Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 6, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 6, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 27 tháng Sáu, 2021

_______________________________________


Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay trong bài Tin Mừng (xem Mc 5,21-43) Chúa Giêsu gặp hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta là cái chết và bệnh tật. Ngài đã giải thoát hai người khỏi những hoàn cảnh đó: một bé gái vừa chết khi người cha của em đi cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một người phụ nữ, bị băng huyết nhiều năm. Chúa Giêsu để cho bản thân Ngài được chạm đến sự đau khổ và cái chết của chúng ta, và Ngài thực hiện hai dấu chỉ chữa lành để cho chúng ta biết rằng sự đau khổ và cái chết đều không có lời nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đã đánh bại kẻ thù này, là kẻ thù mà tự bản thân chúng ta không thể giải phóng cho mình.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này khi bệnh tật vẫn là trung tâm của các bản tin, chúng ta sẽ tập trung vào dấu chỉ khác đó là việc chữa lành người phụ nữ. Còn hơn cả sức khỏe của chị ấy, tình cảm của chị đã bị tổn hại. Tại sao? Chị ấy bị mất máu, và vì vậy theo quan niệm của thời đó, chị bị coi là không sạch. Chị là một người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội; chị không thể có những mối quan hệ ổn định; chị ta không thể có chồng; chị không thể có một gia đình, và không thể có những mối tương quan xã hội bình thường, bởi vì chị ấy “không sạch”, một căn bệnh khiến chị trở nên “ô uế”. Chị sống một mình, với một trái tim bị thương tổn. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao? Đại dịch? Không. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu; là không thể yêu thương. Người phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh, vâng, vì mất máu, nhưng hậu quả là thiếu thốn tình yêu, vì chị ấy không thể ở với người khác. Và sự chữa lành giá trị nhất là những tình cảm. Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm được nó? Chúng ta hãy nghĩ về tình cảm của mình: chúng bị bệnh tật hay có sức khỏe tốt? Chúng có bị bệnh tật không? Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng.

Câu chuyện về người phụ nữ vô danh này – chúng ta hãy gọi chị như vậy, “người phụ nữ vô danh” –, là người mà tất cả chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong đó, là một mẫu gương. Văn bản nói rằng chị ấy đã chạy chữa bằng nhiều phương pháp khác nhau, “đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (câu 26). Chúng ta cũng vậy, không biết bao nhiêu lần chúng ta đã lao mình theo những phương thuốc sai lầm để làm thỏa mãn sự thiếu thốn tình yêu của chúng ta? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua bán; nó là miễn phí.

Chúng ta giấu mình trong cái ảo, nhưng tình yêu thì hữu hình. Chúng ta không chấp nhận bản thân con người thật chúng ta và chúng ta giấu mình sau những vẻ bên ngoài giả tạo, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những giải pháp từ các pháp sư và từ các thầy pháp, để rồi thấy mình chẳng có tiền bạc và cũng không có bình an, giống như người phụ nữ đó. Cuối cùng, chị đã chọn Chúa Giêsu và chen mình vào đám đông để chạm đến áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người phụ nữ đó tìm cách tiếp xúc trực tiếp, được chạm đến người của Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời gian này, chúng ta hiểu được sự tiếp xúc và các mối quan hệ quan trọng như thế nào. Điều tương tự với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng với việc tuân giữ một số giới luật và lặp đi lặp lại những lời kinh – nhiều khi giống như con vẹt –, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta đến gặp gỡ Ngài, mở lòng ra với Ngài, vì như người phụ nữ đó, chúng ta chạm vào áo của Ngài để được chữa lành. Bởi vì, khi trở nên mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta được chữa lành trong tình cảm của mình.

Chúa Giêsu muốn điều đó. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông xô đẩy, Ngài vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào Ngài. Các môn đệ nói: “Thầy xem, đám đông chen lấn Thầy như thế…”. Không: “Ai đã chạm vào tôi?”. Đây là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Ngài đi tìm một khuôn mặt và một tâm hồn tràn đầy niềm tin. Chúa Giêsu không nhìn tổng quát như chúng ta, nhưng Ngài nhìn vào từng cá nhân. Ngài không dừng lại ở những vết thương và sai lầm của quá khứ, nhưng vượt ra ngoài những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong thầm kín của mình, đều biết rõ những điều xấu xa trong lịch sử của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu nhìn đến nó để chữa lành nó. Còn chúng ta, chúng ta thích nhìn những vấn đề xấu xa của người khác. Không biết bao nhiêu lần khi chúng ta nói chuyện, chúng ta lại rơi vào tình trạng buôn chuyện, tức là nói xấu người khác, “phê bình” người khác. Nhưng hãy xem: đây là chân trời nào của cuộc sống? Không như Chúa Giêsu là Đấng luôn luôn nhìn đến cách cứu thoát chúng ta; Ngài nhìn đến ngày hôm nay; thiện chí không phải là lịch sử xấu xa mà chúng ta mang. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Chúa Giêsu vượt ra ngoài những định kiến. Chúa Giêsu không dừng lại ở những vẻ bên ngoài, nhưng đi vào trong tâm hồn. Và Ngài chữa lành chị ta, người đã bị mọi người từ chối, một người phụ nữ ô uế. Ngài dịu dàng gọi chị “Này con” (câu 34) – phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, nhân hậu và dịu dàng: “Này con …” – và Ngài khen ngợi đức tin của chị ta, phục hồi lại sự tự tin cho chị.

