Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ngoại giao đoàn

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ngoại giao đoàn

‘Bảo vệ quyền sống và sự nguyên vẹn thân xác cũng có nghĩa là bảo vệ quyền đối với sức khỏe của những cá nhân và gia đình’

8 tháng Một, 2018
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Ngoại giao đoàn
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh sáng nay trong Điện Tông Truyền của Vatican, trong buổi gặp gỡ chúc mừng Năm Mới truyền thống với các nhà ngoại giao:


***



Kính thưa quý ngài Đại sứ, Thưa Quý vị,

Trong niềm vui của Mùa Giáng Sinh, buổi gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một truyền thống chào mừng cho phép tôi được gửi đến quý ngài những lời chúc tốt đẹp nhất của riêng tôi trong Năm mới vừa mở ra, và được bày tỏ tình hiệp thông và những tình cảm đối với những dân tộc mà quý ngài đại diện. Tôi xin cảm ơn Ngài Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, Đại sứ Angola, với những lời chào mừng trịnh trọng của ngài thay mặt toàn thể Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh. Tôi cũng xin gửi lời chào mừng đặc biệt đến quý ngài Đại sứ không thường trú, mà con số đã tăng lên sau khi quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Liên bang Miến điện tháng Năm vừa qua được thiết lập. Tôi cũng xin chào mừng các vị Đại sứ thường trú tại Roma với con số đã tăng thêm, hiện nay có thêm ngài Đại sứ của nước Cộng hòa Nam Phi. Một cách đặc biệt tôi tưởng nhớ đến ngài Đại sứ quá cố của Colombia, ngài Guillermo León Escobar-Herrán đã qua đời ít ngày trước Lễ Giáng sinh. Tôi xin cảm ơn tất cả quý ngài vì sự liên hệ liên tục đầy hữu ích với Bộ Ngoại giao và những Bộ khác của Giáo triều Roma, điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong sứ mạng của Tòa Thánh và công cuộc của Giáo hội Công giáo trong các quốc gia của quý ngài. Đây cũng là bối cảnh cho những hoạt động ký kết của Tòa Thánh, mà tháng Hai năm ngoái đã chứng kiến việc ký kết Khung Hiệp định với nước Cộng hòa Congo, và tháng Tám ký Hiệp định giữa Bộ Ngoại giao và Chính phủ Liên bang Nga cho phép những người mang hộ chiếu ngoại giao đi lại không cần thị thực.


Trong những mối quan hệ với các giới chức dân sự, Tòa Thánh chỉ tìm cách thúc đẩy sự thịnh vượng về tinh thần và vật chất của nhân vị và theo đuổi thiện ích chung. Những chuyến Tông du tôi đã thực hiện trong năm vừa qua đến Ai-cập, Bồ Đào nha, Colombia, Miến điện và Bangladesh là cách thể hiện những mối quan tâm này. Tôi đến Bồ Đào nha như một người hành hương nhân dịp kỷ niệm 100 năm những lần hiện ra của Đức Bà Fatima, để phong thánh cho các trẻ mục đồng Jacinta và Francisco Marto. Tại đó tôi đã chứng kiến được đức tin nhiệt thành và vui mừng mà Mẹ Maria Đồng Trinh làm thức tỉnh nơi nhiều người hành hương đến đó. Cả ở Ai-cập, Miến điện và Bangladesh, tôi đã có thể gặp gỡ các cộng đoàn Ki-tô hữu địa phương, mặc dù là con số nhỏ, nhưng rất đáng trân trọng về những đóng góp cho sự phát triển và chung sống trong tình huynh đệ ở những đất nước đó. Dĩ nhiên, tôi cũng có những buổi gặp gỡ với đại diện của các tôn giáo khác, như một dấu chỉ cho thấy rằng những khác biệt của chúng tôi không phải là một sự cản trở đối thoại, nhưng ngược lại là một nguồn động viên rất lớn trong khát khao chung của chúng ta tìm kiếm sự thật và để thực hành công bằng. Cuối cùng, ở Colombia tôi mong muốn chúc lành cho những nỗ lực và lòng can đảm của dân tộc thân yêu đó, mang một khát khao sống động về hòa bình sau hơn nửa thế kỷ xung đột trong nước.


Kính thưa quý ngài Đại sứ,

Năm nay đánh dấu một trăm năm kết thúc Thế chiến thứ nhất, một cuộc chiến đã tái tạo lại hình ảnh khuôn mặt của Châu Âu và toàn thế giới với sự nổi lên của những chính phủ mới thay cho những đế quốc xưa. Từ những đống tro tàn của cuộc Đại Chiến, chúng ta có thể rút ra được hai bài học, nhưng thật đáng buồn, nhân loại không rút ra được bài học đó ngay lập tức, dẫn đến chỉ hai mươi năm sau một cuộc chiến mới và thậm chí tàn phá kinh hoàng hơn. Bài học thứ nhất là chiến thắng không bao giờ có nghĩa là sự hạ nhục đối với kẻ thù chiến bại. Hòa bình không xây dựng trên cách khoe khoang sức mạnh của kẻ thắng trên người thua. Những hành động gây hấn tương lai không làm nhụt chí theo quy luật của sự sợ hãi, nhưng ngược lại bởi chính sức mạnh của lý trí bình tĩnh thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau như là những phương cách để giải quyết những sự khác biệt.[1] Điều này dẫn đến một bài học thứ hai: hòa bình được củng cố khi các quốc gia có thể thảo luận các vấn đề bằng những thuật ngữ bình đẳng. Bài học này đã được rút ra cách đây một trăm năm – vào chính ngày này – bởi Tổng thống Hoa kỳ, Woodrow Wilson, ông đề xướng việc thành lập một Hội Quốc liên với mục đích thúc đẩy tất cả các chính phủ, lớn và nhỏ đều như nhau, bảo đảm sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Việc này đặt nền tảng trên lý thuyết cho ngoại giao đa phương, dần dần theo thời gian nó đã đạt được một vai trò và sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong toàn cộng đồng quốc tế.

