Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Những nữ tu Siervas nói, “Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện.”

Những nữ tu Siervas nói, “Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện.”

Những nữ tu Siervas
AP Photo | Damian Dovarganes

Không chỉ là nhạc rock and roll. Mọi người thích nó.

Đã ba năm kể từ lần đầu tiên 12 nữ tu trình diễn nhạc rock trên sân khấu. Trong tu phục đen trắng của các chị, guitar điện, vi-ô-lông xen và kèn clarinet và dàn trống rock, ban nhạc Siervas (tiếng Tây Ban nha có nghĩa là “những người phục vụ”) không còn là ban nhạc chỉ có một bài nổi tiếng. Với hàng triệu lượt xem video trên kênh YouTube, hai album của các chị với lượng người theo dõi quốc tế ngày càng tăng, ban nhạc gần như đã tiến đến giải Grammy năm ngoái.

Khai sinh trong một dòng tu ở Peru, ban nhạc Siervas ban đầu chơi nhạc trong các nhà tù, với mục đích hướng đến những nhu cầu của các nữ tù nhân, và những người nghèo mà các chị chăm sóc. Khi các chị tiếp tục viết thêm các bài hát, và phát hành CD đầu tay, các chị bắt đầu công diễn cả trong nước và quốc tế. Dưới đây, giọng hát chính của nhóm là seour Monica Nobl nói chuyện với Aleteia về rock and roll, phục vụ người nghèo, loan báo về Thiên Chúa, và nhạc pop.




Để viết những bản nhạc các chị đang trình diễn, hầu như rõ ràng là các chị không đi theo hướng nhạc phụng vụ. Ban nhạc Siervas nghe thể loại nhạc gì? Các chị thán phục những nhạc sĩ “đời” nào?

Sự thật là chúng tôi không nghe nhạc đời. Những khi chúng tôi có thời gian nghe nhạc, chúng tôi chọn nghe những bài ca mang thông điệp Ki-tô giáo, và ưu tiên hơn nếu đó là nhạc của những nhạc sĩ Công giáo. Tuy nhiên, theo lẽ tự nhiên tất cả chúng tôi đều đã tiếp cận với nhạc đời trong cuộc sống, trước khi gia nhập đời sống cộng đoàn. Mỗi người chúng tôi đều có sở thích riêng. Một vài chị thích Beatles, Michael Jackson, U2, Toto, Sting, hoặc Adele, hoặc nhóm khác.

Vai trò của những người các chị phục vụ hàng ngày có ảnh hưởng gì trong các bản nhạc của các chị?

Âm nhạc chúng tôi viết ra miêu tả những gì có trong con tim của chúng tôi. Chúng tôi đặt tên cho album đầu tay là Ansias que queman (“Những khát khao cháy bỏng”) vì nó diễn tả một trong những khao khát sâu thẳm nhất của chúng tôi: mong sao tất cả chúng ta cam kết trong việc tạo ra sự thay đổi cho thế giới và để cho Thiên Chúa đi vào thế giới. Cùng trong một tinh thần như vậy, album thứ hai của chúng tôi có tựa đề Hoy Despierto (“Hôm nay tôi bừng tỉnh”) vì chúng tôi muốn giúp mọi người bừng tỉnh và nhìn thấy một Thiên Chúa luôn hiện diện trên trần gian nhưng đồng thời lại thường bị quên lãng và chối bỏ. Rõ ràng sự tiếp xúc của chúng tôi với những người thiếu thốn và ý thức của chúng tôi về sự cần thiết Thiên Chúa trong thế giới hiện tại của chúng ta là điều đã khơi nguồn cảm hứng và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của chúng tôi.

Một số nhạc sĩ không thuộc tôn giáo rõ ràng (hầu hết là nhạc sĩ nhạc pop) chỉ trích nhạc đạo, họ tranh luận rằng hầu hết lời bài ca không mang tính thuyết phục, dường như là thiếu tính thực tế, có lẽ vì họ thấy nó mang tính tôn giáo nhiều quá. Nghĩa là, thay vì “kể,” thì hầu hết lời nhạc đạo lại “rao giảng.” Thật ra, nhạc pop có đầy những câu chuyện về sự sa ngã và cứu độ, và người ta rất dễ dàng liên tưởng đến chúng, thậm chí có thể còn dễ dàng hơn dòng nhạc thuần đạo. Các chị có ý kiến gì về vấn đề này?

Sự thật là tôi không biết gì về chỉ trích này. Nhưng dù sao đi nữa, vì chúng tôi đã bắt đầu với dự án nhạc này chúng tôi biết rằng mỗi lúc chúng tôi bước lên sân khấu và, dĩ nhiên, trong mỗi bài nhạc chúng tôi viết ra, chúng tôi muốn trình bày bản chất thật của con người chúng tôi. Siervas không nhắm đến việc “trình diễn,” nhưng tìm cách để chia sẻ với những người thưởng thức nhạc chúng tôi, bằng tính xác thực, chúng tôi là ai, cách chúng tôi sống đức tin, điều gì làm chúng tôi hạnh phúc và điều gì làm chúng tôi lo lắng. Vì lý do đó, giáo lý mà chúng tôi đưa ra trước mỗi bài hát là vô cùng quan trọng, trong các buổi trình diễn trực tiếp. Trong phần giáo lý, chúng tôi cố gắng chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chúng tôi và con đường tốt nhất của chúng tôi để thực hiện việc này là đưa ra chứng tá của con đường chúng tôi đã đi qua. Thế giới đang rất cần những vấn đề liên quan đến Công giáo có thể chia sẻ ý nghĩa thật sự của việc theo chân Chúa Giê-su Ki-tô. Tôn giáo không phải là một điều gì đó xa cách và là ngoại lai với mọi người. Phải ngược lại mới đúng!

Lập một ban nhạc rất khó. Việc chia sẻ cuộc sống cộng đoàn có giúp các chị giải quyết được những căng thẳng vốn có đối với những hoạt động âm nhạc, hay ngược lại, lại thêm căng thẳng? Đôi khi có người tưởng tượng ra nhà dòng của các chị giống như một phòng diễn tập khổng lồ, hoặc là một phòng thu âm với một nhà nguyện trong đó.

Sống chung với người khác luôn luôn là một thách đố. Tất cả chúng tôi phải học cách lắng nghe và tôn trong ý kiến khác. Dĩ nhiên, trong đời sống chung, đời sống dòng tu, chúng tôi cũng phải học điều này. Điều rất đẹp về Siervas là trước hết chúng tôi là một cộng đoàn, chúng tôi là chị em và bạn của nhau, và sau đó chúng tôi mới là một ban nhạc. Tôi nghĩ điều đó giúp rất nhiều khi chúng tôi phải đối mặt với những thách đố thường có, nhưng trước khi là những nhạc sĩ chúng tôi là nữ tu, chúng tôi là những tông đồ và điều kết hiệp chúng tôi là khao khát đem Chúa đến cho mọi người. Chúng tôi không những xem ban nhạc như một công việc tông đồ, chúng tôi cũng chịu trách nhiệm những sự phục vụ khác. Nhiều người chúng tôi đi thăm các nhà tù; những người khác đi thăm người sống trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo túng.

Chị có nghĩ Siervas có một ví trí riêng của mình trong nền nhạc pop? Điều gì phân biệt giữa nhạc pop và nhạc đạo? Đây có phải là sự phân biệt không đúng?

Là nữ tu khao khát lớn nhất của chúng tôi là Thiên Chúa có thể có được một không gian trong văn hóa hiện thời, vì thế nếu nhạc pop là một kênh để chuyển tải thông điệp của Ngài, thì rõ ràng chúng tôi hy vọng chúng tôi có một vị trí trong văn hóa nhạc pop đương thời. Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện. Chúng tôi không bao giờ sử dụng những nhạc cụ hay giai điệu này trong phụng vụ, chúng tôi cho rằng phụng vụ đòi hỏi thể loại âm nhạc phù hợp cho những nhu cầu thiêng liêng đặc biệt.

Nếu chúng ta nói về những ranh giới (ranh giới phân chia nhạc pop với nhạc đạo) tôi cho rằng chúng ta gặp phải sự khó khăn gấp đôi. Về một mặt, vì muốn hiện đại hóa âm nhạc phụng vụ, đôi khi vì sự thiếu hiểu biết nên có khi sử dụng sai những tiết điệu và bài hát được giới thiệu mà không có sự xem xét cần thiết và hiểu biết về phụng vụ. Về khía cạnh đó cần phải có sự phân biệt rõ ràng. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng một ranh giới gượng ép được dựng lên giữa giữa âm nhạc với nội dung tôn giáo và văn hóa nhạc pop. Sự phân biệt không đúng giữa tôn giáo và tính hiện đại là điều mà Siervas đang làm cầu nối, tôi hy vọng như vậy.

