Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Vatican kết án vụ tấn công khủng bố Nice giết chết 84 người

Vatican kết án vụ tấn công khủng bố Nice giết chết 84 người


Police officers and soldiers at the scene of a terrorist attack in Nice, France. At least 84 people were killed after a man drove a heavy truck into a crowd of people celebrating Bastille Day. - AP
Cảnh sát và quân đội tại hiện trường của vụ tấn công khủng bố ở Nice, Pháp. Ít nhất 84 người chết sau khi một người đàn ông lái chiếc xe tải nặng tông vào đám đông người đang mừng ngày độc lập Bastille Day. - AP
15/07/2016 08:11
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico kết án vụ tấn công khủng bố ở Nice, Pháp, vào đêm thứ Năm giết chết ít nhất 84 người.
“Chúng tôi đã theo dõi suốt đêm, với sự lo ngại vô cùng, tin tức kinh hoàng từ Nice chuyển đến,” Cha Federico Lombardi, SJ, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh nói.
“Chúng tôi xin công bố, về phía Đức Thánh Cha và chúng tôi, sự chia sẻ và tình hiệp nhất trong nỗi đau của các nạn nhân và tất cả dân tộc Pháp, torng một ngày được xem là ngày mừng vĩ đại,” – Cha Lombardi tiếp tục – “Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi hành động điên cuồng giết người, hận thù, khủng bố, và tấn công chống lại hòa bình.”
Kẻ khủng bố lái một xe tải hạng nặng với tốc độ cao lao vào đám đông vừa xem bắn pháo hoa. Chiếc xe tải cuối cùng dừng sau khi chạy khoảng 2 km, và người lái xe bị giết chết bằng 1 phát súng của cảnh sát.
Vụ tấn công xảy ra 8 tháng và 1 ngày sau vụ các tay súng và đánh bom tự sát của nhà nước Hồi giáo tấn công Paris ngày 13 tháng 11 năm 2015, giết chết 130 người. Bốn tháng sau, những người Hồi giáo cực đoan Bỉ có liên hệ với những kẻ tấn công Paris đã giết 32 người tại sân bay Brussels.

[Nguồn: en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/07/2016]



SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 31 NĂM 2016

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 31 NĂM 2016

Phúc cho ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5:7)
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta đã đến bước chuẩn bị cuối cùng cho chuyến hành hương của chúng ta đến Krakow, nơi đây chúng ta sẽ mừng Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 vào tháng 7 năm tới. Chúng ta đang được dẫn dắt trên con đường dài và đầy thử thách này bằng Lời của Chúa Giê-su lấy từ Bài giảng trên Núi. Chúng ta đã bắt đầu hành trình này năm 2014 qua việc cùng nhau suy niệm Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Chủ điểm cho năm 2015 là: “Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Trong suốt năm tới, chúng ta hãy để tâm hồn được khơi nguồn cảm hứng với lời: “Phúc cho ai hay thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5:7).

1. Năm Thánh Lòng Thương xót
Với chủ điểm này, Ngày Giới trẻ Thế giới Krakow 2016 là một phần của Năm Thánh Lòng Thương xót và như vậy trở thành một Năm Thánh Giới trẻ trên tầm mức thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên một sự nhóm họp giới trẻ quốc tế trùng vào Năm Thánh. Quả thật, trong Năm Thánh Ơn Cứu độ (1983/1984) Thánh Gioan Phaolo II lần đầu tiên kêu gọi giới trẻ từ trên khắp thế giới đến với nhau trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Rồi, trong suốt Đại Năm Thánh 2000, trên 2 triệu bạn trẻ từ 165 quốc gia tề tựu tại Roma trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 15 (15th World Youth Day). Cha tin chắc rằng Năm thánh Giới trẻ ở Krakow, cũng như hai lần trước, sẽ là một trong những điểm sáng của Năm Thánh này!

Có lẽ một số trong chúng con đang thắc mắc: Năm thánh này là gì mà được tổ chức trong Giáo hội? Bản văn trong sách Lê-vi 5 có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của từ “năm thánh” (Jubilee) cho dân Israel. Cứ mỗi 50 năm họ nghe thấy một tiếng kèn tù và (jobel) kêu gọi họ (jobil) kỷ niệm một năm thánh như là một khoảng thời gian để hòa giải (jobal) cho mọi người. Trong suốt thời gian đó họ phải canh tân lại tình gắn kết tốt đẹp của họ với Thiên Chúa, với anh em và với tạo vật, tất cả trong tinh thần vô vị lợi. Điều này thúc đẩy sự tha nợ, giúp đỡ đặc biệt cho những ai rơi vào tình trạng nghèo đói, cùng nhiều điều khác nữa, một sự cải thiện về những mối tương quan cá nhân và giải phóng nô lệ.

