Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn tiệc cưới (Toàn văn)

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn tiệc cưới (Toàn văn)

© Vatican Media

Kinh Truyền tin: Đức Thánh Cha phân tích về dụ ngôn tiệc cưới (Toàn văn)

Bản phác thảo chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại

11 tháng Mười, 2020 13:04

JIM FAIR



Đức Thánh Cha Phanxico nói hôm nay trước giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa với đám đông “giãn cách xã hội” trong Quảng trường Thánh Phêrô, “Với câu chuyện của Dụ ngôn Tiệc cưới trong trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 22:1-14), Chúa Giêsu phác thảo chương trình mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nhân loại”.

Ngài giải thích rằng trong dụ ngôn Đức Vua mời nhiều người đến dự tiệc cưới của con trai ông — nhưng họ không đến. Vì vậy ông sai các đầy tớ của mình ra ngoài để mời bất kỳ ai sẵn lòng đến dự; ông không muốn tổ chức tiệc trong một căn phòng trống.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Đây là cách Thiên Chúa phản ứng: khi Người bị từ chối, thay vì bỏ cuộc, Người bắt đầu lại và yêu cầu rằng tất cả những người được tìm thấy trên các con đường đều được mời gọi, không loại trừ bất kỳ ai. Không ai bị loại trừ khỏi nhà của Thiên Chúa.”

Dưới đây là bản dịch Tiếng Anh của Vatican huấn từ của Đức Thánh Cha.

******



Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Với câu chuyện của Dụ ngôn Tiệc cưới trong trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 22:1-14), Chúa Giêsu phác thảo chương trình mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nhân loại. Đức Vua, người “mở tiệc cưới cho con mình” (c. 2) là hình ảnh của Chúa Cha, Đấng đã chuẩn bị cho toàn gia đình nhân loại một bữa tiệc yêu thương và hiệp thông tuyệt vời với Người Con yêu dấu duy nhất của Người. Đức Vua hai lần sai những người hầu đi gọi những người khách đã được mời, nhưng họ từ chối; họ không muốn đến dự tiệc vì họ có những điều khác phải lưu tâm: công việc đồng áng và việc kinh doanh. Chúng ta cũng vậy, rất nhiều lần chúng ta đặt lợi ích của mình và những điều thuộc vật chất lên trên Thiên Chúa là Đấng mời gọi chúng ta – và Người gọi chúng ta tới một bữa tiệc. Nhưng Đức Vua trong dụ ngôn không muốn sảnh tiệc trống vắng, vì ông muốn trao tặng những báu vật của vương quốc của ông. Vì vậy ông bảo những người hầu: “Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9). Đây là cách Thiên Chúa phản ứng: khi Người bị từ chối, thay vì bỏ cuộc, Người bắt đầu lại và yêu cầu rằng tất cả những người được tìm thấy trên các con đường đều được mời gọi, không loại trừ bất kỳ ai. Không ai bị loại trừ khỏi nhà của Thiên Chúa.

