí, 2012, 145). Chúng ta hãy lấy lời đề nghị của ngài làm con đường của riêng mình là không bao giờ buồn: nếu chúng ta thực hành điều này thì chúng ta sẽ mang gia tài niềm vui của Thiên Chúa đổ vào sự nghèo nàn của con người ngày nay. Thật vậy, những người buồn rầu luôn cô đơn, nói xấu về người khác, tung tin nói hành nói xấu chỗ này chỗ kia … Họ có một tâm hồn buồn bã. Chuyện nói hành nói xấu mang một tâm hồn buồn bã! Đây là căn nguyên. Trong chuyện này cũng vậy, khi họ nói hành nói xấu, đó là vì người đàn ông này, người phụ nữ kia, buồn rầu. Thật vậy, những ai giữ tâm hồn buồn khổ luôn cô đơn và họ không có bạn bè. Những người giữ lòng buồn khổ chỉ nhìn thấy những vấn đề rắc rối; họ chỉ nhìn thấy phía bóng đen của cuộc đời. Có thể đó tất cả đều là tốt, đều là màu trắng, đều là sáng láng, nhưng người đó lại chỉ nhìn thấy chỗ rạn nứt, chỉ nhìn thấy bóng mờ, nhìn thấy mặt tiêu cực. Có những lúc, khi chúng ta gặp phải những người như vậy, những người sống cuộc đời buồn bã và luôn chê bai chỉ trích, thì chúng ta liền nghĩ, “Cái gì đang chảy trong các mạch máu của người này vậy? Máu hay là giấm chua?” Ngược lại, những ai đặt Thiên Chúa vào trong các vấn đề của họ sẽ tìm lại được niềm vui. Rồi họ không còn kêu khóc, và thay vì buồn khổ, họ bắt đầu hành động ngược lại: an ủi, giúp đỡ.

Anh chị em thân mến, tối hôm nay là khởi đầu cho thời gian của ủi an và hy vọng, thời gian của Mùa Vọng: bắt đầu một năm phụng vụ mới, cùng mang đến tính mới mẻ của Thiên Chúa chúng ta, Đấng “hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2 Cr 1: 3). Nếu chúng ta biết nhìn vào thẳm sâu trong tâm hồn, chúng ta sẽ tìm thấy tất cả những sự mới mẻ kia. Ngay cả những sự mới lạ liên tục thay đổi của hôm nay, vẫn không đủ để làm thỏa mãn những ước mong của chúng ta. Chúng ta vẫn luôn ở trong tình trạng đói, cùng với nhịp điệu của sự mới lạ này, của sự mới lạ … nhưng anh chị em vẫn không thấy no nê. Đức Don Tonino viết, “Chúng ta hướng đến những sự mới mẻ vì chúng ta được sinh ra cho những điều lớn lao”(Non c’è fedeltà senza rischio, 2000, 34). Và điều này là đúng: chúng ta được sinh ra để ở cùng Thiên Chúa. Khi chúng ta cho phép Thiên Chúa đi vào cuộc đời là chúng ta tìm đến được sự mới lạ thật sự. Người luôn canh tân, luôn di chuyển, luôn gây ngạc nhiên: Người là Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên. Sống Mùa Vọng có nghĩa là “lựa chọn điều chưa từng có,” chọn điều mới, đó là chấp nhận sự đi ngoài trật tự tốt lành của Thiên Chúa và các ngôn sứ của Người, chẳng hạn đức Don Tonino. Với ngài, chào đón Thiên Chúa đồng nghĩa với việc sẵn sàng thay đổi những chương trình của chúng ta (x. nt., 102). Cha thích liên tưởng đến Thánh Giu-se. Ngài là một con người thánh thiện, chìm vào giấc ngủ và rồi các chương trình của ngài đều thay đổi. Ngài lại chìm vào giấc ngủ, và các chương trình của ngài lại thay đổi. Ngài đến Ai-cập, ngài lại ngủ, và rồi lại từ Ai-cập trở về … Ước mong rằng Thiên Chúa thay đổi những chương trình của chúng ta với niềm vui!

Thật đẹp khi biết chờ đợi tính mới mẻ của Thiên Chúa trong cuộc sống: không phải là sống cho những ước muốn có khi chúng chẳng đến, nhưng là sự chờ đợi, nghĩa là khát khao Thiên Chúa Đấng luôn luôn mang đến điều mới mẻ. Quan trọng là phải biết chờ đợi như thế nào. Chúng ta không mong chờ Chúa đến bằng cách khoanh tay đứng nhìn, nhưng phải trở nên tích cực trong sự yêu thương. Đức Don Tonino nhắc lại rằng, “Khi bạn không còn mong chờ điều gì nữa trong cuộc sống thì đó thật sự là nỗi buồn khổ” (Cirenei della gioia, 2004, 97). Người Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi phải duy trì và làm lan tỏa niềm vui của sự trông đợi: chúng ta trông đợi Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta vô bờ, đồng thời chúng ta cũng được Người mong đợi chúng ta. Bằng con đường này, đời sống sẽ trở thành một cuộc hôn ước tuyệt vời. Chúng ta không bị bỏ rơi, chúng ta không cô đơn. Chúng ta được thăm viếng, bây giờ cũng vậy. Hôm nay anh chị em đã đến với cha, cha đã chờ đợi anh chị em và cha cảm ơn anh chị em, nhưng Chúa sẽ đến thăm anh chị em ở nơi mà cha không thể đến: đó là chính trong nhà của anh chị em, trong cuộc sống của anh chị em. Chúa đến thăm chúng ta và mong chờ được ở lại với chúng ta mãi mãi. Hôm nay, ngày mai, mãi mãi. Nếu anh chị em xua đuổi Người, thì Chúa vẫn đứng ở cửa, chờ đợi, chờ đợi anh chị em cho phép Ngài vào nhà một lần khác. Chúng ta đừng bao giờ xua đuổi Thiên Chúa khỏi cuộc sống của chúng ta! Người luôn chờ đợi để được ở lại với chúng ta.

