Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 30.08.2023

“Từ nghịch cảnh đến nên thánh: Di sản của Thánh Catherine Tekakwitha”

Tiếp kiến chung: Bài giáo lý Nhiệt huyết Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 30.08.2023

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng trong Hội trường Phaolô VI.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt huyết rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung phân tích chủ đề “Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Thánh Kateri Tekakwitha, vị thánh người bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ” (Bài đọc: 1Tx 5:15-18).

Sau phầm tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật được cử hành vào ngày 1 tháng Chín năm 2023, khai mạc “Thời gian Sáng tạo” sẽ kéo dài đến ngày 4 tháng Mười, lễ Thánh Phanxicô Assisi.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

______________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt huyết Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 19. Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Thánh Kateri Tekakwitha, vị thánh người bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bây giờ, tiếp tục giáo lý về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng, hôm nay chúng ta nhìn vào Thánh Kateri Tekakwitha, người nữ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh. Chào đời vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng thuộc vùng ngoại ô New York, ngài là con gái của một tù trưởng Mohawk chưa rửa tội và người mẹ Kitô giáo người Algonquin, bà đã dạy Kateri cầu nguyện và hát thánh ca tôn vinh Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng được giới thiệu Chúa lần đầu tiên trong môi trường gia đình, đặc biệt là từ mẹ và bà của chúng ta. Đây là cách thức khởi đầu của việc truyền giáo, và quả thực, chúng ta không được quên rằng đức tin luôn được những người mẹ, những người bà truyền đạt bằng phương ngữ này. Đức tin phải được truyền tải bằng phương ngữ, và chúng ta đã đón nhận đức tin bằng phương ngữ từ mẹ và bà của chúng ta. Việc truyền giáo thường bắt đầu như thế này: bằng những cử chỉ đơn sơ, nhỏ bé, chẳng hạn như cha mẹ giúp con cái học cách thưa chuyện với Chúa trong lời cầu nguyện và kể cho con cái nghe về tình yêu thương xót và vĩ đại của Người. Và nền tảng đức tin của Thánh Kateri, và thường là của chúng ta nữa, đã được vun đắp theo cách này. Thánh nhân đã đón nhận nó từ thân mẫu của ngài bằng phương ngữ, phương ngữ của đức tin.

Khi Kateri lên bốn tuổi, một trận dịch đậu mùa nghiêm trọng ập đến với người dân. Cả cha mẹ và em trai thánh nữ đều qua đời, còn chính Kateri thì mang những vết sẹo trên mặt và bị các vấn đề về thị lực. Từ đó trở đi, Kateri phải đối mặt với nhiều khó khăn: đương nhiên là những khó khăn về thể chất do những hậu quả của bệnh đậu mùa, nhưng cũng có cả những hiểu lầm, bắt bớ và thậm chí đe dọa cái chết mà thánh nữ phải chịu đựng sau khi lãnh nhận Phép rửa vào Chúa nhật Phục sinh năm 1676. Tất cả những điều này đã mang đến cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với Thập Giá, dấu chỉ vững chắc về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho đến cùng vì chúng ta. Thật vậy, việc làm chứng cho Tin Mừng không chỉ là những gì làm vui lòng; chúng ta cũng phải biết cách vác thập giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Kiên nhẫn trước những khó khăn, trước thập giá: kiên nhẫn là một nhân đức lớn của người Kitô hữu. Ai không kiên trì thì không phải là một Kitô hữu tốt. Nhẫn nại để bao dung: bao dung với những người có đôi lúc gây khó chịu hoặc khó khăn. Cuộc đời của Thánh Kateri Tekakwitha cho chúng ta thấy rằng mọi thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta mở lòng ra với Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần. Sự kiên nhẫn và tấm lòng rộng mở với Chúa Giêsu – đây là công thức để sống tốt.

Sau khi được rửa tội, Kateri buộc phải nương tựa giữa những người Mohawks trong khu truyền giáo của Dòng Tên gần thành phố Montreal. Ở đó, ngài tham dự Thánh lễ mỗi sáng, dành thời gian chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi và sống đời đền tội. Những thực hành thiêng liêng này của thánh nhân đã gây ấn tượng với mọi người trong khu Truyền giáo; họ nhận ra nơi Kateri một sự thánh thiện rất cuốn hút vì nó xuất phát từ tình yêu sâu đậm của thánh nữ đối với Thiên Chúa. Điều này thích đáng cho sự nên thánh: cuốn hút. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua sự lôi cuốn; Chúa kêu gọi chúng ta với mong muốn được gần gũi với chúng ta và chúng ta cảm nhận được sự cuốn hút này của Chúa. Đồng thời, thánh nữ dạy cầu nguyện cho các thiếu nhi trong Khu truyền giáo; và qua việc luôn chu toàn các trách nhiệm của mình, bao gồm cả việc chăm sóc người bệnh và người già, thánh nhân nêu gương về sự phục vụ khiêm nhường và đầy yêu thương đối với Thiên Chúa và người lân cận. Đức tin luôn được thể hiện qua việc phục vụ. Đức tin không phải là lớp trang điểm, trang điểm cho linh hồn; không, đó chính là sự phục vụ.

Mặc dù được động viên kết hôn nhưng Kateri vẫn muốn dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô hơn. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, thánh nữ khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng Ba năm 1679. Sự lựa chọn này của thánh nữ cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ: đó là sự phó thác hoàn toàn cho Chúa. Dĩ nhiên, không phải ai cũng được kêu gọi thực hiện lời khấn như Kateri, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi dâng mình mỗi ngày với trọn vẹn tấm lòng cho ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa ủy thác, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong tinh thần bác ái.

Anh chị em thân mến, cuộc đời của Thánh Kateri là một minh chứng nữa cho thấy rằng lòng nhiệt thành tông đồ cũng bao hàm sự kết hợp với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và các bí tích, và ước muốn loan truyền vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo qua việc trung thành với ơn gọi đặc biệt của mình. Những lời cuối cùng của Thánh Kateri thật đẹp. Trước khi qua đời, thánh nữ nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa”.

Xin cho chúng ta cũng trở nên như Thánh Kateri Tekakwitha, đón nhận được sức mạnh từ Chúa và học cách làm những việc bình thường theo cách phi thường, lớn lên từng ngày trong đức tin, bác ái và lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô.

Xin chúng ta đừng quên: mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh, nên thánh mỗi ngày, nên thánh trong đời sống Kitô hữu bình thường. Mỗi người chúng ta đều có ơn gọi này: chúng ta tiến bước trên con đường này. Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng.

______________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hai ngày nữa, ngày 1 tháng Chín, chúng ta cử hành Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật, khai mạc Mùa Sáng tạo, sẽ kéo dài cho đến ngày 4 tháng Mười, lễ Thánh Phanxicô Assisi. Vào ngày đó, tôi dự định phát hành Tông huấn Laudato sì thứ hai. Chúng ta cùng với các anh chị em Kitô hữu của chúng ta cam kết chăm sóc Công trình Tạo dựng như một món quà thiêng liêng từ Đấng Tạo Hóa. Cần phải sát cánh cùng các nạn nhân của tình trạng bất công về môi trường và khí hậu, nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh vô nghĩa trên ngôi nhà chung của chúng ta, một cuộc chiến tranh thế giới kinh khủng. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy làm việc và cầu nguyện để một lần nữa nó tràn đầy sức sống.

______________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là những người đi xe đạp đến từ nước Anh; cha cầu nguyện cho những nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Cha cũng chào các lễ sinh đến từ Malta và các nhóm đến từ Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em!

