Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

‘Thiên Chúa không thiên vị người nào’

16 tháng Mười, 2019 15:42

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 phút trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34): Phê-rô và sự tràn đầy Thần Khí trên những người dân ngoại. (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Tông đồ Công vụ 10:34-36).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hành trình của Tin mừng trên thế giới được Thánh Lu-ca thuật lại trong sách Tông đồ Công vụ, được đồng hành bởi sự sáng tạo vĩ đại của Thiên Chúa, và được thể hiện theo một cách đầy ngạc nhiên. Người muốn con cái của Người vượt qua mọi chủ nghĩa đặc quyền riêng để mở rộng ra cho tính phổ quát của ơn cứu độ. Đây là mục tiêu: vượt qua chủ nghĩa đặc quyền riêng và mở rộng ra cho tính phổ quát của ơn cứu độ vì Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Tất cả những người được tái sinh bởi nước và bởi Thần Khí — là những người được rửa tội — được kêu gọi phải thoát ra khỏi con người mình và mở lòng ra với người khác, để sống gần gũi, theo phong cách sống với nhau, là điều biến mọi mối quan hệ giữa các cá nhân thành một kinh nghiệm của tình huynh đệ (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 87).

Một chứng nhân của tiến trình “trở nên huynh đệ” này, người mà Thần Khí muốn “bấm nút” trong lịch sử, là Phê-rô, vai chính trong sách Tông đồ Công vụ cùng với Phaolo. Phê-rô trải qua biến cố đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc sống của ông. Khi ông đang cầu nguyện, ông nhận được một thị kiến hoạt động như một “sự thôi thúc” từ trời, để đánh thức sự thay đổi tâm tính trong con người ông. Ông nhìn thấy một tấm khăn lớn sa xuống từ Trời, trên đó có nhiều loài động vật: các động vật bốn chân, các loài bò sát và chim trời, và ông nghe thấy một tiếng nói mời ông hãy ăn thịt những loài đó. Là một người Do thái nghiêm túc, ông phản ứng nói rằng ông không bao giờ ăn bất cứ thứ gì không sạch, như Lề luật của Đức Chúa (x. Lv 11). Rồi ông nghe thấy giọng nói trả lời mạnh mẽ: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10:15). Qua biến cố này, Chúa muốn Phê-rô không còn đánh giá các biến cố và con người dựa trên những tiêu chuẩn sạch và không sạch, nhưng ông phải học cách vượt ra ngoài những điều đó, để nhìn vào con người và những ý định trong tâm hồn. Quả thật, những gì làm cho con người không sạch không đến từ bên ngoài nhưng chỉ xuất phát từ bên trong, từ trong tâm hồn (x. Mc 7:21). Chúa Giê-su đã nói điều đó rất rõ ràng.

Sau thị kiến đó, Chúa kêu gọi Phê-rô đi đến nhà của Co-nê-li-ô, một người hoàn toàn xa lạ chưa cắt bì, một người “đại đội trưởng thuộc cơ đội gọi là cơ đội Italia, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa,” ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Cv 10:1-2), nhưng ông không phải là người Do Thái. Trong nhà của những người ngoại giáo đó, Phê-rô rao giảng về Đức Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại và sự tha thứ tội cho bất kỳ ai tin tưởng nơi Ngài. Và khi Phê-rô đang nói, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Co-nê-li-ô và những người thân của ông. Và Phê-rô rửa tội ông nhân danh Đức Giê-su Ki-tô (x. Cv 10:48). Biến cố phi thường này — đó là lần đầu tiên một việc như vậy xảy ra — đều được mọi người ở Giê-ru-sa-lem biết, nơi những người anh em, sửng sốt trước thái độ của Phê-rô, đã chỉ trích ông nặng nề (x. Cv 11:1-3). Phê-rô đã làm một điều vượt ra ngoài thói thường, vượt ra ngoài Lề Luật, và họ chỉ trích ông vì điều đó. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Co-nê-li-ô, Phê-rô đã cảm thấy tự do hơn thoát khỏi con người ông và hiệp nhất với Chúa và tha nhân nhiều hơn, vì ông nhìn thấy ý định của Thiên Chúa qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ông hiểu rằng sự bầu chọn của Israel không phải là sự bù đắp cho những tài năng xuất chúng, nhưng là dấu chỉ của tiếng gọi tự do để trở thành người trung gian của ơn lành nước trời giữa những dân ngoại.

Anh chị em thân mến, từ vị Hoàng tử của các Tông đồ chúng ta biết được rằng người rao giảng phúc âm không thể là một trở ngại cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng muốn “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2:4), nhưng phải là người thúc đẩy sự gặp gỡ của các tâm hồn với Chúa. Và chúng ta đối xử với những anh em chúng ta như thế nào - đặc biệt là những người không phải là Ki-tô hữu? Chúng ta có phải là một trở ngại cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa? Chúng ta gây trở ngại hay tạo thuận lợi cho sự gặp gỡ với Chúa Cha trong họ?