Mối quan hệ giữa các quốc gia, giống như những mối quan hệ của con người, “phải được hài hòa phù hợp với những mệnh lệnh của sự thật, công bình, sẵn sàng hợp tác, và tự do”.[2] Điều này đòi buộc “nguyên tắc rằng về bản chất tự nhiên mọi chính phủ đều bình đẳng về phẩm giá”,[3] cũng như phải công nhận những quyền của nhau và trách nhiệm hoàn thành.[4] Tiền đề căn bản cho bước tiến này là sự chân nhận phẩm giá của nhân vị, vì thiếu quan tâm và khinh thường phẩm giá này sẽ dẫn đến kết quả là những hành động man rợ xúc phạm đến lương tâm của nhân loại.[5] Quả thật, như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền khẳng định, “sự công nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của nền tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới”.[6]


Tôi muốn dành buổi gặp gỡ hôm nay để nói về tài liệu quan trọng này, bảy mươi năm sau ngày nó được thông qua ngày 10 tháng Mười Hai năm 1948 bởi Đại Hội đồng Liên Hợp quốc. Đối với Tòa Thánh, nói đến nhân quyền trên hết là phải nói lại trọng tâm của nhân vị, được tạo dựng bởi Thiên Chúa theo hình ảnh của Người. Chính Chúa Giê-su, qua việc chữa lành người bệnh phong, lấy lại thị lực của người mù, chuyện trò với người thu thuế, cứu mạng sống của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và yêu cầu rằng người khách bị cướp đánh đập phải được chăm sóc, làm cho chúng ta hiểu rằng mọi con người, không phụ thuộc vào tình trạng thể lý, tinh thần hay xã hội của họ, đều xứng đáng được tôn trọng và quan tâm. Từ quan điểm Ki-tô giáo, có một mối tương quan rất đặc biệt giữa thông điệp của Tin mừng và sự công nhận nhân quyền trong tinh thần của những người soạn bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền.

Những quyền đó được công bố trên bản chất khách quan của toàn thể nhân loại. Chúng được công bố để tháo bỏ những rào cản chia rẽ gia đình nhân loại và để thúc đẩy giáo huấn xã hội của Giáo hội được gọi là sự phát triển con người toàn diện, vì nó đòi buộc phải thăng tiến “sự phát triển trọn vẹn mỗi con người … và toàn thể nhân loại”.[7] Ngược lại, một tầm nhìn thu hẹp về nhân vị sẽ mở ra con đường phát triển cho sự bất công, bất bình đẳng xã hội và hủ hóa.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng sau nhiều năm, đặc biệt đứng trước cuộc biến động xã hội của thập niên 1960, sự giải thích về một số quyền đã dần từng bước thay đổi, cùng với việc thêm vào một số “quyền mới” thường xung đột nhau. Việc này không giúp thăng tiến những mối quan hệ thân tình giữa các quốc gia,[8] vì những khái niệm về nhân quyền đã được đặt ra không phù hợp với nền văn hóa của nhiều quốc gia; những quốc gia này cảm thấy rằng họ không được tôn trọng những truyền thống xã hội và văn hóa của họ, và vì thế từ chối những nhu cầu thực tế mà họ phải đối mặt. Thật là một nghịch lý, cũng nhân danh nhân quyền, có một sự nguy hiểm mà chúng ta nhìn thấy qua sự gia tăng những hình thức thuộc địa hóa hệ tư tưởng hiện đại bởi những nước mạnh hơn và giàu có hơn, làm phương hại đến những quốc gia nghèo hơn và yếu hơn. Đồng thời, cũng cần phải nhắc lại rằng những truyền thống của các dân tộc không thể lấy ra như một cái cớ để xem nhẹ việc tôn trọng những quyền căn bản được Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền công bố.

