Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi nhóm quan tâm đến ngôi nhà chung

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi nhóm quan tâm đến ngôi nhà chung
General Audience © Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi nhóm quan tâm đến ngôi nhà chung

‘Planet Amazon’ là chủ đề của Diễn đàn lần thứ hai của các Laudato si’ Communities (các cộng đồng Laudato si’)

08 tháng Bảy, 2019 11:03

“Planet Amazon” (tạm dịch: Hành tinh Amazon) là chủ đề của Laudato si’ Communities (các cộng đồng Laudato si’), được tổ chức ngày 6 tháng Bảy, 2019, tại Amatrice, Ý. Laudato si’ Communities là một phong trào gồm những người và các hiệp hội gắn kết trong việc phổ biến thông điệp của Tông huấn Laudato si’. Thai nghén từ ban đầu bởi Giáo hội ở Rieti và phong trào Slow Food, họ đón nhận và thúc đẩy những cách sống trung thành với các giá trị và đề nghị của tài liệu được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico, ở mức độ cá nhân và tập thể, thông qua các cuộc họp và hội nghị, và bằng cách thực hiện những hành động cụ thể và sáng kiến thực tế.

Với những nỗ lực của mình, Laudato si’ Communities đóng góp vào phong trào của những người bảo vệ môi trường từ quan điểm cụ thể về “sinh thái học toàn diện,” tức là luôn ghi nhớ mối tương quan gần gũi giữa sự tôn trọng đối với ngôi nhà chung, và công bằng xã hội.

Dưới đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến các tham dự viên trong Diễn đàn:



Thông điệp của Đức Thánh Cha

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các nhà tổ chức và các tham dự viên trong Diễn đàn các Cộng đoàn Laudato si’ lần thứ Hai, đang được tổ chức trong một địa hạt bị tàn phá bởi trận động đất tấn công vào nước Ý tháng Tám năm 2016, và là một địa hạt phải trả giá cao hơn bất kỳ khu vực nào khác tính theo con số nạn nhân.

Nó là một dấu chỉ của hy vọng, sự thật là anh chị em đang ở Amatrice, ký ức về nó luôn hiện hữu trong tâm hồn cha, để tập trung đến những sự mất cân bằng tàn phá “ngôi nhà chung” của chúng ta. Nó không chỉ là một dấu chỉ của sự gần gũi đối với những anh chị em của chúng ta là những người vẫn đang sống giữa ký ức về một thảm kịch kinh hoàng và sự tái thiết còn quá chậm chạp đến mức chưa bắt đầu, nhưng nó cũng thể hiện sự khao khát muốn hô vang lên, thật lớn và rõ ràng, rằng chính người nghèo phải trả cái giá cao nhất cho sự tàn phá môi trường. Những vết thương gây ra cho môi trường là những vết thương gây ra những người ít có khả năng bảo vệ nhất. Cha đã viết trong Tông huấn Laudato si’: “Không thể có sự đổi mới mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên nếu không có sự đổi mới trong chính nhân loại. Không thể có sinh thái học xã hội nếu không có một nhân loại học phù hợp” (118).

Năm ngoái, sau đối mặt với vấn đề về nhựa đang làm nghẹt thở hành tinh chúng ta, thì hôm nay các bạn phản ánh về tình hình bi đát và không còn bền vững của vùng Amazonia và các dân tộc sống ở đó. Các bạn đã được truyền cảm hứng từ chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức vào tháng Mười tới đây cho vùng Pan-Amazon, và Instrumentum laboris (tài liệu làm việc) vừa được trình bày gần đây.

