Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

‘Ngày nay chúng ta cũng cần một người Mẹ,’ Đức Thánh Cha kêu gọi hãy phó thác cho Mẹ Maria những hành trình đau khổ của tất cả những người phải di chuyển (Toàn văn)

‘Ngày nay chúng ta cũng cần một người Mẹ,’ Đức Thánh Cha kêu gọi hãy phó thác cho Mẹ Maria những hành trình đau khổ của tất cả những người phải di chuyển (Toàn văn)
Pope With Migrant Family © Vatican Media

‘Ngày nay chúng ta cũng cần một người Mẹ,’ Đức Thánh Cha kêu gọi hãy phó thác cho Mẹ Maria những hành trình đau khổ của tất cả những người phải di chuyển (Toàn văn)

Đức Phanxico dâng Lễ Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới với chủ đề ‘Không chỉ riêng về Di dân’

29 tháng Chín, 2019 16:24

Đức Thánh Cha Phanxico lên tiếng kêu gọi, “Hôm nay chúng ta cũng cần một người mẹ. Chúng ta hãy phó dâng lên cho tình mẫu tử của Mẹ Maria, Đức Bà của Đường đi, quá nhiều những hành trình đau khổ, tất cả những người di cư và tị nạn, cùng với những người sống trong các vùng ngoại vi thế giới của chúng ta và những đã chọn cách cùng chia sẻ với hành trình của họ.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến điều này nhân Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới lần thứ 105, được tổ chức ngày 29 tháng Chín, 2019. Trong bài giảng Lễ tại Quảng trường Thánh Phê-rô, ngài động viên hãy “ngay lập tức chuyển thành hành động để xoa dịu, để chăm sóc và cứu thoát” những người đang trên dòng di chuyển. “Đó là việc đặt người sau rốt lên vị trí đầu,” vì phương châm thật sự của một người Ki-tô hữu là “người sau rốt lên trước hết!” chứ không phải “tôi trước hết và người khác sau.”

Chủ đề của Đức thánh Cha cho ngày này là “Không chỉ riêng về di dân,” nhấn mạnh rằng trong một thế giới “mỗi ngày đều có nhiều cao ngạo và ác độc hơn đối với những người bị loại trừ, trường hợp của người di cư liên quan đến “tất cả chúng ta,” “hiện tại và … tương lai của gia đình nhân loại.”

Trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha ngày 27 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha cảnh báo “chúng ta phải cẩn trọng với sự suy giảm về đạo đức, nếu chúng ta tiếp tục dành đất cho văn hóa loại trừ,” và ngài viết “để tái khám phá những chiều kích quan trọng của cuộc sống người Ki-tô hữu và nhân loại của chúng ta.” Bằng cách quan tâm chăm sóc cho di dân, ngài khẳng định “tất cả chúng ta sẽ phát triển.”

Đức Thánh Cha nói, “Vấn đề không quá mức khi chúng ta có những nghi ngờ và sợ hãi. Nó trở thành vấn đề khi những tình trạng này làm cho cách suy nghĩ và hành động của chúng ta lên tới mức khiến chúng ta trở nên bất bao dung, khép kín, và có thể thậm chí là … phân biệt chủng tộc.”

“Đó không chỉ là về người di cư: đó là việc loại trừ người khác,” ngài tiếp tục và than phiền về sự bóc lột những tài nguyên thiên nhiên và con người cho lợi ích của “một số thị trường đặc quyền” và việc buôn bán vũ khí. “Những người phải trả giá cho nó luôn là những người nhỏ bé, người nghèo, người dễ bị xúc phạm, người bị cản trở không được đến ngồi tại bàn ăn, và là người mà người khác để lại cho “những mẩu vụn thức ăn” của bữa đại tiệc.

Vì vậy, ngài kêu gọi hãy giải thoát mình khỏi “tính loại trừ, sự thờ ơ và văn hóa loại bỏ” và “dành không gian cho lòng nhân từ.”

Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp (tiếng Anh) bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha:


*****

Đáp ca hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa đề cao người ngoại kiều cũng như bà góa và trẻ mồ côi ở giữa dân Người. Tác giả Thánh vịnh đề cập rõ ràng đến những người đó là những người dễ bị xúc phạm nhất, thường bị lãng quên và là đối tượng bị áp bức. Chúa có sự quan tâm đặc biệt đối với những người ngoại kiều, bà góa và trẻ mồ côi, vì họ không có quyền lợi, bị loại trừ và bị gạt ra bên lề. Đây là lý do tại sao Chúa nói với người Israel phải có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt cho họ.

Trong Sách Xuất hành, Chúa cảnh báo dân Người không đối xử tệ bạc theo bất kỳ cách nào với những bà góa và trẻ mồ côi, vì Ngài nghe thấy tiếng khóc của họ (x. 22:23). Sách Đệ Nhị Luật cũng lên tiếng cảnh báo giống như vậy (x. 24:17; 27:19), và gồm cả những người ngoại kiều vào trong nhóm cần được bảo vệ. Lý do cho sự cảnh báo này được giải thích trong sách đó: Thiên Chúa của Israel là Đấng “thi hành sự công minh cho những cô nhi và quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn và áo mặc” (10:18). Sự chăm sóc đầy lòng yêu thương này dành cho những người không có đặc quyền được trình bày như là một đặc điểm tiêu biểu của Thiên Chúa của Israel và ngược lại nó được đòi hỏi như một trách nhiệm đạo đức đối với những người thuộc dân tộc của Ngài.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải có sự chú ý đặc biệt đối với người lạ ở giữa chúng ta cũng như đối với những quả phụ, cô nhi và tất cả những người bị gạt ra ngoài trong thời đại của chúng ta. Trong Sứ điệp cho Ngày Di dân và Người Tị nạn lần thứ 105 này, chủ đề “Nó không chỉ là về di dân” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Và đúng như vậy, nó không chỉ riêng về người nước ngoài; nó là vế tất cả những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, những người trở thành nạn nhân cho cái văn hóa vứt bỏ cùng với những người di dân và người tị nạn. Chúa kêu gọi chúng ta hãy thi hành đức bác ái với họ. Người kêu gọi chúng ta hãy phục hồi lại lòng nhân đạo đối với họ, cũng như của chính chúng ta, và không để cho người nào bị bỏ rơi đằng sau.

Cùng với việc thực hành đức bác ái, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về những bất công là nguyên nhân gây ra sự loại trừ – và đặc biệt là những đặc quyền đặc lợi của một số ít người, những người làm phương hại đến rất nhiều người khác để duy trì vị thế của họ. Thế giới ngày càng trở nên cao ngạo và ác độc hơn đối với những người bị loại trừ”: đây là một sự thật đau đớn; lời lẽ của chúng ta hàng ngày trở nên cao ngạo hơn, độc ác hơn đối với những người bị loại trừ. “Những quốc gia đang phát triển tiếp tục bị hút cạn kiệt những nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người của họ vì lợi ích của một số thị trường đặc quyền đặc lợi. Chiến tranh chỉ ảnh hưởng đến một số vùng trên thế giới, nhưng vũ khí cho chiến tranh được sản xuất và bán trong những vùng khác là những nơi sau đó bất đắc dĩ phải đón nhận những người tị nạn do những cuộc xung đột này tạo ra. Những người phải trả giá cho nó luôn là những người nhỏ bé, người nghèo, người dễ bị xúc phạm, người bị cản trở không được đến ngồi tại bàn ăn, và là người mà người khác chỉ để lại cho “những mẩu vụn thức ăn” của bữa đại tiệc” (Sứ điệp Ngày Di dân và Người Tị nạn lần thứ 105).

Chính trong bối cảnh này mà những lời gay gắt của Ngôn sứ A-mốt công bố trong bài đọc Một (6:1.4-7) phải được hiểu thấu đào. Khốn cho những ai an nhàn và tìm lạc thú ở Xi-on, những người chẳng lo lắng về sự xuống cấp của dân Chúa, dù rằng nó đã có những dấu hiệu rõ ràng. Họ chẳng thèm chú ý đến sự tàn phá của Israel vì họ quá bận rộn trong việc bảo đảm rằng họ vẫn còn có thể hưởng thụ được cuộc sống sung túc, với thức ăn ngon và thức uống hảo hạng. Thật đáng giật mình, vì hai mươi mốt thế kỷ sau, những lời cảnh báo này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết. Ngày nay cũng vậy, “văn hóa an nhiên tự tại … làm chúng ta chỉ biết nghĩ đến bản thân, làm cho chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng khóc của người khác … đưa đến kết quả là sự thờ ơ với người khác; quả thật, nó thậm chí dẫn đến sự toàn cầu hóa tính thờ ơ” (Bài giảng tại Lampedusa, 8 tháng Bảy năm 2013).

