Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Giáo hội Ấn Độ đồng hành và hỗ trợ 11 triệu người trong đại dịch

Giáo hội Ấn Độ đồng hành và hỗ trợ 11 triệu người trong đại dịch
© Fides

Giáo hội Ấn Độ đồng hành và hỗ trợ 11 triệu người trong đại dịch

Nhiều người nghèo thất nghiệp

17 tháng Sáu, 2020 00:43

Trong đại dịch Covid-19, Giáo hội ở Ấn Độ đã tiếp cận và hỗ trợ ít nhất 11 triệu người nghèo và dễ bị tổn thương, trong thời gian phong tỏa và cách ly bắt đầu ngày 25 tháng Ba và vẫn đang thực hiện ở một số “khu vực cách ly” đặc biệt. Đây là những điều mà một báo cáo của Hội đồng Giám mục Ấn Độ cho biết, dữ liệu do Caritas Ấn Độ công bố, nhấn mạnh rằng người Kitô hữu Ấn Độ đã phản ứng rất quảng đại và cam kết qua sự hiện diện và tính kiên định của họ, họ chiếm 2,5% dân số quốc gia. Như Fides News Agency đưa tin, sự cân đối trong công việc của cộng đoàn đã được rút ra trong hội nghị gần đây với sự tham gia của Đức Hồng y Oswald Gracias, chủ tịch Hội đồng Giám mục, và Đức Tổng Giám mục Sebastian Kallupura, chủ tịch của Caritas Ấn Độ, cùng với các vị chủ tịch những Ủy ban Giám mục miền và các giám đốc của diễn đàn phát triển xã hội từ khắp Ấn Độ.

Hội nghị nhấn mạnh rằng 95,2% người di cư đã mất việc làm và sinh kế, được khẳng định bởi một cuộc khảo sát do Caritas Ấn Độ thực hiện tại 18 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, bao gồm Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand, Odisha, Madhya Pradesh, Telangana, Chhattisgarh, Tây Bengal, Maharashtra và Assam.

“Di dân và người lao động nghèo là những người gánh chịu nhiều nhất vì lệnh phong tỏa của chính phủ nhằm ngăn chặn coronavirus ở Ấn Độ,” Cha Jaison Vadassery xác nhận với Fides, ngài là Thư ký điều hành của Ủy ban Di dân thuộc Hội đồng Giám mục Ấn Độ (CCBI ).

Trước nhu cầu nhân đạo bất ngờ của hàng ngàn người, các giáo xứ, các dòng tu, nhà thờ, tổ chức phi chính phủ có liên kết với cộng đoàn Kitô giáo đã được huy động. Tại Tổng giáo phận Bombay, từng xứ trong số 124 giáo xứ đã cung cấp khẩu phần lương thực cho những người nghèo nhất, những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và cũng là nạn nhân của trận lốc xoáy Amphan gần đây. Ước tính có hơn 7.000 người được cung cấp khẩu phần ăn hai lần một ngày. Trung tâm hoạt động xã hội của Tổng giáo phận Bombay, thông qua mạng lưới các tổ chức đối tác, đã tập trung quyên góp và phân phát những hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 32 nghìn đô la Mỹ. Người được thụ hưởng là người già, người nghèo, người bệnh, người dân tộc thiểu số, di dân, trẻ em đường phố, cảnh sát và những người dễ bị tổn thương khác. Tại Tổng Giáo Phận Bombay, Đại học Thánh Xavier và những trường học khác đã cung cấp cơ sở của họ để làm nơi tổ chức các biện pháp cứu trợ.

Việc phong tỏa tất cả các hoạt động và di chuyển bắt đầu ngày 25 tháng Ba; giao thông vận tải và dịch vụ đã dần hoạt động trở lại từ ngày 8 tháng Sáu, trong khi “các khu vực cách ly” đặc biệt vẫn còn hiệu lực ở một số khu vực trong nước cho đến ngày 30 tháng Sáu. Hàng triệu người lao động di dân đã bị kẹt ở các khu vực khác nhau trong nước, không có việc làm, thức ăn và nơi ở.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/6/2020]


TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của ông Môisê

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của ông Môisê
© Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của ông Môisê

‘Một tấm gương thật đẹp cho tất cả các mục tử là những người phải trở thành cầu nối’”

17 tháng Sáu, 2020 11:58

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) không chính thức của Vatican huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxico sáng nay ngày 17 tháng Sáu năm 2020, được truyền trực tiếp từ Thư viện Tông tòa:


***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình của chúng ta về chủ đề cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không bao giờ thích làm việc với những người cầu nguyện theo một cách “dễ dàng.” Và ông Môisê cũng không phải là một người đối thoại “kém”, ngay từ ngày đầu ơn gọi của ông.

