Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha
Vatican Media Copyright

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha

‘Lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn, từ bên trong’

02 tháng Một, 2019 14:57

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Sảnh đường Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha”, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về việc cầu nguyện “là trọng tâm của Bài giảng trên Núi” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 6:5-6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến. Xin chào anh chị em và Chúc mừng Năm mới!

Chúng ta tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” được soi sáng dưới mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta vừa cử hành.

Tin mừng Mát-thêu đưa lời kinh “Lạy Cha” vào điểm trọng tâm, vào trung tâm của Bài giảng trên Núi (x. 6:9-13). Đồng thời chúng ta hãy quan sát quang cảnh: Chúa Giê-su đi lên núi bên cạnh hồ, Người ngồi xuống; chung quanh Người là các môn đệ thân cận nhất, rồi đến một đám đông khổng lồ những khuôn mặt chẳng ai biết ai. Chính cộng đoàn đa dạng đó là cộng đoàn đầu tiên đón nhận sự công bố “Kinh Lạy Cha.”

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha

Rồi sự sắp đặt, như cha đã nói, là rất đặc biệt, vì trong suốt bài giảng rất dài này với tên gọi là “Bài giảng trên Núi” (x. Mt 5:1-7, 27), Chúa Giê-su cô đọng lại những khía cạnh nền tảng cho thông điệp của Người. Khởi đầu giống như một cổng vòm được trang trí như ngày hội: đó là Tám Mối Phúc. Chúa Giê-su chúc phúc cho một loạt những người mà trong thời đại của Ngài chẳng ai thèm quan tâm tới — và thời đại chúng ta cũng vậy! Phúc cho người nghèo, người hiền lành, người hay thương xót, người khiêm nhường trong lòng … Đây là cuộc cách mạng của Tin mừng. Bất cứ nơi nào có Tin mừng là có cuộc cách mạng. Tin mừng không để chúng ta ngồi im, nó thôi thúc chúng ta, đó là tính cách mạng. Tất cả mọi người đều có khả năng yêu thương, những người xây dựng hòa bình cho đến nay vẫn nằm bên lề của lịch sử, nhưng thật sự họ là những người xây dựng Nước Chúa. Dường như Chúa Giê-su nói rằng: hãy tiến bước hỡi những ai mang trong lòng sự bí nhiệm của một Thiên Chúa Đấng đã mạc khải sự toàn năng của Người trong tình yêu và sự tha thứ!

Từ cánh cửa dẫn lối vào này, cánh cửa làm đảo lộn những giá trị của lịch sử, dẫn đến tính mới mẻ của Tin mừng. Không phá bỏ Lề luật nhưng nó cần một cách giải thích mới, để đưa nó trở lại ý nghĩa ban đầu. Nếu một con người có tâm hồn tốt lành, được dẫn dắt bởi tình yêu, thì người đó sẽ hiểu rằng mọi lời của Thiên Chúa phải được biến thành hành động cụ thể. Tình yêu không có biên giới: người ta yêu thương vợ/chồng của mình, yêu bạn bè, và thậm chí yêu kẻ thù của mình theo một cách nhìn hoàn toàn mới. Chúa Giê-su nói: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:44-45). Đây là bí mật vĩ đại làm nền tảng của toàn bộ Bài giảng trên Núi: hãy trở thành con cái của Cha Đấng ngự trên Trời. Rõ ràng những chương này trong Tin mừng Thánh Mát-thêu như một bài giảng luân lý; chúng dường như đặt ra những nguyên tắc đạo đức quá khắt khe có vẻ như khó có thể thi hành được, nhưng thật ra chúng ta khám phá thấy rằng trước hết đó là một bài thần học. Một người Ki-tô hữu không phải là người cho rằng mình tốt lành hơn những người khác: người đó phải biết rằng mình cũng là một tội nhân như tất cả mọi người. Người Ki-tô hữu chỉ đơn giản là một con người đang đứng trước Bụi cây Phát sáng mới, một mạc khải về một Thiên Chúa không còn mang sự bí ẩn với danh xưng không thể xướng đọc, nhưng là Thiên Chúa dạy con cái thưa lên với Người bằng cách gọi “Thưa Cha,” cho phép bản thân được đổi mới bằng quyền năng của Người và phản chiếu ánh quang tốt lành của Người trên thế gian này, một thế gian đang quá khát khao sự tốt lành, quá mong chờ Tin Vui.

Vì thế, chúng ta thấy cách Chúa Giê-su giới thiệu bài giảng về lời kinh “Lạy Cha.” Ngài làm như vậy để tách biệt mình ra khỏi hai nhóm người trong thời đại đó — trước hết là những người đạo đức giả. “Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6:5). Có những người có khả năng thêu dệt lên những lời cầu nguyện của người vô thần, không có Chúa, và họ làm vậy để được người khác thán phục. Và chúng ta rất thường nhìn thấy có những người vẫn đi nhà thờ và đến đó suốt ngày hoặc ngày nào cũng tới, nhưng rồi họ sống cuộc sống thù ghét người khác hoặc nói hành nói xấu người khác. Đây là một sự ô nhục! Nếu người nào sống như vậy thì tốt nhất là đừng đi nhà thờ, vì đó là người vô thần.

Nhưng nếu anh chị em đi nhà thờ, sống trong tinh thần của một người con, một người anh em và làm chứng tá thật, không phải là nghịch lại chứng tá. Như vậy, sự cầu nguyện của người Ki-tô hữu không có gì ngoài chính lương tâm của mình, trong đó sự đối thoại liên tục với Cha được đan xen chặt chẽ. “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6:6).