Trong Giáo hội Công giáo, có nhiều nhóm nhạc sáng tác nhạc đạo được sử dụng trong phụng vụ. Họ thậm chí chơi trong các Thánh Lễ, hoặc các sự kiện Ki-tô giáo lớn. Nhưng chúng tôi nhìn thấy rằng có một nhu cầu rất lớn về âm nhạc để có thể tiến đến được với những người còn rất xa. Với Siervas, chúng tôi đang cố gắng viết ra những bản nhạc có thể đến được với những vùng ngoại biên, tới những người Công giáo đã rời xa Giáo hội, với những Ki-tô hữu không thuộc Công giáo, hoặc thậm chí với những người vô thần. Chúng tôi viết ra những bản nhạc để bạn có thể nghe khi đang lái xe hoặc di chuyển, trong thời gian rảnh, thể loại nhạc với một thông điệp có thể đồng hành với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi không dám nói rằng âm nhạc của chúng tôi là “thánh ca.” Đó là một bản nhạc với một thông điệp được chuyển tải trong thể loại nhạc pop, pop-rock, Latin-pop. Chúng tôi muốn “đẩy” thông điệp của Thiên Chúa vào, để nó có thể đến được với những người không thể đón nhận thông điệp nếu nó được trình bày theo phong cách khác.

Sự nghiệp âm nhạc của các chị liên quan như thế nào với đặc sủng của dòng?

Đặc sủng dòng chúng tôi là phục vụ những người thiếu thốn. Chúng tôi hoạt động với người nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư, phụ nữ trong tù, đó là những công tác phục vụ bên cạnh những công tác thừa sai của chúng tôi. Chúng tôi chọn tên gọi “Siervas” (có nghĩa là “Những người phục vụ”), vì qua âm nhạc chúng tôi muốn đặt mình vào sự phục vụ thế giới hiện đại hiện đang rất cần Thiên Chúa. Cần phải loan báo Thiên Chúa trong những vùng ngoại biên mà Đức Thánh Cha Phanxico đã nói đến rất nhiều và âm nhạc của chúng tôi có sứ mạng đi vào tâm hồn của những người đang cần Người nhất. Bên cạnh việc trao tặng niềm hy vọng và sức mạnh cho người Công giáo đã cam kết trong đức tin của họ, chúng tôi muốn tiến đến với những người vô thần, người Ki-tô hữu đã cách rất xa với đức tin và tất cả những người không biết gì về đức tin của chúng ta. Chúng tôi là những người thừa sai, sáng tác nhạc cho Chúa, và nhạc của chúng tôi là một kênh để chúng tôi có thể đến được với tất cả những người đó. Qua âm nhạc chúng tôi đặt mình vào sự phục vụ tha nhân theo hai ý nghĩa. Chúng tôi phục vụ Thiên Chúa bằng cách loan báo Ngài cho một thế giới đang rất cần thông điệp của Người, đồng thời âm nhạc là một khí cụ cho phép chúng tôi gây quỹ cho người thiếu thốn để chúng tôi có thể tiếp tục giúp đỡ những người sống trong những khu vực ngoại biên về địa lý.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2018]


Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Người mục tử phải thể hiện lòng nhân từ và sự gần gũi của Chúa Giê-su’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Người mục tử phải thể hiện lòng nhân từ và sự gần gũi của Chúa Giê-su’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Người mục tử phải thể hiện lòng nhân từ và sự gần gũi của Chúa Giê-su’

Trong bài giảng Lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta sáng thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng những ai được trao phó chăm sóc dân Chúa phải luôn luôn thể hiện sự hiền lành và sự gần gũi của Chúa Giê-su, như được trình bày trong các bài đọc (Mc 5:21-43).

30 tháng Một 2018, 11:31
Devin Watkins
Đức Thánh Cha Phanxico lấy ý từ bài Tin mừng theo Thánh Mác-cô trình bày “một ngày trong đời sống của Chúa Giê-su.”

Hai câu chuyện chữa lành được Mác-cô tường thuật cần phải được “chiêm ngắm hơn là suy ngẫm,” ngài nói, vì chúng là một mẫu gương cho người mục tử, các giám mục, và các linh mục.
Gần gũi với dân Chúa và chăm sóc cho họ

Tác giả Tin mừng miêu tả Chúa Giê-su được vây quanh bởi một đám đông lớn trên bờ biển. Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Chúa Giê-su được miêu tả là chăm sóc dân chúng, đúng như lời Thiên Chúa đã hứa, tức là “ở giữa mọi người”

“Chúa Giê-su không mở một văn phòng tư vấn tâm hồn với tấm bảng hiệu ghi: ‘Làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu 3:00 đến 6:00 chiều. Đó là giờ bình thường, hay nếu muốn, bạn có thể đặt giờ hẹn.’ Không, Chúa Giê-su không làm như vậy. Người cũng chẳng mở một phòng khám bệnh với biển hiệu đề: ‘Bệnh nhân có thể đến ngày đó, giờ đó, và tôi sẽ điều trị bệnh.’ Chúa Giê-su đến giữa mọi người.”

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng đây là “tấm gương của một người mục tử mà Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta.”

Ngài cũng kể câu chuyện về người linh mục thánh thiện đồng hành cùng dân Chúa. Đức Thánh Cha nói rằng linh mục này tối đến là mệt rã người nhưng đó là một “cái mệt đích thực” của “một con người đã lao động thật sự” với dân Chúa.

Đối mặt với những khó khăn bằng sự hiền lành

Đức Thánh Cha cũng nói rằng Tin mừng cũng miêu tả Chúa Giê-su bị đám đông “chen lấn, xô đẩy.” Ngài nói rằng động từ tiếng Hy lạp (συνέθλιβον) xuất hiện năm lần trong Tin mừng của Mác-cô, nhấn mạnh rằng con người hôm nay cũng làm như vậy trong những chuyến thăm mục vụ để “đón lấy ơn sủng.”

Ngài nói, Chúa Giê-su không bao giờ từ bỏ sự gần gũi này và thậm chí còn phải trả giá cho những điều tốt lành của Người với sự xấu hổ và sự nhạo báng.” Đây là “những điểm chính trong cách hành động của Chúa Giê-su,” Đức Thánh Cha nói, và từ đó thể hiện “thái độ của một người mục tử thật sự.”

“Người mục tử không chỉ được xức dầu trong ngày lãnh nhận chức thánh: các linh mục và giám mục. Nhưng dầu đích thực – dầu tâm hồn – là dầu của sự gần gũi và sự hiền lành. Người mục tử không biết gần gũi với dân Chúa là đang đánh mất một cái gì đó. Người đó có thể rất giỏi trong chuyên môn, nhưng không phải là mục tử. Một người mục tử thiếu lòng nhân từ sẽ trở nên cứng nhắc, lấy gậy đánh con chiên. Sự gần gũi và lòng nhân từ được nhìn thấy ở đây. Đó là cách của Chúa Giê-su.”

Thiên Chúa đòi hỏi sự gần gũi và sự hiền lành nơi người mục tử

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục nói rằng người mục tử, cũng như Chúa Giê-su “kết thúc một ngày mệt mỏi rã rời,” mệt mỏi vì làm những điều tốt lành. Ngài nói, nếu đây là thái độ của người mục tử, dân Chúa sẽ cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa hằng hữu.

Đây là lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong ngày.

“Hôm nay trong Thánh Lễ này chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử của chúng ta, xin Chúa ban cho họ ơn sủng đồng hành cùng với dân Chúa và ở giữa họ với lòng nhân từ và sự gần gũi. Khi dân Chúa tìm thấy người mục tử của họ, họ sẽ cảm nhận một cảm xúc đặc biệt chỉ có được trước sự hiện hữu của Thiên Chúa, như trong phần kết của Tin mừng hôm nay: “họ tràn đầy ngạc nhiên.” Sự kinh ngạc này đến từ sự cảm nhận được tính gần gũi của Thiên Chúa qua người mục tử.”


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/1/2018]

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

28 tháng Một, 2018
Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

Chị chọn phương châm “Lạy Chúa, con sẽ theo Người vào cả bóng đêm đen, đến cả cái chết.”

Sinh năm 1904 trong một gia đình vô thần, nhưng Itala Mela được nuôi dưỡng bởi ông bà là người Công giáo. Họ chuẩn bị cho cô được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm sức, cả hai Bí tích năm 1915. Tuy nhiên, một biến cố đau thương trong cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của cô về Thiên Chúa.

Năm 15 tuổi em trai của cô chết (9 tuổi) và điều đó để lại một khoảng trống hoàn toàn trong tâm hồn cô. Cô viết về cảm nhận của cô lúc đó, “Sau cái chết của em trai, chẳng còn gì.”

Chủ nghĩa vô thần theo chị nhiều năm sau đó cho đến năm 18 tuổi, chị có một trải nghiệm thiêng liêng sâu thẳm. Chuyện xảy ra vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm và sau đó chị quyết tâm kiên vững và tuyên bố, “Lạy Chúa, con sẽ theo Người vào cả bóng đêm đen, đến cả cái chết.”

Sau đó chị trở thành một thành viên của Liên đoàn Sinh viên Đại học Công giáo (FUCI) và vào Đại học Genoa. Chính trong những cuộc họp của FUCI mà chị gặp được Don Giovanni Battista Montini, người sau này trở thành Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Ngài Montini đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc đối với Mela.

