Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Hackathon tại Vatican: “Giáo hội luôn đi theo con đường đổi mới”

Hackathon tại Vatican: “Giáo hội luôn đi theo con đường đổi mới”

05 tháng Ba, 2018
Hackathon tại Vatican: “Giáo hội luôn đi theo con đường đổi mới”
© Antoine Mekary - ALETEIA

Dòng Đa-minh ở California đứng sau ý tưởng tập trung những người đam mê vi tính về Roma để đưa những tài năng sáng tạo của họ vào công cuộc giải quyết những vấn đề xã hội.

Hơn 100 người đam mê vi tính sẽ có mặt tại Vatican từ 8 đến 11 tháng Ba để tham gia cuộc thi hackathon (thi phát triển phần mềm) “VHacks”. Sự kiện thi đua này được xây dựng để mở đường cho những người cải cách tìm ra những con đường giải quyết các vấn đề xã hội.

Sự kiện được tổ chức bởi Ban Thư ký về Truyền thông của Tòa Thánh, và Tổ chức OPTIC, chủ tịch là Cha Eric Salobir. Khi I.MEDIA phỏng vấn, vị linh mục Dòng Đa-minh nói rằng sự kiện này đi theo truyền thống của Giáo hội với sự quan tâm rất nhiều đến những đổi mới.

Ý tưởng về VHacks hình thành như thế nào?

Cuộc thi hackathon lần đầu tiên của Giáo hội được tổ chức ở San Francisco (USA) năm 2014. Dòng Đa-minh có một giáo xứ ở đó, trong giáo xứ có nhiều bạn trẻ hoạt động trong cộng đoàn xứ đang làm cho các công ty như Pixar, Google, Salesforce và Twitter. Các cuộc thi hackathon là sự kiện quen thuộc của họ. Đây là nguyên do của ý tưởng tổ chức một cuộc thi dành riêng cho lợi ích của Giáo hội, để phát triển và hỗ trợ Giáo hội.

Một năm trước, chúng tôi gặp những vị trong Tòa Thánh rất cởi mở với sáng kiến này. Sau đó, các sinh viên của Đại học Harvard đến, và gợi ý chúng tôi nên tổ chức một cuộc thi hackathon tại Vatican. Chúng tôi đã chuẩn bị cho sự kiện lớn này suốt một năm qua.

Có phải cuộc thi hackathon này thể hiện một cơ hội để Giáo hội dẫn đầu trong việc đổi mới?

Giáo hội luôn đi theo con đường đổi mới. Khi Giáo hội bắt đầu quan tâm đến truyền thanh và truyền hình ngay từ lúc khởi đầu của công nghệ trong cả hai trường hợp. Khi Thánh Lễ đầu tiên được truyền hình trên TV ở Pháp năm 1948, lúc đó trong nước có rất ít ti-vi. Vatican Radio cũng được thành lập ngay từ buổi bắt đầu của ngành phát thanh.

Tôi nghĩ rằng Giáo hội luôn có khả năng tận dụng sự đổi mới cho sứ mạng của mình. Qua cuộc thi hackathon, chúng tôi đi theo truyền thống này. Nó dường như bị tách rời quá xa so với hoạt động mục vụ tại các giáo xứ, nhưng tôi cho rằng người ta cũng đã nói về truyền hình như vậy vào thời đại của nó. Chúng ta không nhận thấy ý nghĩa to lớn như thế nào của việc truyền hình trực tiếp một Thánh Lễ làm đảo lộn mọi thứ.

Vatican dự định bước tới trong lĩnh vực này như thế nào? Vatican có cân nhắc việc xây dựng các apps trong tương lai?

Vatican cũng không quá quan tâm đến ý tưởng xây dựng những ứng dụng, nhưng là bắt đầu một phong trào. Tòa Thánh có thể nhấn mạnh đến những nhu cầu, những mong chờ và những khó khăn. Những bạn trẻ tham gia trong VHacks sẽ có thể đưa ra các đề nghị và xây dựng những ứng dụng hữu ích cho sứ mạng của Giáo hội. Ngày nay chẳng ai gặp khó khăn khi sử dụng một ứng dụng. Người ta chẳng hỏi câu hỏi đó nữa; nhưng, bây giờ người ta hỏi bằng cách nào những công cụ này trở nên hữu ích nhất cho Giáo hội, cho các tổ chức phi chính phủ, và cho toàn xã hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2018]


Đức Hồng y Kasper: người tín hữu hiểu tông huấn Amoris laetitia, hãy dừng những cáo buộc dị giáo

Đức Hồng y: người tín hữu hiểu tông huấn Amoris laetitia, hãy dừng những cáo buộc dị giáo
Đức Hồng y Walter Kasper với Đức Giáo hoàng Francis

Đức Hồng y Kasper: người tín hữu hiểu tông huấn Amoris laetitia, hãy dừng những cáo buộc dị giáo

Một phỏng vấn với Đức Hồng y Walter Kasper về Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng về gia đình và sự tranh luận làm khuấy động thế giới Công giáo.

05 tháng Ba 2018, 10:36
Alessandro Gisotti
Khi Đức Hồng y Walter Kasper bước sang tuổi 85, ngài Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Ki-tô hữu viết một quyển sách mới xuất bản bởi nhà xuất bản Queriniana của Ý. Với tựa đề “Amoris laetitia’s Message. A brotherly discussion.” (Tạm dịch: Thông điệp của Amoris laetitia. Một thảo luận mang tính huynh đệ). Đức Hồng y Kasper và Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, cùng trình bày về quyển sách ở Roma.