Với khoảng thời gian bảy mươi năm, thật là một nỗi đau khi nhìn thấy không biết bao nhiêu quyền căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm ngày nay. Đầu tiên trong những quyền đó là quyền của mỗi nhân vị đối với sự sống.[9] Không chỉ có chiến tranh hay bạo lực mới vi phạm những quyền này. Trong thời đại của chúng ta, có những phương cách tinh vi hơn: tôi đặc biệt nghĩ đến những trẻ thơ vô tội bị loại bỏ thậm chí trước khi chúng được chào đời, có những trường hợp chúng không được chờ mong vì bệnh lý hoặc dị dạng, hay chỉ vì tính ích kỷ của người lớn. Tôi nghĩ đến những người già thường bị gạt ra ngoài, đặc biệt khi ốm yếu thì bị xem như một gánh nặng. Tôi nghĩ đến những phụ nữ liên tục chịu đựng bạo lực và đàn áp, thậm chí ngay trong gia đình của họ. Tôi cũng nghĩ đến những nạn nhân của nạn buôn người, nó là sự vi phạm luật ngăn cấm mọi hình thức nô lệ. Có bao nhiêu người, đặc biệt những người trốn chạy khỏi sự nghèo đói và chiến tranh, đã rơi vào làm miếng mồi cho hình thức thương mại như vậy của những kẻ bất nhân?

Bảo vệ quyền sống và sự nguyên vẹn thân xác cũng có nghĩa là bảo vệ quyền đối với sức khỏe của những cá nhân và gia đình. Ngày nay quyền này đã mang thêm những ý nghĩa vượt ra ngoài những ý định ban đầu của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền, nó khẳng định quyền của mỗi cá nhân được nhận sự chăm sóc y tế và những dịch vụ xã hội cần thiết.[10] Liên quan đến vấn đề này, tôi hy vọng rằng sẽ có những nỗ lực được đưa ra trong các diễn đàn quốc tế, trước hết, để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận được với sự chăm sóc y tế và điều trị. Điều quan trọng là phải liên kết những nguồn lực để áp dụng những chính sách bảo đảm việc cung cấp các loại thuốc thiết yếu cho sự sống của những người đang cần, với mức giá có thể chấp nhận được, mà không sao lãng lĩnh vực nghiên cứu và phát triển những liệu pháp điều trị vô cùng cần thiết cho việc cứu sống con người, cho dù không đạt lợi nhuận cao.

Bảo vệ quyền đối với sự sống cũng đòi buộc những nỗ lực tích cực cho hòa bình, một trong những giá trị tối thượng được toàn thế giới công nhận, tìm kiếm và bảo vệ. Tuy nhiên những cuộc xung đột địa phương nghiêm trọng tiếp tục bùng lên ở nhiều vùng trên thế giới. Những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nhân đạo của các tổ chức quốc tế và những lời khẩn thiết liên tục cầu xin hòa bình từ những vùng đất chìm trong bạo lực dường như trở nên ngày càng ít hiệu quả trước luận lý ngang bướng của chiến tranh. Không thể để viễn cảnh này làm sụt giảm khao khát và những nỗ lực vì hòa bình của chúng ta. Vì không có hòa bình, sự phát triển con người toàn diện sẽ không đạt được.

Sự giải trừ quân bị toàn diện và sự phát triển toàn diện hòa quyện với nhau. Thật vậy, sự tìm kiếm hòa bình như là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đòi hỏi cuộc chiến, theo con đường bất bạo động, chống lại sự bất công và loại trừ, chúng là gốc rễ của sự bất hòa dẫn đến chiến tranh. Việc gia tăng vũ khí rõ ràng làm xấu thêm những tình hình xung đột và gây ra cái giá quá đắt về con người và vật chất, phá hoại sự phát triển và tìm kiếm hòa bình dài lâu. Một kết quả lịch sử đạt được trong năm qua với việc thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử tại phiên bế mạc của Hội nghị Liên Hợp quốc thảo luận về một văn kiện ràng buộc pháp lý cấm vũ khí nguyên tử, đã cho thấy một cách sống động khát khao hòa bình vẫn tiếp tục mạnh mẽ. Việc thúc đẩy một văn hóa hòa bình cho sự phát triển toàn diện kêu gọi những nỗ lực không ngừng trong việc giảm trừ quân bị và giảm bớt việc dùng đến lực lượng vũ trang để giải quyết những vấn đề quốc tế. Vì vậy tôi mong muốn khuyến khích một cuộc tranh luận trong hòa bình và mở rộng về vấn đề này, một tranh luận tránh việc phân cực cộng đồng quốc tế về một vấn đề nhạy cảm như vậy. Mọi nỗ lực đi theo hướng này, dù rất khiêm tốn, cũng thể hiện một bước đi quan trọng cho nhân loại.

Về phần mình, Tòa Thánh đã ký và thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử, đứng tên và thay mặt cho Nhà nước Vatican. Tòa Thánh làm điều này với niềm tin tưởng, được Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII trình bày trong Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới), rằng “sự công bằng, lẽ phải, và sự công nhận phẩm giá của con người liên tục kêu gọi chấm dứt việc chạy đua vũ trang. Những kho tàng trữ vũ khí đã và đang được xây dựng trên nhiều quốc gia phải được giảm bớt ở khắp nơi và bởi các bên liên quan. Vũ khí nguyên tử phải bị ngăn cấm”.[11] Thật vậy, cho dù “khó mà tin rằng một người nào đó dám nhận lấy trách nhiệm châm ngòi cho cuộc tàn sát và tàn phá kinh hoàng do chiến tranh mang đến, nhưng không thể phủ nhận rằng tai họa có thể được bắt đầu bởi bất kỳ một tình huống không lường trước.”.[12]