Khi chị đang thăng tiến trên đời sống thiêng liêng chị có sự trải nghiệm thần bí khác, được miêu tả như tia sáng chói phát ra từ nhà tạm và đi vào tâm hồn chị. Sau đó chị viết, “Tôi cảm nhận thấy ý định của Đức Ki-tô tận trong sâu thẳm tâm hồn tôi, kéo tôi đi, nhận chìm tôi vào trong Ngài trong những đại dương của Chúa Ba Ngôi … Thật vô ích nếu tìm những con đường khác: đây là cách Người đã chọn cho sự thánh hóa của tôi.”

Cảm nhận được tiếng gọi vào đời sống tu trì, chị xin vào Dòng Biển Đức, nhưng sức khỏe không cho phép chị ở lại. Nhưng chị trở thành một Hiến sĩ của Dòng Biển Đức và tận hiến mình cho Chúa Ba Ngôi.

Chị viết nhiều bài viết về đời sống thiêng liêng sâu sắc và tiếp tục có những thị kiến thiêng liêng và xuất thần. 

Chị Mela qua đời năm 1957 ở tuổi 52. Đức Thánh Cha Phanxico nói về việc chị được nâng lên hàng chân phước trong một Huấn từ Kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến, hôm qua chị Itala Mela đã được nâng lên bậc chân phước ở La Spezia. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất xa cách đức tin; khi còn trẻ chị tuyên bố mình là một người vô thần, nhưng đã trở lại sau một trải nghiệm thiêng liêng rất lớn. Chị hoạt động giữa các sinh viên Đại học Công giáo; sau đó chị trở thành một Hiến sĩ Dòng Biển Đức và đi theo con đường thần bí tập trung vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng đặc biệt hôm nay. Mong sao chứng tá của vị Tân Chân Phước động viên chúng ta, trong mọi ngày của chúng ta, biết hướng ý nghĩ về Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần Đấng ngự trong tâm hồn chúng ta.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)

Kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất

25 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot
Lúc 5:30 chiều ngày 25 tháng Một, 2018, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phao-lô Ngoại thành, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Lễ Kinh Chiều thứ hai trong ngày Lễ trọng Thánh Phaolo Tông đồ Trở lại, cuối Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất thứ 51, với chủ đề: Lạy Chúa, uy quyền thay bàn tay của Người (x. Xh 15:1-21).

Tham dự trong Thánh Lễ có đại diện của các Giáo hội và Cộng đoàn Hội thánh khác ở Roma.

Khi kết thúc Giờ Kinh Chiều, trước Phép Lành Tòa Thánh, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Ki-tô hữu, đọc lơi chào mừng Đức Thánh Cha.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ.


* * *


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bài đọc trích Sách Xuất hành, kể chuyện ông Môi-sê và bà Ma-ri-am, anh chị em, ông bà đã cất lên bài ngợi ca Thiên Chúa trên bờ Biển Đỏ, cùng với cộng đoàn dân Chúa đã được giải thoát khỏi Ai-cập. Họ hát lên niềm vui vì trong những dòng nước đó Thiên Chúa đã cứu họ thoát khỏi kẻ thù đang quyết tâm diệt trừ họ. Trước đó, Pha-ra-ông đã ra lệnh: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin” (Xh 1:22). Nhưng khi tìm thấy một đứa trẻ bên trong một chiếc giỏ giữa đám lau sậy của sông Nin, con gái của Pha-ra-ông đã đặt tên cho bé là Môi-sê, vì bà nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước!” (Xh 2:10). Câu chuyện cứu thoát Môi-sê khỏi dòng nước đã báo trước một cuộc giải thoát lớn hơn, đó là cuộc giải thoát toàn dân, cuộc giải thoát mà Thiên Chúa đã mở ra lối đi xuyên qua dòng nước của Biển Đỏ, rồi sau đó đổ ập xuống trên kẻ thù. Nhiều Giáo phụ xưa giải thích cuộc giải thoát này như là một hình ảnh của Bí tích Thánh Tẩy. Chính tội của chúng ta đã bị Thiên Chúa nhận chìm trong những dòng nước của Phép Thánh Tẩy. Còn hơn cả Ai-cập, tội luôn đe dọa bắt chúng ta làm nô lệ, nhưng sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa đã nhận chìm nó. Thánh Augustine (Bài giảng 223E) giải thích Biển Đỏ, nơi người Israel chứng kiến sự giải thoát của Thiên Chúa, như là dấu hiệu báo trước của Máu của Đức Ki-tô Đóng Đinh, nguồn cội ơn cứu độ. Tất cả người Ki-tô hữu chúng ta đã đi qua những dòng nước của Phép Thánh Tẩy, và ơn sủng của Bí tích đã phá hủy những kẻ thù của chúng ta, tội, và sự chết. Bước lên khỏi dòng nước, chúng ta lấy lại được sự tự do của con cái; chúng ta đứng lên như một dân tộc, như một cộng đoàn gồm những anh em chị em được giải thoát, như là những người đồng hương của các thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (Eph 2:19). Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm nền tảng: ân sủng của Thiên Chúa, lòng thương xót đầy quyền năng của Người giải thoát chúng ta. Và chính vì Thiên Chúa đã thực hiện vinh quang này nơi chúng ta, nên chúng ta cùng nhau hát lên lời ca khen.

Trong đời sống, chúng ta trải nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng mỗi ngày yêu thương giải thoát chúng ta khỏi tội, khỏi sự sợ hãi, và khỏi những thống khổ. Những kinh nghiệm quý báu này được cất giữ trong tâm hồn và trong ký ức. Tuy nhiên, đối với Môi-sê, kinh nghiệm cá nhân được liên kết đến một lịch sử lớn hơn, đó là lịch sử cứu độ dân Chúa. Chúng ta nhìn nó trong bài ca được người Israel đồng thanh cất lên. Nó bắt đầu từ một câu chuyện riêng tư: Chúa là sức mạnh của tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi (Xh 15:2). Nhưng ngay lập tức nó trở thành câu chuyện cứu độ toàn dân: “Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự” (c. 13). Người cất lên lời ca này nhận ra rằng ông không cô đơn trên bờ Biển Đỏ, nhưng xung quanh là những anh em chị em, những người đã đón nhận cùng ân sủng và cùng cất lên lời ca khen.

Và Thánh Phao-lô mà chúng ta mừng sự trở lại của ngài hôm nay, đã có kinh nghiệm rất mạnh mẽ về ân sủng, ân sủng đã gọi ngài từ một kẻ bắt đạo trở thành một Tông đồ của Đức Ki-tô. Ân sủng của Thiên Chúa cũng dẫn đưa ông ngay lập tức đi tìm mối quan hệ với những Ki-tô hữu khác, đầu tiên tại Đa-mát và sau đó tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 9:19.26-27). Đây là kinh nghiệm của người tín hữu chúng ta. Khi chúng ta càng lớn lên trong đời sống thiêng liêng, chúng ta hiểu rõ hơn rằng ân sủng đến với chúng ta cùng với tha nhân và phải được chia sẻ với tha nhân. Vì vậy, khi tôi cất tiếng ca tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Người đã làm cho tôi, tôi khám phá ra rằng tôi không hát một mình vì những người anh em chị em khác cùng có tiếng ca tạ ơn như tôi.

Nhiều tông phái Ki-tô giáo khác cũng có kinh nghiệm này. Trong thế kỷ qua, cuối cùng chúng ta tìm thấy mình cùng ở trên những bờ Biển Đỏ. Chúng ta được cứu thoát trong Bí tích Thánh Tẩy và cất lên bài ca ngợi khen, bài ca mà những người anh em chị em khác cùng cất lên, thuộc về chúng ta vì nó cũng là của chúng ta. Khi chúng ta nói rằng chúng ta công nhận Bí tích Rửa tội của những Ki-tô hữu thuộc các truyền thống khác, chúng ta tuyên xưng rằng họ cũng đã đón nhận sự tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong họ. Và chúng ta thừa nhận sự tôn thờ của họ như là cách bày tỏ sự ca khen đích thực vì những gì Thiên Chúa đã thực hiện. Vì vậy chúng ta ước mong được cầu nguyện chung với nhau, hiệp nhất những tiếng nói của chúng ta nhiều hơn. Và ngay cả khi những sự khác biệt chia cách chúng ta, chúng ta vẫn biết rằng chúng ta thuộc về dân tộc được cứu chuộc, thuộc về cùng gia đình của những anh em chị em được một Chúa Cha thương yêu.