Khi Thiên Chúa lên tiếng gọi, Môisê đang ở trong tình trạng mà theo cách nói của con người là một “thất bại.” Sách Xuất hành mô tả ông ở trong miền đất Mađian như một người lánh nạn. Là một người thanh niên ông có lòng trắc ẩn với dân tộc, và tự xếp mình vào hàng ngũ bảo vệ cho người bị áp bức. Nhưng ông nhanh chóng khám phá ra rằng, bất kể những ý định tốt lành của ông, nó không phải là sự công bằng nhưng là bạo lực xuất phát từ bàn tay của ông. Những giấc mơ vinh quang của ông tan vỡ, Môisê không còn là một nhà lãnh đạo đầy hứa hẹn nhanh chóng đứng lên trong sự nghiệp, nhưng lại là một người đã thua canh bạc và tiêu tan những cơ hội, và bây giờ phải chăn đàn gia súc thậm chí chẳng phải của ông. Và chính trong sự vắng lặng của sa mạc Mađian mà Chúa gọi Môisê đến trước bụi gai bốc cháy: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.” (Xh 3:6).

Môisê phản đối lại Chúa là Đấng phán dạy, là Đấng mời gọi ông một lần nữa chăm sóc cho dân Israel với những nỗi sợ hãi và những điều phản đối của ông: ông không xứng đáng với sứ mạng đó, ông không biết tên của Đức Chúa, ông sẽ không được người dân Israel tin tưởng, ông bị nói lắp bắp … quá nhiều những điều để từ chối. Từ ngữ thường xuyên xuất hiện nhất trên miệng của Môisê, trong mọi lời cầu nguyện ông dâng lên Đức Chúa, là câu hỏi: “Tại sao?” Tại sao Ngài lại sai tôi? Tại sao Ngài lại muốn giải phóng dân tộc này? Tại sao? Thậm chí có một trình thuật đầy kịch tính trong Ngũ Kinh, khi Chúa quở mắng ông Môisê vì thiếu lòng tin, cái thiếu đó đã không cho ông vào được đất hứa (x. Ds 20:12). Với những nỗi sợ hãi này, với tâm hồn thường bị nản chí, làm sao Môisê có thể cầu nguyện? Hơn thế, Môisê là con người như chúng ta. Và điều này cũng xảy ra với chúng ta: khi chúng ta có những hoài nghi, làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Thật không dễ để chúng ta cầu nguyện. Và chính vì điểm yếu này của ông, cũng như điểm mạnh của ông, mà chúng ta vô cùng sửng sốt. Được Chúa trao phó truyền lại Lề Luật cho dân Người, là người thành lập sự thờ phượng Thiên Chúa, người trung gian của những mầu nhiệm cao cả nhất, ông không vì lý do này mà không duy trì những mối ràng buộc chặt chẽ với dân tộc của ông, đặc biệt trong giờ thử thách và phạm tội. Ông luôn luôn gắn bó với dân tộc. Môisê không bao giờ quên dân tộc của ông. Và đây là sự cao cả của những người mục tử: không quên người dân, không quên những cội nguồn của mình. Và như Thánh Phaolô nói với vị Giám mục trẻ Timôthê yêu quý của ngài: “Hãy nhớ về mẹ của anh và bà ngoại của anh, nguồn cội của anh, dân tộc của anh”. Môisê quá mật thiết với Thiên Chúa đến nỗi ông có thể chuyện trò trực tiếp với Người (xem Xuất hành 33:11); và ông vẫn vô cùng thân thiết với người khác đến mức ông cảm thấy thương xót cho tội của họ, cho những cám dỗ của họ, cho lòng nhớ nhung bất chợt mà những người lưu đày hoài vọng về quá khứ, nhớ lại khi họ còn ở Ai Cập.

Môisê không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng ông cũng không từ bỏ dân tộc của ông. Ông trung thành với máu thịt của ông, ông trung thành với tiếng gọi của Chúa. Vì vậy Môisê không phải là một nhà lãnh đạo độc tài và chuyên chế; thay vì vậy Sách Dân số cho thấy ông là “một người hiền lành nhất đời” (Ds 12:3). Bất kể tình trạng được đặc ân của mình, Môisê không bao giờ không thuộc về số những người có tinh thần nghèo khó là những người sống tin tưởng vào Thiên Chúa như là lương thực của họ trên đường. Ông là một người của dân tộc ông.