Thưa anh chị em, anh chị em đang ở đây, hãy để Chúa Giêsu nhìn đến và chữa lành tâm hồn anh chị em. Cha cũng phải làm điều này: để cho Chúa Giêsu nhìn vào tâm hồn cha và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm nhận được ánh mắt dịu dàng của Ngài nhìn đến anh chị em, hãy bắt chước Ngài và làm như Ngài đã làm. Hãy nhìn xung quanh: anh chị em sẽ nhìn thấy nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị thương tổn và cô đơn; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy thực hiện từng bước. Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em có một cái nhìn không dừng lại ở vẻ bên ngoài, nhưng là cái nhìn đi vào tâm hồn: một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón – chúng ta hãy ngừng phán xét người khác – Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một cái nhìn không phán xét. Vì chỉ tình yêu mới hàn gắn cuộc đời. Xin Đức Mẹ là Đấng An ủi của những người đau khổ giúp chúng ta có thể xoa dịu những người với trái tim bị tổn thương mà chúng ta gặp trên hành trình của mình. Và đừng phán xét; đừng phán xét về thực tại cá nhân, xã hội của người khác. Thiên Chúa thương yêu tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để người khác sống và cố gắng tiếp cận họ với tình yêu thương.


_____________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến! Hôm nay gần đến Lễ Các Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, cha xin anh chị em cầu nguyện cho Giáo Hoàng. Hãy cầu nguyện theo một cách đặc biệt: Giáo hoàng cần lời cầu nguyện của anh chị em! Cảm ơn anh chị em. Cha biết anh chị em sẽ làm như vậy.

Nhân Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông hôm nay, cha mời mọi người khẩn xin lòng thương xót và sự bình an của Chúa cho khu vực đó. Xin Chúa trợ giúp cho nỗ lực của những người đang cố gắng đối thoại và chung sống huynh đệ ở Trung Đông, nơi đức tin Kitô giáo được khai sinh và sống động, bất kể những đau khổ. Xin Chúa luôn ban cho những dân tộc thân yêu đó sự bình an, sự kiên trì và lòng can đảm.

Cha đảm bảo sự gần gũi với những người dân ở miền Tây Nam Cộng hòa Séc đã bị một cơn bão lớn tấn công. Cha cầu nguyện cho những người đã qua đời và người bị thương, và những người đã phải rời bỏ ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng của họ.

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em đến từ Rôma, từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy người Ba Lan, người Tây Ban Nha…. Có rất nhiều anh chị em ở đó và ở kia…. Ước mong chuyến viếng Mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô củng cố tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo hội trong anh chị em.

Cha chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/6/2021]


Những vị thánh từng là vận động viên

Những vị thánh từng là vận động viên


Những vị thánh từng là vận động viên

Fair Use | Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

26/06/21


Thể thao có thể là một công cụ tuyệt vời khi chúng ta tìm cách phát triển tính kỷ luật và lòng nhiệt thành.

Thật là một thách thức trong thế giới ngày nay khi theo đuổi tình yêu đối với thể thao mà không cho phép thể thao trở thành trung tâm cuộc sống của một người, hoặc thậm chí của cuộc sống của cả gia đình. Người vận động viên cũng như người hâm mộ có thể bị cám dỗ tìm kiếm sắc thái của họ trong cách thể hiện của họ hoặc cách thể hiện của đội mình yêu thích. Nhưng các thánh đã từng là vận động viên cho chúng ta thấy rằng có thể cân bằng giữa tình yêu đối với thể thao với đời sống tập trung vào cầu nguyện và phục vụ. Họ cũng nhắc nhở chúng ta rằng những người có sở thích bình thường đều có thể là thánh — và thể thao có thể là một công cụ tuyệt vời khi chúng ta tìm cách phát triển tính kỷ luật và lòng nhiệt thành.

Thánh Joseph Mukasa Balikuddembe (1860-1885) sinh ra tại Uganda ngày nay và trở thành một người hầu trong triều đình của nhà vua, nơi cậu trở lại đạo Công giáo và cuối cùng được chọn làm người đứng đầu cộng đoàn Công giáo. Giống như Thánh Charles Lwanga (người tiếp nối cậu làm người đứng đầu nhóm thiếu niên Công giáo phục vụ trong triều), Balikuddembe là một đô vật tài năng. Cậu cũng nổi tiếng là một người chạy nhanh và có sức bền dẻo dai, thường chạy khoảng 40 dặm (hơn 64 km) để đến với các tân tòng ở những vùng xa. Khi cậu phản đối quyết định của nhà vua về việc giết một giám mục Anh giáo, cậu đã xin được phép (ngày hôm sau) để chạy theo những người hành quyết và tạm dừng cuộc hành quyết. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng cậu đã đến quá muộn. Cậu đã thất bại không cứu được người bị kết án và chẳng bao lâu sau cậu cũng bị giết.