Cha thân ái chào anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt là các thanh thiếu niên vừa đón nhận bí tích Thêm sức đến từ giáo phận Chiavari – các con đang gây ồn ào đó phải không? Các bạn trẻ thân mến, mới đây các con đã nhận được nguồn ơn tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Hãy cam kết tìm kiếm sức mạnh và lòng can đảm trong Chúa mỗi ngày. Cha gửi lời chào giáo xứ Thánh Gioan Tông đồ ở Barletta đang kỷ niệm 25 năm thành lập: ước mong ngày kỷ niệm này củng cố nơi mỗi người tinh thần đức tin và sự hiệp thông trong Giáo hội. Cha cũng chào ban nhạc Castelvenere và cảm ơn vì sự cam kết về văn hóa và xã hội của họ.

Bây giờ cha hướng suy nghĩ về các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi vợ chồng mới cưới. Chỉ có Chúa Kitô mới có những lời ban sự sống đời đời: vì thế, cha ước mong anh chị em luôn đi theo Người với tấm lòng rộng mở và nhiệt thành và làm chứng cho Chúa mỗi ngày trong cuộc đời anh chị em.

Và xin chúng ta tiếp tục thể hiện sự gần gũi và lời cầu nguyện của chúng ta cho Ukraine thân yêu và đang bị hành hạ, đang chịu thử thách bởi những đau khổ to lớn.

Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/8/2023]


Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp đỡ những người rơi vào tình trạng “nô lệ cho ma túy”

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media

29/08/23


Đằng sau mỗi sự nghiện ngập là “những kinh nghiệm cụ thể, những câu chuyện về sự cô đơn, bất bình đẳng và bị loại trừ” là những điều mà chúng ta không được “thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại mối quan ngại về sự thành công của “các chất ma túy mới tác động đến thần kinh” trong giới trẻ. Ngài đã lên tiếng về chủ đề này trong một thông điệp bằng tiếng Ý gửi tới các tham dự viên tại Đại hội các Chuyên gia độc chất Pháp y Quốc tế lần thứ 60, diễn ra tại Rome từ ngày 27 đến ngày 31 tháng Tám năm 2023. Ngài kêu gọi các chính phủ và các quan chức hãy “cúi xuống để nâng đỡ và đưa những người rơi vào tình trạng nô lệ của ma túy trở về với đời sống mới.”

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa các loại ma túy này là:

Các chất ma túy kích thích thần kinh là những chất khi được đưa vào cơ thể của một người sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tâm thần, ví dụ như nhận thức, ý thức, sự nhận biết hoặc tâm trạng và cảm xúc. Các chất ma túy kích thích thần kinh nằm trong nhóm chất kích thích thần kinh đa dạng hơn, bao gồm rượu bia và nicotin.

Các loại thuốc có chứa opioid, loại chất gây tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ngày càng tăng, đều nằm trong danh sách này — chẳng hạn chúng chiếm 70.6% tổng số ca tử vong do dùng thuốc quá liều năm 2019 ở Hoa Kỳ.


Giới trẻ bị ma túy lôi cuốn vì sự mới lạ

Trong một lá thư dài, Đức Thánh Cha xót xa về tình trạng gia tăng hiện nay trong việc tiêu thụ các loại ma túy và các chất hướng thần, nhất là đối với thanh thiếu niên và giới trẻ, do việc bán những chất này “trên các thị trường kỹ thuật số của các trang web đen”.

Ngài giải thích sự bùng phát này là do tình trạng bất ổn của những người trẻ “buộc phải tìm kiếm những trải nghiệm mới do nhu cầu muốn đánh giá bản thân qua những trải nghiệm mới lạ, mong muốn khám phá những điều chưa biết” hoặc những người cố gắng “dập tắt nỗi sợ hãi của cảm giác bị loại trừ” và coi đó là một cách “quảng giao với bạn bè của họ”.

Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện của “các chất kích thích thần kinh mới”, những loại ma túy tổng hợp được làm từ các loại ma túy “cổ điển” rất khó phát hiện, và hiện đang tạo sự “bùng nổ”.

Ngài cũng than thở về việc sử dụng rộng rãi chất doping trong thể thao, một dấu hiệu của “văn hóa hiệu quả và năng suất không cho phép lưỡng lự và thất bại”.


Một trở ngại cho sự phát triển con người toàn diện

Đối với Đức Thánh Cha, “việc cần phải luôn cho thấy khả năng đáp ứng được những kỳ vọng, thể hiện với thế giới bên ngoài một hình ảnh bản thân mạnh mẽ và thành công” là “một trở ngại không thể vượt qua đối với việc theo đuổi sự phát triển con người toàn diện”.

Những người trẻ đứng trước khao khát quá lớn của thế giới này, tìm kiếm trong ma túy “niềm hy vọng đê mê hão huyền có khả năng làm dịu bớt sự nhọc mệt của cuộc sống”.

Đằng sau mỗi sự nghiện ngập là “những kinh nghiệm cụ thể, những câu chuyện về sự cô đơn, bất bình đẳng và bị loại trừ” là những điều mà chúng ta không được “thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ngài kêu gọi chúng ta “cúi xuống để nâng đỡ và đưa những ai rơi vào tình trạng nô lệ của ma túy trở về với cuộc sống mới”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/8/2023]


Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Trong tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới

Trong tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới

Một cơ quan của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở quận Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi kém hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn.

Trong tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới

Ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. (ảnh: Ganzorig Mimaa/Shutterstock)

Courtney Mares/CNA

28 tháng 8, 2023



Trong khi những ý nghĩ về Mông Cổ có thể gợi lên hình ảnh của các dân tộc du mục cưỡi ngựa băng qua các vùng thảo nguyên mênh mông, thì thủ đô đông dân hơn của đất nước này lại có tiếng là một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là vào mùa đông.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ vào ngày 1 tháng Chín, tức là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Sáng tạo của Giáo hội, ngày được Đức Thánh Cha thiết lập vào năm 2015 sau khi công bố thông điệp Laudato si’ vô cùng quan trọng về môi trường.

Như Đức Thánh Cha gần đây tiết lộ rằng ngài đang viết phần hai cho Tông huấn Laudato si’ tập trung vào “các cuộc khủng hoảng môi trường gần đây”, Đức Phanxicô có thể sẽ coi “việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” là chủ đề chính trong chuyến tông du Mông Cổ của ngài từ ngày 31 tháng Tám đến 4 tháng Chín.

Chất lượng không khí của thủ đô Mông Cổ trở nên độc hại vào năm 2018 đến mức một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã đưa ra báo cáo coi đây là “cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em”. Các sự đo lường hạt mịn trong không khí có thể hấp thụ qua đường hô hấp vào máu gọi là PM2.5 cho thấy mức này cao gấp 133 lần so với mức mà Tổ chức Y tế Thế giới xem là an toàn.

Không khí bị ô nhiễm một phần là do các khu định cư bao quanh thành phố ở khu vực được gọi là Quận Ger, nơi các gia đình nghèo đốt than đen thô bán ở chợ, cũng như lốp xe, chai nhựa và các chất thải khác trong nhà của họ, được gọi là yurt, để giữ ấm trong mùa đông lạnh buốt. Bốn nhà máy than lớn ở Ulaanbaatar cũng góp phần tăng thêm tình trạng ô nhiễm.

Theo báo cáo của UNICEF, “Ô nhiễm không khí đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em ở Ulaanbaatar, đặt tất cả các trẻ và phụ nữ mang thai vào tình trạng nguy hiểm”.

Trong tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một trong những thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới

Bức ảnh chụp từ trên không này được chụp ngày 16 tháng 1 năm 2022 cho thấy khói bụi bay lơ lửng trên các ngôi nhà trong một ngày ô nhiễm nặng ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ.

Cơ quan Liên Hợp Quốc cũng báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở quận Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi kém hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn. Nghiên cứu tại một bệnh viện Mông Cổ cho thấy các chất ô nhiễm trong không khí theo mùa có mối liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ sảy thai tăng 3,6 lần ở thủ đô. Để đối phó với những hậu quả về sức khỏe cộng đồng, chính phủ Mông Cổ đã cấm tiêu thụ than thô vào năm 2019, nhưng thành phố vẫn đang phải giải quyết hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra.