Tình hình của vùng Amazonia là một ví dụ điển hình đáng buồn về những gì đang xảy ra trong nhiều khu vực của hành tinh: một não trạng mù quáng và tàn phá đặt lợi nhuận cao hơn sự công bằng; nó cho thấy rõ thái độ cướp phá mà con người đối xử với tự nhiên. Xin đừng quên rằng sự công bằng xã hội và môi trường sinh thái có mối tương quan rất mật thiết! Những gì đang xảy ra ở Amazonia sẽ có những hậu quả trên mức độ toàn cầu, nhưng nó đã đánh gục hàng ngàn người nam và nữ, cướp mất đất đai của họ, biến họ trở thành những người xa lạ ngay trên mảnh đất quê hương của họ, làm bần cùng hóa nền văn hóa và những truyền thống đặc thù của họ, và phá vỡ trạng thái cân bằng đã tồn tại cả thiên niên kỷ liên kết những dân tộc đó với vùng đất của họ. Con người không thể giữ thái độ là một người ngoài cuộc đứng nhìn thờ ơ trước sự tàn phá này; và bản thân Giáo hội cũng không thể giữ im lặng: tiếng khóc của người nghèo phải vang lên trên môi miệng của Giáo hội, như đã được Thánh Phaolo VI làm nổi bật lên trong Tông huấn Populorum Progressio của ngài.

Được thúc đẩy bởi Giáo hội ở Rieti và phong trào Slow Food, Laudato si’ Communities (các cộng đồng Laudato si’) không những gắn kết trong việc truyền bá những lời dạy trong Tông huấn có trùng tên, nhưng cả trong việc thúc đẩy những cách sống mới. Từ quan điểm thực tế này, cha muốn gửi đến các bạn ba chữ.

Chữ thứ nhất là sự tán tụng

Trước sự tốt lành của tạo vật, và trên hết là sự tốt lành của con người là sự tột đỉnh của tạo vật, nhưng cũng là người trông coi nó, điều cần thiết là phải phục hồi lại thái độ ca khen. Đứng trước nét đẹp như vậy, với sự ngạc nhiên được đổi mới, với đôi mắt của một đứa trẻ, chúng ta phải có khả năng biết trân quý cái đẹp của những gì ở quanh chúng ta và cả những gì mà từ đó con người được tạo thành. Sự ca khen là hoa trái của sự chiêm ngắm, sự chiêm ngắm, và ca khen dẫn đến tôn trọng, và tôn trọng gần như trở thành sự tôn sùng trước những sự tốt lành của tạo vật và Đấng Tạo dựng lên nó.

Chữ thứ hai là Thánh thể

Đứng trước trái đất và cư dân sống trên đó, thái độ Thánh thể biết cách nắm bắt được tình trạng của món quà mà mọi sự sống mang theo trong mình. Mọi sự được ủy thác cho chúng ta một cách nhưng không, không phải để cướp phá và nuốt chửng nó, nhưng là để trở nên một món quà khác để chia sẻ, một món quà cho đi để niềm vui có thể đến với mọi người và từ đó có thể trở nên lớn lao hơn.

Chữ thứ ba là sự tiết độ

Mọi hình thức tôn trọng đều xuất phát từ một thái độ tiết độ, nghĩa là từ khả năng biết cách từ bỏ một điều gì đó vì một sự tốt lành lớn lao hơn, vì sự tốt lành cho người khác. Sự tiết độ giúp chúng ta biến đổi thái độ cướp phá, là một thái độ luôn luôn che giấu, thành một thái độ chia sẻ, và một mối quan hệ môi sinh, tôn trọng và hòa nhã.

Cha hy vọng rằng Laudato si’ Communities có thể trở thành một tế bào của cách sống mới trên thế giới này, để trao tặng cho nó một tương lai, để bảo tồn vẻ đẹp và sự toàn vẹn của nó vì sự tốt lành của mọi sự sống, ad maiorem Dei gloriam.

Cha cảm ơn các bạn và chúc lành cho các bạn. Hãy cầu nguyện cho cha.

Viết từ Vatican, 6 tháng Bảy, 2019

FRANCIS

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/7/2019]


7 trong số 10 người con của một gia đình gia nhập Dòng Đa-minh

7 trong số 10 người con của một gia đình gia nhập Dòng Đa-minh

7 trong số 10 người con của một gia đình gia nhập Dòng Đa-minh


05 tháng Bảy, 2019

Tất cả những người anh chị em này cùng cảm nhận một tiếng gọi và đến với cùng cộng đoàn!