Hôm nay chúng ta hãy xin ơn cho phép bản thân biết kinh ngạc trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, để không làm cản trở sự sáng tạo của Người, nhưng để nhận biết và ưu tiên cho những con đường luôn mới qua đó Đấng Phục sinh tuôn đổ Thần Khí vào thế giới và cuốn hút những tâm hồn, để mọi người biết Người là “Chúa của mọi người” (Cv 10:36). Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2019]


Thượng Hội đồng về Amazon Addresses vấn đề buôn bán ma túy và kêu gọi một “sự hoán cải môi sinh

Thượng Hội đồng về Amazon Addresses vấn đề buôn bán ma túy và kêu gọi một “sự hoán cải môi sinh
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với người thổ dân ở Puerto Maldonado © Synod For The Amazon

Thượng Hội đồng về Amazon Addresses vấn đề buôn bán ma túy và kêu gọi một “sự hoán cải môi sinh”

Trong Tổng Công nghị thứ 6, Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho ‘những anh em Do Thái,’ sau vụ tấn công vào Hội đường ở Đức ngày Xá tội

10 tháng Mười, 2019 20:55

Thảm kịch buôn bán ma túy và những hậu quả của nó là một trong những chủ đề chính được chú trọng chiều hôm qua trong Khán phòng Thượng Hội đồng. Tổng Công nghị thứ 6 của Hội đồng Đặc biệt của Thượng Hội đồng được tổ chức lúc 4:30 chiều ngày 9 tháng Mười năm 2019, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và sự tham dự của 180 Nghị phụ, theo bản tin của Vatican News.

Trong một số khu vực thuộc vùng Pan-Amazonian, diện tích trồng coca đã tăng từ 12.000 lên 23.000 héc-ta, với những hậu quả tàn phá lớn, trong đó có sự gia tăng tội phạm và biến đổi tính cân bằng tự nhiên của một vùng chịu đựng tình trạng sa mạc hóa ngày càng rộng.

Kêu gọi sự hoán cải môi sinh

“Cần phải có sự hoán cải môi sinh,” Giáo hội phải là tiếng nói ngôn sứ để chủ đề về môi trường sinh thái toàn diện đi vào chương trình hành động của các tổ chức quốc tế,” tiếng nói vang khắp khán phòng.

Phân tích về mối liên hệ này là việc xây dựng những nhà máy thủy điện, chúng dẫn đến việc phá rừng trong những khu bảo tồn môi trường rộng lớn rất phong phú về hệ sinh thái, cũng như những vụ cháy rừng được cho là có lý do đã tàn phá hàng triệu héc-ta đất, nó gây ra tác động rất lớn đối với môi trường trong một số khu vực, làm thay đổi hệ sinh thái.

Sự Nhập thể: Dấu chỉ vĩ đại nhất của hội nhập văn hóa

Trong những bài tham luận khác của các Nghị phụ, các ngài một lần nữa phản ánh về tính quân bình giữa sự hội nhập văn hóa và phúc âm hóa, và các ngài mời gọi hãy nhìn đến mẫu gương đầy thuyết phục của Chúa Giê-su. “Thật vậy, Sự Nhập Thể là dấu chỉ vĩ đại nhất của sự hội nhập văn hóa, vì Ngôi Lời mặc lấy nhân tính để Ngài trở nên hữu hình trong tình yêu của Ngài,” các ngài nhắc lại. “Và đây là trách vụ của Giáo hội, được kêu gọi để hóa thân vào trong đời sống cụ thể của người dân, như những nhà thừa sai đã làm ở vùng Amazonia,” họ kêu gọi.

Tính Công đồng truyền giáo

Đặc biệt một bài tham luận trình bày ý tưởng rằng vùng Amazonia cần phải trở thành một “phòng thí nghiệm lâu dài của tính công đồng truyền giáo,” vừa là ích lợi cho các dân tộc sống trong vùng vừa là ích lợi cho Giáo hội. Tầm quan trọng của tính liên văn hóa và sự đánh giá đúng những nền văn hóa bản địa và các dân tộc cũng được nhấn mạnh, tầm nhìn về thế giới của họ hỗ trợ trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Khó khăn của ơn gọi và Viri Probati

Luôn gắn liền với việc rao truyền phúc âm là có nói đến những khó khăn về ơn gọi linh mục và tu sĩ và câu hỏi về viri probati.

Một tham luận khẳng định rằng việc thuyên chuyển linh mục từ châu lục này sang châu lục khác sẽ giảm bớt, và kể cả từ giáo phận này sang giáo phận khác. Thật ra, một người linh mục không phải là “của cộng đoàn,” nhưng là “của Giáo hội” và như vậy người linh mục là “cho bất cứ cộng đoàn nào.”

Được nhấn mạnh trong một tham luận khác là “các thừa tác viên chức thánh không quá cần thiết như là các phó tế của đức tin.” Như vậy, sự cần thiết được nhắc lại “là việc đào tạo nhiều hơn và tốt hơn cho các linh mục” và được làm nổi bật lên là “trách nhiệm của người giáo dân,” mà không rơi vào tính giáo quyền.

