Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Chương trình chuyến viếng thăm Ai-cập của Đức Thánh Cha

Chương trình chuyến viếng thăm Ai-cập của Đức Thánh Cha

Chuyến thăm ngày 28-29 bao gồm Thánh Lễ, viếng thăm Đức Grand Imam of Al-Azhar, Đức Giáo chủ Tawadros II
3 tháng Tư, 2017
Chương trình chuyến viếng thăm Ai-cập của Đức Thánh Cha
Logo Chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến Ai-cập, 2017 - © Http://Catholic-Eg.Com/
Hôm nay, Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố lịch trình chuyến thăm ngày 28-29 tháng Tư của Đức Thánh Cha đến Ai-cập – chương trình chuyến tông du của ngài đến một quốc gia Bắc Phi:
***
Dưới đây là chương trình đầy đủ chuyến thăm của Đức Thánh Cha:
Thứ Sáu 28 tháng Tư 2017:
10.45   Khởi hành bằng máy bay từ sân bay Rome-Fiumicino đi Cairo
14.00   Đáp sân bay Quốc tế Cairo
CHÀO ĐÓN CHÍNH THỨC
NGHI THỨC CHÀO ĐÓN trong Dinh Tổng thống ở Heliopolis
THĂM NGOẠI GIAO ĐỨC GRAND IMAM OF AL-AZHAR
DIỄN VĂN TRƯỚC CÁC THAM DỰ VIÊN TRONG HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ HÒA BÌNH
16.40   Gặp gỡ các Giới chức Chính phủ
THĂM NGOẠI GIAO ĐỨC GIÁO CHỦ TAWADROS II

Thứ Bảy 29 tháng Tư, 2017:
10.00   THÁNH LỄ
12.15   Dùng bữa trưa với các Đức Giám mục Ai-cập và ban nhân viên Giáo hoàng
15.15   Họp mặt cầu nguyện với các giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh
NGHI THỨC TẠM BIỆT
17.00   Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Cairo
20.30   Đáp sân bay Rome-Ciampino
Múi giờ:
Rome: +2 h UTC
Cairo: +2 h UTC
[Courtesy of Vatican Radio]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/04/2017]



TIẾP KIẾN CHUNG: Trả lời về niềm Hy vọng của chúng ta

TIẾP KIẾN CHUNG: Trả lời về niềm Hy vọng của chúng ta

‘Hãy nhớ rằng Đức Ki-tô đã Sống lại, Ngài đang ở giữa chúng ta; Ngài hằng sống và cư ngụ trong mỗi chúng ta. Chính vì điều này mà Thánh Phê-rô mạnh mẽ mời gọi chúng ta tôn thờ Ngài trong lòng’
5 tháng Tư, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Trả lời về niềm Hy vọng của chúng ta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9.25 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ với các nhóm tín hữu từ Ý và trên khắp thế giới.
Trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm vào sự hy vọng của người Ki-tô hữu — “trả lời về niềm hy vọng của anh em” (x. 1 Pr 3:8-17).
Sau phần tóm lược bài giáo huấn bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những tín hữu có mặt. Sau đó ngài nêu lên hai thỉnh cầu, liên quan đến vụ tấn công ở St. Petersburg và vụ tàn sát mới đây ở Syria.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giáo huấn của Đức Thánh Cha:
* * *
Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Thư thứ Nhất của Thánh Tông đồ Phê-rô chuyển tải trong đó một trách nhiệm phi thường! Cần phải đọc nó một, hai, ba lần để hiểu được trách nhiệm phi thường này! Nó truyền sự an ủi và bình an lớn lao, làm chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn luôn ở bên chúng ta và không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn, đặc biệt trong những hoàn cảnh mong manh và khó khăn nhất. Nhưng “sự kỳ diệu” của lá Thư này là gì, và đặc biệt, trong trích đoạn chúng ta vừa nghe (xf. 1 Pr 3:8-17)? Đây là một câu hỏi. Cha biết rằng anh chị em hôm nay sẽ cầm lấy Quyển Tân Ước, anh chị em sẽ tìm Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô và đọc chậm chậm, chậm chậm, để hiểu được sự kỳ diệu và sức mạnh của Lá Thư này. Sự kỳ diệu của lá Thư này là gì?