Mông Cổ cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm uranium, đồng, vàng và các nguồn dự trữ đất hiếm khác. Nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, có liên doanh khai thác mỏ ở Mông Cổ. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể nhấn mạnh vào vấn đề này, như ngài đã làm trong chuyến tông du tới Cộng hòa Dân chủ Congo hồi đầu năm nay, tại đây ngài gây chú ý bằng cách lên án hành vi bóc lột khai thác mỏ rằng: “Hãy rút tay ra khỏi Châu Phi!”

Theo Tổng thống Hungary Katalyn Novák, người đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 25 tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là đang có kế hoạch phát hành phiên bản cập nhật mới của Tông huấn Laudato si’ nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 4 tháng Mười.

Trong chuyến đi bốn ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới ngoại Mông vào tuần này, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, tham gia đối thoại liên tôn và dâng Thánh lễ cho cộng đồng Công giáo nhỏ bé của đất nước.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/8/2023]


Đức Thánh Cha phát biểu trước phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên Hội đồng Châu u trong buổi tiếp kiến

“Pháp quyền không phải chịu một ngoại lệ nhỏ nhất, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng”

Đức Thánh Cha phát biểu trước phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên Hội đồng Châu Âu trong buổi tiếp kiến

Đức Thánh Cha phát biểu trước phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên Hội đồng Châu  u trong buổi tiếp kiến

Vatican Media


*******

Sáng nay, tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên Hội đồng Châu Âu là những bên ký kết Lời kêu gọi Vienna và có bài phát biểu sau:

_______________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa quý ông, thưa quý bà,

Tôi rất vui được tiếp quý vị là những luật sư đến từ nhiều nước thành viên của Hội đồng Châu Âu. Vào ngày 11 tháng Sáu năm 2022, quý vị đã ký Tuyên bố Vienna, trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên của Hội đồng cam kết ủng hộ pháp quyền và tính độc lập của cơ quan tư pháp. Tuyên bố xuất phát từ bối cảnh Châu Âu hiện nay đang có vấn đề về nhiều mặt, đặc biệt là cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Ukraine. Tôi cảm ơn quý vị vì sự đóng góp quan trọng này vào việc thúc đẩy dân chủ và tôn trọng tự do cũng như phẩm giá con người. Những thời điểm khủng hoảng kinh tế và xã hội này, cũng như cuộc khủng hoảng về bản sắc và an ninh, thách thức các nền dân chủ phương Tây đưa ra phản ứng hiệu quả trong khi vẫn trung thành với các nguyên tắc của mình. Những nguyên tắc đó phải được liên tục áp dụng và việc bảo vệ chúng đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Nỗi sợ hãi về tình trạng bất ổn dân sự và các hành động bạo lực, nguy cơ thay đổi gây mất ổn định và nhu cầu có hành động hiệu quả khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp, có thể dẫn đến việc đưa ra các trường hợp ngoại lệ hoặc hạn chế đối với pháp quyền – ít nhất là tạm thời – trong nỗ lực tìm kiếm những giải pháp dễ dàng và ngay lập tức. Vì lý do này, tôi đánh giá cao sự cương quyết của quý vị trong một đề xuất rằng “pháp quyền không phải chịu những ngoại lệ nhỏ nhất, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng”. Vì pháp quyền phục vụ nhân vị và nhằm mục đích bảo vệ phẩm giá của mỗi người, không chấp nhận một ngoại lệ nào. Đây là một nguyên tắc.

Những khủng hoảng như vậy không phải là nguồn đe dọa duy nhất đối với tự do và pháp quyền trong các nền dân chủ. Thật vậy, quan niệm sai lệch về bản chất con người và về nhân vị đang ngày càng có ảnh hưởng: một quan niệm làm suy yếu sự bảo vệ và dần dần mở ra cánh cửa cho những sự lạm dụng nghiêm trọng dưới vỏ bọc tốt đẹp.

Cần lưu ý rằng nền tảng phẩm giá của mỗi người phải được tìm thấy trong nguồn gốc siêu việt của họ, do đó ngăn cấm mọi hành vi vi phạm phẩm giá đó, đồng thời đòi hỏi phải tôn trọng vị trí trung tâm của con người trong mọi vấn đề thuộc con người, bằng không nó bị phó mặc cho những ý thích bất chợt và quyền lực nhất thời (x. Diễn từ trước Nghị viện Châu Âu, ngày 25 tháng 11 năm 2014). Thật vậy, “một Châu Âu không còn rộng mở cho chiều kích siêu việt của sự sống là một Châu Âu có nguy cơ dần dần đánh mất linh hồn của chính mình và ‘tinh thần nhân văn’ mà nó vẫn yêu thương và bảo vệ” (nt.).

Sự tôn trọng nhân quyền có thể được bảo đảm và nền pháp quyền chỉ được thiết lập vững chắc khi các dân tộc vẫn trung thành với cội nguồn của mình, được nuôi dưỡng bằng sự thật, chất bổ dưỡng, mạch bạch huyết quan trọng của bất kỳ xã hội nào thật sự có tự do, nhân bản và huynh đệ. (x. Diễn từ trước Hội đồng Châu Âu, ngày 25 tháng 11 năm 201). Nếu không có nỗ lực không ngừng theo đuổi chân lý về con người, tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa, các cá nhân sẽ trở thành thước đo cho chính họ và những hành động của họ. Trên thực tế, ngày nay chúng ta đang chứng kiến một xu hướng đòi hỏi quyền cá nhân ngày càng nhiều mà không tính đến sự thật rằng mỗi con người đều là một phần của bối cảnh xã hội, trong đó các quyền và nghĩa vụ của mỗi người gắn liền với quyền và nghĩa vụ của người khác và với lợi ích chung của chính xã hội (x. Diễn từ trước Nghị viện Châu Âu). Một cách hiểu không đúng về khái niệm nhân quyền, và hậu quả của việc lạm dụng nó, có thể khiến các dân tộc trở thành con mồi của “các hình thức thuần khiết siêu nhân… các chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối… các nhãn hiệu của chủ nghĩa chính thống phi lịch sử… các hệ thống đạo đức thiếu lòng tử tế, và diễn ngôn mang tính trí tuệ thiếu sự khôn ngoan” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 231). Do đó, pháp quyền sẽ chỉ phục vụ cho một quan niệm méo mó về nhân vị, bị thao túng theo các lợi ích kinh tế và ý thức hệ.

Thưa quý vị luật sư, tôi đánh giá cao mối quan tâm được thể hiện trong Tuyên bố của quý vị về việc bảo vệ cần có cho nghề nghiệp của quý vị và về nguyên tắc cơ bản đối với đặc quyền chuyên môn pháp lý, những hành vi vi phạm mà quý vị đã chỉ trích ở một số Quốc gia thành viên. Tôi hiểu và chia sẻ mối quan tâm này, và tôi động viên những nỗ lực của quý vị. Điều cần thiết là xã hội của chúng ta phải duy trì những hình thức giao tiếp tin cẩn trong đó các cá nhân có thể thể hiện bản thân và trút bỏ những gánh nặng. Điều này rất quan trọng. Trong Giáo Hội, chúng tôi có bí mật tòa Giải tội; quý vị cũng có diễn đàn này, nơi một người có thể nói sự thật với luật sư của mình để luật sư có thể giúp đỡ.

Cuối cùng, tôi đánh giá rất cao mối quan tâm mà quý vị thể hiện đối với trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta và sự sẵn sàng làm việc để phát triển một khuôn khổ quy phạm nhằm bảo vệ môi trường. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng các thế hệ tương lai có quyền nhận được từ tay chúng ta một thế giới tươi đẹp và có thể ở được, và điều này đòi hỏi những trách nhiệm rất lớn đối với thế giới tự nhiên mà chúng ta đã đón nhận từ bàn tay nhân từ của Thiên Chúa. Cảm ơn sự đóng góp của quý vị đối với vấn đề này. Tôi hiện đang viết phần thứ hai cho Tông huấn Laudato si’ tập trung vào các vấn đề hiện tại.