Thuật ngữ ban đầu mà Thánh Mátthêu tác giả Tin mừng sử dụng đề cập đến hạn giới của các con đường hoặc những điểm nơi đường phố kết thúc và bắt đầu những lối đi dẫn đến khu vực miền quê, bên ngoài khu dân cư, nơi cuộc sống rất bấp bênh. Đó là tính nhân văn của những con đường mà vị vua trong dụ ngôn sai các đầy tớ của ông đi đến, để chắc chắn tìm được những người sẵn sàng đến ngồi vào bàn. Vì vậy phòng tiệc cưới đầy “những người bị loại trừ,” những người “bên ngoài, những người dường như không bao giờ xứng đáng được dự một bữa tiệc, một bữa tiệc cưới. Thật vậy, ông chủ, đức vua, nói với những người đi mời: “Hãy gọi tất cả mọi người, cả người tốt và xấu. Mọi người!” Thiên Chúa kêu gọi thậm chí cả những người xấu. “Không, tôi là người xấu; tôi đã làm nhiều [điều xấu] …” Người gọi bạn: “Hãy đến, hãy đến, hãy đến!” Và Chúa Giêsu đến dùng bữa với những người thu thuế là những người phạm tội công khai; họ là người xấu. Thiên Chúa không e sợ những tâm hồn bị thương tổn bởi những sự gian ác vì Người yêu thương chúng ta; Người mời gọi chúng ta. Và Giáo hội được kêu gọi hãy tiến ra những con đường mỗi ngày, tức là những vùng ngoại vi về địa lý và cuộc sống của con người, những nơi ở khu vực bên lề, những hoàn cảnh trong đó tìm thấy những người phải dựng lên những lán trại và nơi những con người vô vọng của nhân loại sống. Vấn đề không chỉ là giải quyết các tiện nghi sinh sống và những cách thức phúc âm hóa và làm chứng cho đức ái thông thường, nhưng là mở rộng cánh cửa tâm hồn và những cộng đoàn của chúng ta cho mọi người, bởi vì Tin Mừng không dành cho một số ít người được chọn. Ngay cả những người sống bên lề, ngay cả những người bị xã hội chối bỏ và khinh miệt, cũng được Thiên Chúa xem là xứng đáng với tình yêu của Ngài. Ngài chuẩn bị bữa tiệc của Ngài cho tất cả mọi người: những người công chính và tội lỗi, tốt và xấu, thông minh và ít học.

Tối hôm qua, cha đã gọi điện thoại cho một vị linh mục lớn tuổi người Ý, một nhà truyền giáo ở Brazil từ khi còn trẻ, nhưng luôn làm việc với những người bị loại trừ, với người nghèo. Và ngài sống tuổi già của mình trong an bình: ngài đã sống cháy hết mình với người nghèo. Đây là Giáo hội Mẹ của chúng ta; đây là sứ giả của Thiên Chúa, người đi đến ngã tư đường.

Tuy nhiên, Chúa đặt ra một điều kiện: phải mặc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại dụ ngôn. Khi phòng tiệc đầy người, nhà vua đến và chào đón những vị khách mới nhất, nhưng ông nhìn thấy một người trong số họ không mặc trang phục tiệc cưới, là loại áo choàng không tay (cape) mà mỗi khách mời sẽ được nhận như một món quà trên lối đi vào. Mọi người đi khi họ được mặc trang phục, khi họ có thể được mặc trang phục. Họ không mặc trang phục dạ tiệc, nhưng ở lối vào, họ được tặng một loại áo choàng không tay, một món quà. Người đó đã từ chối món quà miễn phí, tự mình loại trừ chính mình: nhà vua không thể làm gì khác ngoài việc ném anh ta ra ngoài. Người này chấp nhận lời mời nhưng sau đó quyết định rằng điều đó chẳng có nghĩa lý gì đối với anh ta: anh ta là một người tự mãn; anh ta không muốn thay đổi hoặc để Chúa biến đổi anh ta. Tấm áo tiệc cưới – tấm áo choàng này – tượng trưng cho lòng thương xót mà Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, đó chính là ân sủng. Không có ân sủng, chúng ta không thể tiến thêm một bước trong đời sống người Kitô hữu. Mọi việc đều là ân sủng. Chỉ nhận lời theo Chúa là chưa đủ; con người phải mở lòng đón nhận một hành trình hoán cải là hành trình biến đổi tâm hồn. Chiếc áo của lòng thương xót mà Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta, là món quà miễn phí của tình yêu của Người; đó chính là ân sủng. Và nó đòi hỏi phải được đón nhận với sự ngạc nhiên và vui mừng: “Lạy Chúa, tạ ơn Người đã ban cho con món quà này”.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta bắt chước những người tôi tớ trong dụ ngôn của Tin mừng bằng cách thoát ra khỏi những khuôn khổ và những tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, loan báo với mọi người rằng Chúa mời chúng ta đến dự bữa tiệc của Người, để ban cho chúng ta ơn cứu độ của Người, để ban cho chúng ta món quà của Người.