  1. Quả thật sự kỳ diệu nằm ở chỗ lá thư này đưa những nguồn cội trực tiếp vào sự Phục Sinh, trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng ta chuẩn bị mừng kỷ niệm, từ đó làm cho chúng ta nhận thức được tất cả ánh sáng và niềm vui tuôn trào từ cái Chết và sự Phục sinh của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô đã Sống lại thật, và đây là một lời chào mừng thật đẹp gửi đến cho nhau vào ngày Phục sinh: “Đức Ki-tô đã Sống lại! Đức Ki-tô đã Sống lại!” như rất nhiều người thường  làm. Hãy nhớ rằng Đức Ki-tô đã Sống lại, Ngài đang ở giữa chúng ta; Ngài hằng sống và cư ngụ trong mỗi chúng ta. Chính vì điều này mà Thánh Phê-rô mạnh mẽ mời gọi chúng ta tôn thờ Ngài trong lòng (x. c. 16). Thiên Chúa đã chọn nơi cư ngụ của Người trong giây phút lãnh nhận Phép Rửa tội của chúng ta, và từ đó Người liên tục canh tân chúng ta và đời sống của chúng ta, đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta bằng tình yêu của Người và sự viên mãn của Thánh Thần. Từ đó mới thấy lý do tại sao Thánh Tông đồ đề nghị rằng chúng ta hãy trả lời về niềm hy vọng của chúng ta (x. c. 16): niềm hy vọng của chúng ta không phải là một khái niệm, nó không phải là một cảm tính, nó không phải là chiếc điện thoại di động, nó cũng chẳng phải là một đống của cải! Niềm Hy vọng của chúng ta là một Người; đó là Chúa Giê-su mà chúng ta tin rằng Ngài đang sống và hiện diện trong chúng ta và trong anh em của chúng ta, vì Đức Ki-tô đã Sống lại. Khi người Slav chào nhau, thay vì nói “chào buổi sáng,” “chào buổi tối,” trong các ngày Phục sinh họ lại chào nhau bằng câu này “Đức Ki-tô đã Sống lại!” “Christos voskrese!” họ nói với nhau như vậy, và họ rất hạnh phúc khi nói lên câu đó! Đây là câu “chào buổi sáng” và “chào buổi tối” mà họ trao cho nhau: “Đức Ki-tô đã Sống lại!”
  2. Rồi chúng ta hiểu rằng chúng ta không được trình bày lại niềm hy vọng này trên mức độ thuần lý thuyết, chỉ bằng lời nói, nhưng đặc biệt phải bằng chứng tá của cuộc sống, và điều này không chỉ ở trong cộng đoàn Ki-tô hữu mà còn phải cả ở ngoài cộng đoàn. Nếu Đức Ki-tô đang sống và cư ngụ trong chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, chúng ta phải để cho Ngài tỏ lộ ra, đừng che giấu Ngài, và hãy để Ngài hoạt động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Giê-su phải ngày càng trở nên mẫu gương của chúng ta: mẫu gương đời sống và chúng ta phải học cách cư xử như Ngài đã cư xử. Hãy làm những gì Giê-su đã làm. Vì thế, niềm hy vọng ở trong chúng ta, không thể để ở tình trạng ẩn trong chúng ta, trong tâm hồn chúng ta; nhưng, nó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt nếu nó không có can đảm bước ra và tỏ lộ cho mọi người nhìn thấy; nhưng niềm hy vọng của chúng ta, như nó chiếu tỏa trong Thánh Vịnh 33 được Thánh Phê-rô trích dẫn, cần phải bùng sáng ra bên ngoài, mang lấy một dáng vẻ tuyệt mỹ và cụ thể của lòng nhân hậu, sự tôn trọng và lòng bác ái đối với tha nhân, thực sự có thể tha thứ cho người phạm lỗi. Một người không có niềm hy vọng thì không thể tha thứ, không thể cho đi sự an ủi của lòng tha thứ và nhận được sự ủi an của sự tha thứ. Đúng, vì Giê-su đã làm như vậy, và Ngài tiếp tục làm qua những người biết dành chỗ trong tâm hồn và trong cuộc sống của họ cho Ngài, với ý thức rằng không thể lấy cái ác để vượt thắng cái ác, nhưng phải lấy lòng khiêm nhường, lòng thương xót và lòng nhân từ. Những thành viên của mafia thì nghĩ rằng lấy cái ác để thắng cái ác, và vì thế họ quyết tâm trả thù và làm những việc mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng họ không hiểu được lòng khiêm nhường, lòng thương xót và lòng nhân từ là gì. Và tại sao? Vì người trong mafia họ không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này.