Vì thế Tòa Thánh khẳng định lại sự vững tin “rằng bất kỳ sự bất đồng nào xảy ra giữa các quốc gia phải được giải quyết bằng đàm phán và thương thuyết, chứ không dùng đến vũ trang”.[13] 

Việc liên tục sản xuất những loại vũ khí tân tiến hơn và “thông minh” hơn, và đang kéo theo nhiều cuộc xung đột – điều mà tôi đã từng đề cập đến như “một thế chiến thứ ba theo từng vùng” – làm chúng ta phải tái khẳng định lại tuyên bố của Đức Giáo hoàng Gio-an rằng “trong thời đại này, thời đại khoe khoang về sức mạnh nguyên tử của nó, chẳng còn ý nghĩa gì khi khăng khăng với suy nghĩ cho rằng chiến tranh là một công cụ phù hợp để sửa chữa lại sự vi phạm công bằng … Tuy nhiên, chúng ta vô cùng hy vọng rằng, bằng cách thiết lập những quan hệ với nhau và bằng một chính sách thương thuyết, các quốc gia sẽ dễ dàng bước đến việc công nhận những mối dây ràng buộc tự nhiên thắt chặt họ. Chúng ta cũng hy vọng rằng họ cũng sẽ đến được với một sự chân nhận thẳng thắn hơn về một trong những trách nhiệm cốt yếu có từ bản tính chung của chúng ta: đó là sự yêu thương phải thống trị những mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, chứ không phải là sự sợ hãi. Đặc tính của sự yêu thương đó đưa con người lại với nhau từ mọi ngả đường, chân thành hợp nhất với nhau trong những mối ràng buộc về tinh thần và vật chất; và đây là một sự hiệp nhất mà nhiều phúc lành từ đó tuôn chảy ra”.[14]

Liên quan đến vấn đề này, việc ủng hộ mọi nỗ lực đối thoại về bán đảo Triều tiên là tối quan trọng, để tìm ra được những con đường mới vượt qua được các bất đồng hiện tại, gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau và bảo đảm một tương lai hòa bình cho người dân Triều tiên và toàn thế giới.

Những sáng kiến hòa bình nhằm giúp Syria cũng vô cùng quan trọng, để tiếp tục trong một không khí xây dựng phát triển sự tin tưởng giữa các bên, để cuộc xung đột kéo dài đã gây ra quá nhiều đau khổ có thể bước đến hồi kết. Sau quá nhiều những tàn phá như vậy, niềm hy vọng chung của chúng ta là thời gian tái xây dựng đã đến. Tuy nhiên còn hơn cả việc tái xây dựng những cấu trúc vật chất, việc xây dựng lại tâm hồn là vô cùng quan trọng, để tái thiết lập lại cơ cấu của sự tin tưởng lẫn nhau, đây là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển bất kỳ xã hội nào. Như vậy một đòi hỏi cần thiết là phải thúc đẩy những tình trạng luật pháp, chính trị và an ninh để phục hồi lại một đời sống xã hội trong đó mọi công dân, bất kể nền tảng sắc tộc và tôn giáo, có thể góp phần vào sự phát triển của đất nước. Liên quan đến vấn đề này, các nhóm tôn giáo thiểu số phải được bảo vệ, trong đó có người Ki-tô hữu là những người đã có những đóng góp tích cực cho lịch sử Syria trong nhiều thế kỷ.

Điều cũng không kém phần quan trọng là nhiều người tị nạn đi tìm nơi ẩn náu và tị nạn trong những quốc gia láng giềng, đặc biệt ở Jordan, Li băng và Thổ Nhĩ kỳ, có thể trở về nhà. Cam kết và những nỗ lực của những quốc gia này đưa ra trong tình hình khó khăn như vậy xứng đáng có được sự đánh giá đúng và sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng quốc tế, và cộng đồng quốc tế cũng có trách nhiệm tạo ra những điều kiện cho sự hồi hương của người tị nạn Syria. Nỗ lực này phải được bắt đầu cụ thể từ Li băng, để quốc gia thân yêu đó có thể tiếp tục trở thành một “thông điệp” của sự tôn trọng và cùng chung sống, và là một mẫu gương để noi theo cho toàn lãnh thổ và cho toàn thế giới.

Lòng khát khao đối thoại cũng rất quan trọng ở nước Iraq thân yêu, để các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau trong nước có thể tái khám phá con đường hòa giải và chung sống hòa bình và hợp tác. Yemen cũng ở trong trường hợp tương tự như vậy và những miền khác trong vùng, và ở Afghanistan.

Tôi đặc biệt nhớ đến người Israel và người Palestine, trước những căng thẳng trong những tuần vừa qua. Tòa Thánh, bày tỏ đau buồn trước sự mất mát về con người trong những vụ đụng độ gần đây, lặp lại lời thỉnh cầu cấp thiết để mọi sáng kiến phải được thận trọng cân nhắc tránh làm trầm trọng thêm những hành vi thù địch, và kêu gọi một cam kết chung tôn trọng sự nguyên trạng của Giê-ru-sa-lem phù hợp với những Nghị quyết của Liên Hợp quốc, Giê-ru-sa-lem là một thành phố thánh thiêng với người Ki-tô hữu, người Do thái và Hồi giáo. Bảy mươi năm trong tình trạng đối đầu hơn bao giờ hết cần một giải pháp chính trị cho phép sự hiện diện của hai nhà nước độc lập trong vùng trong những biên giới được thế giới công nhận. Bỏ qua những khó khăn, một sự sẵn sàng đối thoại và lấy lại những đàm phán cho thấy con đường rõ ràng nhất để cuối cùng đạt được một sự chung sống hòa bình giữa hai dân tộc.