Tôi tớ Chúa Rosa Giovannetti (1896-1929) là một giáo lý viên người Ý và là một người chơi cello tài năng đã đi lưu diễn khắp nước Ý để tổ chức các buổi hòa nhạc phúc lợi hỗ trợ cho những người di cư và tị nạn mà cô phục vụ. Cô cũng chơi đàn piano và yêu thích môn bơi lội, lặn, đua thuyền, thậm chí thỉnh thoảng còn tham gia các cuộc thi bơi lội. Ngoài 30 tuổi, Rosa bị một căn bệnh về da đau đớn khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của cô khi 33 tuổi.

Chân phước Alberto Marvelli (1918-1946) là một cử nhân trẻ người Ý có bằng kỹ sư. Là một vận động viên chuyên, Alberto là một tay bơi lội và đá bóng xuất sắc (thường xuyên ghi bàn ở vị trí tiền đạo), đồng thời chơi cả bóng chuyền và bóng bàn. Tuy nhiên, chính việc chạy xe đạp của cậu lại chứng minh mang đến hiệu quả cao nhất; là một người lãnh đạo trong Công giáo Tiến hành, Alberto đi khắp nơi để quyên góp thực phẩm và quần áo, sau đó phân phát tất cả cho người nghèo — thậm chí cho luôn cả đôi giày hoặc chiếc xe đạp của mình nếu thấy có người cần. Cậu cũng hoạt động như một thành viên của cuộc kháng chiến, giải thoát những người bị Đức Quốc xã bắt giữ và bị giam trong các trại tập trung bằng cách phá khóa các toa tàu mà họ đang ở trong đó. Sau chiến tranh, Alberto được giao nhiệm vụ phân chia nhà ở và sau đó tranh cử vào vị trí chính trị. Anh đang đạp xe đến một cuộc họp bầu cử thì bị một chiếc xe tải đụng và thiệt mạng; sau khi chết, anh được bầu chọn vào vị trí.

Đấng Đáng kính Maria Orsola Bussone (1954-1970) là một thiếu nữ người Ý chơi guitar và yêu ca hát, đặc biệt là nhạc pop. Cô cũng yêu các môn thể thao, đặc biệt là môn trượt patin, trượt tuyết, bơi lội và chạy xe đạp. Là một thành viên của phong trào Focolare, Maria đã tham gia vào việc truyền giáo và phát triển cảm thức mạnh mẽ về vẻ đẹp của sự đau khổ khi nó được kết hợp với Thập giá. Cô bị điện giật khi sấy tóc lúc mới 15 tuổi.

Thánh Dulce Pontes (1914-1992) là một nữ tu người Brazil, người được đề cử giải Nobel vì công cuộc của chị với người nghèo. Là một người hâm mộ của đội bóng Ypiranga, cô thiếu nữ Dulce đã đến sân vận động để cổ vũ họ vào Chủ nhật hàng tuần cùng với cha cô. Nhưng cô không giới hạn tình yêu của mình dành cho môn bóng đá trong việc xem; Dulce cũng chơi bóng đá, cả trong trong tuổi thơ và sau này khi bước vào đời tu, chơi với trẻ em trên đường phố để mang lại niềm vui cho cuộc sống khó khăn của chúng. Dulce cũng xây dựng các bệnh viện và những bếp ăn yêu thương và chơi đàn accordion để giúp vui cho người lao động.

Tôi tớ Chúa Guido Schäffer (1974-2009) là một bác sĩ và chủng sinh người Brazil. Anh đã dành thời gian đến thăm người nghèo và chăm sóc y tế cho họ, tổ chức các nhóm cầu nguyện cho bạn bè, và lướt sóng ở gần nhà anh tại Copacabana. Theo một người bạn, Guido nói rằng “lướt trên một con sóng là một trải nghiệm hoàn hảo vì giống như được Chúa ôm lấy”. Anh đã gần hoàn thành lớp chủng sinh khi anh và một vài người bạn đi lướt sóng như một loại tiệc chia tay đời độc thân cho một người bạn sẽ kết hôn vào ngày hôm sau. Họ cùng nhau cầu nguyện trước khi đi, nhưng Guido sau đó bị ngã khỏi ván lướt, ván đánh trúng cổ và khiến anh bất tỉnh; anh đã chết đuối trước khi bạn bè kéo được xác anh vào bờ.

Đấng Đáng kính Matteo Farina (1990-2009) là một vận động viên và một nhạc sĩ trẻ, chơi guitar và yêu thích môn hóa học. Anh hy vọng trở thành một kỹ sư môi trường, nhưng được chẩn đoán bị ung thư não năm 13 tuổi và qua đời sáu năm sau. Trong thời gian bị bệnh, cậu chịu đựng với niềm vui và tiếp tục ôm lấy Chúa Giêsu như một thiếu niên bình thường — giữa việc luyện tập trong ban nhạc và những buổi hẹn hò với bạn gái. Trong nhiều năm, cậu tham gia vào môn karate, bóng rổ, thể dục dụng cụ, bóng đá, quần vợt và bóng chuyền.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/6/2021]