Một lần nữa, tôi động viên anh chị em hãy kiên trì thi hành nghề nghiệp của mình, hướng tới việc phục vụ sự thật và công lý rất cần thiết cho sự tiến bộ của hòa bình trên thế giới và sự hòa hợp trong xã hội của chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Yves, bổn mạng của các luật sư, gìn giữ và nâng đỡ quý vị. Tôi chúc lành cho quý vị và tôi xin quý vị cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị!

[Văn bản gốc: tiếng Ý]



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2023]


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.08.2023

“Thách đố nhận biết Chúa Giêsu ở đây và ngay lúc này”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.08.2023

Vatican Media


*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_______________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay trong Tin Mừng (x. Mt 16:13-20), Chúa Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi thú vị: “Người ta nói Con Người là ai?” (câu 13).

Đó là một câu hỏi mà chúng ta cũng có thể đặt ra: Dân của Chúa Giêsu nói gì? Nói chung là những điều tốt đẹp: nhiều người xem Chúa là một bậc thầy vĩ đại, một con người đặc biệt: tốt lành, công chính, kiên định, can đảm… Nhưng liệu điều này có đủ để hiểu Người là ai, và trên hết, như vậy có đủ đối với Chúa Giêsu không? Dường như không. Nếu Chúa đơn thuần chỉ là một người trong quá khứ – giống như những nhân vật được trích dẫn trong cùng một Tin Mừng, Gioan Tẩy giả, Môsê, Êlia và các đại tiên tri đối với dân chúng – thì Ngài sẽ chỉ là một ký ức đẹp đẽ của một thời đã qua. Và đối với Chúa Giêsu, điều này sẽ không đủ. Vì thế, liền sau đó, Chúa hỏi các môn đệ câu hỏi quyết định: “Còn anh em – anh em! – bảo Thầy là ai?” (câu 15). Bây giờ Thầy là ai đối với anh em? Chúa Giêsu không muốn trở thành một nhân vật chính trong lịch sử đã qua; Ngài muốn trở thành người quan trọng đối với anh chị em hôm nay, đối với tôi hôm nay; không phải là một vị ngôn sứ xa xưa: Chúa Giêsu muốn trở thành Thiên Chúa gần gũi với chúng ta!

Thưa anh chị em, Chúa Kitô không phải là ký ức của quá khứ mà là Thiên Chúa của hiện tại. Nếu Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, thì việc noi gương Ngài ngày nay là điều bất khả thi: chúng ta sẽ thấy mình phải đối mặt với vực thẳm lớn của thời gian, và trên hết, phải đối mặt với khuôn mẫu của Ngài như một ngọn núi cao sừng sững, không thể vượt qua được; chúng ta muốn leo lên đó nhưng lại không đủ khả năng và phương tiện cần thiết. Nhưng, Chúa Giêsu đang sống: chúng ta hãy nhớ điều này, Chúa Giêsu đang sống, Chúa Giêsu sống trong Giáo hội. Ngài sống trong thế giới. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta, Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Lời của Ngài. Ngài ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, là điều soi sáng và làm tươi mới chúng ta trên hành trình: Chúa, một người hướng dẫn lão luyện và rất khôn ngoan, rất vui được đồng hành cùng chúng ta trên những con đường khó khăn nhất và những con dốc dựng đứng nhất.

Anh chị em thân mến, chúng ta không đơn độc trên con đường cuộc sống, bởi vì Chúa Kitô ở cùng chúng ta, Chúa Kitô giúp chúng ta bước đi, như Ngài đã làm với Phêrô và các môn đệ khác. Chính Thánh Phêrô, trong Tin Mừng hôm nay, là người hiểu được điều này và nhờ ân sủng mà nhận biết Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16): Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ngài không phải là một nhân vật của quá khứ, mà là Đấng Kitô, tức là Đấng Mêsia, Đấng được chờ đợi; không phải là một vị anh hùng đã khuất, mà là Con Thiên Chúa hằng sống, đã làm người và đến để chia sẻ niềm vui và lao nhọc trong cuộc hành trình của chúng ta. Chúng ta đừng nản lòng nếu đôi khi chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu dường như quá cao và con đường quá dốc. Chúng ta hãy luôn hướng nhìn lên Chúa Giêsu; chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu là Đấng bước đi bên cạnh chúng ta, Đấng chấp nhận những yếu đuối của chúng ta, chia sẻ những nỗ lực của chúng ta và đặt cánh tay vững chắc và dịu dàng của Người lên đôi vai yếu mềm của chúng ta. Với Ngài ở bên, chúng ta cũng hãy đến với nhau và đổi mới niềm tin tưởng của chúng ta: với Chúa Giêsu, điều không thể tự mình thực hiện được đã không còn như vậy nữa, với Chúa Giêsu chúng ta có thể tiến bước!

Hôm nay thật tốt khi chúng ta lặp lại câu hỏi quyết định thốt ra từ miệng Ngài: “Còn anh em – Chúa Giêsu nói với anh chị em – anh em nói Thầy là ai?”. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa Giêsu, Người hỏi chúng ta điều này. Nói cách khác: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một nhân vật quan trọng, một điểm tham chiếu, một hình mẫu không thể đạt tới? Hay Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng bước đi bên cạnh tôi, Đấng có thể dẫn tôi đến đỉnh cao nên thánh mà tự mình tôi không thể đạt tới? Chúa Giêsu có thực sự sống trong đời tôi không, Chúa Giêsu có sống với tôi không? Ngài có phải là Chúa của tôi không? Tôi có phó dâng cho Người trong những lúc khó khăn không? Tôi có vun đắp sự hiện diện của Người qua Lời Người, qua các Bí tích không? Tôi có cho phép bản thân được Người hướng dẫn cùng với anh chị em trong cộng đoàn không?

Xin Mẹ Maria, Mẹ của đường đi, giúp chúng ta cảm nhận được Chúa Con sống động và hiện diện bên cạnh chúng ta.

___________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Vào Thứ Năm, tôi sẽ bắt đầu cuộc hành trình vài ngày ở vùng Trung Á, ở Mông Cổ. Đó là một chuyến viếng thăm rất được mong đợi, sẽ là một cơ hội để ôm lấy một Giáo hội tuy nhỏ bé về số lượng, nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái; và cũng được gặp gỡ gần gũi những con người cao thượng, khôn ngoan, có truyền thống tôn giáo mạnh mẽ mà tôi có vinh dự được làm quen, đặc biệt trong bối cảnh một sự kiện liên tôn giáo. Thưa anh chị em Mông Cổ, tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi rất vui được đi để đến cùng anh chị em như một người anh em của tất cả mọi người. Tôi cảm ơn các vị hữu trách chính quyền vì có nhã ý mời tôi, và tôi xin cảm ơn những người, với sự cam kết cao độ, đang chuẩn bị cho việc tôi đến. Tôi xin tất cả anh chị em đồng hành với chuyến thăm này bằng lời cầu nguyện.

Tôi xin dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn bùng phát trong những ngày gần đây ở vùng đông bắc Hy Lạp, và tôi bày tỏ tình liên đới với người dân Hy Lạp. Và chúng ta hãy gần gũi với người dân Ukraine, những người đang đau khổ vì chiến tranh, và đang đau khổ rất nhiều: chúng ta đừng quên Ukraine!

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia.

Đặc biệt, cha chào nhóm giáo xứ đến từ Madrid; các linh mục từ giáo phận Molfetta-Ruvo-Giovanazzo-Terlizzi, cùng với giám mục; các tín hữu San Gaetano da Thiêne ở Melìa; các gia đình từ khu Pizzo Carano di San Cataldo và những người đi xe đạp từ Ciociaria. Cha xin chào các lễ sinh của đơn vị mục vụ Codevigo, thuộc giáo phận Padua, trong chuyến hành hương đến Roma với cha xứ của các con.

Hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustinô: với những lời cầu nguyện và nước mắt của mình, thánh nhân đã xin Chúa cho con trai mình hoán cải; một người phụ nữ mạnh mẽ, một người phụ nữ tốt lành! Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhiều bà mẹ đang đau khổ khi con cái họ lầm lạc hoặc đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2023]


Bức tranh toàn cảnh tín ngưỡng phức tạp ở Mông Cổ, điểm đến tiếp theo của Đức Thánh Cha

Bức tranh toàn cảnh tín ngưỡng phức tạp ở Mông Cổ, điểm đến tiếp theo của Đức Thánh Cha

Bức tranh toàn cảnh tín ngưỡng phức tạp ở Mông Cổ, điểm đến tiếp theo của Đức Thánh Cha

© Chanwit Whanset / Shutterstock

I.Media

17/08/23


Quốc gia với đa số người dân theo Phật giáo có lịch sử phát triển lâu đời và sự tương tác giữa các truyền thống bản địa và tôn giáo thế giới.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ, từ ngày 31 tháng Tám đến 4 tháng Chín, 2023, sẽ là cơ hội để Đức Thánh Cha ngỏ lời với một dân tộc có truyền thống tôn giáo đa dạng và cổ xưa. Nói về Thiên Chúa trong bối cảnh này sẽ là một thách đố đối với Đức Giáo Hoàng, người đã coi việc đối thoại huynh đệ với các tôn giáo khác là một trong những khía cạnh quan trọng trong triều đại giáo hoàng của mình.

Ở Mông Cổ, các tôn giáo độc thần — chủ yếu là Hồi giáo và Kitô giáo — chiếm rất ít. Một nửa dân số hiện nay theo Phật giáo, nhưng đất nước này vẫn còn ghi đậm dấu ấn của chủ nghĩa vô thần của nhà nước suốt nhiều năm trong thời kỳ Cộng sản (hơn 40% dân số cho biết là người không có tín ngưỡng) và bởi một truyền thống shaman rất cổ xưa, Tengri giáo, đưa đến rất nhiều cách thực hành lẫn lộn.

Trong xã hội có 3,3 triệu dân này, tôn giáo là một vấn đề phức tạp và thường mang tính chính trị. Tuy nhiên, nhân vật Thành Cát Tư Hãn (khoảng 1160-1227) đã hợp nhất — về mặt tinh thần hoặc lịch sử — các nhánh khác nhau của truyền thống tôn giáo trong nước. Trong một bài tiểu luận xuất bản năm 2016, nhà nhân chủng học người Pháp Roberte Hamayon lưu ý rằng, sau thời kỳ cộng sản, người dân Trung Á cảm thấy cần phải làm hồi sinh quá khứ tôn giáo của họ. Điều đó bao gồm việc tìm kiếm các vị thần của riêng họ và hình thành các tôn giáo quốc gia. Ở Mông Cổ, nhân vật Thành Cát Tư Hãn huyền thoại, người sáng lập, được tôn vinh.

Vào những năm 2000, Lịch sử bí mật của người Mông Cổ, một văn bản từ thế kỷ 13 kể lại gia phả và lịch sử của vị lãnh tụ vĩ đại, bắt đầu được sử dụng như một loại kinh thánh. Tuy nhiên, việc thần thánh hóa Thành Cát Tư Hãn đã có từ rất lâu. Nó có nguồn gốc từ hình tượng truyền thống về vị thủ lãnh Mông Cổ, người có được sức mạnh từ mối liên hệ đặc biệt với “Tenger” — “bầu trời” — nơi người ta cho là ông có thể đọc được những điềm báo.


Tengri giáo, một thiên đàng không có Thượng đế

Mối liên kết mạnh mẽ shaman với thiên đường này là trung tâm của “Tengri giáo”, truyền thống tâm linh vĩ đại của Trung Á. Trong thế kỷ 12, nhà truyền giáo người Flemish, Guillaume de Rubrouck, nhấn mạnh rằng thuật ngữ “khan” là một “tước hiệu cao quý, có cùng ý nghĩa như là người có sức mạnh từ trời (…); do đó các hoàng tử của họ đã lấy tên này, bởi vì chức vụ của họ là cai trị các dân tộc qua những điềm.” Nhưng trong hệ thống tôn giáo này, “thiên đường” không phải là một con người, càng không phải là một vị thần, bà Roberte Hamayon nói.

Quan niệm này đã đưa đến một hình thức hổ lốn trong truyền thống Phật giáo Mật tông, với hình tượng Gesar, người anh hùng trong sử thi mang tên ông. Trong Phật giáo Mông Cổ, người anh hùng Gesar được coi là hóa thân của thần chiến tranh Begtse, một vị thần đầy thịnh nộ có chức năng bảo vệ những Phật tử thực hành tốt, nhưng không phải là một vị thần sáng tạo hay toàn năng.

Vị vua thần thoại này được biết đến với sự đồng hành của 33 anh hùng, “baatar”. Thuật ngữ này được tìm thấy trong tên thủ đô, Ulaanbaatar, có nghĩa là “anh hùng đỏ”, biệt danh của nhà cách mạng cộng sản Mông Cổ Damdin Sükhbaatar.


Phật giáo, sức mạnh kiến tạo của Mông Cổ

Có mặt ở Mông Cổ từ thế kỷ thứ 8, Phật giáo thực sự phát triển vào thế kỷ 13 với cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, người khai sinh triều đại nhà Nguyên trị vì Trung Quốc trong một thế kỷ (1271-1368). Ông quyết định tiếp nhận truyền thống Tây Tạng và áp đặt nó lên người dân của mình. Tuy nhiên, truyền thống shaman đã giành lại ưu thế sau khi đế chế của ông sụp đổ.

Phật giáo Tây Tạng đã trở lại vào thế kỷ 16 với Altan Khan, một người cai trị sử dụng các tu sĩ Phật giáo để củng cố quyền lực của mình, lấy cảm hứng từ quá khứ huy hoàng của triều đại Thành Cát Tư Hãn. Tôn giáo ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn, lên đến đỉnh điểm vào đầu thế kỷ 20 với Bogd Khan, người vừa là nhà lãnh đạo chính trị của Mông Cổ vừa là “lạt ma” quan trọng nhất trong phân cấp Phật giáo của đất nước.

Sau khi trở thành một nhà nước thực sự trong đất nước, mạng lưới tu viện hùng mạnh đã bị những người Cộng sản nắm quyền vào năm 1924 phá hủy một cách thô bạo và chỉ được tái lập sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Vào cuối những năm 1990, Phật giáo đã được chính quyền công nhận là quốc giáo và được một nửa dân số cả nước thực hành.

Phật giáo Tây Tạng thực hành ở Mông Cổ không tin vào sự tồn tại của một vị thần tối cao mà khuyến khích sự tôn sùng các thần linh địa phương. Nó cũng coi trọng những nhân cách siêu nhiên như Đức Phật, một con người có thể đạt đến giai đoạn giác ngộ và do đó đạt đến một dạng thần thánh; Buddha (Phật) có nghĩa là “thức tỉnh”.


Thành Cát Tư Hãn, ông tổ của các tôn giáo Trung Á

Trong lịch sử Mông Cổ, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn quan tâm đến các truyền thống Hồi giáo và Kitô giáo mà quân Mông Cổ gặp gỡ trên bước đường. Sự hiện diện của người Hồi giáo ở trung tâm đế quốc Mông Cổ có thể bắt đầu từ thế kỷ 13, dưới sự cai trị của người chắt của ông là Ghazan, người đã cải đạo và thành lập Ilkhanate, một đế quốc Hồi giáo mở rộng sang vùng Ba Tư và Kavkaz vào thế kỷ 14. Berke, một người cháu trai khác của Thành Cát Tư Hãn, được biết đến là người thành lập Golden Horde (Hãn quốc Kim trướng) — trải dài từ Ukraine đến Mông Cổ cho đến thế kỷ 14 — cũng cải sang đạo Hồi. Ngày nay, 2% dân số Mông Cổ theo đạo Hồi và tin vào Allah, vị thần mạc khải cho nhà tiên tri Mohammed.

