Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc
Archbishop Mark Coleridge - Facebook

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc

Năm 2016 có ít người Công giáo ở Úc hơn năm 2011

05 tháng Tư, 2019 16:53

Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Úc, năm 2016 có ít người Công giáo ở Úc hơn năm 2011, nhưng có thể họ có trình độ học vấn cao hơn và quê quán của họ ở nước ngoài nhiều hơn 5 năm về trước.

Ngày 4 tháng Tư năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Quốc gia (NCPR) phát hành một Thống kê Xã hội về Cộng đồng Công giáo Úc, dựa trên thông tin có trong thống kê Dân số năm 2016.

Dữ liệu thống kê phát hành đã ghi lại sự sụt giảm về số người dân thừa nhận là Công giáo từ 5.439.267 năm 2011 xuống 5.291.834 năm 2016. Tính theo tỷ lệ toàn bộ dân số Úc, số người Công giáo tính theo phần trăm từ 25,3 rơi xuống 22,6.

Tuy nhiên, Thống kê Xã hội cung cấp một sự tìm hiểu sâu hơn về dân số Công giáo trên nhiều lĩnh vực, bao gồm trình độ học vấn, việc làm, thu nhập, quê quán, ngôn ngữ, và tình trạng khuyết tật.

“Sự sụt giảm về con số người Công giáo là đáng quan tâm, và các giám mục hiểu được những gì ẩn chứa sau nó và phản ứng với nói một cách tích cực,” Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Úc Châu.

“Như dữ liệu gần đây về sự giảm sút số người tham dự Thánh Lễ, chúng tôi thừa nhận rằng Hội đồng Hoàng gia và những tiết lộ liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như thái độ hờ hững nói chung đối với việc giữ đạo và một khuynh hướng rộng hơn về việc bỏ đạo, tất cả đều góp phần vào sự thay đổi những số liệu thống kê.”

Đức Tổng Giám mục Coleridge nói Thống kê Xã hội là một trong những công cụ chính mà các giám mục sử dụng để nắm được tình hình cộng đồng Công giáo và trở thành một cánh tay trợ giúp trong việc lên kế hoạch cho Công đồng toàn miền.

Ngài nói, “Trong báo cáo chúng ta có thể thấy rằng người Công giáo ngày nay có trình độ đại học cao hơn hai lần so với 20 năm trước, điều đó có thể cho thấy cách các trường Công giáo có những con người được trang bị tốt hơn cho chương trình đại học trong những thập niên gần đây.”

“Người Công giáo cũng có nguồn gốc quê quán từ một quốc gia không nói tiếng Anh nhiều hơn chính người Úc bản xứ và độ tuổi trung bình 40 của họ có cao hơn một vài năm so với dân số nói chung. Họ ít có khả năng bị thất nghiệp hơn và có mức độ hoàn trả vay thế chấp cao hơn so với người đồng niên của họ.

“Tất cả những điều này là dữ liệu quan trọng khi chúng tôi lập kế hoạch cho một tương lai khác biệt, vì rằng bất kỳ sự hoạch định hiệu quả nào cũng cần phải dựa trên số liệu thật, không phải là sự biến tấu tùy hứng.”

Giám đốc NCPR, Trudy Dantis, nói rằng có một sự thay đổi trong quy trình thu thập dữ liệu và nó cũng có thể giải thích một số kết quả Thống kê.

“Từ cái nhìn phân tích thống kê, những thay đổi vật lý đối với mẫu Thống kê – đặc biệt mục ‘No Religion’ (không tôn giáo) là lựa chọn đầu tiên trên câu hỏi về tình trạng tôn giáo – có thể giải thích một số thay đổi trong Thống kê,” Tiến sĩ Dantis nói.

“Chúng ta không biết được có quyền lực nào đã thay đổi các mẫu Thống kê theo cách tương tự, vì vậy không thể so sánh những xu hướng của Úc với xu hướng quốc tế.

“Dù vậy, những gì chúng ta biết được đó là sự giảm sút về con số và mức độ phần trăm những người tự nhận mình là người Công giáo trong Thống kê năm 2016 là phù hợp với những nghiên cứu và bằng chứng khác liên quan đến việc nhận mình là người theo đạo và thực hành đạo.”

Tiến sĩ Dantis nói rằng những thống kê xã hội khác sẽ được phát hành suốt thời gian trong năm cho tất cả các giáo phận và giáo xứ Công giáo.

Bà nói, “Cách thức để một giáo phận hay một giáo xứ có thể hỗ trợ đời sống đức tin và đời sống thường ngày của người Công giáo tùy thuộc và sự thấu hiểu những nhu cầu của cộng đồng.”