  3. Hãy xem Thánh Phê-rô khẳng định rằng “thà chịu khổ vì làm việc lành, còn hơn là vì làm điều ác (c. 17): điều này không có nghĩa chịu đựng đau khổ là tốt, nhưng khi chúng ta chịu đau khổ vì điều lành là chúng ta đang kết hiệp với Chúa, Đấng đã chấp nhận đau khổ và chấp nhận bị treo trên thập giá vì sự cứu độ của chúng ta. Vậy thì, khi chúng ta cũng chấp nhận đau khổ vì điều lành, trong những tình huống nhỏ nhặt nhất hay to lớn nhất của cuộc đời chúng ta, thì đó là chúng ta đang gieo rắc xung quanh mình những hạt giống phục sinh, những hạt giống của sự sống, và làm cho ánh sáng Phục sinh chiếu tỏa trong bóng tối. Chính vì điều này mà Thánh Tông đồ khuyên dạy chúng ta phải luôn đáp lời “bằng sự chúc phúc” (c. 9): lời chúc phúc không phải là một nghi thức, nó không phải là sự xã giao, nhưng nó là một món quà to lớn mà ngay từ đầu chúng ta đã được đón nhận và chúng ta có trách nhiệm phải chia sẻ với tha nhân. Đó là sự công bố tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vô biên, không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ ngã lòng và góp phần tạo nền tảng thật sự cho niềm hy vọng của chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hiểu tại sao Thánh Tông đồ Phê-rô gọi chúng ta là “có phúc,” khi chúng ta phải chịu đau khổ vì lẽ công chính (x. c. 13). Nó không chỉ vì lý do đạo đức hay sự khổ hạnh, nhưng chính mỗi lần chúng ta ở bên những người bé mọn nhất và người bị gạt ra bên lề, hoặc khi chúng ta không lấy điều ác để đối lại cái ác, nhưng bằng cách tha thứ và chúc lành, mỗi khi chúng ta làm điều này là chúng ta chiếu tỏa những dấu chỉ sáng chói của sự hy vọng, từ đó trở thành những khí cụ của sự ủi an và hòa bình, theo tinh thần của Chúa. và vì thế chúng ta tiến bước với lòng nhân từ, sự hiền dịu, tốt bụng và làm điều thiện cho cả những người không yêu thương chúng ta, hay những người phạm lỗi với chúng ta. Hãy tiến bước!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Xin chào anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Cha chào các gia đình quân nhân đang thực hiện sứ mạng hòa bình quốc tế, cùng có Đức ông Tuyên úy Santo Marciano; cộng đoàn Rwanda ở Ý và Tổ chức các Bác sĩ, Chuyên gia Nông nghiệp và Lâm nghiệp Quốc gia.
Tôi xin chào các vị tham dự hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, tôi khuyến khích anh chị em suy tư về tương lai của nhân loại dưới ánh sáng của y học và những giá trị luân lý hôn nhân. Tôi xin chào Cộng đoàn Giáo hoàng Gio-an XXIII, và khi tôi thúc đẩy anh chị em tiếp tục công việc vì lợi ích của các em gái được cứu thoát khỏi tình trạng mại dâm, tôi mời gọi anh chị em người Roma tham dự Chặng đàng Thánh Giá cho những phụ nữ bị đóng đinh, sẽ diễn ra Thứ Sáu, 7 tháng Tư tại Garbatella.
Cuối cùng, cha gửi lời chào các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Vinh Sơn Ferrer, nhà thuyết giáo dòng Đa-minh. Các bạn trẻ thân yêu, nơi trường học của ngài hãy học cách nói chuyện với Thiên Chúa và về Thiên Chúa, tránh xa những cách nói chuyện vô bổ và gây hại; anh chị em bệnh nhân thân mến, học lấy kinh nghiệm thiêng liêng của ngài để tín thác nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trong mọi tình huống; các đôi uyên ương thân thương, hãy cậy nhờ vào sự can thiệp của ngài để nhận lấy sứ mạng làm cha mẹ bằng sự cam kết quảng đại.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Những thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Suy nghĩ của tôi lúc này hướng đến những vụ tấn công kinh hoàng trong những ngày qua ở ga điện ngầm St. Petersburg, đã để lại những nạn nhân và cái chết. Tôi tín thác cho lòng thương xót của Chúa tất cả những người bị giết trong thảm kịch này, và bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng với gia đình của họ và tất cả những ai đang chịu đau khổ do biến cố thảm kịch này gây ra.
