Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Tổng thống Đài Loan nói với Đức Giáo hoàng về tình trạng bắt bớ tôn giáo của Trung Hoa

Tổng thống Đài Loan nói với Đức Giáo hoàng về tình trạng bắt bớ tôn giáo của Trung Hoa

Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tái đắc cử gửi một lá thư tố cáo Bắc Kinh về sự áp bức và lạm dụng sức mạnh

Tổng thống Đài Loan nói với Đức Giáo hoàng về tình trạng bắt bớ tôn giáo của Trung Hoa



Tổng thống Tsai Ing-wen của Đài Loan vẫy chào những người ủng hộ ở Đài Bắc sau chiến thắng bầu cử ngày 11 tháng Một (Photo: Sam Yeh/AFP)
23 tháng Một, 2020

Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan đã viết thư gửi Đức Thánh Cha Phanxico để than phiền về tình trạng bắt bớ tôn giáo của Trung Hoa, nói rằng Bắc Kinh có ý định đe dọa nền dân chủ và tự do của đất nước.

Đài Loan đã quan ngại về những động thái muốn bình thường hóa mối quan hệ của Vatican với Trung Hoa, đặc biệt sau thỏa thuận tạm thời đánh dấu bước ngoặt vào tháng Chín năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục.

Bà Thái tái đắc cử sau cuộc thắng phiếu lớn ngày 11 tháng Một sau một chiến dịch cam kết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan thoát hỏi sự kiểm soát của Trung Hoa.

Trong thư gửi Đức Giáo hoàng, do Văn phòng Tổng thống công bố ngày 21 tháng Một, bà kể ra những hành động của Trung Hoa mà bà cho rằng cấu thành nên tình trạng lạm dụng sức mạnh, bao gồm bạo lực đối với những người phản đối của Hồng Kông và việc bắt bớ các tín đồ tôn giáo tìm cách giữ niềm tin của họ.

Đáp lại thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxico về Ngày Hòa bình Thế giới ngày 1 tháng Một, bà Thái viết rằng Đài Loan hy vọng một giải pháp hòa bình với những khác biệt của mình với Trung Quốc.

Bà viết, “Tuy nhiên, hiện tại cuộc đối thoại trên eo biển Đài Loan còn nhiều khó khăn. Nút thắt chính là Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ mong muốn kiểm soát Đài Loan. Họ tiếp tục đe dọa những quyền tự do dân chủ và nhân quyền của Đài Loan bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, tin tức giả mạo, tấn công mạng và những phương tiện ngoại giao.”

Bà Thái trích dẫn trực tiếp từ thông điệp hòa bình của giáo hoàng, cho biết: “Chiến tranh được thúc đẩy bởi sự xuống cấp của các mối quan hệ, bởi những tham vọng bá quyền, lạm dụng sức mạnh, vì sợ người khác và coi sự đa dạng là một trở ngại.”

Bà viết, “Các nhà chức trách đưa cảnh sát vũ trang bắn hơi cay và đàn áp và bắt giữ người dân bày tỏ mong muốn theo đuổi dân chủ và nhân quyền; những người nổi tiếng trên internet hoặc các vận động viên bị đe dọa chấm dứt hợp đồng hoặc cấm trong các cuộc thi khi họ lên tiếng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận; các tín đồ tôn giáo đối mặt với sự giam cầm và đàn áp của các nhân viên an ninh công khi họ, theo lương tâm của mình, từ chối bị ép buộc ký vào các tài liệu để tham gia một tổ chức vi phạm những điểm giáo lý tôn giáo của họ — tất cả những điều này hình thành nên điều mà trong thông điệp của Đức Thánh Cha gọi là sự lạm dụng sức mạnh và xem sự đa dạng như một trở ngại. Thật vậy, chúng chỉ làm tăng thêm xung đột.”

“Tôi hoàn toàn đồng tình với tầm nhìn cao cả của Đức Thánh Cha và kêu gọi toàn thể nhân loại từ bỏ mong muốn thống trị người khác, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, và học cách xem nhau là con cái của Thiên Chúa và như anh chị em, để phá vỡ vòng xoáy của sự báo thù.

“Nhiều cuộc xung đột quốc tế ngày nay có thể xuất phát từ nguyên nhân mong muốn thống trị người khác. Khi một bên cố gắng áp đặt ý chí của mình lên người khác, sự đối thoại đích thực trở nên bất khả thi.”