Sau sự giải thoát, dân được chọn thực hiện một hành trình dài thời gian và khó khăn qua sa mạc, có những lúc do dự, nhưng lấy sức mạnh từ ký ức của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa và của sự hiện hữu gần gũi của Người. Người Ki-tô hữu hôm nay cũng tìm thấy nhiều khó khăn trên hành trình, vây quanh bởi quá nhiều những sa mạc tinh thần, chúng làm cho niềm hy vọng và niềm vui bị khô kiệt. Trên hành trình cũng có nhiều sự nguy hiểm lớn, chúng đặt cuộc sống vào những mối hiểm nguy: không biết bao nhiêu anh em ngày nay đang chịu bắt bớ vì danh Chúa Giê-su! Khi máu của họ đổ ra, cho dù họ có thuộc về các Tông phái khác, thì họ trở thành những chứng nhân của đức tin, những người tử đạo, được hiệp nhất trong mối dây của ân sủng bí tích rửa tội. Cùng với bạn bè thuộc các truyền thống tôn giáo khác, người Ki-tô hữu cũng đối mặt với những thử thách hạ thấp nhân phẩm của hôm nay: họ chạy trốn khỏi những hoàn cảnh xung đột và nghèo khó; là nạn nhân của nạn buôn người và những hình thức nô lệ hiện đại; họ chịu đựng sự nhọc nhằn và đói, trong một thế giới giàu có hơn về của cải nhưng nghèo hơn về sự yêu thương, nơi tiếp tục gia tăng những sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, như người Israel trong cuộc Xuất hành, người Ki-tô hữu được kêu gọi cùng nhau bảo vệ ký ức về tất cả những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ. Làm sống lại ký ức này, chúng ta có thể chịu đựng lẫn nhau và đối mặt với mọi thử thách bằng lòng dũng cảm và hy vọng, vũ khí duy nhất là cùng với Chúa Giê-su và sức mạnh nhân từ của Tin mừng của Người.

Thưa anh chị em, với tâm hồn ngập tràn niềm vui vì hôm nay đã cùng nhau cất lên lời ngợi ca Thiên Chúa Cha, qua Đức Ki-tô Đấng Cứu Độ chúng ta và trong Thần Khí ban tặng sự sống, cha gửi những lời chào thân ái đến tất cả anh chị em: đến Đức Tổng Giám mục Chính tòa Gennadios, Đại diện của Thượng phụ Đại kết; Đức Bernard Ntahoturi, đại diện riêng của Đức tổng giám mục Canterbury ở Roma, và tất cả quý vị Đại diện và thành viên của các tông phái Ki-tô giáo khác ở đây. Tôi rất vui được gửi lời chào đến Phái đoàn Đại kết của Phần lan, mà tôi được hân hạnh tiếp sáng nay. Cha xin chào các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang thực hiện chuyến viếng thăm Roma để đào sâu kiến thức về Giáo hội Công giáo, và các bạn trẻ Chính thống giáo và Chính thống Đông phương đang theo học tại đây nhờ sự quảng đại của Ủy ban hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống, hoạt động trong Ủy ban Giáo hoàng Thúc đẩy sự Hiệp nhất Ki-tô hữu. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì những gì Người đã thực hiện trong cuộc sống và trong cộng đoàn của chúng ta. Bây giờ chúng ta dâng lên Người những sự thiếu thốn của chúng ta và của thế giới, tin tưởng rằng Người, với tình yêu trung tín, sẽ tiếp tục giải thoát và đồng hành với dân Người trên hành trình.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2018]


Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

4 vị thánh trở lại Ki-tô giáo

4 vị thánh trở lại Ki-tô giáo

25 tháng Một, 2018
4 vị thánh trở lại Ki-tô giáo

Đây là những người luôn luôn thao thức trong tâm hồn, cho đến cuối cùng họ tìm được ngôi nhà của họ trong Đức Ki-tô.

Một trong những sự trở lại Ki-tô giáo nổi tiếng nhất là cuộc trở lại của Thánh Phao-lô. Sau khi lao vào con đường bách hại người Ki-tô hữu, sự gặp gỡ của Phao-lô với Đức Ki-tô Phục sinh đặt ngài trên một hành trình mới không những thay đổi bản thân ngài, nhưng cả nhân loại.

Từ đó không biết bao nhiêu linh hồn từ mọi miền của địa cầu đã đón nhận Ki-tô giáo. Trong đó có nhiều thánh nhân không chỉ trở lại, nhưng đã đắm mình trọn vẹn vào Ki-tô giáo. Cũng như thánh Phao-lô, sự gặp gỡ với Đức Ki-tô đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của họ, và đơn giản họ không thể trở lại với lối sống cũ của họ.

Dưới đây là một số vị thánh cảm nhận được tiếng gọi ôm lấy Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô.

Đấng Đáng kính Satoko Kitahara

Public Domain

Con gái của một nhà quý tộc Nhật, Kitahara được nuôi dạy theo thần đạo Nhật Bản. Sau Đệ Nhị Thế Chiến chị cảm thấy một sự trống vắng hoàn toàn trong tâm hồn và bắt đầu đi tìm sự thật. Chị được tác động bởi các Ki-tô hữu trung thành sống ở Nhật và được rửa tội lúc 20 tuổi. Sau khi trở lại, chị chăm sóc những thiếu thốn của người nghèo và dạy giáo lý cho thiếu nhi.

Đấng Đáng kính Marcello Labor

Fair Use

Sinh trong một gia đình người Do thái ở Ý, Labor vào Đại học Vienna và trở thành một bác sĩ. Ông gặp vợ của ông ở đó và kết hôn theo nghi thức Do thái giáo. Cuộc sống thay đổi hoàn toàn đối với ông trong suốt Đệ nhất Thế chiến và ông được tuyển vào làm bác sĩ quân y trong quân đội Ý. Trong suốt thời gian ở chiến tuyến ông được rửa tội cùng với vợ, vì một lời khấn với Mẹ Diễm Phúc. Sau chiến tranh Labor xây một phòng khám và phục vụ người nghèo của thành phố. Sau cái chết của vợ, ông trở thành một linh mục và chịu nhiều đau khổ trước khi qua đời.

Thánh Kateri Tekakwitha

Dieterkaupp | CC BY SA 4.0

Lớn lên giữa dân tộc Mohawk gần Auriesville, New York, Tekakwitha là con gái của một tù trưởng Mohawk. Sau cơn đại dịch đậu mùa cha mẹ của cô qua đời và cô được những người bà con nuôi. Dòng Tên được phép vào thăm những ngôi làng địa phương và một ngày kia Tekakwitha gặp gỡ một linh mục Dòng Tên và ngài rửa tội cho cô. Cô lấy tên “Kateri” (Catherine) sau khi được rửa tội và chọn Chúa Giê-su làm hôn phu của cô.

Thánh Charles Lwanga

Public Domain

Được nuôi trong bộ lạc Baganda ở Uganda, Lwanga lần đầu tiên nghe nói về Ki-tô giáo từ các thành viên trong bộ lạc của Tù trưởng Mawulugungu. Ở đó anh học biết thêm về ngôi vị của Chúa Giê-su Ki-tô và bắt đầu con đường vào Ki-tô giáo. Sau cái chết của Tù trưởng Mawulugungu, Lwanga trở thành người phục vụ trong cung Vua Mwanga II. Tân vương bắt đầu bách hại dữ dội người Ki-tô hữu và Lwanga nhìn thấy người lãnh đạo của nhóm phục vụ bị giết. Được tăng sức mạnh bởi tấm gương của những người tử đạo đã chết, Lwanga xin được rửa tội, và chẳng bao lâu sau bị tống ngục và bị giết vì đức tin anh dũng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2018]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

“Chúa Giê-su là Thầy của chúng ta, đầy quyền năng trong lời nói và hành động”

28 tháng Một, 2018
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mc 1: 21-28) là một phần trong trình thuật rộng lớn hơn của “ngày của Ca-phác-na-um.” Trọng tâm của trích đoạn hôm nay là biến cố trừ quỷ, qua đó Chúa Giê-su được giới thiệu như là một Tiên tri đầy quyền năng trong lời giảng dạy và hành động.

Người tiến vào hội đường ở Ca-phác-na-um trong ngày Sa-bát và bắt đầu giảng dạy. Người ta sửng sốt về lời của Ngài vì chúng không phải là những lời bình thường; chúng không giống như những lời họ thường nghe. Đúng vậy, các kinh sư giảng dạy nhưng không có quyền năng của họ. Và Chúa Giê-su giảng dạy với quyền năng. Chúa Giê-su giảng dạy như một Đấng có quyền năng, từ đó cho thấy chính Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến, chứ không phải là một con người bình thường chỉ giảng dạy dựa trên những truyền thống có trước đó. Chúa Giê-su có toàn quyền năng; giáo lý của Ngài mới mẻ và Tin mừng cho hay dân chúng nói rằng: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy thì có uy quyền” (c. 27).

Đồng thời Chúa Giê-su tỏ lộ chính Ngài có quyền năng trong hành động. Trong hội đường Ca-phác-na-um có một người bị thần ô uế ám, hắn phải xưng mình ra và kêu lớn tiếng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (c. 24). Và tên quỷ này nói sự thật: Chúa Giê-su đến để tiêu diệt ma quỷ, tiêu diệt ma quỷ, để chiến thắng ma quỷ. Thần ô uế này biết quyền năng của Chúa Giê-su và hắn tuyên xưng Ngài là Đấng thánh. Chúa Giê-su quở trách hắn và nói: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (c. 25). Chỉ vài lời này thôi Chúa Giê-su cũng đã chiến thắng Satan, hắn xuất ra khỏi người đó, “lay mạnh người ấy và hét lên một tiếng lớn” (c. 26). Sự kiện này gây xúc động rất mạnh với những người chứng kiến. Tất cả họ đều sợ hãi và tự hỏi “Thế nghĩa là gì? [. . .] “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (c. 27). Quyền năng của Chúa Giê-su khẳng định thẩm quyền của lời giảng dạy của Ngài. Ngài không chỉ nói bằng lời, nhưng bằng hành động. Từ đó Ngài cho thấy chương trình của Thiên Chúa bằng lời nói và bằng sức mạnh của hành động. Quả thật, qua Tin mừng chúng ta thấy rằng, trong sứ mạng trần thế của Ngài, Chúa Giê-su tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa, bất kể bằng sự giảng dạy hay bằng vô vàn những hành động chăm sóc và giúp đỡ người bệnh, người thiếu thốn, trẻ em và tội nhân.