____________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với những người dân bị ảnh hưởng bởi các đám cháy đang tàn phá nhiều khu vực trên Hành tinh, cũng như những tình nguyện viên và lính cứu hỏa đã liều mình dập tắt các đám cháy. Cha đang nghĩ đến Bờ Tây của Hoa Kỳ, đặc biệt là California, và cha cũng đang nghĩ đến các vùng trung tâm của Nam Mỹ, vùng Panatal của Paraguay, đến khu vực bờ sông Paraná ở Argentina. Nhiều vụ cháy là do hạn hán lâu ngày, nhưng cũng có những vụ do con người gây ra. Xin Chúa nâng đỡ những người đang gánh chịu hậu quả của các thảm họa này và làm cho chúng ta biết cẩn trọng hơn trong việc bảo tồn tạo vật.

Tôi đánh giá cao việc đã có một thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia-Azerbaijan vì những lý do nhân đạo, nhằm đạt được một hiệp định hòa bình thật sự. Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn có vẻ rất mong manh, nhưng tôi khuyến khích rằng nó được thực hiện trở lại, và tôi bày tỏ sự đau buồn vì những mất mát về nhân mạng, vì những đau khổ phải chịu đựng, cũng như vì nhà cửa và nơi thờ phụng bị phá hủy. Tôi cầu nguyện và kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho tất cả những người với cuộc sống đang gặp nguy hiểm.

Hôm qua, tại Assisi, Carlo Acutis, một thiếu niên 15 tuổi yêu mến Thánh Thể, đã được tuyên phong chân phước. Cậu đã không buông xuôi theo tính bảo thủ dễ dãi nhưng hiểu nhu cầu của thời đại vì cậu nhìn thấy khuôn mặt của Đức Kitô trong những người yếu đuối nhất. Chứng tá của cậu cho người trẻ ngày nay thấy rằng hạnh phúc thực sự được tìm thấy bằng cách đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và phụng sự Ngài trong anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bé mọn nhất. Chúng ta cùng vỗ tay chúc mừng vị tân Chân phước!

Cha nhắc lại ý chỉ cầu nguyện mà cha đã chọn cho tháng Mười này: với ý như sau: “Xin cho các giáo dân tín hữu, cách riêng là phụ nữ, nhờ bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các trách vụ của Giáo hội.” Vì không ai trong chúng ta được rửa tội là linh mục hay là giám mục: tất cả chúng ta đều được rửa tội là những giáo dân, nam và nữ. Giáo dân là những vai chính của Giáo hội. Ngày nay, cần phải mở rộng không gian sống động hơn cho sự hiện diện của nữ giới trong Giáo hội, và sự hiện diện, ý nghĩa, của nữ giáo dân, nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh nữ tính, bởi vì nói chung phụ nữ bị gạt sang một bên. Chúng ta phải thúc đẩy sự hội nhập của phụ nữ ở những nơi đưa ra các quyết định quan trọng. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng, các giáo dân tín hữu, cách riêng là phụ nữ, nhờ bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các trách vụ của Giáo hội, mà không rơi vào tính giáo quyền làm vô hiệu đặc sủng giáo dân và làm hoen ố khuôn mặt của Giáo hội Thánh Mẫu.

Chúa nhật tới, ngày 18 tháng Mười, Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (Aid to the Church in Need Foundation) bắt đầu cuộc vận động “Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi” cho sự hiệp nhất và hòa bình. Cha khuyến khích sự kiện rất đẹp này liên quan đến trẻ em trên khắp thế giới, các trẻ sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những hoàn cảnh nguy cấp do đại dịch gây ra.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Roma và khách hành hương đến từ nhiều quốc gia: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, và các tín hữu. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2020]


PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Barron – Khi Thiên Chúa bị loại trừ khỏi xã hội, nhân quyền & những giá trị bị lâm nguy

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Barron – Khi Thiên Chúa bị loại trừ khỏi xã hội, nhân quyền & những giá trị bị lâm nguy