Bà Thái nói các hoạt động quân sự và những cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan đã gây ra tình trạng bất ổn khu vực và gia tăng sự mất lòng tin quốc tế.

Bà nói bất chấp “sự đàn áp nghiêm trọng” của Trung Quốc, nhưng Đài Loan đang tiến tới, hợp tác với các nước thân thiện và có cùng chí hướng để các nền dân chủ khác công nhận đây là đối tác tốt nhất để duy trì hòa bình và ổn định.

Bắc Kinh đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Vatican năm 1951 và lo ngại rằng một giáo hội độc lập ở Trung Quốc có thể đe dọa uy quyền của họ.

Thỏa thuận năm 2018 mang lại cho Vatican tiếng nói được tìm kiếm từ lâu trong việc lựa chọn các giám mục Trung Quốc, trước đây chỉ do Bắc Kinh bổ nhiệm. Người Công giáo bảo thủ đã phản đối thỏa thuận này.

Bà Thái bày tỏ hy vọng về sự phát triển liên tục của Giáo hội Công giáo và nói rằng đức tính hy vọng dẫn đến hòa bình và vượt qua nghịch cảnh.

Bà viết, “Tôi tin chắc rằng nếu mọi người ở Đài Loan và trên thế giới ôm lấy hy vọng và vẫn sẵn sàng đối thoại và từ chối sự loại trừ và thao túng, thì hòa bình thật sự có thể đạt được.”

Vatican là một trong 15 quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao với Đài Loan và là quốc gia duy nhất ở châu Âu.

Bắc Kinh liên tục yêu cầu các quốc gia khác chấm dứt việc công nhận ngoại giao của Đài Loan, vì nó bị xem là một tỉnh nổi loạn, như một cái giá cho sự gia tăng hợp tác kinh tế hoặc chính trị.

Chính phủ Đài Loan đã nhiều lần mời Đức Giáo hoàng Phanxico đến thăm Đài Loan cả trước và sau thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục.



[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2020]


Mục đích thiêng liêng của giáo dục Công giáo

Mục đích thiêng liêng của giáo dục Công giáo

Mục đích thiêng liêng của giáo dục Công giáo
Philippe Lissac | Godong

28 tháng Một, 2020

Giáo dục không chỉ là việc ghi nhớ những kiến thức, nhưng gồm cả sự ghi khắc và thực hành nhân đức.

Trong thời gian gần 200 năm, nền giáo dục trong thế giới Tây phương hầu như tập trung toàn bộ vào việc ghi nhớ kiến thức hoặc sự thành công của sinh viên trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Điều này không luôn luôn đúng, nhưng phần lớn các trường quan tâm đến điểm số hơn bất kỳ điều gì khác.

Mặc dù điều quan trọng là phải được giảng dạy tốt và có khả năng nhớ lại những kiến thức về các môn học cụ thể, giáo dục Công giáo nên thể hiện nét riêng trong việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đời sống đạo đức, không chỉ là một cuộc sống đầy “kiến thức của trí óc.”

Thánh Gioan Phaolo II nhấn mạnh đến mục tiêu thiêng liêng của nền giáo dục như vậy trong diễn từ của ngài trước các giám mục Hoa Kỳ.

Giáo dục Công giáo không chỉ nhắm đến việc truyền đạt kiến thức nhưng còn truyền đạt tầm nhìn mạch lạc, toàn diện về sự sống, với sự vững tin rằng những sự thật trong tầm nhìn đó giải phóng người học theo ý nghĩa sâu xa nhất của sự tự do của con người … “Trong trường học Công giáo không có sự tách biệt giữa thời gian học và thời gian đào tạo, giữa việc đạt được những khái niệm và phát triển sự khôn ngoan. Các môn học của trường không chỉ trình bày những kiến thức cần đạt được nhưng cả những giá trị phải có và những sự thật phải được khám phá.”

Kiến thức là quan trọng và có vị trí của nó, nhưng không nên đặt nó nặng hơn việc thực hành đời sống đạo đức.

Trong quyển The Curriculum of the Catholic Elementary School (tạm dịch: Chương trình học của Trường Tiểu học Công giáo) (xuất bản năm 1919), George Johnson bình luận về yếu tố quan trọng này của giáo dục.