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

Chúa Giê-su là Thầy của chúng ta, đầy quyền năng trong lời nói và hành động. Chúa Giê-su ban cho chúng ta tất cả ánh sáng để soi sáng con đường, có khi tối tăm, trong cuộc sống của chúng ta. Người cũng ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt thắng những khó khăn, thử thách và cám dỗ. Chúng ta thử nghĩ xem thật là một ân sủng lớn lao biết bao cho chúng ta được biết một Thiên Chúa đầy quyền năng và thiện hảo! Một người thầy và là một người bạn, Ngài chỉ cho chúng ta con đường và chăm sóc chúng ta, đặc biệt khi chúng ta trong cơn thiếu thốn.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, người luôn lắng nghe, giúp chúng con biết giữ thinh lặng cho xung quanh và bên trong mình, để lắng nghe — giữa bao ồn ào của thế giới –, lời quyền năng nhất: lời của Chúa Giê-su Con của Mẹ, Đấng công bố ý nghĩa của sự sống của chúng con và giải thoát chúng con khỏi mọi sự nô lệ, kể cả sự nô lệ của Thần Ô Uế.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]




Sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến,

Hôm qua chúng ta nhận được tin đau thương từ Afghanistan về vụ thảm sát khủng bố được thực hiện ở thủ đô Kabul, với gần 100 người chết và rất nhiều người bị thương. Ít ngày trước một vụ tấn công kinh hoàng khác, cũng ở Kabul, gieo rắc sự kinh hoàng và những cái chết trong một khách sạn lớn. Người dân Afghanistan phải chịu đựng tình trạng bạo lực bất nhân như vầy cho đến bao giờ nữa? Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các nạn nhân và gia đình của họ; và chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ở trong đất nước đó tiếp tục làm việc để xây dựng hòa bình.

Hôm nay là Ngày Bệnh nhân Phong Thế giới. Thật đáng buồn, căn bệnh này vẫn còn ảnh hưởng đặc biệt trên những dân tộc ít tiến bộ và nghèo nhất. Chúng ta hãy giữ tình hiệp thông và liên đới với những người anh em chị em này, và chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chăm sóc họ làm mọi điều tốt đẹp nhất để đưa họ trở lại với xã hội.

Cha xin chào các gia đình, các giáo xứ, các Hội đoàn và tất cả anh chị em đến từ nước Ý và nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt, các sinh viên của Badajoz, Tây Ban nha, và các tín hữu của Ljubljana, Slovenia, và tín hữu Venice và Veglie.

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

Cha chào thân ái các thiếu niên nam nữ của Hội Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma! Cha hy vọng rằng cho dù có ồn ào, chúng con vẫn có thể làm những điều tốt lành, được chứ? Chúng con thân yêu, năm nay rất nhiều chúng con có cha mẹ và thầy cô và các linh mục hỗ trợ đi kèm trong buổi cuối của “Cuộc lữ hành Hòa bình.” Cha cảm ơn chúng con vì sáng kiến này. Đừng bao giờ cảm thấy mệt mỏi trở thành những khí cụ hòa bình và niềm vui giữa mọi người! Bây giờ chúng ta sẽ lắng nghe thông điệp của các bạn chúng con, bên cạnh cha, các bạn sẽ đọc.

[Đọc Thông điệp] [Ngài quay sang hai thiếu niên đọc Thông điệp]:

Cảm ơn con; cảm ơn con. Cứ ở lại đây. Con chào đi, chào đi, đừng sợ!”

Và bây giờ, cùng hiệp trong những lời cầu nguyện hòa bình, mỗi chúng ta hãy cầu xin cho hòa bình trong tâm hồn. Những trái bóng bay này sẽ bay lên trời hiệp cùng những lời cầu nguyện!

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giê-su ‘như một Đấng có thẩm quyền cả trong lời giảng dạy và hành động’

Chúng con đã nhìn thấy những trái bóng bay này chưa? Khi chúng ta cầu nguyện không thực lòng, khi chúng ta có một cuộc sống không phải là cuộc sống mà Chúa Giê-su muốn, lời cầu nguyện của chúng ta không lên tới Thiên Đàng và vì thế chúng ta phải giúp chúng bay lên được. Khi chúng con cảm thấy lời cầu nguyện của mình không bay lên được, hãy tìm một người để trợ giúp.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2018]


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxico

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxico

“Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32). Tin giả và ngành báo chí vì hòa bình

24 tháng Một, 2018
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxico


Dưới đây là văn bản do Vatican cung cấp sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới thứ 52 của Đức Thánh Cha. Năm nay, ngày này sẽ được kỷ niệm vào 13 tháng Năm, Lễ Chúa Lên Trời:


* * *


“Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32). Thông tin giả và ngành báo chí vì hòa bình

Anh chị em thân mến,

Truyền thông là một phần trong chương trình của Thiên Chúa cho chúng ta và là một con đường chính để trải nghiệm tình bằng hữu. Được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là sự thật, sự tốt lành, và cái đẹp. Chúng ta có thể miêu tả những kinh nghiệm riêng của mình và thế giới xung quanh, và từ đó tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về những biến cố. Nhưng khi chúng ta đầu hàng trước lòng tự cao và tính ích kỷ, chúng ta cũng có thể bóp méo phương cách chúng ta sử dụng khả năng để giao tiếp. Điều này được thấy rõ ngay từ những buổi đầu, trong các câu chuyện Kinh Thánh về Cain và Abel và Tháp Babel (x. St 4:4-16; 11:1-9). Khả năng bóp méo sự thật là hiện tượng tình trạng của chúng ta, cả cá nhân và cộng đoàn. Ngược lại, khi chúng ta trung thành với chương trình của Thiên Chúa, truyền thông trở nên một cách thể hiện hiệu quả của việc tìm kiếm sự thật và theo đuổi điều thiện của chúng ta.

Trong thế giới truyền thông và những hệ thống kỹ thuật số thay đổi rất nhanh hôm nay, chúng ta đang chứng kiến sự lan tràn những điều được gọi là “tin giả.” Điều này buộc phải suy tư, đó là lý do tại sao tôi quyết định trở lại với vấn đề sự thật trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm nay, và nó cũng được lặp đi lặp lại bởi các vị tiền nhiệm của tôi, bắt đầu từ Đức Phao-lô VI, trong Sứ điệp 1972 với chủ đề: “Truyền thông xã hội phục vụ sự thật.” Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào cam kết chung của chúng ta trong việc ngăn chặn sự lan tràn những tin tức giả và tái khám phá lại phẩm giá của ngành báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo khi truyền thông sự thật.

1. Cái “giả” của tin giả là gì?

Thuật ngữ “tin giả” đã là mục tiêu của những cuộc thảo luận và tranh luận lớn. Nói chung, nó nói đến sự lan tràn những thông tin sai sự thật trên mạng hoặc trên truyền thông truyền thống. Nó là việc đưa thông tin giả tạo dựa trên những mẩu tin không có thật hoặc bị xuyên tạc nhằm mục đích lừa gạt và điều khiển độc giả. Việc lan truyền tin giả nhắm phục vụ cho những mục đích cụ thể nào đó, gây ảnh hưởng trên những quyết định chính trị, và phục vụ lợi ích kinh tế.

Tính hiệu quả của thông tin giả chủ yếu tùy thuộc vào khả năng bắt chước tin thật, ra vẻ rất hợp lý. Thứ hai, tin giả nhưng lại dễ tạo lòng tin này rất “hay xoi mói,” tới mức nó hút sự chú ý của mọi người qua cách nó lôi cuốn những lối sống và những thành kiến chung của xã hội và khai thác những cảm xúc tức thời như lo lắng, hài lòng, tức giận và phẫn nộ. Khả năng lan truyền những tin giả như vậy thường lệ thuộc vào việc sử dụng khéo léo của các mạng xã hội và những chức năng của chúng. Những câu chuyện không thật có thể lây lan quá nhanh đến mức cả những sự phủ nhận chính thức cũng không ngăn chặn được thiệt hại.