Chúng ta đã chứng kiến những biến cố kinh hoàng mới nhất ở Syria. Tôi mạnh mẽ phản đối vụ thảm sát không thể tha thứ được hôm qua ở tỉnh Idlib, nơi hàng chục người vô tội bị giết, trong đó có nhiều trẻ em. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ và tôi khẩn thiết kêu gọi lương tâm của tất cả những người có trách nhiệm chính trị, cả mức độ địa phương và quốc tế, để thảm kịch này dừng lại và sự cứu tế được chuyển đến với dân tộc thân yêu đã mệt mỏi quá lâu vì chiến tranh. Tôi cũng khuyến khích mọi nỗ lực của những người, bất chấp điều kiện thiếu an toàn và khó khăn, vẫn hoạt động để sự trợ giúp đến được với cư dân của vùng này.
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 06/04/2017]



Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)

Sự phát triển toàn diện mang ý nghĩa gì cho hôm nay và trong tương lai gần, cụ thể là sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại
4 tháng Tư, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico đã có bài diễn từ hôm nay, 4 tháng Tư, 2017, trong Đại sảnh New Synod của Vatican, các tham dự viên trong Hội nghị của Thánh bộ Phục vụ cho Sự Phát triển Con người Toàn diện, được tổ chức tại Vatican ngày 3-4 tháng Tư, nhân dịp kỷ niệm 50 năm của Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc).
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong buổi họp.
* * *
Anh chị em thân mến,
Xin cảm ơn về lời mời và sự chào đón của anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em vì sự hiện diện và hoạt động của anh chị em trong công cuộc thăng tiến con người và thiện ích chung. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Turkson về những lời chào đón của ngài và ngài đã bắt đầu Thánh bộ mới để Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, cho dù không thiếu những khó khăn. Đó là một mô hình để noi theo, trong bình an, sáng tạo, tham khảo bàn bạc, thực sự là một mô hình của việc xây dựng hội thánh: cảm ơn Hiền huynh.
Anh chị em tập trung trong Hội nghị Quốc tế này vì sự khai sinh của Thánh bộ mới đặc biệt trùng hợp với dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các Dân tộc) của Chân phước Phao-lô VI. Trong Thông điệp đó, ngài đã nêu rõ chi tiết ý nghĩa của “sự phát triển toàn diện (x. s. 21), và ngài đã đề ra công thức tổng hợp và đầy ý nghĩa: “sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại” (s. 14).
Sự phát triển toàn diện mang ý nghĩa gì cho hôm nay và trong tương lai gần, cụ thể là sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại? Theo Đức Phao-lô VI, có lẽ thực sự là trong động từ hội nhập – quá thân thiết đối với tôi – chúng ta có thể nhận ra một định hướng nền tảng cho Thánh bộ mới. Chúng ta hãy cùng nhau xét đến một vài khía cạnh.
Đó là việc hội nhập những dân tộc khác nhau trên địa cầu. Trách nhiệm đoàn kết bắt buộc chúng ta tìm ra những con đường chia sẻ, để không còn sự bất quân bình quá lớn giữa những người có quá nhiều và những người chẳng có một chút gì, giữa những người loại trừ và những người bị loại trừ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới có thể cho nhân loại một tương lai của hòa bình và hy vọng.
Đó là việc đưa ra những mô hình thực tế của sự hội nhập xã hội. Mọi người đều có một sự đóng góp để tạo ra một tổng thể chung của xã hội, tất cả đều có một nét riêng có thể giúp cùng chung sống, không ai bị loại trừ khỏi việc đóng góp một điều gì đó cho ích lợi chung của tất cả. Điều này đồng thời vừa là quyền vừa là trách nhiệm. Đó là nguyên tắc của tính bổ trợ bảo đảm tính cần thiết cho sự đóng góp của tất cả mọi người, bất kể đó là các cá nhân hay các nhóm, nếu chúng ta mong muốn xây dựng một sự chung sống của con người mở ra cho tất cả.
Ngoài ra, đó là việc hội nhập trong sự phát triển tất cả những nhân tố thực sự làm cho nó phát triển. Những hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chính, việc làm, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, mỗi nhân tố với nét đặc thù riêng của nó mang tầm quan trọng không thể thiếu được trong sự phát triển này. Không nhân tố nào trong đây được phép biến thành chuyên chế và không nhân tố nào có thể bị loại trừ khỏi nhận thức về sự phát triển con người toàn diện nếu nhìn đến sự thật rằng đời sống con người giống như một ban nhạc giao hưởng chỉ diễn tấu xuất sắc khi mọi loại nhạc cụ khác nhau đều tấu chung theo một hợp âm đã được soạn.