Cuối cùng, chúng ta cũng có nguy cơ trở nên giống như người giàu có trong Tin mừng là người chẳng màng quan tâm đến người nghèo La-da-rô, “mụn nhọt đầy mình, thèm được những thứ trên bàn ăn của người giàu có rớt xuống mà ăn cho no” (Lc 16:20-21). Quá chú ý đến việc mua những quần là áo lượt và sắp xếp tổ chức những bữa dạ tiệc phủ phê, người giàu có trong dụ ngôn bị mù trước sự đau khổ của La-da-rô. Quá lo lắng vun đắp cho sự sung túc của riêng mình, chúng ta có nguy cơ bị mù trước những anh chị em đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, là người Ki-tô hữu chúng ta không thể thờ ơ trước thảm kịch của những hình thức túng thiếu cũ và mới, trước sự cô lập u ám, sự khinh rẻ và phân biệt đối xử mà những người không thuộc nhóm “của chúng ta” phải trải qua. Chúng ta không thể giữ sự vô cảm, tâm hồn chai đá, trước nỗi thống khổ của quá nhiều người vô tội. Chúng ta không được ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta không được im lặng không đáp lời. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết khóc, những giọt nước mắt có thể hoán cải tâm hồn chúng ta trước những tội như vậy.

Nếu chúng ta muốn trở thành những người con của Chúa, như Thánh Phaolo thúc giục Ti-mô-thê, chúng ta phải “tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (1 Tm 6:14). Điều răn đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân; hai điều này không thể tách rời nhau! Yêu thương tha nhân như chính bản thân chúng ta có nghĩa là cam kết mạnh mẽ xây dựng một thế giới công bằng hơn, trong đó mọi người có quyền tiếp cận được những sản vật tốt lành của trái đất, trong đó tất cả chúng ta có thể phát triển như là những cá nhân và gia đình, và trong đó các quyền căn bản và phẩm giá được bảo đảm cho mọi người.

Yêu thương tha nhân có nghĩa là thể hiện lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của anh chị em chúng ta, lại gần với họ, đụng chạm đến những nỗi đau của họ và chia sẻ câu chuyện của họ, và từ đó thể hiện cho họ tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa một cách cụ thể. Điều này có nghĩa là trở nên người anh em với tất cả những ai bị ngược đãi và bị bỏ rơi trên các con đường trong thế giới của chúng ta, xoa dịu những vết thương của họ và đưa họ đến nơi trú ngụ gần nhất, nơi những nhu cầu của họ có thể được đáp ứng.

Thiên Chúa trao điều răn thánh này cho dân của Người và đóng ấn cho nó bằng máu của Chúa Giê-su Con Người, để trở thành một nguồn mạch phúc lành cho toàn nhân loại. Để tất cả chúng ta cùng chung sức với nhau xây dựng gia đình nhân loại theo như chương trình ban đầu của Ngài, được tỏ lộ nơi Đức Giê-su Ki-tô: tất cả là anh chị em, tất cả là những người con trai và con gái của Chúa Cha.

Hôm nay chúng ta cũng cần một người mẹ. Chúng ta hãy phó dâng lên cho tình mẫu tử của Mẹ Maria, Đức Bà của Đường đi, quá nhiều những hành trình đau khổ, tất cả những người di cư và tị nạn, cùng với những người sống trong các vùng ngoại vi thế giới của chúng ta và những đã chọn cách cùng chia sẻ với hành trình của họ.