Sự khó khăn trong việc lật mặt nạ và loại bỏ tin giả cũng vì có quá nhiều người tương tác trong những môi trường số đồng nhất rất khó phân biệt được những quan điểm và ý kiến. Từ đó thông tin giả phát triển mạnh trên sự thiếu vắng những nguồn thông tin tốt lành có thể đưa ra thách đố một cách hiệu quả trước những thành kiến và tạo ra sự đối thoại mang tính xây dựng; quả thật, nó có nguy cơ biến con người trở thành những kẻ tòng phạm bất đắc dĩ trong việc lan truyền những ý kiến thiên lệch và vô căn cứ. Thảm kịch của thông tin giả là nó gây tai tiếng cho người khác, trình bày họ như những kẻ thù, tới mức biến họ thành như ma quỷ và khích động sự đối kháng. Tin giả là một dấu chỉ của những thái độ bất dung và quá mẫn cảm, và chỉ dẫn tới sự lan tràn tính kiêu ngạo và lòng thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự giả dối.

2. Làm sao chúng ta nhận biết tin giả?

Không ai trong chúng ta có thể cho rằng mình được miễn trách nhiệm chống lại những sự lừa dối này. Đây không phải là một công việc dễ dàng, vì thông tin giả thường dùng những lối diễn đạt cố ý lẩn tránh vấn đề và khôn khéo đánh lạc hướng và có lúc sử dụng những nghệ thuật đánh tâm lý vô cùng tinh vi. Đang có những nỗ lực rất đáng khen xây dựng các chương trình giáo dục nhằm mục tiêu giúp con người hiểu và truy cập thông tin của truyền thông, và dạy họ góp phần tích cực trong việc lật mặt nạ những sự lừa dối đó, đừng vô tình góp phần làm lan truyền thông tin giả. Ngoài ra có những sáng kiến rất đáng khen ngợi của các tổ chức và luật pháp nhằm xây dựng những quy định cho việc ngăn chặn hiện tượng này, cùng với công việc đang được các công ty công nghệ và truyền thông đưa ra những tiêu chuẩn mới để xác minh nhân dạng ẩn giấu đàng sau hàng triệu hồ sơ (profile) số.

Tuy nhiên việc ngăn chặn và nhận dạng ra cách hoạt động của thông tin giả cũng đòi hỏi tiến trình nhận thức sâu rộng và cẩn thận. Chúng ta cần phải lật mặt nạ những điều được gọi là “thủ đoạn của loài rắn” được những kẻ trá hình sử dụng để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Đây là chiến thuật được “con rắn xảo quyệt” trong Sách Sáng thế sử dụng, ngay từ buổi bình minh của nhân loại, hắn đã dựng lên những thông tin giả đầu tiên (x. St 3:1-15), và nó bắt đầu lịch sử bi thảm về tội của con người, khởi đầu bằng việc anh em trong nhà giết lẫn nhau (x. St 4) và là khởi đầu của không biết bao nhiêu tội ác khác chống lại Thiên Chúa, anh em, xã hội và tạo vật. Chiến thuật của “Cha của sự gian dối” này (Ga 8:44) là bắt chước giống như thật, với những cách quyến rũ quỷ quyệt và nguy hiểm thâm nhập vào tâm hồn bằng những luận điệu giả tạo và lôi cuốn.

Trong câu chuyện tội nguyên tổ, kẻ cám dỗ tiếp cận người đàn bà bằng cách giả làm người bạn của bà, chỉ quan tâm đến lợi ích của bà, và bắt đầu bằng cách nói ra một điều gì đó đúng một phần: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” (St 3:1). Thật ra, Thiên Chúa không bao giờ nói với A-đam không được ăn quả từ bất kỳ cây nào, nhưng chỉ từ một cây: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (St 2:17). Người đàn bà sửa lại câu nói của con rắn, nhưng lại để bà bị sa vào bẫy khiêu khích của hắn: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3:3). Câu trả lời của bà được diễn tả bằng những cách nói tường thuật trực tiếp và phủ nhận; sau khi lắng nghe kẻ cám dỗ và để bản thân bị hút theo luận điệu của hắn, người đàn bà bị mê muội. Và bà đã chú ý tới lời cam đoan của hắn: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3:4).

“Phương pháp phân giải” của con rắn cám dỗ liền dẫn ngay sang điều có vẻ là sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5). Mệnh lệnh của Thiên Chúa là cha muốn đem lại điều tốt lành cho họ đã bị nghi ngờ trước sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý” (St 3:6). Chương Kinh Thánh này đem ra ánh sáng một điểm quan trọng cho suy tư của chúng ta: chẳng có thông tin giả nào vô hại; ngược lại, tin vào những điều giả dối đó có thể dẫn đến những hậu quả đáng sợ. Thậm chí chỉ một chút xíu bóp méo sự thật cũng có những hậu quả đáng sợ.

Điều nguy hiểm đó là tính hám danh của chúng ta. Thông tin giả thường lây lan, lan truyền rất nhanh đến mức khó bị chặn lại, không phải vì ý thức chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng vì nó đánh vào tính hám danh vô độ rất dễ nổi lên trong con người. Những mục tiêu kinh tế và thao túng nuôi dưỡng cho thông tin giả xuất phát từ sự thèm khát quyền lực, khao khát sở hữu và vui thích, cuối cùng nó biến chúng ta thành những nạn nhân của một điều gì đó còn kinh khủng hơn: sức mạnh lừa dối của cái ác chuyển từ một sự dối trá này sang sự dối trá khác để cướp mất sự tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do tại sao giáo dục sự thật là phải dạy cho con người biết nhận thức, đánh giá và thấu hiểu những khát khao và khuynh hướng sâu thẳm của chúng ta, bằng không chúng ta đánh mất cái nhìn hướng thiện và đầu hàng trước mọi cám dỗ.

3. “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32)

Liên tục bị lây nhiễm bởi ngôn ngữ lừa gạt dẫn đến kết cục làm đen tối đời sống nội tâm. Phân tích của Dostoevsky làm sáng tỏ vấn đề này: “Những người tự lừa dối mình và lắng nghe sự dối trá của họ sẽ đi đến một kết quả là họ không thể phân biệt được sự thật trong chính con người họ, hoặc xung quanh họ, và vì thế đánh mất mọi sự tôn trọng bản thân và người khác. Và vì không có lòng tôn trọng, nên họ không yêu thương, và vì không có sự yêu thương họ mở đường đi vào những đam mê và thú vui thô thiển, và chìm đắm trong trụy lạc, tất cả đều từ sự dối trá liên tục đối với người khác và với chính họ.” (Anh em Karamazov, II, 2).

Vậy làm sao chúng ta có thể bảo vệ mình? Một thuốc giải triệt để con virus dối trá này là sự thanh tẩy bởi sự thật. Trong Ki-tô giáo, sự thật không chỉ là một thực tại thuộc khái niệm liên quan đến cách chúng ta xét đoán mọi việc, xác định nó là đúng hoặc sai. Sự thật không chỉ là việc đưa ra ánh sáng những điều bị che giấu, “làm rõ thực tại,” như ý nghĩa của cụm từ Hy lạp cổ aletheia (gốc từ a-lethès, “không giấu giếm”) có thể dẫn chúng ta đến niềm tin. Sự thật bao gồm toàn bộ đời sống. Trong Kinh Thánh, nó mang nghĩa là sự hỗ trợ, sự chắc chắn, và tin tưởng, như được hàm ý trong gốc từ ‘aman, nguồn gốc của câu đáp trong phụng vụ của chúng ta Amen. Sự thật là một chỗ để anh chị em có thể tựa vào, để không bị ngã. Trong ý nghĩa tương quan này, chỉ một Đấng duy nhất thật sự đáng tin cậy – Đấng chúng ta đặt niềm tin vào – là Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy, Chúa Giê-su nói: “Thầy là sự thật” (Ga 14:6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm nó trong lòng chúng ta trong sự trung thành và tin tưởng nơi Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này mới giải phóng cho chúng ta: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32).

Tự do thoát khỏi sự giả dối và tìm kiếm mối quan hệ: hai yếu tố này không thể thiếu trong lời nói và hành động của chúng ta phải luôn luôn đúng, phải xác thực, và phải chính xác. Để nhận thức được sự thật, chúng ta cần phải phân biệt được mọi việc hướng đến việc khuyến khích sự cảm thông và thúc đẩy điều thiện nơi bất kỳ việc gì chứ không phải hướng đến việc cách ly, chia rẽ, và chống đối. Vì vậy, sẽ không thể tìm được sự thật khi nó bị áp đặt từ bên ngoài như là một điều gì đó không liên quan đến con người, nhưng chỉ khi nó tuôn chảy từ những mối quan hệ tự do giữa con người, từ việc lắng nghe nhau. Chúng ta không thể ngừng tìm kiếm sự thật, vì sự giả dối luôn có thể luồn lách vào, ngay cả khi chúng ta kể ra những điều thật. Một tranh luận đúng có thể dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và để làm mất thể diện người đó trước con mắt của người khác, cho dù nó đúng bao nhiêu đi nữa, nó vẫn không phải sự thật. Chúng ta nhận biết sự thật của lời nói từ kết quả của chúng: chúng xúi bẩy những tranh cãi, kích động sự chia rẽ, xúi giục đầu hàng; hay ngược lại, chúng thúc đẩy những những suy tư đầy hiểu biết và kỹ càng dẫn đến sự đối thoại xây dựng và kết quả đầy hoa trái.