“Nắm được thống kê về ngôn ngữ hoặc kinh tế hoặc thống kê về tình trạng khuyết tật của cộng đoàn địa phương sẽ định hình cho cách thức phản ứng của một giáo xứ hoặc một giáo phận trước những hoàn cảnh của người dân.”




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người
Copyright: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người

‘Buôn người là một sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá của nạn nhân’

APRIL 11, 2019 16:08

Dưới đây là văn bản diễn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha Phanxico, do Vatican cung cấp, trước các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về nạn buôn người: ‘Một vết thương trên thân thể của nhân loại hiện nay’, được tổ chức bởi Phân bộ người Di cư và Tị nạn thuộc Bộ Phát triển Con người Toàn diện (8-11 tháng Tư, Fraterna Domus, Sacrofano) nhân dịp phiên bế mạc:


***

Anh chị em thân mến, xin chào!

Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em trong phiên cuối của hội nghị chuyên đề về việc áp dụng Những Hướng dẫn Mục vụ về Nạn Buôn người, được phát hành bởi Phân bộ người Di cư và Tị nạn thuộc Bộ Phát triển Con người Toàn diện, và được tôi phê duyệt. Tôi xin cảm ơn Cha Michael Czerny về những lời tốt đẹp gửi đến tôi thay mặt toàn thể những người tham dự.

“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10). Câu này trong Tin mừng theo Thánh Gio-an tóm tắt sứ mạng của Chúa Giê-su: trao ban sự sống viên mãn cho mọi người nam và nữ thuộc mọi độ tuổi, theo chương trình của Chúa Cha. Con Thiên Chúa đã hạ mình làm người phàm để chỉ cho mọi người con đường tiến đến sự viên mãn của con người, phù hợp với sự độc nhất và tính duy nhất của mỗi người.

Thật đáng tiếc thế giới hiện tại bị đánh dấu bởi những điều kiện làm cản trở sự kiện toàn cho sứ mạng này. Như đã được nhấn mạnh trong Những định hướng Mục vụ về nạn Buôn người (Pastoral Orientations on Human Trafficking), “thời đại của chúng ta chứng kiến sự phát triển của cá nhân chủ nghĩa và tính xem mình là trung tâm, là những thái độ có khuynh hướng đánh giá người khác qua một lăng kính thực dụng lạnh lùng, xét giá trị của họ theo những tiêu chuẩn tiện nghi và lợi ích cá nhân” (17).

Về căn bản đó là khuynh hướng biến người khác thành hàng hóa, điều mà tôi đã liên tục tố cáo[1]. Nạn buôn người nằm trong số những thảm kịch nặng nề nhất của khuynh hướng xem con người là hàng hóa này. Dưới nhiều hình thức khác nhau, nó đã góp phần tạo nên một vết thương “trên thân thể của nhân loại hiện nay” [2], một vết cắt sâu trong nhân tính của những người gánh chịu nó và những người thực thi nó. Thật vậy, buôn người làm biến dạng nhân tính của nạn nhân, xúc phạm đến sự tự do và phẩm giá của họ. Nhưng đồng thời, nó cũng làm mất tính người nơi những kẻ thực thi nó, từ chối không cho họ tiếp cận với “sự sống dồi dào.” Cuối cùng, buôn người tàn phá nghiêm trọng nhân loại nói chung, xé tan gia đình nhân loại và Thân thể của Đức Ki-tô.

Như chúng ta đang nói đến, buôn người là một sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá của các nạn nhân, những chiều kích cấu thành nên con người theo chương trình và ý muốn tạo dựng của Thiên Chúa. Vì vậy nó được xem là một tội ác chống lại nhân loại[3]. Cũng vậy, một trách nhiệm tương tự đặt trên mọi hình thức khinh rẻ quyền tự do và phẩm giá của bất kỳ con người nào, người đồng bào hoặc ngoại kiều.

Những người phạm tội ác này không chỉ tàn phá người khác, nhưng họ tàn phá chính bản thân họ. Thật vậy, mỗi người chúng ta được tạo dựng để yêu thương và chăm sóc cho người khác, và điều này đạt đến đỉnh điểm là cho đi bản thân: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 13). Trong mối quan hệ mà chúng ta thiết lập với người khác chúng ta thực thi nhân tính, tiếp cận hoặc xa lánh bản thân khỏi mẫu hình con người như ý muốn của Thiên Chúa Cha và được tỏ lộ nơi Chúa Con nhập thể. Vì thế, mọi sự lựa chọn nghịch lại với chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta là một sự phản bội của nhân tính chúng ta và là một sự chống đối với “sự sống dồi dào” được Chúa Giê-su Ki-tô ban tặng.