Bishop Barron - Courtesy Of Word On Fire

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Giám mục Barron – Khi Thiên Chúa bị loại trừ khỏi xã hội, nhân quyền & những giá trị bị lâm nguy

Nói với ZENIT ‘Khi luật pháp xâm phạm vào quyền được sống của Chúa ban tặng, tính toàn vẹn về đạo đức và pháp luật của một đất nước bị thỏa hiệp’

OCTOBER 06, 2020 06:56

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Đức Giám mục Robert Barron nói rằng khi loại trừ Thiên Chúa khỏi các nơi công cộng, thì những quyền và giá trị căn bản bị lâm nguy, và khi xã hội và lập pháp quyết định ai sống và ai chết, thì miền đất đó bị thỏa hiệp về đạo đức và luật pháp.

Trong một phỏng vấn riêng về nhiều chủ đề với ZENIT trước mùa bầu cử của Hoa Kỳ, Đức Giám mục phụ tá của Los Angeles và là nhà sáng lập tổ chức Word on Fire Catholic Ministries, bày tỏ điều này.

Trong cuộc phỏng vấn, vị giám mục người Mỹ phản ánh về lời cầu nguyện của ngài cho đất nước giữa cơn đại dịch và những cuộc bầu cử, và cách người Công giáo cần phản ứng trước sự chia rẽ và sợ hãi. Đức Giám mục Barron cũng phân tích về vị trí phù hợp của Chúa trong các nơi công cộng, tại sao chúng ta cần phải tái khám phá nghệ thuật tranh biện và cách cân nhắc khi pháp luật và xã hội đưa ra quyết định ai được sống và ai phải chết.

Dưới đây là phỏng vấn của chúng tôi với Đức Giám mục Barron:

***

ZENIT: Thưa Đức Cha Barron, ngài là diễn giả của buổi cầu nguyện Prayer Breakfast 2020 mới đây. Ngài cầu nguyện điều gì cho quê hương khi đất nước đang trải qua trận đại dịch và những cuộc bầu cử đang đợi phía trước?

ĐGM Barron: Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể nhận biết việc tôn trọng người khác, bất kể những khác biệt về chính trị, là vô cùng quan trọng cho chức năng thích đáng của nền dân chủ của chúng ta. Nếu những sự tranh biện công khai của chúng ta chỉ dẫn đến oán hận và những cuộc tấn công vào tình cảm của con người, thì chúng ta đã gạt bỏ không gian chính trị sáng tạo của Tổng thống Jefferson, Adams, và Hamilton.

ZENIT: Đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ chia rẽ sâu sắc và thiếu niềm tin. Người dân đang giận dữ và lo sợ. Một người Công giáo cần làm gì trong những hoàn cảnh như vậy?

ĐGM Barron: Trong những thời kỳ xáo trộn như vầy, người Công giáo cần phải luôn hướng mắt về Chúa Giêsu và tâm trí họ tập trung vào những giáo huấn xã hội của Giáo hội.

ZENIT: Chúng ta cũng nhìn thấy người Công giáo đang chống đối nhau giữa những người Công giáo, với những quan điểm chính trị rất hùng hổ đang trở nên xấu xí, đang cố để thể hiện “cánh tay mạnh’’ đối với những người Công giáo khác, để xem quan điểm của họ … Điều này có thể đi đến đâu và được giải quyết như thế nào?

ĐGM Barron: Chúng ta phải tái khám phá nghệ thuật của việc tranh luận đích thực. Hai lựa chọn tiêu biểu của nền văn hóa chúng ta là chống lại bạo lực và khoan dung nhẹ dàng. Nhưng giữa hai con đường nếu cuối cùng không dẫn đến kết quả sẽ là tranh luận, nó bao gồm việc miêu tả thật kỹ tình huống đang được cân nhắc, sắp xếp bằng chứng, rút ra những kết luận, và cuối cùng sẵn sàng sống với sự thật được tìm ra. Hãy lên truyền thông xã hội và lướt qua các diễn đàn, nếu anh dám, và anh sẽ tìm thấy rất nhiều lời lăng mạ nhau, và tự cho mình là đúng, nhưng những tranh biện có giá trị thì vô cùng ít. Chúng ta phải gieo trồng nghệ thuật tranh biện tinh tế trong gia đình và ở trường học.