Vì vậy, cách cầu nguyện phù hợp nhất với Môisê là sự chuyển cầu (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2574). Niềm tin của ông vào Thiên Chúa hoàn toàn đi song song với ý thức của cương vị làm cha đối với dân tộc của ông. Sách Thánh thường mô tả ông với đôi tay giang rộng hướng về Đức Chúa, dường như tạo thành một cầu nối giữa thiên đàng và trần gian bằng chính con người của ông. Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, ngay cả trong ngày khi dân chúng từ bỏ Đức Chúa và từ bỏ ông là người dẫn dắt, và tự đúc cho họ con bê vàng, ông Môisê vẫn không cảm thấy muốn gạt dân tộc của ông ra ngoài. Họ là người của tôi. Họ là người của các bạn. Họ là dân tộc của tôi. Ông không chối bỏ Đức Chúa và cũng không từ bỏ dân tộc của ông. Và ông nói với Chúa: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không,”– nếu Ngài không tha thứ cho tội này – “thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32:31-32). Môisê không đánh đổi dân tộc của ông. Ông là cầu nối, là người trung gian chuyển cầu. Cả hai bên, giữa dân tộc và Đức Chúa, ông là người đứng ở giữa. Ông không bán dân tộc mình để thăng tiến trong sự nghiệp. Ông không trèo lên thang, ông là người trung gian chuyển cầu: cho dân tộc của ông, cho máu thịt của ông, cho lịch sử của ông, cho dân tộc của ông và cho Thiên Chúa là Đấng đã gọi ông. Ông là một cầu nối. Một tấm gương thật đẹp cho tất cả các mục tử là những người phải trở thành “cầu nối.” Đây là lý do tại sao họ được gọi là pontifex, là những cầu nối. Mục tử là những cầu nối giữa dân tộc, là những người họ thuộc về, và Thiên Chúa, là Đấng họ thuộc về bởi ơn gọi. Đây chính là con người của Môisê. “Ước gì Ngài miễn chấp tội cho họ! Nhưng nếu Ngài không tha thứ, thì hãy xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết. Con không muốn tiến tới với cái giá phải trả là dân tộc của con.”

Và đây là lời cầu nguyện mà những người tin tưởng thật sự gieo trồng trong đời sống thiêng liêng của họ. Cho dù họ có nếm trải những thiếu sót của con người và sự xa cách Thiên Chúa của họ, thì trong lời cầu nguyện họ vẫn không kết án những người kia, họ không gạt bỏ những người kia. Thái độ trung gian chuyển cầu phù hợp với các thánh nhân, là những người noi gương Chúa Giêsu, trở thành “những cầu nối” giữa Thiên Chúa và dân tộc của Ngài. Theo ý nghĩa này, Môisê là vị ngôn sứ vĩ đại đầu tiên của Chúa Giêsu, là người biện hộ và trung gian của chúng ta (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2577). Và ngày nay cũng vậy, Chúa Giêsu là pontifex, Người là cầu nối giữa chúng ta và Chúa Cha. Và Chúa Giêsu can thiệp cho chúng ta, Người cho Chúa Cha xem thấy những vết thương vì cái giá của ơn cứu độ chúng ta, và Ngài can thiệp. Và ông Môisê là hình ảnh của Chúa Giêsu là Đấng hôm nay cầu nguyện cho chúng ta, can thiệp cho chúng ta.

Môisê thúc giục chúng ta hãy cầu nguyện với sự tha thiết như Chúa Giêsu, để chuyển cầu cho thế giới, để nhớ rằng bất kể tất cả những sự mỏng giòn của thế gian thì nó vẫn thuộc về Thiên Chúa. Mọi người đều thuộc về Chúa. Những tội nhân với tội nặng nề nhất, những con người xấu xa nhất, những nhà lãnh đạo hủ hóa nhất, họ vẫn là con cái của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu cảm nhận điều này và cầu thay nguyện giúp cho tất cả mọi người. Và thế giới sống và phát triển nhờ vào phúc lành của những người công chính, nhờ lời cầu xin lòng thương xót, lời cầu xin lòng thương xót mà thánh nhân, người công chính, người trung gian, linh mục, giám mục, Giáo hoàng, giáo dân, mọi người đã được rửa tội không ngừng dâng lên cho nhân loại, ở mọi nơi và trong mọi thời gian của lịch sử. Chúng ta hãy nghĩ đến Môisê là người trung gian. Và khi chúng ta muốn lên án người nào và tức giận trong lòng … tức giận thì tốt – trong khi kết án thì không tốt, chúng ta hãy cầu thay nguyện giúp cho người đó; điều đó cũng sẽ giúp chúng ta rất nhiều.


Lời kêu gọi

Hôm nay là “Ngày Quốc tế Lương tâm,” được truyền cảm hứng bởi chứng tá của nhà ngoại giao Bồ Đào nha Aristides de Sousa Mendes. Khoảng 80 năm trước ông đã quyết định đi theo tiếng gọi của lương tâm và cứu thoát mạng sống của hàng ngàn người Do thái và những dân tộc bị bách hại khác. Ước mong rằng sự tự do lương tâm được tôn trọng trong mọi lúc và mọi nơi, và ước mong rằng mọi người Kitô hữu là mẫu gương của sự kiên định lương tâm ngay thẳng được soi sáng bởi Lời của Chúa.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/6/2020]