Liên quan đến việc xuất bản và giới thiệu quyển sách, Đức Hồng y Walter Kasper cho Vatican News một cuộc phỏng vấn đặc biệt liên quan đến sự tranh luận rằng Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxico làm khuấy động cũng như những điểm tốt mà nó đã tạo ra cho các gia đình.

H. - Thưa Đức Hồng y Kasper, trong những trang đầu của quyển sách, người nhấn mạnh rằng Tông huấn Amoris laetitia không có bất kỳ giáo lý mới nào, nhưng là một sự đổi mới sáng tạo của giáo huấn truyền thống. Xin người giải thích điều này?

TL. – Truyền thống không phải là một hồ nước tù đọng, nhưng giống như một con suối, hay như một dòng sông: nó là một điều gì đó sống động. Giáo hội là một tổ chức sống động và do đó nó luôn cần một sự diễn giải hợp lý theo những tình hình hiện tại. Đây là ý nghĩa của sự đổi mới mà Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nói đến.

H. – Tiêu đề phụ của quyển sách của người là: “Một sự thảo luận mang tính huynh đệ.” Người cũng viết rằng không cần phải sợ những sự tranh luận, nhưng người có thêm rằng “không có chỗ cho những tố cáo dị giáo.” Điều gì làm cho người chú ý nhất về sự tranh cãi mà sau đó nóng lên theo sau việc xuất bản Amoris laetitia?

TL. – Trước hết tôi phải nói rằng tranh luận trong Giáo hội là cần thiết. Chẳng có gì phải sợ tranh luận! Nhưng có một sự tranh luận rất cay đắng, một cách quá mạnh, với những cáo buộc về dị giáo. Dị giáo là một điều hoàn toàn đối nghịch với tín điều chính. Về phía Đức Thánh Cha Phanxico, giáo lý về tính bất khả phân ly của hôn nhân hoàn toàn không bị nghi ngờ! Trước khi nói một điều gì đó là dĩ giáo, câu hỏi phải đặt ra là người kia muốn nói điều gì qua những điều họ đã nói ra. Và trên hết, nếu người kia là người Công giáo thì phải đặt giả định trước, ngược lại thì không cần!

H. – Đặc biệt khi nói đến mục 351 gây tranh cãi trong Amoris laetitia liên quan đến việc cho người ly dị và tái hôn rước Lễ, người khẳng định trong sách rằng mục này phải được đọc dưới ánh sáng của Sắc lệnh Công đồng Trent về Thánh Thể. Với lý do gì?

TL. – Công đồng Trent nói rằng trong trường hợp không có tội trọng, nhưng chỉ là tội nhẹ, thì Bí tích Thánh Thể sẽ tháo gỡ tội đó. Tội là một thuật ngữ rất phức tạp. Nó không những bao gồm một nguyên tắc khách quan, nhưng còn có ý hướng, lương tâm của con người. Và điều này cần phải được xét ở tòa trong — trong Bí tích Hòa giải — xem thật sự đó là một tội trọng, hay có thể là một tội nhẹ, hay có lẽ chẳng có gì. Nếu nó chỉ là một tội nhẹ, thì người đó có thể được xóa và được lãnh Bí tích Thánh Thể. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II và theo ý nghĩa này, Đức Thánh Cha Phanxico hoàn toàn tiếp nối theo hướng đã được mở bởi các Đức Giáo hoàng tiền nhiệm. Cho nên, tôi chẳng thấy có lý do gì để nói rằng đây là một sự dị giáo.

H. – Theo người, sự trợ giúp lớn nhất mà Amoris laetitia trao cho các gia đình ngày nay là gì? Tài liệu này “đồng hành” trong đời sống hàng ngày với các gia đình như thế nào?

TL. – Tôi biết có một số giáo xứ, cũng có một số giáo xứ ở đây tại Roma, họ có những buổi họp với vợ chồng hoặc với những người đã đính hôn chuẩn bị bước tới hôn nhân và họ đọc các phần trong Tông huấn. Ngôn ngữ của tài liệu này quá rõ ràng nên bất kỳ người Ki-tô hữu nào cũng có thể hiểu được. Nó không phải là thần học cao cấp khó hiểu đối với mọi người. Đức Thánh Cha rất hài lòng, và rất vui với tài liệu này vì nó cho những không gian tự do, nhưng nó cũng giải thích nội dung thông điệp Ki-tô giáo bằng một ngôn ngữ dễ hiểu. Vì vậy, Dân Chúa hiểu được! Đức Thánh Cha có một sự nối kết tốt nhất với Dân Chúa.

H. – Mọi người đều biết, trong Buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên với cương vị giáo hoàng, Đức Phanxico đã trích dẫn quyển sách của người với tiêu đề “Lòng Thương Xót.” Tại sao người lại cho rằng lòng thương xót quá quan trọng trong triều đại giáo hoàng này, đặc biệt khi nói đến thế giới gia đình?

TL. – Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại bạo lực chưa từng xảy ra như vậy trước đây. Quá nhiều người bị thương tổn. Ngay cả trong hôn nhân có rất nhiều người bị thương. Người ta cần lòng thương xót, sự thông cả, sự thông cảm của Giáo hội trong những thời gian khó khăn chúng ta đang sống hôm nay. Tôi nghĩ lòng thương xót là câu trả lời cho những dấu chỉ của thời đại chúng ta.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Sr. Bernadette Mary Reis, fsp]


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2018]