Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.01.2024: Đức tin không phải là một lý thuyết, không, đó là một cuộc gặp gỡ, là tìm thấy Chúa và ở với Ngài

Đức tin không phải là một lý thuyết, không, đó là một cuộc gặp gỡ, là tìm thấy Chúa và ở với Ngài

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.01.2024: Đức tin không phải là một lý thuyết, không, đó là một cuộc gặp gỡ, là tìm thấy Chúa và ở với Ngài

Vatican Media

*******

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay Tin Mừng trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên (x. Ga 1:35-42). Cảnh này mời gọi chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta đều đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu, khi còn là một thiếu nhi, là một thiếu niên, một thanh niên, một người trưởng thành… Tôi gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên khi nào? Hãy cố nhớ lại điều này một chút. Và sau ý nghĩ này, sự ghi nhớ này, đổi mới niềm vui được theo Chúa và tự hỏi bản thân – theo Chúa Giêsu có nghĩa là làm môn đệ của Ngài – làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Theo bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra ba từ: tìm kiếm Chúa Giêsu, ở lại với Chúa Giêsu và loan báo Chúa Giêsu. Tìm kiếm, ở lại, loan báo.

Trước hết là tìm kiếm. Hai môn đệ, nhờ lời chứng của Gioan Tẩy Giả, bắt đầu đi theo Chúa Giêsu; Ngài “thấy họ đi theo thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’” (c. 38). Đó là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với họ: trước hết, Ngài mời gọi họ nhìn vào trong lòng, tự vấn về những khát khao mà họ mang trong lòng. “Bạn đang tìm kiếm điều gì?” Chúa không muốn chiêu dụ những người theo đạo, Ngài không muốn thu hút những người môn đệ hời hợt; Chúa muốn những người biết tự vấn bản thân và cho phép mình được thử thách bởi Lời của Ngài. Vì vậy, làm môn đệ của Chúa Giêsu, trước hết cần phải tìm kiếm Ngài, cần phải tìm kiếm Ngài, sau đó phải có một tâm hồn rộng mở, tìm kiếm chứ không phải một tâm hồn mãn nguyện hay tự mãn.

Những môn đệ đầu tiên tìm kiếm điều gì qua động từ thứ hai: ở lại? Họ không tìm kiếm tin tức hay thông tin về Thiên Chúa, hay những dấu chỉ hoặc những phép lạ, nhưng họ muốn được gặp Chúa Giêsu, gặp Đấng Mêsia, trò chuyện với Ngài, ở lại với Ngài, lắng nghe Ngài. Câu hỏi đầu tiên họ hỏi là gì? “Thầy đang ở đâu?” (câu 38). Và Chúa Kitô mời họ ở lại với Ngài: “Đến mà xem” (c. 39). Ở lại với Ngài, ở lại với Chúa: đây là điều quan trọng nhất đối với người môn đệ của Chúa. Tóm lại, đức tin không phải là một lý thuyết, không; đó là một cuộc gặp gỡ – đó là một cuộc gặp gỡ. Đó là việc đi tìm xem Chúa ở đâu và ở với Ngài. Gặp gỡ Chúa và ở lại với Ngài.

Tìm kiếm, ở lại và cuối cùng là loan báo. Các môn đệ đã tìm kiếm Chúa Giêsu, sau đó họ đi với Ngài và ở lại với Ngài suốt buổi tối. Và bây giờ là loan báo. Sau đó, các ông trở lại và loan báo. Tìm kiếm, ở lại, loan báo. Tôi có tìm kiếm Chúa Giêsu không? Tôi có ở lại với Chúa Giêsu không? Tôi có can đảm loan báo về Chúa Giêsu không? Cuộc gặp gỡ đầu tiên của các môn đệ với Chúa Giêsu là một trải nghiệm mạnh mẽ đến nỗi hai môn đệ luôn ghi nhớ thời gian: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (c. 39). Điều này cho chúng ta thấy sức mạnh của cuộc gặp gỡ đó. Và tâm hồn họ tràn ngập niềm vui đến nỗi ngay lập tức họ cảm thấy cần phải thông truyền món quà họ đã nhận được. Quả thực, một trong hai người, Anrê, vội vàng chia sẻ điều đó với em trai mình.

Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta cũng hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa. Mỗi người chúng ta đều có cuộc gặp gỡ đầu tiên, trong gia đình hoặc bên ngoài… Tôi đã gặp Chúa khi nào? Chúa đã chạm vào lòng tôi khi nào? Và chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta có còn là người môn đệ mê say Chúa, chúng ta có tìm kiếm Chúa, hay chúng ta chỉ an cư trong một đức tin được hình thành bởi những thói quen? Chúng ta có ở lại với Ngài trong lời cầu nguyện không, chúng ta có biết cách giữ thinh lặng với Ngài không? Tôi có biết cách cầu nguyện với Chúa, giữ thinh lặng với Ngài không? Và rồi chúng ta có cảm thấy khát khao chia sẻ, công bố vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa không?

Xin Mẹ Maria rất Thánh, người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, ban cho chúng ta lòng khao khát tìm kiếm Ngài, ước muốn ở lại với Ngài và khát khao loan báo Ngài.

_____________________________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt cha xin chào các thành viên của hội Hermandad Sacramental de Nuestra Señora de los Remedios đến từ Villarrasa, Tây Ban Nha.

Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ lở đất ở Colombia đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Và chúng ta đừng quên những người đang phải gánh chịu sự tàn khốc của chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine và Israel. Đầu năm mới chúng ta trao cho nhau những lời chúc hòa bình nhưng vũ khí vẫn tiếp tục tàn sát, hủy diệt. Chúng ta hãy cầu nguyện để những người có quyền lực đối với các cuộc xung đột này suy ngẫm về thực tế rằng chiến tranh không phải là cách giải quyết những xung đột đó, bởi vì nó gieo rắc cái chết cho dân thường và phá hủy các thành phố cũng như cơ sở hạ tầng. Nói cách khác, ngày nay chiến tranh tự nó đã là một tội ác chống lại loài người. Chúng ta đừng quên điều này: chiến tranh tự nó là một tội ác chống lại loài người. Các dân tộc cần hòa bình! Thế giới cần hòa bình! Cách đây ít phút, tôi đã nghe trên chương trình “A Sua Immagine”, Cha Faltas, đại diện Hạt Dòng Thánh Địa ở Giêrusalem: ngài nói về việc giáo dục hòa bình. Chúng ta phải giáo dục hòa bình. Chúng ta có thể thấy rằng chúng ta – nhân loại nói chung – chưa được giáo dục đủ để ngăn chặn chiến tranh. Chúng ta hãy luôn cầu xin ơn này: giáo dục hòa bình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/1/2024]


Tu sĩ dòng Phanxicô lãnh đạo ủy ban AI của chính phủ Ý

Tu sĩ dòng Phanxicô lãnh đạo ủy ban AI của chính phủ Ý

Tu sĩ dòng Phanxicô lãnh đạo ủy ban AI của chính phủ Ý

TEDx Talks | Fair Use via YouTube

J-P Mauro

13/01/24


Thầy Paolo Benanti, 50 tuổi, là một chuyên gia về đạo đức thuật toán, từng phục vụ trong cơ quan cố vấn của Liên hợp quốc về các vấn đề AI kể từ tháng 10 năm 2023.

Một tu sĩ dòng Phanxicô đã được chính phủ Ý bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Trí tuệ Nhân tạo (AI). Ủy ban vừa được thành lập vào nửa cuối năm 2023, với mục đích xem xét các tác động khác nhau mà việc giới thiệu trí tuệ nhân tạo sẽ gây ra đối với ngành báo chí và xuất bản nói chung.

Tuy huynh Paolo Benanti, 50 tuổi, là một chuyên gia về đạo đức thuật toán, từng phục vụ trong cơ quan cố vấn của Liên Hợp Quốc về các vấn đề AI kể từ tháng 10 năm 2023. Là người Ý duy nhất trong hội đồng cố vấn của Liên Hợp Quốc, Tu huynh đương nhiên là người được chọn để Ý giải quyết các vấn đề về AI.

Với tư cách là chủ tịch Ủy ban AI, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Thầy Paolo là viết một báo cáo trình bày chi tiết về tình trạng AI ở Ý để trình lên Thủ tướng Giorgia Meloni.

Năm 2023, Thầy Paolo đã có một bài nói chuyện trên TEDx Talk, trong đó Thầy giải thích về sự cần thiết của đạo đức trong thảo luận về AI. Mặc dù video bằng tiếng Ý nhưng YouTube cung cấp phụ đề tiếng Anh:


Trong một phỏng vấn với L’Osservatore Romano, Thầy Paolo đã so sánh sự phát triển của công nghệ AI với những tiến bộ của công cụ chiến tranh trong thế kỷ 20:

“Chúng ta hãy nghĩ về một lĩnh vực tiêu cực, nhưng đáng buồn lại diễn ra hàng ngày, chẳng hạn như chiến tranh. Súng, súng máy, bom, bom nguyên tử là một số điểm của sự đổi mới trong chiến tranh. Tuy nhiên, không ai cho rằng bom nguyên tử là tốt hơn hoặc tốt hơn súng. Mặt khác, phát triển đòi hỏi sự đổi mới công nghệ và biến nó thành một điều hướng tới lợi ích xã hội, hướng tới ích chung.”

Quan điểm của Thầy Paolo về AI rất phù hợp với Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã thẳng thắn kêu gọi sự thận trọng trong việc theo đuổi việc hội nhập của AI vào xã hội. Thật vậy, sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay của Đức Thánh Cha là về chủ đề này.

Vào tháng Ba năm 2023, Thầy Paolo đã dự một cuộc họp với Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó Đức Thánh Cha thảo luận về sự cần thiết phải thấu hiểu đạo đức liên quan đến việc hội nhập AI trong xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thận trọng khi giao phó các đánh giá về kinh tế và xã hội cho trí tuệ nhân tạo, lưu ý rằng các thuật toán xử lý dữ liệu được tổng hợp đang xử lý thông tin về quá khứ của con người. Đức Giáo Hoàng lập luận rằng điều này có thể phủ nhận cơ hội phát triển và thay đổi của một người:

“Dữ liệu này có thể bị ô nhiễm bởi những định kiến xã hội và những ý tưởng định sẵn. Đặc biệt, không được lấy hành vi trong quá khứ của một cá nhân để từ chối cơ hội thay đổi, phát triển và đóng góp cho xã hội của người đó. Chúng ta không thể cho phép các thuật toán hạn chế hoặc đặt điều kiện cho sự tôn trọng phẩm giá con người hoặc loại trừ lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự tha thứ và đặc biệt là hy vọng về sự thay đổi của cá nhân.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2024]