Một trong những điều tuyệt vời được là thành viên trong một gia đình đông con đó là ý thức chung về tình hiệp nhất giữa anh chị em thường xuyên diễn ra. Dĩ nhiên, luôn có những cãi nhau lặt vặt, nhưng có rất nhiều sự yêu thương — và sự ảnh hưởng — từ những người lớn nhất truyền sang người nhỏ. Đây dường như là trường hợp của gia đình Hinnebusch. Khi William (1908-1981), người anh cả trong 10 anh chị em, lên đường gia nhập Dòng Đa-minh, sáu người em ruột của anh chẳng bao lâu đều theo gương của anh.

Sau khi hoàn tất học vị tiến sĩ lịch sử tại Đại học Oxford, và dành thời gian ở Roma miệt mài nghiên cứu về dòng Đa-minh, Cha William trở thành một nhà sử học Dòng Đa-minh, viết nhiều sách trong đó có quyển Dòng Đa-minh: một lịch sử tóm tắt. Người em út của cha, Cha Fred người đã qua đời, giải thích rằng cái chết của Cha William để lại một quyển sách dở dang. Theo người em trẻ hơn 15 tuổi của cha, nhà sử học đã “lao động miệt mài cho đến phút cuối cùng” để đưa ra một lịch sử xuyên suốt của dòng. Có thể với ý thức trách nhiệm của người em hoặc là vì tôn trọng công trình của anh mình, Cha Fred cùng với một Cha bạn Dòng Đa-minh tiếp tục công việc để được nhìn thấy công trình không những hoàn tất mà còn cập nhật hơn để xây dựng một “trình thuật chính xác” về dòng Đa-minh.

Một phần nhờ vào công cuộc giúp cho người anh, Cha Fred có cơ hội trình bày nhiều bài thuyết trình về lịch sử Dòng Đa-minh. Sau sự nghiệp thuộc lĩnh vực học thuật rất ấn tượng cha đã phục vụ trong Phân khoa Thần học Immaculate Conception cũng như trong Ủy ban Leonine Commission — là một nhóm các học giả với công tác quan trọng là hiệu đính các tác phẩm của Thánh Thomas Aquino. Là người con út trong gia đình Hinnebusch, cha vừa qua đời năm ngoái ở tuổi 95, người cuối cùng trong số anh em còn sống với vai trò không thể thiếu trong việc vén bức màn lịch sử Dòng Đa-minh quay ngược lại hơn 800 năm trước.

Hai người anh em khác cũng gia nhập Dòng Đa-minh là Paul và Albert. Khi Paul (1917-2002) còn học ở trung học cậu quyết định gia nhập cùng Dòng với anh trai William, lớn hơn cậu 9 tuổi. Lúc cậu thông báo tin cho gia đình thì thân mẫu cậu nói: “Con chẳng cần phải nói với mẹ. Mẹ luôn biết rằng con sẽ làm điều đó; mẹ đã biết điều đó qua nhiều năm,” như được kể lại trong bài cáo phó. Cha Paul tiếp tục trở thành một nhà thuyết giảng và là một cây viết về thiêng liêng.

Cha Albert Hinnebusch, sinh năm 1911, là tu huynh duy nhất không thọ đến tuổi già. Qua đời năm 46 tuổi, Cha Albert đóng một vai trò tích cực trong Dòng Holy Name ở Miền Nam.

Với bốn anh em gia nhập Dòng Đa-minh thì còn ngạc nhiên hơn khi ba chị em trong gia đình Hinnebusch cũng gia nhập Dòng Đa-minh: Sơ Claire, một nhà giáo dục; Sơ Regina Ann; và Sơ Dorothy, tất cả đều là thành viên của cộng đoàn Thánh Mary Mùa Xuân ở Ohio, theo Opeast. Ba anh chị em còn lại, Raymond, Joseph, và Mary, đều lập gia đình.

Khi Cha Fred qua đời tháng Mười Hai năm ngoái là lúc đánh dấu sự kết thúc của anh chị em nhà Hinnebusch trên cõi đời này, nhưng sự cống hiến của họ cho Dòng Đa-minh có nghĩa là những công trình của cuộc sống của họ sẽ sống mãi cho các thế hệ tiếp nối.

Nếu bạn muốn học hỏi thêm về các tác phẩm của Cha William Hinnebusch, chúng tôi đề nghị bạn hãy xem video giới thiệu này do em trai, Cha Fred, thực hiện.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2019]