Rồi Chúa Giê-su tách biệt mình ra khỏi cách cầu nguyện của những người ngoại giáo. “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6:7). Ở đây có lẽ Chúa Giê-su muốn nói đến “captatio benevolentiae” kia, nó là tiền đề cần thiết của nhiều lời cầu xin cổ xưa: một cách nào đó thần thánh phải được vỗ về bằng một loạt những lời ca tụng dài dòng, kể cả những lời cầu xin. Chúng ta hãy nghĩ đến cảnh trên Núi Ca-mê-lô, khi ngôn sứ Ê-li-a chiến đấu với các thầy cúng của thần Ba-an. Họ la hét, nhảy múa, cao rao cầu xin nhiều điều để thần của họ nghe thấy. Thay vì vậy, Ê-li-a giữ thinh lặng và Chúa mạc khải cho Ê-li-a. Người ngoại giáo nghĩ rằng họ cầu xin bằng cách nói, nói, nói thật nhiều. Và cha cũng nghĩ đến nhiều người Ki-tô hữu cho rằng cầu nguyện là — cha xin lỗi — “nói với Chúa như một con vẹt.” Không phải vậy!

Lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn, từ bên trong. Như Chúa Giê-su nói, hãy hướng về Thiên Chúa như một người con nhìn đến cha, vì “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin” (x. Mt 6:8).

“Kinh Lạy Cha” cũng có thể trở thành một lời cầu nguyện trong thinh lặng. Về căn bản, chỉ cần đặt mình dưới ánh mắt nhìn của Thiên Chúa là đủ, hãy nhớ đến tình thương của Người là Cha, và như vậy là đủ để được lắng nghe. Thật tốt nếu nghĩ rằng Thiên Chúa không cần những lễ vật để chiếm được sự ưu ái của Người! Thiên Chúa của chúng ta không cần thứ gì! Người chỉ yêu cầu rằng, khi cầu nguyện chúng ta có một kênh truyền thông mở ra với Người, để khám phá thấy mình là những đứa con được yêu thương nhất của Người. Và Người quá yêu chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2019]


Ai cập: Chính phủ sửa chữa và phục hồi lại 500 nhà thờ

Ai cập: Chính phủ sửa chữa và phục hồi lại 500 nhà thờ
© Fides

Ai cập: Chính phủ sửa chữa và phục hồi lại 500 nhà thờ

Các tòa nhà bị phá hủy bởi nhóm ‘Huynh đệ Hồi giáo’

01 tháng Một, 2019 18:46

Theo bản tin ngày 17 tháng Mười Hai, 2018, của Hãng thông tấn Fides, nhân dịp khởi động chương trình xây dựng xã hội cấp quốc gia trong những ngày gần đây Tổng thống Abd al-Fattah al-Sisi nhắc lại cam kết của ông sửa chữa lại những nhà thờ đã bị phá hủy bởi nhóm “Huynh đệ Hồi giáo”: một chương trình đã bị các chính quyền trước đây từ chối. Đồng thời chính quyền hiện nay cũng đang làm việc để hợp pháp hóa những thánh điện của Ki-tô giáo và cho phép xây dựng các nhà thờ và cơ sở mới của Giáo hội Cốp-tíc.

Các nhà thờ ở Ai-cập đã bắt đầu việc tái xây dựng và những dự án hiện đại hóa để xóa sạch những dấu vết của các vụ tấn công của nhóm “Huynh đệ Hồi giáo” đánh vào các thánh địa từ tháng Tám năm 2013. Tính chung tất cả có 90 vụ tấn công và nhiều nơi khác nhau trong đất nước, chủ yếu ở Minya, nhưng cũng có trong các vùng Asyut, Fayoum, Giza, Suez, Sohag, Luxor và Beni Suef. Sự sửa chữa và trang bị các tòa nhà theo đúng tiêu chuẩn đã bắt đầu trong các nhà thờ ở Minya bị ảnh hưởng bởi các hành động phá hoại, kể cả những cơ sở xã hội, nhà thương và giáo dục ở Suez, Beni Suef và Giza.

Chính phủ của ông al-Sisi paid chú ý rất nhiều đến vấn đề xây dựng các nhà thờ: dự luật đã được thông qua ngày 30 tháng Tám, năm 2016, là những nơi thờ phượng của Ki-tô giáo, mà trong suốt 100 năm qua đã được xây dựng và sửa chữa theo một sắc lệnh quay ngược lại từ kỷ nguyên Ottoman. Việc thực hiện, được phê chuẩn bởi một nghị định mới được ký bởi Thủ tướng Ai cập, Sherif Ismail, phê duyệt chức năng trọn vẹn của những nơi thờ phượng với những giới hạn được định rõ trong các điều khoản pháp lý mới.

Trong các báo cáo trước đây, Đức Giáo chủ Tawadros II của Alexandria nói rằng chính phủ hiện tại “đang chữa lành những vết sẹo để lại do những vết thương sâu hoắm, cân nhắc sự cần thiết của tính ổn định xã hội và khẳng định những giá trị của quyền công dân thật sự.”

Hiện tại có 2.500 hồ sơ đăng ký đất đai của Giáo hội Chính thống Cốp-tíc, liên quan đến việc công nhận và xây dựng nhiều nhà thờ và những nơi tế lễ trải đều trên khắp đất nước đang được kiểm tra, nơi các nghi thức tôn giáo đã bị ngăn cản nhiều năm mà không có sự cấp phép cần thiết để hợp thức hóa chức năng của chúng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2019]