4. Hòa bình từ thông tin sự thật

Thuốc giải tốt nhất cho những bản tin giả không phải là những chiến dịch, nhưng là con người: con người nếu không tham lam nhưng biết lắng nghe, con người nỗ lực gắn kết vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật được trổi lên; con người được cuốn hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan tràn những bản tin giả, thì trách nhiệm nặng nề đó đặt trên vai những người làm công việc cung cấp thông tin, cụ thể đó là các nhà báo, những người bảo vệ thông tin. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong tất cả ý nghĩa, không chỉ là một nghề; nó là một sứ mạng. Giữa việc thỏa mãn cho sự điên cuồng và dòng chảy hối hả của những bản tin sốt dẻo, họ phải nhớ rằng trọng tâm của thông tin không phải là tốc độ được tường thuật hay sức ảnh hưởng đối với độc giả, nhưng là con người. Thông tin cho người khác có nghĩa là định hình cho họ; nó có nghĩa là đụng chạm đến đời sống của con người. Đó là lý do tại sao tính chính xác của các nguồn tin và việc bảo vệ truyền thông là những phương tiện thực sự để thúc đẩy sự thiện, tạo dựng niềm tin, và mở ra con đường hiệp nhất và hòa bình.

Vì vậy, tôi muốn mời gọi mọi người thúc đẩy một ngành báo chí vì hòa bình. Nói như vậy, tôi không có ý đưa ra hình thức báo chí ngọt ngào từ chối chân nhận sự hiện hữu của những vấn đề nghiêm trọng hoặc những bản tin nhạy cảm. Ngược lại, tôi muốn nói đến một ngành báo chí sự thật và chống lại những thông tin giả tạo, những khẩu hiệu khoa trương, và những tiêu đề giật gân. Một ngành báo chí được con người xây dựng cho con người, một ngành báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt những người không có tiếng nói – và họ là nhóm đa số trong thế giới ngày nay. Một ngành báo chí bớt tập trung vào những bản tin nóng hơn là tìm ra những nguyên nhân ẩn sau những xung đột, để có thể thúc đẩy sự hiểu biết sâu hơn và góp phần vào việc giải quyết những vấn đề đó bằng cách lồng ghép vào những tiến trình đạo đức. Một ngành báo chí cam kết đưa ra những khả năng thay đổi cho sự leo thang của các phe đối địch đang ồn ào đối đầu nhau và những bạo lực bằng lời nói.

Thay lời kết, lấy cảm hứng từ lời cầu nguyện của Thánh Phanxico, chúng ta hướng đến Đấng là Sự thật:

Lạy Chúa, xin biến chúng con thành khí cụ hòa bình của Chúa.

Xin giúp chúng con nhận ra được âm mưu độc ác của truyền thông không xây dựng sự hiệp nhất.

Xin giúp chúng con gỡ bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.

Xin giúp chúng con biết nói về người khác như là anh em và chị em.

Người trung tín và khả tín; xin cho lời của chúng con trở thành hạt giống của sự thiện cho thế giới:

để chúng con biết lắng nghe ở nơi đâu có tiếng kêu;

để chúng con biết khơi gợi lên sự hòa hợp ở nơi đâu có sự bấn loạn;

để chúng con biết mang đến sự rõ ràng cho nơi đâu có sự mơ hồ;

để chúng con biết đưa ra tình đoàn kết ở nơi đâu có sự loại trừ;

để chúng con mang đến sự điềm tĩnh ở nơi đâu có những biến động;

để chúng con đưa ra những câu hỏi thật sự ở nơi đâu có những hời hợt;

để chúng con biết đánh thức lòng tin ở nơi đâu có thành kiến;

để chúng con mang đến sự tôn trọng ở nơi đâu có lòng thù hận;

để chúng con đem đến sự thật ở nơi đâu có những giả dối.

Amen.

Từ Vatican, 24 tháng Một 2018, Lễ Thánh Phanxico de Sales.

PHANXICO

[Văn bản chính: tiếng Ý]


© Copyright – Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2018]


Peter Sagan tặng Đức Thánh Cha một xe đạp

Peter Sagan tặng Đức Thánh Cha một xe đạp

Tại Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư

25 tháng Một, 2018
Peter Sagan tặng Đức Thánh Cha một xe đạp
© Vatican Media
Peter Sagan, người vô địch đua xe đạp thế giới ba lần liên tục, đã tặng Đức Thánh Cha Phanxico một chiếc xe đạp trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư ngày 24 tháng Một, 2018.

Cùng với gia đình đến Quảng trường Thánh Phê-rô tham dự buổi tiếp kiến hàng tuần, anh dâng lên Đức Thánh Cha một chiếc xe đạp màu trắng và vàng, màu của Tòa Thánh, và chiếc áo bó vô địch thế giới môn đua xe đạp.

Vận động viên người Slovakia thuộc đội Bora nói với L’Osservatore Romano, “Những cuộc thi đấu của tôi đều bắt đầu bằng dấu Thánh giá, và nếu cha của tôi có mặt, chúng tôi cùng làm dấu với nhau”.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2018]


Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2018: Các bài giáo lý quốc tế trên mạng cho gia đình

Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới 2018: Các bài giáo lý quốc tế trên mạng cho gia đình

Sáng kiến được trình bày tại Vatican

25 tháng Một, 2018
Đại hội Thế giới các Gia đình 2018: Các bài giáo lý quốc tế trên mạng cho gia đình
Đức Thánh Cha với một gia đình © Vatican Media
Các bài giáo lý quốc tế trên mạng sẽ được đưa ra cho các gia đình, liên quan đến việc chuẩn bị cho Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ 9, sẽ được tổ chức ở Dublin, Ireland, từ 21-26 tháng Tám, 2018. Sáng kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống được trình bày tại Vatican ngày 25 tháng Một.

Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng của Bộ, cho biết các bài giáo lý sẽ được đăng trên Website chính thức www.laityfamilylife.va bắt đầu từ ngày 2 tháng Hai. Các video và những tác phẩm âm nhạc sẽ được đăng kèm với bảy bài giáo lý “đơn giản và đầy thú vị,” được xây dựng xung quanh trình thuật Phúc âm kể việc tìm được Chúa Giê-su trong Đền thờ (Lc 2:41-52), và Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia.

Các chủ đề sẽ được thảo luận gồm: cái nhìn thực tế vào gia đình ngày nay; Lời Chúa soi sáng cho đời sống của gia đình; Ước mơ của Thiên Chúa cho mỗi gia đình; những yếu đuối; văn hóa của sự sống; văn hóa của hy vọng; văn hóa của niềm vui. Mỗi bài giáo lý bắt đầu bằng một lời cầu nguyện và kết thúc bằng những câu hỏi.

Một “chương trình ca nhạc” cũng được đề xuất, đặt biệt nhất là nam danh ca Andrea Bocelli giọng tenor người Ý, được ghi âm trong những Vương cung Thánh đường lớn của Châu Âu (Thánh gia Barcelona, Đền thờ Thánh Gio-an Phao-lô II ở Krakow và Vương cung Thánh đường Thánh Stê-pha-nô ở Budapest).

Đức Hồng y Farrell nói rằng những ngày đại hội ở Dublin sẽ có một Hội nghị chuyên đề về việc bảo vệ trẻ em với Đức Hồng y Sean Patrick O’Malley, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

Đại hội các Gia đình sẽ tái khẳng định lời “Vâng! Gia đình vẫn là Tin mừng cho Hôm nay.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Huanchaco, Peru (Toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Huanchaco, Peru (Toàn văn)

‘Mẹ Maria luôn luôn giữ gìn anh chị em và nâng anh chị em lên với Chúa Giê-su’

20 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Huanchaco, Peru (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là văn bản bài giảng, do Vatican cung cấp, của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ ngài dâng tại khu vui chơi bờ biển Huanchaco thuộc thành phố Trujillo của Peru, ngày 20 tháng Một, 2018, trong chuyến Tông du của ngài đến Chile và Peru:


***


Những miền đất này mang hương vị của Tin mừng. Mọi thứ xung quanh chúng ta, đối lại với phong cảnh biển bao la, giúp chúng ta hiểu rõ hơn kinh nghiệm của các tông đồ ở cùng Chúa Giê-su và hôm nay chúng ta cũng được mời gọi để hồi tưởng lại. Cha rất hạnh phúc vì biết rằng anh chị em đến từ nhiều vùng thuộc miền bắc Peru để cử hành niềm vui này của Tin mừng.

Những người môn đệ đó sinh sống bằng nghề chài lưới, cũng giống rất nhiều người trong anh chị em hôm nay. Họ ra khơi trên những chiếc xuồng, giống như một số anh chị em vẫn tiếp tục ra khơi trên những chiếc caballitos de totora (loại xuồng truyền thống làm bằng cây sậy) của mình, cùng một lý do như anh chị em: để tìm nguồn lương thực hàng ngày. Đa phần sự nhọc mệt hàng ngày của chúng ta đều từ nguyên nhân này mà ra: cố nuôi sống gia đình và chu cấp những gì giúp họ xây dựng được một tương lai tốt hơn.