Trong bối cảnh các quốc gia cũng vậy, sự mở lòng và sẵn sàng gặp gỡ là vô cùng quan trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến Venezuela, là đất nước đang trải qua sự khủng hoảng về chính trị nặng nề chưa từng thấy và khủng hoảng về nhân đạo. Tòa Thánh, thúc giục một hành động đáp lời ngay lập tức cho những nhu cầu bức thiết của người dân, bày tỏ hy vọng rằng các điều kiện sẽ được đặt ra để những cuộc bầu cử diễn ra trong năm nay có thể giải quyết được những xung đột hiện tại, và cho phép người dân nhìn đến một tương lai với nền hòa bình mới.

Cộng đồng quốc tế cũng không thể bỏ sót sự đau khổ của nhiều nơi trong lục địa Châu Phi, đặc biệt Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Nigeria và Cộng hòa Trung Phi, nơi mà quyền sống bị đe dọa bởi việc bóc lột những nguồn tài nguyên một cách bừa bãi, bởi chủ nghĩa khủng bố, bởi sự gia tăng các nhóm vũ trang và những cuộc xung đột kéo dài. Nếu chỉ kinh sợ trước tình trạng bạo lực như vậy là chưa đủ. Nhưng, mọi người trong từng vị trí riêng của mình phải hoạt động tích cực để loại trừ những nguyên nhân của sự thống khổ và xây dựng những chiếc cầu nối của tình huynh đệ, tiền đề nền tảng cho sự phát triển con người thật sự.

Một cam kết chung nhằm tái xây dựng những cầu nối ở Ukraine cũng thật cấp thiết. Năm vừa qua đã đem đến những nạn nhân mới trong cuộc khủng hoảng gieo tai họa cho đất nước, tiếp tục mang đến nỗi thống khổ cho dân tộc, đặc biệt là những gia đình sống trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và đã bị mất những người thân, thường là người già và trẻ em.

Tôi muốn dành suy nghĩ đặc biệt về gia đình. Quyền để xây dựng một gia đình, như là một “đơn vị nhóm tự nhiên và nền tảng của xã hội … phải được sự bảo vệ của xã hội và nhà nước”,[15] và được Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền công nhận năm 1948. Nhưng đáng tiếc, sự thật là gia đình bị xem như một cơ cấu tổ chức lỗi thời, đặc biệt ở phương Tây. Ngày nay những mối quan hệ thoáng qua được ưa chuộng hơn là sự bền vững của một chương trình đời sống dứt khoát. Nhưng một căn nhà xây trên nền cát của những mối quan hệ tạm bợ và mong manh thì không thể đứng vững. Ngược lại cần phải xây dựng những nền tảng vững chắc trên nền đá. Và nền đá này chính là sự kết hợp thủy chung và không thể chia cắt của tình yêu gắn kết người nam và nữ, một sự kết hợp mang vẻ đẹp chân phương và giản dị, một đặc tính thánh thiêng và bất khả phân ly và một vai trò tự nhiên trong trật tự xã hội.[16] Vì vậy, tôi xem đây là việc rất cấp thiết phải thông qua những chính sách thật sự ủng hộ gia đình, mà tương lai và sự phát triển của các nhà nước lệ thuộc vào đó. Không có nó, không thể nào tạo dựng những xã hội đủ khả năng đối mặt được những thách đố của tương lai. Xem nhẹ gia đình sẽ có kết quả đáng ngại – đặc biệt hiện nay ở một số nơi trên thế giới – cụ thể là sự giảm sút về tỷ lệ sinh. Chúng ta đang trải qua một mùa đông nhân khẩu thật sự! Đây là một dấu hiệu mà các xã hội đang phải gồng mình để đối mặt với những thách đố của hiện tại, và từ đó sẽ trở nên đáng sợ hơn cho tương lai, với kết quả là họ sẽ rút ngắn chính bản thân họ.

Đồng thời chúng ta không thể quên được hoàn cảnh của những gia đình bị tan tác bởi sự đói nghèo, chiến tranh và di cư. Chúng ta rất thường tận mắt nhìn thấy thảm kịch của các trẻ em không một người thân đi kèm vượt qua những biên giới phân cách giữa miền nam và bắc của thế giới, và thường trở thành nạn nhân cho nạn buôn người.

Ngày nay vấn đề người di cư và di cư được nói đến rất nhiều, nhưng có những lúc chỉ là để khuấy lên những sự sợ hãi. Nhưng chúng ta không quên rằng di cư luôn luôn tồn tại. Trong truyền thống Ki-tô giáo và Do thái giáo, lịch sử ơn cứu độ thật ra là lịch sử của sự di cư. Và chúng ta cũng không được quên rằng sự tự do di chuyển, chẳng hạn khả năng một người rời bỏ đất nước và quay trở lại, là một quyền căn bản của con người.[17] Cho nên, cần phải bỏ đi lối khoa trương quen thuộc và bắt đầu từ một lý do quan trọng trên hết rằng chúng ta đang giải quyết vấn đề con người.