ZENIT: Đối với chúng ta điều quan trọng là phải giữ cho tôn giáo mở rộng và tự do trước diễn đàn công cộng. Vấn đề chúng ta là một dân tộc tin Thiên Chúa có uy quyền tối thượng có phải là vấn đề quan trọng không?

ĐGM Barron: Tôn giáo tư nhân hóa rõ ràng là không tốt cho tôn giáo, vì đức tin đích thực phải liên quan đến toàn bộ cuộc sống chứ không chỉ với niềm tin chủ quan của chúng ta. Nhưng nó cũng cực kỳ xấu cho một chính thể dân chủ, vốn dựa trên một số những giả định căn bản mà rốt cuộc về bản chất lại thuộc tôn giáo. Tôi đang đề cập đến niềm tin vào sự bình đẳng của tất cả mọi người, sự hiện diện của những quyền bất khả xâm phạm nơi tất cả mọi người, và giá trị của sự tự do có trật tự. Gạt Thiên Chúa ra khỏi phương trình cân bằng thì anh sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra với những giá trị này trong thời gian rất ngắn.

ZENIT: Đức Cha hy vọng gì đối với tự do lương tâm và tôn giáo, cho tất cả các tôn giáo bất kể ai sẽ thắng cử…. Đức Cha hy vọng sẽ nhìn thấy sự sống được gìn giữ và không bị xóa bỏ đối với những người dễ bị tổn thương, những bào thai trong bụng mẹ và ở tất cả các giai đoạn của sự sống? Người Công giáo được hướng dẫn như thế nào trong Giáo huấn của Giáo hội về những điểm này?

ĐGM Barron: Giáo huấn xã hội Công giáo cho rằng những quyền cơ bản của con người, bao gồm và đặc biệt là quyền được sống, không phải là món quà của nhà nước hay của văn hóa, mà là của Thiên Chúa. Do đó, chúng là tiền lệ và vượt trên bất kỳ sắc luật cụ thể nào. Khi luật pháp xâm phạm vào chúng, như trong nhiều trường hợp rõ ràng ở đất nước chúng ta, tính toàn vẹn đạo đức của sự nghiệp pháp lý và chính trị bị thỏa hiệp.

ZENIT: Đức Cha đã viết “Thư gửi Giáo hội Đau khổ” sau những vụ bê bối lạm dụng… Liệu người ta có thể áp dụng những nguyên tắc tương tự trong một quốc gia bị chia rẽ?

ĐGM Barron: Mối liên hệ duy nhất mà tôi có thể đưa ra là: Giáo hội đã trải qua những thời kỳ khủng khiếp, khi Giáo hội bị đe dọa từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Và nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta vẫn ở đây. Vì vậy, đừng bỏ cuộc! Hãy bám trụ vào Chúa, chiến đấu cho những gì bạn biết là đúng, luôn hành động với tình yêu thương trong tâm hồn. Chúa Giêsu mạnh hơn bất cứ điều gì trên thế gian.

ZENIT: Đức Cha đang nhìn thấy những gì ở Los Angeles, hoặc trên khắp đất nước, mang lại cho Đức Cha niềm hy vọng?

ĐGM Barron: Mặc dù thời gian COVID là sự thử thách cho tất cả mọi người, tôi đã nhìn thấy bừng lên sự quan tâm đến Thánh lễ, Chầu Mình Thánh, cầu nguyện và các cuộc đối thoại thiêng liêng trực tuyến. Ngay cả trong thời kỳ đen tối, Giáo hội cũng tìm ra con đường. Điều này cho tôi hy vọng.

ZENIT: Một lần nữa xin cảm ơn Đức Cha đã dành thời gian.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/10/2020]