Vào thế kỷ 13, một trong những người con trai của Thành Cát Tư Hãn, Tolui, đã trở thành người bảo vệ phái Nestorius, một dị giáo Cơ đốc lúc bấy giờ hiện diện khắp trong khu vực. Mặc dù ông chọn Phật giáo Tây Tạng nhưng con trai ông là Kubilai Khan được nuôi dưỡng bởi người theo giáo phái Nestorius nhưng bị cấm rửa tội. Bè Nestorius cuối cùng đã biến mất, và mãi về sau Kitô giáo trở lại với hai làn sóng các nhà truyền giáo, làn sóng đầu tiên từ thế kỷ 19 đến thời kỳ cộng sản, và làn sóng thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ 21.

Ngày nay, cộng đồng Công giáo nhỏ bé sát cánh với Chính thống giáo, hiện diện để đồng hành với cộng đồng người Nga hải ngoại, cũng như với các nhà truyền giáo Tin lành và phái Phúc âm. Những người Tin lành rất tích cực trong việc chiêu mộ tín đồ và đây là nguồn gây căng thẳng với chính phủ và các tôn giáo khác. Một nhà cựu truyền giáo ở Mông Cổ nói với I.MEDIA: “Là những người Kitô hữu, tất cả chúng ta phải chung sức với nhau”.

Khi nói về Thiên Chúa, bà Roberte Hamayon lưu ý rằng những người Kitô giáo Mông Cổ thường sử dụng thuật ngữ “Burhan”, có nghĩa là “sức mạnh cao quý”. Từ này cũng được dùng để chỉ Đức Phật. Đôi khi họ sử dụng từ “Iertönciin Ezen”, có nghĩa là “bậc thầy của vũ trụ” — một thuật ngữ cũng được dùng để chỉ Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, cách dùng đó của người Kitô giáo bị người Mông Cổ coi là xúc phạm và do đó đã bị loại bỏ. Trong Từ điển Công giáo Anh - Mông Cổ năm 2008, Cha Pierre Palussière, linh mục người Pháp, đề xuất thuật ngữ tổng hợp “Tengerburhan”, kết hợp các khái niệm Tenger (thiên đường) và Burhan.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2023]


Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Sách giáo khoa Trung Quốc xuyên tạc Tin Mừng, mô tả Đức Kitô ném đá người phụ nữ

Sách giáo khoa Trung Quốc xuyên tạc Tin Mừng, mô tả Đức Kitô ném đá người phụ nữ

Sách giáo khoa Trung Quốc xuyên tạc Tin Mừng, mô tả Đức Kitô ném đá người phụ nữ

© Domaine Public

Jésus et la femme adultère, Tintoret.

J-P Mauro

23/08/23

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi Chương 8 Tin mừng theo Thánh Gioan trong một quyển sách giáo khoa được thiết kế để dạy “đạo đức và luật pháp”, gây ra sự chỉ trích từ người Công giáo Trung Quốc.

Người Công giáo Trung Quốc đang phản đối một quyển sách giáo khoa mới bóp méo hành động của Chúa Kitô trong Gioan Chương 8. Cảnh trong Kinh Thánh được tái hiện lại – trong đó Chúa Giêsu cứu người phụ nữ ngoại tình khỏi bị ném đá đến chết – bị thay đổi với đoạn kết là Chúa Kitô giết chính người phụ nữ đó, trong khi tự gọi mình là “tội nhân”.

Theo UCA, quyển sách giáo khoa này được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học và Công nghệ Điện tử do chính phủ điều hành, với mục đích giảng dạy “đạo đức nghề nghiệp và luật” cho học sinh trung học. Cùng với nhiều sự trái ngược phát xuất từ việc biên tập những hành động của Chúa Kitô, một số người còn đặt vấn đề rằng làm thế nào việc xuyên tạc một câu chuyện trong Kinh thánh theo cách phi đạo đức lại có thể dạy “đạo đức” cho bất kỳ ai.

Trong trình thuật Kinh thánh đoạn 8 của Thánh Gioan, một người phụ nữ bị buộc tội ngoại tình đã bị những người Pharisêu đưa đến với Đức Kitô, với hy vọng rằng Chúa Giêsu sẽ mâu thuẫn với luật Do Thái buộc cô ta phải chết và cung cấp cho họ vũ khí sử dụng hợp pháp để chống lại Ngài. Trong trình thuật Tin Mừng, Chúa Giêsu đối mặt với đám đông và nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

Khi từng người từng người nhận biết rằng mình không phải là không có tội, đám đông giải tán cho đến khi chỉ còn một mình Đức Kitô ở lại với người phụ nữ, được Ngài tha thứ và dạy rằng đừng phạm tội nữa. Trong hai thiên niên kỷ, câu chuyện này dạy cho người Kitô hữu rằng chúng ta không xứng để phán xét những người xung quanh mình, rằng mỗi người trong chúng ta đều đáng được tha thứ những tội lỗi của mình, và rằng chúng ta không ngại đứng lên chống lại sự bất công để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng cần phải điều chỉnh. UCA chỉ ra những thay đổi:

Sách giáo khoa viết: “Khi đám đông đi hết, Đức Giêsu ném đá người phạm tội đến chết và nói: ‘Tôi cũng là một tội nhân. Nhưng nếu luật pháp chỉ có thể được thực thi bởi những người không tì vết thì luật pháp đó sẽ chết’.

UCA trao đổi với ông Mathew Wang, giáo viên Kitô giáo tại một trường nghề được ĐCSTQ phê duyệt, người này xác nhận rằng đây là những thay đổi có thật đối với Tin mừng theo Thánh Gioan, nhưng ông lưu ý rằng nội dung của sách giáo khoa thay đổi tùy theo khu vực. Nhiều người Công giáo nói chuyện với UCA yêu cầu được giấu tên do sợ ĐCSTQ trả thù, nhưng không ai trong số họ hài lòng với điều mà họ coi là sự bóp méo niềm tin Công giáo của họ.

Một người Công giáo tự nhận mình là Paul cho biết đây là một phần của “mô hình” xúc phạm Giáo hội Công giáo mà ĐCSTQ thực hiện từ năm này qua năm khác.

Catholic World Report chỉ ra một trường hợp khác trong đó các nhà thờ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị buộc phải thay thế việc bảng Mười Điều Răn bằng những câu trích dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2023]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20.08.2023

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20.08.2023

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh Kính Đức Mẹ

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20.08.2023

Vatican Media


*******

Lúc 12 giờ trưa nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một phụ nữ người Canaan bên ngoài lãnh thổ Israel (x. Mt 15:21-28). Bà ta xin Ngài giải thoát cho con gái bà đang bị quỷ hành hạ. Nhưng Chúa không quan tâm đến bà ta. Bà ấy nài nỉ, và các môn đệ khuyên Chúa Giêsu nhận lời để bà ấy dừng lại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu giải thích rằng sứ mạng của Ngài hướng đến con cái Israel, bằng cách dùng hình ảnh này: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Và người phụ nữ can đảm trả lời: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Rồi Chúa Giêsu nói với bà: “‘Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.’ Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (c. 26-28). Đây là một câu chuyện đẹp. Và điều này đã xảy ra với Chúa Giêsu.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thay đổi thái độ. Điều khiến Ngài thay đổi đó chính là sức mạnh lòng tin của người phụ nữ. Vậy chúng ta hãy tạm dừng một chút trên hai khía cạnh này: sự thay đổi nơi Chúa Giêsu và lòng tin của người phụ nữ.