Đây là điều tôi tìm cách nhắc lại trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình kỷ niệm vào ngày 1 tháng Một vừa qua, với chủ đề của năm nay là: “Người Di Cư và Người Tị Nạn: Những Người Nam và Nữ Đi Tìm Hòa Bình.” Chắc chắn không phải tất cả mọi người luôn có những mục đích tốt nhất, nhưng chúng ta không quên rằng đại đa số người di cư vẫn muốn được ở lại trên quê hương của họ hơn. Nhưng họ rơi vào hoàn cảnh “bị bắt buộc vì sự phân biệt đối xử, bách hại, nghèo đói và suy giảm môi trường,” nên phải bỏ quê hương lại sau lưng … “Tiếp nhận người khác đòi phải có sự cam kết cụ thể, một mạng lưới hỗ trợ và sự thiện chí, sự quan tâm rất thận trọng và thông cảm, sự quản lý có trách nhiệm trước những tình hình mới và phức tạp mà có những lúc nảy sinh nhiều vấn đề, chưa nói đến những nguồn tài nguyên luôn luôn có giới hạn. Với đức tính cẩn trọng, các nhà lãnh đạo chính quyền cần có những biện pháp thiết thực để tiếp nhận, thúc đẩy, bảo vệ, hội nhập và, ‘trong những phạm vi cho phép theo cách hiểu đúng về thiện ích chung, cho phép họ được trở thành một phần của xã hội mới’ (Pacem in Terris, 57). Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm rất cụ thể đối với cộng đồng của họ, trong đó họ phải bảo đảm những quyền hợp pháp và sự phát triển hài hòa, bằng không họ lại trở thành một người xây dựng hấp tấp đã tính toán sai và thất bại trong việc hoàn tất tòa tháp mà anh ta đã khởi công xây dựng” (x. Lc 14:28-30).[18]

Một lần nữa tôi cảm ơn quý vị giới chức của các chính phủ đã không quản ngại cố gắng trong những năm gần đây để trợ giúp nhiều người di cư đến biên giới đất nước của họ. Trên hết tôi muốn nói đến một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ đã tiếp nhận và trợ giúp rất nhiều người. Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm sống động khi ở Dhaka tôi gặp gỡ một số thành viên của người Rohingya, và một lần nữa tôi xin gửi tâm tình tri ân đến các giới chức Bangladesh về sự hỗ trợ cho họ trong vùng đất của họ.

Tôi cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến nước Ý, trong những năm qua đã thể hiện một trái tim rộng mở và quảng đại và đưa ra những tấm gương tích cực về sự hội nhập. Tôi hy vọng rằng những khó khăn mà đất nước đã trải qua trong những năm vừa rồi, và hậu quả vẫn còn đọng lại, sẽ không dẫn đến những quyết định từ chối và cản trở, nhưng tái khám phá được những nguồn cội và truyền thống đã nuôi dưỡng lịch sử giàu có của dân tộc và đóng góp một gia tài vô giá cho toàn thế giới. Cũng như vậy tôi xin bày tỏ lòng cảm phục trước những nỗ lực của các nhà nước Châu Âu, đặc biệt Hy lạp và Đức. Chúng ta không quên rằng nhiều người tị nạn và di cư tìm cách đến với Châu Âu vì họ biết họ sẽ tìm được hòa bình và an toàn, nó là hoa trái của tiến trình lâu dài được sinh ra từ những lý tưởng của bậc Cha Ông Thành Lập Dự án Châu Âu sau hậu quả của Thế Chiến thứ Hai. Châu Âu phải tự hào về di sản này, đặt nền tảng trên những nguyên tắc và một tầm nhìn của con người lấy cội nguồn trong lịch sử ngàn năm của nó, lấy cảm hứng từ quan điểm Ki-tô giáo về nhân vị. Việc tìm đến của người di cư sẽ thúc đẩy Châu Âu phục hồi lại di sản văn hóa và tôn giáo của mình, để với một ý thức mới về những giá trị mà đại lục này được xây dựng đặt nền tảng trên chúng, nó vẫn giữ được truyền thống của mình một cách sống động trong khi tiếp tục là một nơi tiếp nhận, một sứ giả của hòa bình và phát triển.

Năm vừa qua, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự đã thực sự quan tâm thảo luận về những nguyên tắc căn bản, những quyền ưu tiên và những phương cách phù hợp nhất để đưa ra câu trả lời trước các làn sóng di cư và giải quyết những vấn đề liên quan đến người tị nạn. Liên Hợp quốc, theo sau Tuyên ngôn về Người Tị nạn và Người Di cư tại New York 2016, đã khởi động những sự chuẩn bị để thông qua hai Khế ước Toàn cầu về người tị nạn và về sự di cư an toàn, có trật tự và theo chương trình.

Tòa Thánh tin tưởng rằng những nỗ lực này, cùng với những đàm phán sớm diễn ra, sẽ đưa đến những kết quả xứng đáng cho một cộng đồng thế giới phát triển độc lập hơn bao giờ hết và đặt nền tảng trên những nguyên tắc của tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Trong tình hình thế giới hiện tại, không thiếu những phương cách và phương tiện để bảo đảm rằng mọi người đàn ông và phụ nữ trên trái đất đều có thể được hưởng những điều kiện sống xứng đáng với nhân vị.