Lòng sùng mộ bình dân

Tuy nhiên một tham luận khác tập trung vào chủ điểm về lòng sùng mộ bình dân, một khía cạnh của phúc âm hóa là việc họ không thể thờ ơ. “Nó là đặc điểm nền tảng của các dân tộc vùng Amazonia; vì vậy, nó phải được chăm sóc như một kho tàng qua đó Chúa Giê-su Ki-tô chiếu tỏa ánh sáng,” là ý kiến vang lên trong Khán phòng Thượng Hội đồng. Do đó những cách thể hiện lòng sùng mộ bình dân đang ngày càng được đồng hành, được thúc đẩy và được trân trọng bởi Giáo hội.

Thần học Tạo dựng

Khán phòng Thượng Hội đồng sau đó hướng sang Thần học Tạo dựng, trong đó nhân tính của Ngôi Lời cư ngụ. Từ đây phát xuất suy tư của các Nghị phụ về tầm quan trọng của việc đối thoại nhiều hơn về Thần học này và những khoa học tích cực, cho rằng quên đi công trình Tạo dựng đồng nghĩa với việc quên đi chính Đấng Tạo dựng, họ cảnh báo.

Thời gian dành cho câu hỏi về việc bảo vệ quyền cho các dân tộc bản địa của Amazonia: sự cần thiết đối thoại với họ là quan trọng và nó giúp để trân trọng họ như là những người đối thoại giá trị với khả năng tự quyết.

Sự chú ý đặc biệt cũng được dành cho việc chăm sóc mục vụ cho người trẻ dân tộc bản địa, bị chia rẽ giữa kiến thức truyền thống và kiến thức Tây phương,’ tường thuật của “Vatican News.”

Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội

Công hội phiên thứ 6 cũng có một số thính giả, các đại biểu huynh đệ và những vị khách đặc biệt lên phát biểu. Đặc biệt, họ kêu gọi việc thăng tiến cho vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, và cho sự cần thiết củng cố vai trò lãnh đạo của họ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội. Phụ nữ là người giữ gìn cho cuộc sống, người rao giảng phúc âm, người thợ kiến tạo hy vọng; họ là làn gió êm dịu của Thiên Chúa, là khuôn mặt hiền mẫu và đầy lòng thương xót của Giáo hội.”

Vì vậy, điều quan trọng là “công nhận phong cách rao giảng Tin mừng được thực hiện bởi những phụ nữ vùng Amazonia, thường là thầm lặng nhưng rất tích cực trong xã hội. Và chúng ta phải củng cố tính công đồng về phái tính trong Giáo hội,” họ lên tiếng.

Đối thoại liên tôn và đại kết

Khán phòng Thượng Hội đồng cũng phản ánh về tầm quan trọng của đối thoại liên tôn, được đặt trọng tâm trên sự tin tưởng, trong việc nhìn thấy “những khác biệt như là một cơ hội, thoát khỏi tính thuộc địa hóa tôn giáo và đến gần hơn với việc lắng nghe và ý thức về sự khác biệt,” theo tường thuật của Vatican News.

Sự đối thoại đại kết cũng được bàn luận, chỉ ra tầm quan trọng của một con đường chung cho việc bảo vệ quyền của các dân tộc bản địa, thường trở thành những nạn nhân của bạo lực, và của những địa hạt trong Amazonia bị tàn phá bởi những phương pháp cướp phá hoặc những vụ mùa độc hại.

Sự loan báo rộng rãi Tin mừng có thể là “một con đường để chống lại những tội ác kinh hoàng này,” họ nói. “Người Ki-tô hữu không thể giữ im lặng trước bạo lực và những bất công mà vùng Amazonia và các dân tộc của nó đang gánh chịu: công bố tình yêu của Thiên Chúa trong những vùng xa xôi nhất của khu vực có nghĩa là tố cáo tất cả những hình thức áp bức đối với vẻ đẹp của Tạo vật,” họ nói thêm.

Amazonia, một nơi cụ thể cho sự quan tâm của mọi người

Amazonia là một nơi cụ thể, nơi với nhiều những thách đố toàn cầu của thời đại chúng ta nổi lên, những thách đố ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Quả thật, những đau khổ mà các dân tộc vùng Amazonia gánh chịu xuất phát từ một cách sống “đế quốc”, trong đó cuộc sống chỉ được xem như “tính thương mại đơn thuần” và những sự bất bình đẳng ngày càng trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết. Thay vì vậy, các dân tộc bản địa có thể giúp để hiểu được mối tương quan của mọi vật: sự hợp tác toàn cầu là “có thể và vô cùng khẩn thiết,” họ nhấn mạnh.

Tấm gương của Đức Giáo hoàng

Ngay từ thời gian đầu dành cho việc tự do bày tỏ, Đức Thánh Cha mong muốn đóng góp cho việc đọc lại bước tiếp cận được thực hiện từ trước, nhấn mạnh đến những gì gây ấn tượng nhất mà ngài đã được nghe. Đức Thánh Cha Phanxico, người khai mạc ngày làm việc bằng lời cầu nguyện cho “những anh em Do Thái” của chúng ta trong ngày Yom Kippur (Xá tội), vào cuối Công nghị ngài cũng nhớ cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công vào Hội đường ở Halle, Đức.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/10/2019]