Nó cũng là việc hội nhập theo chiều kích cá nhân và tập thể. Điều không thể phủ nhận rằng chúng ta là con cái của một nền văn hóa, ít nhất là ở phương Tây, đã đề cao cá nhân đến mức làm cho con người trở thành một ốc đảo, gần như là người ta có thể tự một mình có hạnh phúc. Về mặt khác, không thiếu những những tầm nhìn theo ý thức hệ và những quyền lực chính trị đẩy con người ra ngoài, chúng đã tiêu chuẩn hóa con người và cướp đi sự tự do mà nếu không có sự tự do đó con người không còn cảm thấy mình là con người thực sự nữa. Những quyền lực kinh tế mong muốn lợi dụng sự toàn cầu hóa cũng rất thích kiểu tiêu chuẩn hóa như vậy, thay vì thúc đẩy sự chia sẻ lớn hơn giữa con người, nó chỉ đơn giản áp đặt một thị trường toàn cầu qua đó chỉ những quyền lực đó đặt ra các luật lệ và thu vén lợi nhuận. Cái TÔI và CỘNG ĐỒNG không cùng tồn tại giữa chúng, nhưng cái TÔI chỉ có thể trưởng thành trong sự tồn tại của những mối quan hệ ứng xử đích thực và cộng đồng trở thành một bộ máy phát năng lượng khi tất cả mọi người và từng cá nhân là thành phần cấu thành của nó. Điều này thậm chí còn đúng hơn với gia đình, đó là tế bào đầu tiên của xã hội và trong đó con người học cách sống với nhau.
Cuối cùng, nó là về việc hài hòa thể xác và linh hồn. Đức Phao-lô VI đã viết rằng sự phát triển không được biến thành việc phát triển kinh tế đơn thuần (x. s. 14); sự phát triển không chỉ nhằm tạo ra thêm nhiều của cải vật chất, chỉ nhắm đến sự thịnh vượng về vật chất. Hài hòa thể xác và linh hồn cũng có nghĩa là không một nỗ lực phát triển nào có thể thực sự đạt được mục đích của nó nếu nó không biết tôn trọng vị trí của Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta và nói với tâm hồn chúng ta.
Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài một cách trọn vẹn trong Đức Giê-su Ki-tô: trong Ngài, Thiên tính và nhân tính không bị phân chia và tách biệt nhau. Thiên Chúa trở thành người phàm để dẫn đưa cuộc sống của con người, bất kể đó là cá nhân hay xã hội, vào một con đường cụ thể của ơn cứu độ. Vì thế sự mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô – qua những hành động chữa lành, giải thoát, hòa giải của Người mà chúng ta được kêu gọi để hôm nay lại giới thiệu ra cho biết bao người bị thương nằm ở bên đường – cho thấy rõ hành trình và lối đi của sự phục vụ mà Giáo hội muốn đề nghị cho thế giới: dưới ánh sáng của mặc khải người ta có thể hiểu được ý nghĩa của sự phát triển “toàn diện,” nó không sai với cả Thiên Chúa và con người, vì nó mang tất cả tính bền vững của cả hai.
Quả thật, trong mối tương quan này, khái niệm con người, được sinh ra và trưởng thành trong Ki-tô giáo, giúp theo đuổi sự phát triển con người trọn vẹn. Cụm từ ‘con người’ luôn mang nghĩa có sự tương quan, không phải cá nhân chủ nghĩa; nó khẳng định sự bao gồm chứ không phải sự loại trừ, là giá trị duy nhất và bất khả xâm phạm chứ không phải sự bóc lột, là sự tự do chứ không phải sự kìm kẹp.
Giáo hội không ngừng đề nghị sự khôn ngoan này cùng những công cuộc của Giáo hội cho thế giới, với ý thức rằng sự phát triển toàn diện là con đường tốt lành mà toàn gia đình nhân loại được kêu gọi để bước theo. Tôi mời gọi tất cả anh chị em gánh vác công cuộc này để tiến bước với lòng trung kiên, với lòng vững tin rằng Thiên Chúa luôn đồng hành cùng anh chị em. Nguyện xin Người ban ơn lành cho anh chị em và Đức Mẹ bảo trợ anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/04/2017]