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm nay, tôi đề nghị bốn “trụ cột” hành động: tiếp nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập.[19] Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến điểm cuối, nó đã gây ra nhiều quan điểm chống đối dựa trên những sự đánh giá, những kinh nghiệm, những lo lắng và kết án. Hội nhập là một “tiến trình hai chiều,” buộc phải có những quyền và trách nhiệm tương hỗ. Những người tiếp nhận có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, trong khi những người được tiếp nhận phải tuân theo những luật lệ của quốc gia đã thể hiện lòng hiếu khách đối với họ, với lòng tôn trọng nét đặc thù và giá trị của họ. Những tiến trình hội nhập phải luôn luôn đặt việc bảo vệ và thăng tiến con người vào trung tâm của nguyên tắc quản lý những khía cạnh khác nhau của đời sống chính trị và xã hội, đặc biệt đối với những người trong các hoàn cảnh dễ bị xúc phạm.

Tòa Thánh không có ý định can thiệp vào những quyết định của các chính phủ, tùy theo những tình hình chính trị, xã hội và kinh tế, và khả năng và năng lực tiếp nhận người mới đến. Tuy nhiên, Tòa Thánh thật sự cân nhắc đến vai trò của mình để lên tiếng kêu gọi những nguyên tắc về nhân đạo và huynh đệ làm nền tảng cho mọi xã hội vững bền và hòa hợp. Về vấn đề này, không thể quên được sự tương tác với các cộng đồng tôn giáo, trên mức độ tổ chức và hội đoàn, vì điều này sẽ đóng một vai trò giá trị trong việc hỗ trợ và bảo vệ, trong việc hòa giải xã hội và văn hóa, và trong việc làm ổn định và hội nhập.

Trong những quyền con người mà hôm nay tôi muốn nói đến là quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, trong đó có sự tự do thay đổi tôn giáo.[20] Thật đáng buồn, quyền tự do tôn giáo rất thường bị xem nhẹ, và không phải hiếm khi tôn giáo lại trở thành hoặc là một cơ hội để biện minh cho hệ tư tưởng tạo ra những chủ nghĩa cực đoan mới hoặc là một cái cớ để gạt người tín hữu ra bên lề xã hội, nếu họ chưa bị bách hại trực tiếp. Điều kiện để xây dựng những xã hội bao gồm là sự nhận thức toàn diện về nhân vị, con người cảm nhận bản thân được thật sự chấp nhận khi được thừa nhận và được công nhận trong tất cả mọi chiều kích cấu thành nên giá trị riêng của họ, trong đó có chiều kích tôn giáo.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của quyền có việc làm. Sẽ không thể có hòa bình hay sự phát triển nếu các cá nhân không được trao cơ hội đóng góp cho sự phát triển của thiện ích chung bằng chính sức lao động của họ. Thật đáng tiếc, ở nhiều nơi trên thế giới, việc làm trở nên hiếm dần. Có những lúc, cơ hội việc làm có rất ít, đặc biệt đối với giới trẻ. Thường thường việc làm bị mất không chỉ vì hậu quả của những chu kỳ kinh tế chuyển đổi, nhưng do sự gia tăng sử dụng những công nghệ và công cụ hoàn hảo và chính xác thay thế cho con người. Về một mặt, chúng ta thấy được sự phân chia không công bằng những cơ hội việc làm, trong khi mặt khác, khuynh hướng đòi hỏi người lao động với nhịp độ làm việc căng thẳng hơn bao giờ hết. Những đòi hỏi về lợi nhuận, bị sai khiến bởi sự toàn cầu hóa, đã dẫn đến sự liên tục giảm bớt thời gian và ngày nghỉ, kết quả dẫn đến là chiều kích căn bản của sự sống bị đánh mất – đó là sự nghỉ ngơi – với mục đích phục hồi lại con người không chỉ về thể chất nhưng cả tinh thần. Chính Thiên Chúa nghỉ vào ngày thứ bảy; Người chúc lành và thánh hóa ngày đó “vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2:3). Trong sự đan xen giữa lao động và nghỉ ngơi, con người chia sẻ “sự thánh hóa thời gian” do Thiên Chúa đặt ra và tôn vinh công việc của họ, tránh sự lặp đi lặp lại liên tục và những thói quen nhàm chán thường ngày.

Một điều đáng lo ngại khi nhìn thấy dữ liệu được công bố gần đây bởi Tổ chức Lao động Quốc tế liên quan đến con số gia tăng lao động trẻ em và nạn nhân của những hình thức nô lệ mới. Tai họa của sự lao động tuổi vị thành niên tiếp tục làm suy giảm nghiêm trọng đến sự phát triển thể xác và tâm lý của người trẻ, tước mất những niềm vui tuổi thơ và tạo ra những nạn nhân vô tội. Chúng ta không thể nghĩ đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, hay hy vọng xây dựng những xã hội bao gồm hơn, nếu chúng ta vẫn duy trì những mô hình kinh tế được định hướng duy nhất bởi lợi nhuận và sự bóc lột những người nhỏ bé nhất, chẳng hạn trẻ em. Loại trừ những nguyên nhân theo cấu trúc của tai họa này phải là sự ưu tiên của các chính quyền và các tổ chức quốc tế, họ có trách nhiệm tăng cường những nỗ lực để thông qua các chiến lược chung và những chính sách hợp tác nhằm đặt dấu chấm hết cho lao động trẻ em và mọi hình thức của nó.