“Hồ cá vàng” này, như anh chị em đặt tên cho nó, đã là một nguồn sự sống và phúc lành cho nhiều thế hệ. Nó đã nuôi dưỡng bao ước mơ và hy vọng qua năm tháng.

Cũng như các tông đồ, anh chị em biết sức mạnh của thiên nhiên, anh chị em đã có kinh nghiệm với nó. Cũng như các tông đồ đã đương đầu với trận bão trên biển, anh chị em đã phải gánh lấy sức mạnh của cơn bão “Niño costero” với những hậu quả đau đớn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình, đặc biệt với những gia đình vẫn chưa có thể xây dựng lại nhà cửa của họ. Đây cũng là lý do tại sao cha muốn đến đây với anh chị em và cầu nguyện với anh chị em.

Chúng ta cũng mang đến Thánh Lễ này thời gian khó khăn thử thách đức tin của chúng ta và thường làm cho đức tin bị lung lay. Chúng ta hãy kết hiệp với Chúa Giê-su. Người biết những đau khổ và thử thách của chúng ta; Người đã chịu đựng những đau đớn lên đến cực điểm để đồng hành với chúng ta trong những lúc thử thách của chúng ta. Đức Giê-su chịu Đóng Đinh muốn gần gũi với chúng ta trong mọi hoàn cảnh đau đớn, để đưa bàn tay Người ta và giúp nâng chúng ta dậy. Vì Người đã đi vào lịch sử của chúng ta, nên Người muốn chia sẻ hành trình và chạm đến những vết thương của chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa biết rất rõ những gì chúng ta cảm nhận và đau đớn; và giữa những đau đớn đó, Người đưa bàn tay cứu giúp của Người về phía chúng ta.

Những thời gian bị “vùi dập” này đặt vấn đề và thử thách sức mạnh tinh thần và những xác tín sâu thẳm nhất của chúng ta. Chúng làm chúng ta nhìn thấy điều quan trọng biết bao là phải đứng vững trong tình hiệp nhất, không đứng một mình, và tâm hồn ngập tràn tình hiệp nhất là hoa trái của Thánh Thần.

Chuyện gì xảy ra với các cô trinh nữ trong trình thuật Tin mừng chúng ta vừa nghe? Bất chợt họ nghe thấy một tiếng hô lớn làm họ tỉnh giấc và hối hả. Một số cô nhận ra rằng mình không có đủ dầu để đi suốt quãng đường tối, trong khi những cô khác đổ dầu đầy vào đèn và thắp sáng để đi suốt đoạn đường dẫn đến phòng tân lang. Tại thời điểm nhất định, mỗi cô cho thấy những gì họ đã làm đầy cuộc sống của họ.

Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Có những lúc chúng ta nhận biết được những gì chúng ta đã đổ đầy cuộc sống. Thật vô cùng quan trọng phải biết đổ đầy cuộc sống với dầu để chúng ta thắp sáng những ngọn đèn trong lúc bóng đêm bao phủ để tìm ra con đường tiếp tục tiến tới!

Cha biết rằng, trong những lúc đen tối, khi anh chị em cảm thấy gánh nặng của Niño, thì miền đất này vẫn tiến tới; anh chị em có đủ dầu cần thiết để đi ra ngoài giúp đỡ nhau như những người anh em chị em thật sự của nhau. Anh chị em có dầu của tình liên đới và lòng quảng đại thúc đẩy anh em phải hành động, và anh chị em ra ngoài để gặp gỡ Thiên Chúa với không biết bao nhiêu hành động hỗ trợ cụ thể. Giữa những bóng đêm đen, anh chị em cùng với rất nhiều người khác giống như những ngọn nến thắp sáng con đường bằng những bàn tay rộng mở, sẵn sàng giúp xoa dịu nỗi đau và chia sẻ những gì anh chị em có với nhau, trong sự nghèo khó của mình.

Trong trình thuật Tin mừng, chúng ta nhìn thấy cách của những cô trinh nữ không có dầu phải đi lên thành phố để mua. Tại những thời khắc quyết định của cuộc sống, họ mới nhận ra rằng đèn của họ đã hết dầu và họ thiếu những thứ trọng yếu để tìm ra con đường của niềm vui đích thực. Họ đi ra một mình, và thế là họ bỏ lỡ bữa tiệc. Như anh chị em biết rất rõ, có những điều không thể ứng biến tại chỗ, và càng không thể mua. Linh hồn của một cộng đoàn được đo lường qua con đường nó tìm đến với nhau để đương đầu với những thời gian khó khăn và nghịch cảnh, để giữ sức sống cho niềm hy vọng. Bằng cách đó, họ đưa ra chứng tá to lớn nhất của Tin mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Vì đức tin mở ra cho chúng ta một tình yêu cụ thể, thiết thực, quảng đại và đầy thương xót, một tình yêu có thể xây dựng và tái xây dựng niềm hy vọng khi nó dường như đã mất tất cả. Bằng cách này, chúng ta dự phần vào công trình của Thiên Chúa, điều mà Thánh Tông đồ Gio-an miêu tả qua cách thể hiện cho chúng ta thấy một Thiên Chúa lau sạch những giọt lệ của những đứa con của Người. Thiên Chúa thực hiện công cuộc này bằng tình yêu nhân từ như một người mẹ khi bà lau nước mắt cho những đứa con của bà. Một câu hỏi rất đẹp mà Thiên Chúa sẽ hỏi chúng ta: hôm nay con đã lau khô bao nhiêu giọt lệ?

“Những cơn bão” khác có thể ập vào các vùng biển này, với những hậu quả tàn phá sự sống của những đứa con của vùng đất này. Những cơn bão này cũng đặt ra cho cộng đ6òng chúng ta câu hỏi và thử thách sức mạnh tinh thần của chúng ta. Trong số những cơn bão này là bạo lực có tổ chức, như “hợp đồng sát nhân,” và sự mất an ninh mà chúng tạo ra. Hoặc việc thiếu những cơ hội học tập và việc làm, đặc biệt đối với người trẻ, nó ngăn cản họ không xây dựng dược một tương lai có phẩm giá. Hoặc việc thiếu nơi ở an toàn cho nhiều gia đình bị buộc phải sống trong những khu vực bất ổn không có những sự tiếp cận an toàn. Hay nhiều tình huống khác mà anh chị em phải trải qua, trong đó có những trận động đất kinh hoàng, tàn phá niềm tin lẫn nhau đang rất cần thiết để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ và hy vọng; những trận động đất làm rung chuyển tâm hồn và đòi hỏi tất cả lượng dầu mà chúng ta, nếu chúng ta đáp lời lại với chúng.

Chúng ta thường tự hỏi bằng cách nào để đương đầu với những trận bão này, hoặc làm sao để giúp con cái chúng ta vượt qua được những hoàn cảnh này. Cha muốn nói với anh chị em rằng chẳng có con đường nào tốt hơn con đường của Tin mừng: đó là điều Chúa Giê-su kêu gọi. Luôn luôn làm đầy cuộc sống anh chị em bằng Tin mừng. Cha muốn khuyến khích anh chị em trở nên một cộng đoàn để cho mình được xức dầu bởi Thiên Chúa bằng dầu của Thần Khí. Người biến đổi, canh tân và làm vững mạnh mọi điều. Trong Đức Giê-su chúng ta có được sức mạnh của Thần Khí để không đối xử như những điều đã làm tổn thương chúng ta, đã làm khô cạn tâm hồn chúng ta, và thậm chí còn tệ hơn thế, đã cướp mất hy vọng của chúng ta. Trong Đức Giê-su chúng ta có Thần Khí Đấng giữ chúng ta hiệp nhất để chúng ta có thể hỗ trợ nhau và đứng lên chống lại bất kỳ điều gì muốn lấy đi tất cả những gì tốt nhất trong gia đình của chúng ta. Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn vững tin có thể tự mình đứng vững; một cộng đoàn hy vọng và từ đó phấn đấu để đảo ngược lại và biến đổi mọi nghịch cảnh; một cộng đoàn yêu thương, vì nó sẽ không để cho chúng ta đứng khoanh tay. Cùng với Chúa Giê-su, linh hồn của thành phố Trujillo này có thể tiếp tục được gọi là “thành phố của mùa xuân bất diệt,” vì với Ngài, mọi sự đều là một cơ hội hy vọng.

Cha biết tình yêu miền đất này dành cho Mẹ Đồng Trinh, và cha biết rằng lòng sùng kính Mẹ Maria luôn giữ vững anh chị em và nâng anh chị em lên với Chúa Giê-su. Chúng ta hãy xin Mẹ che chở chúng ta trong áo choàng của Mẹ và luôn đưa chúng ta đến với Con của Mẹ. Nhưng chúng ta hãy thực hiện việc này bằng cách hát bài Andean marinera [múa dân gian] rất dễ thương đó: “Lạy Đức Bà Cửa Thiên Đàng, xin ban cho chúng con ơn lành của Mẹ, xin ban cho chúng con hòa bình và nhiều tình yêu.”

[Văn bản bài giảng của Vatican cung cấp]

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]


© Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/1/2018]