Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ nhóm Đại học Tel Aviv

Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ nhóm Đại học Tel Aviv

Pope Francis meets with a delegation from Tel Aviv University
Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ một phái đoàn của Đại học Tel Aviv
23/10/2017 15:19
(Vatican Radio) Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ một phái đoàn của Đại học Tel Aviv, nhấn mạnh đến nhu cầu phải giáo dục sự khôn ngoan để có thể đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai là những người biết nhạy cảm với các vấn đề đạo đức đang nổi lên trong các xã hội.
Dưới đây là toàn văn những lời chào mừng của Đức Thánh Cha trước phái đoàn của Đại học Tel Aviv
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi tới các bạn lời chào mừng nồng hậu nhất, và tôi cảm ơn Giáo sư Giu-se Klafter, Hiệu trưởng Đại học Tel Aviv, về những lời chào mừng tốt đẹp của giáo sư.
Tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao với tất cả các bạn vì cam kết của các bạn cho công cuộc giáo dục tuổi trẻ, là những người đại diện cho xã hội hiện tại và tương lai. Công cuộc giáo dục, một công cuộc vô cùng quan trọng, đòi hỏi cái nhìn thấu suốt và sự tinh tế rất lớn, vì nó đào tạo con người toàn diện. Thực hiện công cuộc thiết yếu này chắc chắn đòi hỏi kiến thức chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, nhưng cũng cần phải có sự cảm thông và nhạy cảm, để có thể thúc đẩy sự đối thoại với các sinh viên và thăng tiến công cuộc đào tạo vừa là những cá nhân con người và là những nhà chuyên môn trong những lĩnh vực học tập của họ.
Nói tóm lại, kiến thức và sự khôn ngoan phải thăng tiến cùng với nhau. Khôn ngoan, theo ý nghĩa kinh thánh, thúc giục chúng ta vượt xa hơn những thực tại theo kinh nghiệm để khám phá ra ý nghĩa cùng đích của chúng. Thách đố đối với các đại học là phải thúc đẩy một nền giáo dục sự khôn ngoan, để con người có khả năng làm hài hòa những nghiên cứu khoa học và kỹ thuật với bước tiếp cận đầy tính nhân văn, với niềm tin rằng việc theo đuổi chân và thiện là cùng đích của con người. Vì vậy vua Sa-lo-mon, con của vua Đa-vít, khi lên ngai vua, đã đi tế lễ ở đền thờ Ghíp-ôn, và nài xin Đức Chúa ban cho sự khôn ngoan bằng những lời này: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3:9).
Thế giới của chúng ta vô cùng cần phải phát triển một nền giáo dục sự khôn ngoan. Chúng ta cần phải tìm ra các con đường để đào tạo những người lãnh đạo đủ khả năng vạch ra được những hướng đi mới trong nỗ lực đáp ứng được các nhu cầu của ngày nay mà không tạo ra những thành kiến đối với các thế hệ tương lai (x. Tông huấn Laudato Si’, 53). Tìm được con đường hiệu quả để trả lời cho thách đố này là điều quan trọng trên tất cả trước thực tế của xã hội toàn cầu thay đổi nhanh chóng của chúng ta, với những khủng hoảng về xã hội và kinh tế và những xung khắc giữa các thế hệ. Tôi vững tin rằng Đại học của các bạn sẽ cố gắng đào tạo ra được những nhà lãnh đạo biết nhạy cảm với các vấn đề đạo đức đang nổi lên trong các xã hội của chúng ta và nhu cầu cần phải bảo vệ vào chăm sóc cho những anh chị em hèn kém nhất của chúng ta. Vì chỉ bằng cách phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện thì khoa học và nghệ thuật mới có thể thể hiện được phẩm giá trọn vẹn của nó.
Tôi cảm ơn các bạn về chuyến viếng thăm, và tôi cầu nguyện rằng các bạn sẽ luôn khát sự khôn ngoan đó là món quà của Thiên Chúa làm cho chúng ta sống đời sống tốt lành và trổ sinh hoa trái. Xin Chúa chúc lành cho các bạn, gia đình của các bạn và công cuộc quan trọng của các bạn.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/10/2017]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Thiên Đàng, cùng đích cho niềm hy vọng của chúng ta

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Thiên Đàng, cùng đích cho niềm hy vọng của chúng ta