Trường học phải hỗ trợ trẻ em trong sự phát triển những thái độ đúng đắn. Chẳng hạn, thật vô ích khi dạy đứa trẻ nhiều điều về những trách nhiệm của một người công dân, nếu không đồng thời giúp đứa trẻ cảm nhận sự cần thiết phải duy trì những lý tưởng về trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân tốt. Một đứa trẻ có thể vượt qua một kỳ kiểm tra vẻ vang về bản chất của nhân đức Ki-tô giáo, nhưng nếu đứa trẻ không cảm nhận từ sâu thẳm tâm hồn giá trị của nhân đức Ki-tô giáo, thì kiến thức của nó sẽ chứng minh là trống rỗng.

Các bài kiểm tra chắc chắn là quan trọng và cần thiết phải có, nhưng đó có phải là điều chúng ta sẽ bị phán xét trong ngày sau hết? Liệu Chúa có quan tâm đến kiến thức của chúng ta về đức tin Công giáo không? Hay Người sẽ xét đến những hành động của chúng ta?

Mục tiêu thiêng liêng của giáo dục phải luôn được ghi nhớ và xem như một nguyên tắc nền tảng khi giáo dục người trẻ.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico chọn Cha Aemilius làm tân thư ký riêng của ngài

Đức Thánh Cha Phanxico chọn Cha Aemilius làm tân thư ký riêng của ngài
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico chọn Cha Aemilius làm tân thư ký riêng của ngài

Linh mục người Uruguay từng giúp đỡ giới trẻ đường phố

27 tháng Một, 2020 13:05

“Đức Thánh Cha Phanxico đã chọn Cha Gonzalo Aemilius, trong hàng giáo sĩ thủ đô Montevideo của Uruguay làm tân thư ký riêng của ngài.”

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, công bố hôm Chúa nhật, 26 tháng Một năm 2020.

Bản công bố kết luận, “Cha Gonzalo sinh ngày 18 tháng Chín năm 1979, thụ phong linh mục ngày 6 tháng Năm năm 2006, và có bằng tiến sĩ thần học.”

Vị thư ký không phải là người trong Giáo triều Roma, và hơn thế đã từng sống giữa người đời, hoạt động với giới trẻ đường phố và người bị gạt ra bên lề.

Cha thay thế vị trí của linh mục người Argentina, Đức ông Fabian Pedacchio, người phục vụ với vai trò thư ký của Đức Phanxico từ năm 2013 đến 2019. Gần đây Đức ông trở về làm việc toàn thời gian trong Bộ Giám mục của Vatican.

Cha Aemilius cùng cộng tác với vị thư ký đặc biệt khác của Đức Phanxico, Cha Yoannis Lahzi Gaid người Ai-cập.

Theo Il Sismografo tiếng Ý, ngày 17 tháng Ban năm 2013, một vài ngày sau khi lên ngai Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxico giới thiệu Cha Gonzalo với tín hữu giáo xứ Sant’Anna của Vatican.

Đức Phanxico nói, “Có vài người không phải là giáo dân ở đây: những linh mục người Argentina, một vị là giám mục phụ tá của cha, nhưng từ hôm nay các ngài sẽ trở thành giáo dân ở đây. Nhưng cha muốn giới thiệu với anh chị em một linh mục đến từ rất xa, cha đến từ, một linh mục đã và đang làm việc với trẻ em đường phố suốt một thời gian dài, với những thanh thiếu niên nghiện ma túy. Cha đã mở một trường học cho họ, cha đã làm nhiều điều để giới thiệu Chúa Giê-su, và tất cả những thanh thiếu niên nam nữ đường phố này ngày nay các em đang làm việc với ngành học mà các em đã được học, có kỹ năng làm việc, tin tưởng và yêu mến Chúa Giê-su.”

Đức Thánh Cha nói, “Gonzalo, cha mời con đến chào mọi người.”

Đức Phanxico nói thêm: “Xin cầu nguyện cho ngài. Ngài hoạt động ở Uruguay, ngài là người sáng lập Trường Trung học Jubilar John Paul II: ngài làm công việc này. Cha cũng chẳng biết hôm nay ngài đến đây bằng cách nào.”

Đức Thánh Cha nói, “Cha sẽ tìm hiểu!”

Đức Thánh Cha kết luận, nói lời cảm ơn và nói với bổn đạo: “Hãy cầu nguyện cho ngài.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2020]