Sự thay đổi nơi Chúa Giêsu. Chúa đang hướng lời giảng dạy của Ngài đến những người được chọn. Tiếp theo, Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy Giáo hội đến tận cùng thế giới. Nhưng chúng ta có thể nói rằng những gì xảy ra ở đây là một tiền đề mà qua đó tính phổ quát của công việc của Thiên Chúa đã được tỏ lộ trong câu chuyện của người phụ nữ Canaan. Sự rộng mở của Chúa Giêsu thật thú vị. Khi nghe lời cầu nguyện của người phụ nữ, “Ngài đoán trước được kế hoạch”; đối mặt với trường hợp cụ thể của bà, Ngài càng cảm thông và thương xót hơn. Thiên Chúa là như vậy: Người là tình yêu, và người yêu thương thì không cứng nhắc. Vâng, người đó đứng vững, nhưng không cứng nhắc, họ không cứng nhắc trong vị trí của mình, nhưng cho phép bản thân được đánh động và chạm vào. Người ấy biết làm thế nào để thay đổi kế hoạch của họ. Tình yêu thì sáng tạo. Và người Kitô hữu chúng ta muốn noi gương Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi phải rộng mở để thay đổi. Sẽ tốt biết bao cho các mối quan hệ của chúng ta, cũng như đời sống đức tin của chúng ta, nếu chúng ta ngoan ngoãn, thực sự quan tâm, mềm mỏng nhân danh lòng trắc ẩn và ích lợi cho người khác, giống như Chúa Giêsu đã làm với người phụ nữ Canaan. Ngoan ngoãn để thay đổi. Tâm hồn ngoan ngoãn để thay đổi.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào đức tin của người đàn bà mà Chúa khen ngợi, nói rằng nó “mạnh thật” (c. 28). Theo các môn đệ, điều duy nhất có vẻ “mạnh thật” là sự dai dẳng của bà; nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy đức tin của bà. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, người phụ nữ ngoại quốc đó có lẽ không biết gì hoặc biết rất ít về luật pháp và giới luật tôn giáo của Israel. Vậy thì niềm tin của bà gồm những gì? Bà ấy không có nhiều khái niệm nhưng có nhiều hành động – người phụ nữ Canaan đến gần, phủ phục, nài nỉ, tham gia vào cuộc đối thoại thẳng thắn với Chúa Giêsu, vượt qua mọi trở ngại chỉ để nói chuyện với Ngài. Đây là tính cụ thể của đức tin, không phải là một nhãn hiệu tôn giáo nhưng là một mối tương quan cá nhân với Chúa. Không biết bao nhiêu lần chúng ta rơi vào cám dỗ lẫn lộn đức tin với một nhãn hiệu! Niềm tin của người phụ nữ này không chứa đầy tính dũng cảm của thần học, nhưng với sự kiên trì – bà ấy gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa. Niềm tin của bà không được tạo thành từ lời nói, mà là lời cầu xin. Và Thiên Chúa không bỏ qua khi Người được kêu cầu. Đây là lý do tại sao Chúa nói, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7).

Thưa anh chị em, dưới ánh sáng của tất cả những điều này, chúng ta có thể tự đặt cho mình một số câu hỏi bắt đầu từ sự thay đổi của Chúa Giêsu. Ví dụ: Tôi có khả năng thay đổi quan điểm không? Tôi có biết làm thế nào để thấu hiểu và tôi có biết cách nào để thương xót không, hay tôi vẫn cứng nhắc trong lập trường của mình? Trái tim tôi có sự cứng nhắc không? Đó không phải là sự kiên vững: cứng nhắc là khủng khiếp, kiên vững là tốt. Và bắt đầu với đức tin của người phụ nữ: Đức tin của tôi như thế nào? Nó chỉ dừng lại ở khái niệm và lời nói, hay nó thực sự được sống bằng lời cầu nguyện và việc làm? Tôi có biết cách đối thoại với Chúa không? Tôi có biết cách để kiên trì với Chúa không? Hay tôi hài lòng đọc thuộc lòng những công thức đẹp? Xin Đức Mẹ làm cho chúng ta mở lòng với những gì tốt lành và cụ thể trong đức tin.

________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi lo lắng theo dõi những gì đang xảy ra ở Niger. Tôi cùng hiệp lời kêu gọi của các Giám mục cho hòa bình trong nước và ổn định ở khu vực Sahel. Tôi đồng hành bằng lời cầu nguyện cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt vì lợi ích của mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Niger thân yêu. Và chúng ta cũng cầu nguyện hòa bình cho mọi dân tộc bị thương tổn vì chiến tranh và bạo lực. Chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho Ukraine, đất nước đã phải chịu đau khổ một thời gian.

Cha chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha chào mừng các tân chủng sinh từ Đại học Bắc Mỹ và cha chúc anh em một hành trình đào tạo tốt đẹp; Cha cũng gửi lời chào cộng đoàn “de la Borriquita” đến từ Cadice, Tây Ban Nha; cha xin chào người dân Ba Lan, nghĩ đến các phụ nữ và thiếu nữ, những người hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Piekary Śląskie.

Cha chào các bạn trẻ thuộc Dự án “Tucum” hôm nay đang bắt đầu hành trình Via Lucis qua các ga xe lửa ở Ý để gặp gỡ những người sống bên lề cuộc sống để mang đến cho họ niềm hy vọng của Tin Mừng.

Cha chào tất cả anh chị em và chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/8/2023]


Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Tiếp kiến chung ngày 23.08.2023: Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ

Huấn từ Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung ngày 23.08.2023: Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng trong Khán phòng Phaolô VI.

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha trở lại với loạt bài giáo lý về Nhiệt thành Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung phân tích về chủ đề: “Loan báo bằng tiếng mẹ đẻ: Thánh Juan Diego, sứ giả của Đức Trinh Nữ Guadalupe” (Bài đọc: Mt 11:25-27).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt tới các tín hữu hiện diện.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

___________________________________________


Bài Giáo lý. Nhiệt thành Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 18. Việc loan báo [Tin Mừng] bằng tiếng mẹ đẻ: Thánh Juan Diego, sứ giả của Đức Trinh Nữ Maria


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình tìm lại lòng nhiệt thanh loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ đó; nhìn thấy lòng nhiệt huyết loan báo Tin Mừng này đã phát triển như thế nào trong lịch sử Giáo hội; trên con đường này, hôm nay chúng ta nhìn đến Châu Mỹ, nơi việc loan báo Tin mừng luôn có một nguồn cội quan trọng: Guadalupe – người Mexico thật hạnh phúc. Dĩ nhiên, Tin Mừng đã đến đó trước những lần Đức Mẹ hiện ra ở đó, nhưng đáng buồn là nó cũng bị đi kèm với những lợi ích thế gian. Thay vì con đường hội nhập văn hóa, người ta thường áp dụng cách tiếp cận vội vàng là cấy ghép và áp đặt các mô hình đã được xây dựng sẵn – chẳng hạn như Châu Âu –, thiếu sự tôn trọng các dân tộc bản địa.

Mặt khác, Đức Trinh nữ Guadalupe hiện ra trong trang phục của người dân bản địa, người bản xứ, Mẹ nói ngôn ngữ của họ, Mẹ chào đón và yêu quý văn hóa địa phương: Đức Maria là Mẹ, và dưới áo choàng của Mẹ, mọi đứa con đều tìm được một chỗ đứng. Nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã nhập thể và qua Đức Maria, Ngài tiếp tục nhập thể vào đời sống của các dân tộc.