Kính thưa quý Ngài, thưa quý vị,

Khi nhắc lại một số quyền trong Tuyên ngôn Toàn cầu năm 1948, tôi không có ý bỏ qua một trong những khía cạnh quan trọng nhất của nó, đó là sự công nhận rằng mọi cá nhân cũng có trách nhiệm đối với cộng đồng, vì lợi ích “đáp ứng những đòi hỏi công bằng của luân lý, của trật tự xã hội và sự thịnh vượng chung trong một xã hội dân chủ”.[21] Lời kêu gọi công bằng cho quyền của mỗi con người phải suy xét đến sự thật rằng mỗi cá nhân là một phần của một thân thể lớn hơn. Xã hội chúng ta cũng vậy, giống như mọi cơ thể con người, sẽ có được sức khỏe tốt nếu mỗi thành viên đóng góp phần của mình vào đó với ý thức rằng đó là sự phục vụ cho thiện ích chung.

Chăm sóc trái đất là một trong những trách nhiệm vô cùng trọng yếu của ngày hôm nay của chúng ta. Chúng ta biết rằng chính thiên nhiên có thể trở nên khắc nghiệt, không loại trừ trách nhiệm của con người. Chúng ta nhìn thấy điều này trong năm vừa qua với những trận động đất tấn công nhiều nơi khác nhau trên thế giới, đặc biệt những trận động đất trong các tháng gần đây ở Mexico và Iran, với con số nạn nhân rất lớn, và với những trận bão kinh hoàng tấn công vào nhiều quốc gia vùng Caribbe, tiến đến cả vùng biển của Hoa kỳ, và gần đây hơn, đánh vào Philippines. Dù thế nào, chúng ta không được đánh giá thấp tầm quan trọng của trách nhiệm của chúng ta qua cách đối xử với thiên nhiên. Biến đổi khí hậu, với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và những hậu quả tàn phá rất lớn của nó, cũng là một hậu quả của hoạt động của con người. Vì vậy, trong một nỗ lực chung, cần phải nhận lấy trách nhiệm để lại cho những thế hệ tương lai một thế giới đẹp hơn và đáng sống hơn, và cùng hoạt động để giảm bớt những khí thải gây hại cho không khí và sức khỏe con người theo những cam kết được đồng thuận trong Hiệp ước Paris năm 2015.

Tinh thần soi dẫn cho các cá nhân và các dân tộc trong nỗi lực này có thể so sánh với tinh thần của những người đã xây dựng nên những đại thánh đường thời trung cổ tạo những điểm nhấn cho phong cảnh của Châu Âu. Những tòa nhà nguy nga này cho thấy tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong việc cùng tham gia vào một công trình vượt qua những giới hạn thời gian. Những người xây dựng các tòa thánh đường biết rằng họ sẽ không được tận mắt ngắm nhìn sự hoàn tất của công trình. Nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc với tinh thần rằng họ góp phần trong một dự án sẽ để lại cho con cái của họ hưởng. Rồi những tòa nhà này lại tô điểm và mở rộng ra cho chính con cái của con của họ. Mỗi con người trong thế giới hôm nay – đặc biệt những người có trách nhiệm trong chính quyền – phải có trách nhiệm gieo trồng tinh thần phục vụ này và tình đoàn kết liên thế hệ, và đây sẽ là dấu chỉ của hy vọng cho thế giới bất ổn của chúng ta.

Với những suy nghĩ này, tôi xin gửi đến từng quý vị, tới gia đình của quý vị và tới dân tộc của quý vị, những lời nguyện chúc tốt đẹp cho một năm tràn đầy niềm vui, hy vọng và an bình. Cảm ơn quý vị.

_____________

[1] X. GIOAN XXIII, Tông thư Pacem in Terris, 11 tháng Tư 1963, 90.

[2] Nt., 80.

[3] Nt., 86.

[4] Nt., 91.

[5] X. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, 10 tháng Mười Hai 1948.

[6] Nt. Lời mở đầu.

[7] PHAOLO VI, Tông thư Populorum Progressio, 26 tháng Ba 1967, 14.

[8] X. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Lời mở đầu.

[9] X. nt., mục 3.

[10] X. nt., mục 25.

[11] Pacem in Terris, 112.

[12] Nt., 111.

[13] Nt., 126.

[14] Nt., 127 và 129.

[15] Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Mục 16.

[16] X. PHAOLO VI, Diễn từ trong Vương cung Thánh đường Truyền tin ở Nazaret, 5 tháng Một 1964.

[17] X. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Mục 13.

[18] PHANXICO, Sứ điệp Ngày Quốc tế Hòa bình 2018, 13 tháng Mười Một 2017, 1.

[19] Nt., 4.

[20] X. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Mục 18.

[21] Nt., Mục. 29.


[00023-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2017]