[Văn bản tiếng Anh của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico khánh thành bức điêu khắc kích thước thật về người di cư xuyên suốt lịch sử & thế giới

Đức Thánh Cha Phanxico khánh thành bức điêu khắc kích thước thật về người di cư xuyên suốt lịch sử & thế giới
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico khánh thành bức điêu khắc kích thước thật về người di cư xuyên suốt lịch sử & thế giới

Nhân Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới lần 105, Đức Phanxico cử hành một ngày “để tái khẳng định tầm quan trọng rằng không ai ở trong tình trạng bị loại trừ khỏi xã hội, bất kể người đó là cư dân lâu đời hay là người mới tới”

29 tháng Chín, 2019 16:12

Trong Quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Phanxico đã kéo tấm màn khánh thành bức phù điêu kích cỡ thật có tên Angels Unawares, một tác phẩm của nghệ nhân Timothy P. Schmalz người Canada, để làm mới lại cam kết của Giáo hội đối với những người phải rời bỏ xứ sở.

Cuối Thánh Lễ, được dâng ở sân trong của Vương cung Thánh đường Vatican nhân kỷ niệm Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới lần thứ 105, Đức Thánh Cha Phanxico nói về quyết định của ngài khi xướng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương có mặt trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đức Phanxico giải thích, “Chúng ta kỷ niệm Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới, trong sự hiệp thông với tất cả các Giáo phận trên thế giới, để tái khẳng định tầm quan trọng rằng không ai bị gạt ra ngoài xã hội, bất kể người đó là cư dân lâu đời hay là người mới tới.

Ngài nói bức điêu khắc bằng đồng và đất sét có chủ đề lấy những lời trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (13:2).

Đức Giáo hoàng Dòng Tên giải thích cặn kẽ rằng nó miêu tả cho một nhóm người di cư thuộc nhiều nền văn hóa và thời điểm lịch sử khác nhau.

Ngài nói, “Cha muốn có tác phẩm nghệ thuật này ở đây trong Quảng trường Thánh Phê-rô để nhắc mọi người về thách đố rao giảng phúc âm của lòng hiếu khách.”

Đức Phanxico cũng nhắc lại rằng ngày mai, Thứ Hai 30 tháng Chín, một cuộc họp sẽ khai mạc ở Cameroon “về đối thoại quốc gia, để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng khó khăn đã làm ảnh hưởng đến đất nước trong nhiều năm.”

Đức Thánh Cha kêu gọi, “Cảm nhận sự gần gũi của cha với những nỗi đau và niềm hy vọng của dân tộc Cameroon thân yêu, cha mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu nguyện để cuộc đối thoại này sinh hoa kết trái và dẫn đến các giải pháp cho một nền hòa bình công bằng và dài lâu, vị lợi ích của tất cả mọi người.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester thuộc ZENIT, huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước khi đọc Kinh Truyền Tin.


*****

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em tham dự trong giây phút cầu nguyện này, qua đó chúng ta làm mới lại sự quan tâm của Giáo hội đối với nhiều tầng lớp khác nhau trong số những người di cư dễ bị xúc phạm. Chúng ta kỷ niệm Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới, trong sự hiệp thông với tất cả các Giáo phận trên thế giới, để tái khẳng định tầm quan trọng rằng không ai bị gạt ra ngoài xã hội, bất kể người đó là cư dân lâu đời hay là người mới tới.

Để nhấn mạnh cam kết này, lát nữa đây chúng ta sẽ mở tấm màn che bức điêu khắc có chủ đề lấy những lời trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (13:2). Bức phù điêu này, bằng đồng và đất sét, miêu tả một nhóm người di cư thuộc nhiều nền văn hóa và thời điểm lịch sử khác nhau. Cha muốn có tác phẩm nghệ thuật này ở đây trong Quảng trường Thánh Phê-rô để nhắc mọi người về thách đố rao giảng phúc âm của lòng hiếu khách.

Ngày mai, Thứ Hai 30 tháng Chín, một cuộc họp sẽ khai mạc ở Cameroon “về đối thoại quốc gia, để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng khó khăn đã làm ảnh hưởng đến đất nước trong nhiều năm. Cảm nhận sự gần gũi của cha với những nỗi đau và niềm hy vọng của dân tộc Cameroon thân yêu, cha mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu nguyện đề cuộc đối thoại này sinh hoa kết trái và dẫn đến các giải pháp cho một nền hòa bình công bằng và dài lâu, vì lợi ích của tất cả mọi người. Xin Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình, can thiệp cho chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2019]