Tất cả những hoạt động nhằm mục đích phục hồi và thăng tiến nhân tính của chúng ta và của những người khác là phù hợp với sứ mạng của Giáo hội, như là một sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô. Và giá trị truyền giáo này trở nên rõ ràng trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức buôn người và trong cam kết cứu thoát những nạn nhân sống sót; một cuộc chiến và một cam kết cũng có những hiệu quả ích lợi đối với chính nhân tính của chúng ta, mở ra con đường viên mãn của sự sống, mục đích cuối cùng của cuộc sống chúng ta.

Anh chị em thân mến, sự hiện diện của anh chị em là một dấu chỉ hữu hình của cam kết mà nhiều Giáo hội địa phương đã quảng đại gánh vác trong môi trường mục vụ này. Nhiều sáng kiến đặt anh chị em vào vị trí tiền tuyến trong việc phòng ngừa nạn buôn người, bảo vệ những nạn nhân sống sót và tố cáo những kẻ vi phạm, thật xứng đáng được tưởng thưởng. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt với nhiều dòng tu là những anh chị em đã hoạt động – và tiếp tục hoạt động, như một mạng lưới – như là “những người tiên phong” của hoạt động thừa sai của Giáo hội chống lại hình thức buôn người.

Nhiều việc đã được thực hiện và đang được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đối mặt với một hiện tượng vừa phức tạp vừa mơ hồ như nạn buôn người, điều quan trọng là phải bảo đảm sự hợp tác của nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau, cả ở cấp độ địa phương và quốc tế. Những văn phòng được thiết lập bởi các Giáo hội địa phương, các dòng tu và các tổ chức Công giáo được kêu gọi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức, và hiệp nhất các sức mạnh kết thành một hành động hiệp lực bao gồm các quốc gia ban đầu, trung chuyển và đích đến, và những người là đối tượng của nạn buôn người.

Để làm cho hoạt động của mình phù hợp và hiệu quả hơn, Giáo hội phải biết cách tìm sự giúp đỡ hữu ích của các nhà hoạt động chính trị và xã hội. Quy định của sự hợp tác có tổ chức với các hiệp hội và các tổ chức của xã hội dân sự sẽ là một bảo đảm cho những kết quả hữu hiệu và dài lâu hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn những gì anh chị em đang làm để giúp đỡ quá nhiều người anh chị em của chúng ta, những nạn nhân vô tội của tư tưởng biến con người thành hàng hóa. Tôi động viên anh chị em hãy tiếp tục sứ mạng này, thường là nguy hiểm và phải âm thầm, nhưng chính vì lý do này mà nó lại là một bằng chứng về sự cho đi quảng đại của anh chị em.

Qua sự cầu bầu của Thánh Josephine Bakhita, rơi vào tình trạng nô lệ khi còn bé, bị mua và bị bán, sau đó được tự do và phát triển trọn vẹn như một người con của Chúa, tôi khẩn cầu dồi dào ơn lành đổ xuống trên anh chị em và những người tham gia trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tôi sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!

__________________________



[1] X Diễn từ trước các tham dự viên trong Phiên họp Khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, 7 tháng Hai 2015; Tiếp kiến chung , 22 tháng Tư 2015; Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris laetitia, 54; Diễn từ trước các thành viên của Ủy ban Quốc hội chống Mafia, 21 tháng Chín 2017.

[2] Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Buôn người, 10 tháng Tư, 2014.

[3] X Diễn từ trước một nhóm các Tân Đại sứ nhân dịp trình Ủy nhiệm thư, 12 tháng Mười Hai 2013; Diễn từ trước Phái đoàn Liên hiệp Luật Hình sự Quốc tế, 23 tháng Mười 2014; Thông điệp gửi các tham dự viên Hội nghị về nạn Buôn người được tổ chức bởi “Santa Marta Group”, 30-31 tháng Mười 2015; Diễn từ trước các tham dự viên trong cuộc họp về nạn Buôn người được tổ chức bởi “RENATE”, 7 tháng Mười Một 2016; Phát biểu trước các tham dự viên trong Ngày Thế giới Cầu nguyện chống nạn Buôn người lần thứ IV, 12 tháng Hai 2018; Buổi họp Tiền Thượng Hội đồng với giới trẻ, 19 tháng Ba 2018; Thông điệp Video gửi các tham dự viên Diễn đàn Quốc tế về Nô lệ Hiện đại lần thứ Hai, 5-8 tháng Năm 2018; Diễn từ trước các tham dự viên trong Phiên họp Khoáng đại của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, 12 tháng Mười Một 2018; Lời chào các thành viên của Galileo Foundation, 8 tháng Hai 2019.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican] [Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]