Thật vậy, Đức Mẹ công bố Thiên Chúa bằng ngôn ngữ thích hợp nhất; tức là tiếng mẹ đẻ. Và Đức Mẹ cũng nói với chúng ta bằng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ mà chúng ta hiểu rõ. Tin Mừng được thông truyền qua tiếng mẹ đẻ. Và tôi muốn nói lời cảm ơn đến nhiều người mẹ và rất nhiều người bà đã truyền lại Tin Mừng cho con cháu của họ: đức tin được truyền lại trong cuộc sống; đây là lý do tại sao các bà và các mẹ là những người truyền giáo đầu tiên. [Chúng ta dành] một tràng pháo tay cho các bà và các mẹ! Và nó được truyền đạt trong sự đơn sơ, như Đức Maria cho thấy: Đức Mẹ luôn chọn những người đơn sơ, trên ngọn đồi Tepeyac ở Mexico, như ở Lộ Đức và Fatima: khi nói với họ, Mẹ nói với mọi người, bằng một ngôn ngữ thích hợp cho tất cả mọi người, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, giống như ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Vậy chúng ta hãy cùng dừng lại trên chứng tá của Thánh Juan Diego, một sứ giả; ngài là thanh niên, ngài là người bản địa đã nhận được sự mặc khải của Đức Maria: sứ giả của Đức Mẹ Guadalupe. Ngài là một con người đơn sơ, một người dân bản địa: Thiên Chúa là Đấng thích thực hiện những phép lạ qua những kẻ bé mọn đã để mắt đến Thánh nhân.

Juan Diego là một người đã lập gia đình khi ngài đón nhận đức tin. Vào tháng Mười Hai năm 1531, ngài khoảng 55 tuổi. Khi đang đi, ngài nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa trên đồi, Mẹ dịu dàng gọi ngài. Và Đức Mẹ gọi ngài là gì? “Juanito, đứa con bé bỏng yêu quý nhất của Ta” (Nican Mopohua, 23 tuổi), lấy từ cái tên Juan. Sau đó, Mẹ sai ngài đến với Đức Giám mục để yêu cầu Đức Cha xây một nhà thờ ở đó, nơi Mẹ hiện ra.

Juan Diego, đơn sơ và sẵn sàng, ra đi với tấm lòng quảng đại trong sáng của mình, nhưng phải chờ đợi rất lâu. Cuối cùng ngài được nói chuyện với Giám mục và Đức Cha không tin Juan Diego. Và giám mục chúng tôi rất thường xuyên [như thế], rất thường xuyên… Ngài gặp lại Đức Mẹ, Mẹ an ủi ngài và yêu cầu ngài cố gắng lần nữa. Người thanh niên bản địa trở lại gặp Giám mục và đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng Đức Giám mục sau khi lắng nghe ngài, đã đuổi ngài đi và sai mấy người đi theo ngài. Đây là sự khó khăn, thử thách của việc loan báo: mặc dù có lòng nhiệt thành, nhưng điều bất ngờ vẫn đến, đôi khi từ chính Giáo hội. Thật vậy, chỉ làm chứng tá tốt lành thôi chưa đủ, cần phải biết chịu đựng sự dữ. Chúng ta đừng quên điều này: việc loan báo Tin Mừng là điều rất quan trọng, không chỉ bằng cách làm chứng tá tốt lành mà còn bằng cách chịu đựng sự dữ. Người Kitô hữu làm điều thiện nhưng cũng chịu đựng điều ác. Cả hai đi cùng nhau; cuộc sống là vậy.

Ngay cả ngày nay, ở rất nhiều nơi, việc hội nhập Tin Mừng và các văn hóa loan báo Tin mừng đòi hỏi sự bền lòng và kiên nhẫn, không sợ xung khắc, không nản chí. Tôi đang nghĩ đến một đất nước nơi người Kitô hữu bị bách hại, bởi vì họ là Kitô hữu, và họ không thể thực hành đức tin của mình một cách dễ dàng và trong an bình. Juan Diego, chán nản vì bị giám mục đuổi đi, đã xin Đức Mẹ miễn trừ cho ngài và chỉ định một người được kính trọng hơn và có khả năng hơn ngài, nhưng ngài được kêu gọi hãy kiên vững. Luôn luôn có nguy cơ bỏ cuộc trong việc rao giảng: khi có điều gì đó không ổn và chúng ta lùi bước, trở nên chán nản và có lẽ ẩn náu trong những sự chắc chắn của bản thân, trong các nhóm nhỏ, và trong một số việc tôn sùng cá nhân. Ngược lại, Đức Mẹ an ủi chúng ta, làm cho chúng ta tiến bước về phía trước và nhờ đó cho phép chúng ta lớn lên, giống như một người mẹ giỏi, vừa theo những bước chân của con trai mình, vừa đưa nó vào những thử thách của thế giới.

Được khích lệ, Juan Diego trở lại gặp Đức Giám mục, và Đức Giám mục xin ngài một dấu hiệu. Đức Mẹ hứa với Juan một dấu hiệu và an ủi ngài bằng những lời này: “Đừng để điều gì làm con sợ hãi, đừng để điều gì làm phiền lòng con: […] Mẹ là mẹ của con, không phải Mẹ đang ở đây sao?” Thật là đẹp. Nhiều khi chúng ta cô đơn, buồn bã, gặp khó khăn, Đức Mẹ cũng nói với chúng ta điều này trong tâm hồn chúng ta: Mẹ là mẹ của con, không phải Mẹ đang ở đây sao? [Mẹ] luôn ở bên cạnh chúng ta để an ủi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để bước tiếp.

Rồi Mẹ nói ngài lên đỉnh đồi khô cằn để hái hoa. Tuy nhiên, khi đó là mùa đông, Juan Diego đã tìm thấy một số bông hoa đẹp, bỏ chúng vào áo choàng của mình và dâng lên Mẹ Thiên Chúa, Mẹ mời ngài mang hoa đến cho Đức Giám mục để làm bằng chứng. Ngài đi, kiên nhẫn chờ đến lượt mình và cuối cùng, trước sự chứng kiến của Đức Giám mục, mở chiếc áo choàng (tilma) của mình – loại áo của người bản địa khoác bên ngoài – ngài mở chiếc áo tilma của mình để cho thấy những bông hoa – và kìa! Hình ảnh Đức Mẹ hiện ra trong tấm vải áo choàng, một hình ảnh phi thường và sống động mà chúng ta quen thuộc, trong mắt Mẹ những nhân vật chính của thời đó vẫn còn in dấu. Đây là điều ngạc nhiên của Chúa: khi có sự sẵn lòng và khi có sự vâng phục, Chúa có thể hoàn thành điều gì đó bất ngờ, vào thời điểm và theo những cách mà chúng ta không thể đoán trước được. Và do đó, đền thờ theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ đã được xây dựng và thậm chí ngày nay người ta vẫn có thể đến viếng.

Juan Diego đã bỏ lại mọi sự, và với sự cho phép của Đức Giám Mục, đã hiến dâng đời mình cho đền thờ. Ngài chào đón những người hành hương và rao giảng Tin mừng cho họ.

Đây là những gì xảy ra tại các đền thánh Đức Mẹ, các địa điểm hành hương và những nơi rao giảng, nơi mọi người đều cảm thấy như ở nhà – bởi vì đó là nhà của Mẹ, nhà của Mẹ – và cảm nhận nỗi nhớ nhung quê hương, nghĩa là nỗi khao khát về nơi bạn tìm thấy Mẹ, Thiên đàng. Đức tin được chào đón ở những nơi này một cách đơn sơ, đức tin được chào đón một cách chân thực, một cách bình dân. Và như Mẹ đã nói với Juan Diego, Đức Mẹ lắng nghe tiếng khóc của chúng ta và chữa lành những nỗi sầu khổ của chúng ta (x. ibid., 32). Chúng ta cần học điều này: khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta hãy đến với Mẹ; và khi cuộc sống hạnh phúc, chúng ta cũng hãy đến với Mẹ để chia sẻ những điều đó. Chúng ta cần tìm đến các ốc đảo an ủi và thương xót này, nơi đức tin được diễn tả bằng ngôn ngữ của tình mẫu tử; nơi chúng ta phó thác những lao nhọc của cuộc sống trong vòng tay Mẹ và trở lại cuộc sống với sự bình an trong tâm hồn, có thể là với sự an bình của những trẻ thơ.


Lời chào

Cha chào thân ái anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các lễ sinh đến từ Malta và ca đoàn đến từ Uganda. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình. XIn Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2023]