Cha hy vọng anh chị em sẽ sống Mùa Vọng trong tinh thần đó, như là thời gian của sự mới mẻ ủi an và niềm vui mong chờ. “Ở đây trên trần gian này, luôn có Thiên Chúa chờ đợi sự trở lại của con người.” Thật là đẹp! Thiên Chúa cũng chờ đợi chúng ta đến đó. Đây là thời gian của Mùa Vọng. Đức Don Tonino đã nói như vậy ba mươi năm trước, khi phân tích về đoạn Tin mừng mà chúng ta sẽ nghe vào Chúa nhật này, bằng những lời dường như viết dành cho ngày hôm nay. Ngài nói rằng cuộc sống đầy những nỗi lo sợ: “Sợ bạn bè. Sợ hàng xóm của chúng ta … sợ người khác … sợ bạo lực … sợ không thành công, sợ không được chấp nhận, sợ rằng những cố gắng sẽ trở thành vô ích. Sợ rằng dù thế nào đi nữa chúng ta cũng không thay đổi được thế giới … sợ rằng không tìm được việc làm”. (Bài giảng, 27 tháng Mười Một, 1988). Với viễn cảnh ảm đạm này, ngài nói rằng Mùa Vọng đưa ra câu trả lời bằng “Tin mừng Can đảm.” Vì khi nào những người bị đánh bại vẫn còn nằm trên mặt đất, thì Chúa sẽ nâng dậy bằng Lời của Người. Người làm việc đó bằng “hai động từ chống lại sự sợ hãi, hai động từ đặc trưng của Mùa Vọng”: hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên (x. Lc 21: 28). Trong khi sự sợ hãi khiến chúng ta ngồi bất động, Chúa mời gọi chúng ta lại đứng dậy. Nếu tính tiêu cực làm cho chúng ta cúi nhìn xuống, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hướng mắt trông lên trời, từ nơi Người đã xuống thế gian. Vì chúng ta không phải là con cái của sự sợ hãi, nhưng là con cái của Chúa; vì cùng với Chúa Giê-su, sự sợ hãi đã bị đánh bại bằng cách vượt qua được tính co cụm vào bản thân.

Anh chị em biết rất rõ về vẻ đẹp của biển khơi – biển của anh chị em đẹp tuyệt vời! Cha nói điều này cho anh chị em: đó là vùng biển xanh nhất mà cha đã từng nhìn thấy trong đời. Thật đẹp! Biển này ôm lấy anh chị em bằng sự bao la của nó. Khi ngắm nhìn nó, anh chị em có thể suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống: được Chúa ẵm bồng, thật đẹp biết bao, nên anh chị em đừng neo đậu vào những bến bờ an toàn, nhưng anh chị em được kêu gọi hãy ra khơi. Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến ra vùng biển mênh mông. Người không muốn chúng ta trở thành những người giữ cảng hay giữ đèn hải đăng, nhưng hãy là những người đi biển tín trung và can trường, là người đi theo hành trình liên tục của Chúa, thả lưới cuộc đời bằng Lời của Người. Một đời sống “mà không có” – không có những sự nguy nan nhưng lại đầy những nỗi sợ hãi, đời sống tự bảo vệ chính mình, thì không phải là đời sống của người Ki-tô hữu. Đó là một đời sống không trổ sinh hoa trái. Chúng ta không sinh ra để ngủ mê êm đềm, nhưng để cho những ước mơ cao quý. Vì vậy, chúng ta hãy chào đón lời mời gọi của Tin mừng, lời mời gọi được lặp đi lặp lại nhiều lần bởi đức Don Tonino rằng hãy đứng dậy, hãy ngước trông lên. Từ đâu? Từ những chiếc ghế xô-pha của cuộc sống, từ sự tiện nghi ấm êm biến chúng ta thành người an nhàn, từ bản tính trần gian làm cho chúng ta trở nên ốm yếu, từ tính tự thương cảm làm cho chúng ta trở nên bạc nhược. “Đứng dậy có nghĩa là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ bạo lực, từ bỏ sự lưỡng lự vì tội làm cho trần gian trở nên già nua” (nt.). Hãy đứng dậy trên đôi chân của mình, hãy ngước mặt nhìn trời. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận sự cần thiết phải mở rộng bàn tay cho anh em. Và sự an ủi chúng ta trao tặng sẽ chữa lành những sự sợ hãi của chúng ta.

Trước khi ban phép lành, cha muốn chào tất cả anh chị em bằng một vài lời của hy vọng, những lời trong “bài giảng” ngắn cuối cùng mà Đức Don Tonino nói trên giường bệnh của ngài, trong khi đang chờ đón Chúa Giê-su: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con! Con muốn được nhìn thấy Chúa Phục sinh và trở thành một suối nguồn hy vọng và niềm vui cho mọi người. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!” Ước mong rằng đó cũng là điều dành cho chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/12/2018]