Thiên Chúa là Cha, và Người chờ đợi lần trở về cuối cùng của chúng ta
25 tháng Mười, 2017
Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Thiên Đàng, cùng đích cho niềm hy vọng của chúng ta
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Thiên Đàng, cùng đích cho niềm hy vọng của chúng ta.”
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Đây là bài giáo lý cuối cùng về chủ đề Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu, loạt bài đã đi theo chúng ta từ đầu Năm Phụng vụ. Và tôi sẽ đúc kết với chủ đề Thiên Đàng, đích cuối cùng của chúng ta.
“Thiên Đàng” là một trong những từ ngữ cuối cùng mà Chúa Giê-su nói trên thập giá với người trộm lành. Chúng ta hãy dừng lại một chút trước cảnh này. Chúa Giê-su không cô đơn trên thập giá. Bên cạnh ngài, bên phải và bên trái là hai kẻ bất lương. Có lẽ, khi đi qua trước những thập giá được dựng trên đồi Gôn-gô-tha đó, người ta buông một tiếng thở dài nhẹ nhàng, cho rằng cuối cùng công lý cũng được thực hiện đưa những người như vậy đến với tử thần.
Bên cạnh Chúa Giê-su cũng có một phạm nhân tự thú: một người chấp nhận rằng anh ta đáng chịu một sự trừng phạt khủng khiếp như vậy. Chúng ta gọi anh ta là “kẻ trộm lành,” đối nghịch lại với người trộm kia, anh ta nói: Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm (x. Lc 23:41).
Trên đồi Can-vê, trong thảm kịch của ngày thứ Sáu Thánh đó, Chúa Giê-su đã bước đến cực điểm của sự Nhập Thế của Người, của sự chung phần với thân phận tội nhân của chúng ta. Đó là ứng nghiệm lời của tiên tri I-sai-a nói về Đấng Phục vụ chịu Đau khổ: “Người đã bị liệt vào hạng phạm pháp” (53:12; x. Lc 22:37).
Chính tại đó, trên đồi Can-vê, Chúa Giê-su có cuộc gặp gỡ cuối cùng với một tội nhân, để mở ra cho anh ta cánh cửa vào Vương quốc của Người. Đây là điều thú vị: đó là lần duy nhất cụm từ “Thiên Đàng” xuất hiện trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su hứa ban nó cho một “kẻ bất lương đáng thương,” là người trên cây thập tự bằng gỗ đã có lòng can đảm gửi đến cho Người lời cầu xin khiêm nhường nhất: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Anh ta chẳng có sự nghiệp gì tốt lành để kể ra, nhưng anh ta chỉ tín thác cho Chúa Giê-su, người mà anh nhận ra là vô tội, tốt lành, rất khác với anh (c. 41). Lời cáo mình khiêm nhường đó đủ để chạm đến trái tim của Chúa Giê-su.
Người trộm lành nhắc chúng ta nhớ đến tình trạng thật của chúng ta trước Thiên Chúa: rằng chúng ta là con cái của Người, rằng Người có lòng thương xót chúng ta, rằng Người nguôi hết mọi cơn giận mỗi khi chúng ta lại nhớ đến tình yêu của Người. Trong các phòng của bệnh viện hay trong các buồng ngục tù phép lạ này được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần: không một người nào không được đón nhận ơn sủng, cho dù cuộc sống có xấu xa và chỉ còn lại là sự tuyệt vọng. Tất cả chúng ta rồi sẽ trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, một phần nào đó giống như người thu thuế trong dụ ngôn đứng cầu nguyện ở cuối Đền thờ (x. Lc 18:13). Và mỗi khi một người xét mình lần cuối cùng trong đời, đều thấy rằng những thiếu sót của bản thân lớn hơn rất nhiều so với những việc tốt lành đã làm, nhưng người đó đừng thất vọng, hãy phó thác bản thân cho lòng thương xót của Chúa. Và điều này cho chúng ta sự hy vọng; việc này mở cửa tâm hồn chúng ta!
Thiên Chúa là Cha, và Người chờ đợi lần trở về cuối cùng của chúng ta. Và khi Người Con Hoang Đàng trở về, nó vừa bắt đầu thú nhận tội lỗi của mình thì người cha đã ngăn lại bằng một cái ôm (x. Lc 15:20). Thiên Chúa là vậy: đó là cách Người yêu thương chúng ta!
Thiên Đàng không phải là một nơi trong giấc mơ hay là một khu vườn huyền bí. Thiên Đàng là cái ôm của Thiên Chúa, Tình yêu vô tận, và chúng ta bước vào đó nhờ Chúa Giê-su, Đấng đã chết trên thập giá cho chúng ta. Nơi nào có Chúa Giê-su, nơi đó có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Ngài, chỉ có sự lạnh lùng và bóng tối. Trong giờ lâm chung, một Ki-tô hữu lặp đi lặp lại với Chúa Giê-su: “Xin hãy nhớ đến con.” Và nếu chẳng có ai nhớ đến chúng ta, thì Chúa Giê-su vẫn ở đó, bên cạnh chúng ta. Người muốn đem chúng ta đến một nơi đẹp đẽ nhất mãi trường tồn. Người muốn đưa chúng ta đến đó với một chút hoặc rất nhiều điều tốt lành trong cuộc sống của chúng ta, để không có điều gì đã được Ngài cứu độ bị hư mất. Và Người sẽ đem về nhà Cha tất cả những gì trong con người chúng ta vẫn còn cần phải được đền bù: những vấp ngã và những lỗi lầm của cả cuộc đời. Đây là chung cuộc của cuộc đời chúng ta: khi mọi sự hoàn tất và được biến đổi trong tình yêu.
Nếu chúng ta tin tưởng điều này, cái chết không còn làm chúng ta sợ hãi, và chúng ta có thể hy vọng bước khởi hành ra khỏi trần gian này trong bình an và với lòng tín thác. Bất cứ ai đã biết Chúa Giê-su sẽ không còn cảm thấy sợ hãi. Và chúng ta có thể lặp lại những lời của ông già Si-mê-on, người được chúc phúc khi gặp được Đức Ki-tô sau trọn cuộc đời sống trong chờ đợi: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (Lc 2:29-30).
Cuối cùng, trong giờ phút đó chúng ta sẽ chẳng còn cần thứ gì, chúng ta sẽ không còn bị lẫn lộn giữa nhiều điều. Chúng ta sẽ không phải khóc, vì mọi sự đã qua đi, kể cả những sự tiên tri, kể cả kiến thức, chỉ còn lại tình yêu, tình yêu còn ở lại, vì “đức mến không bao giờ mất được” (x. 1 Cr 13:8).
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2017]