Chúa Giê-su Ki-tô đến để công bố và đem thời gian ân sủng trường tồn của Thiên Chúa. Người đem tin vui đến cho người nghèo, sự tự do đến cho những tù nhân, đem ánh sáng lại cho người mù và sự giải phóng cho những người bị áp bức (Lc 4:18-19). Trong Đức Giê-su, và đặc biệt trong Mầu nhiệm Vượt qua của Người, chúng ta nhận ra được trọn vẹn ý nghĩa sâu sắc hơn của năm thánh. Khi Giáo hội công bố một năm thánh nhân danh Đức Ki-tô, tất cả chúng ta được mời gọi để trải nghiệm thời gian ân sủng sung mãn. Giáo hội giới thiệu ra vô vàn những dấu chỉ cho sự hiện hữu và sự gần gũi của Thiên Chúa, và tái thức tỉnh trong tâm hồn mọi người khả năng biết nhìn đến những điều cốt lõi. Đặc biệt, trong Năm Thánh Lòng Thương xót này là “một thời gian cho Giáo hội tái khám phá ý nghĩa của sứ vụ của mình được Thiên Chúa trao phó trong ngày Phục sinh: “là dấu chỉ và công cụ của lòng thương xót của Chúa Cha” (Bài giảng Giờ Kinh chiều Chúa nhật đầu tiên Năm thánh, 11 tháng 4, 2015).

2. Thương xót như Chúa Cha
Khẩu hiệu của Năm Thánh đặc biệt này là “Thương xót như Chúa Cha” (Tông sắc Dung nhan Lòng Thương xót - Misericordiae Vultus, 13). Khẩu hiệu này rất phù hợp với chủ điểm của Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, vì vậy chúng ta phải hiểu rõ hơn ý nghĩa của lòng thương xót này.

Kinh Thánh Cựu Ước dùng nhiều thuật ngữ khi nói về lòng thương xót. Những thuật ngữ ý nghĩa nhất là hesed (tình yêu tín trung) rahamim (tình mẫu tử). Thuật ngữ thứ nhất, khi nói về Thiên Chúa, diễn tả lòng trung tín không bao giờ thay đổi của Giao ước đối với dân Người, dân tộc Người yêu thương và tha thứ mãi mãi. Thuật ngữ thứ hai, rahamim, xét phạm vi tu từ có nghĩa là “tấm lòng,” vì vậy có thể diễn giải là “lòng thương xót từ con tim.” Đặc biệt ý nghĩa này gợi lên trong đầu chúng ta cung lòng người mẹ và giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người giống như tình yêu người mẹ dành cho con của bà. Đây là điều được ngôn sứ I-sai-a trình bày: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49:15). Tình yêu này đòi hỏi phải có không gian dành cho tha nhân trong con người chúng ta, và có khả năng đồng cảm, chịu đựng và hân hoan cùng với anh em của chúng ta.

Ý nghĩa thánh kinh của lòng thương xót cũng bao hàm sự hiện diện hữu hình của tình yêu trung tín, tự nguyện cho đi và khả năng tha thứ. Trong trích đoạn dưới đây trong sách Hô-sê, chúng ta thấy được một hình ảnh tuyệt đẹp của tình yêu Thiên Chúa, mà ngôn sứ so sánh nó với tình yêu của người cha dành cho con mình: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi; .... Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hos 11:1-4). Bất kể thái độ sai quấy của đứa con đáng chịu hình phạt, tình yêu của người cha vẫn luôn tín trung. Người luôn tha thứ cho những đứa con hối lỗi của mình. Ở đây chúng ta thấy sự tha thứ luôn luôn là một phần của lòng thương xót. Nó “không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người thể hiện tình yêu của Người giống như của một người cha hay người mẹ, rung động đến tận thẳm sâu của tình yêu dành cho đứa con … Nó trào dâng lên từ tận thẳm sâu một cách tự nhiên, tràn đầy lòng nhân hậu và cảm thương, đầy lòng thứ tha và thương xót” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương xót - Misericordiae Vultus, 6).

Kinh Thánh Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót của Chúa (eleos) như là một sự hòa trộn những công trình mà Chúa Giê-su đến đến để hoàn tất trên trần gian nhân danh Chúa Cha (Mt 9:13). Chúng ta có thể nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa thật đặc biệt khi người cúi xuống trước nỗi thống khổ của con người và thể hiện lòng thương cảm của Người cho những ai đang cần cảm thông, cần chữa lành và tha thứ. Mọi việc trong Đức Giê-su đều nói về lòng thương xót. Quả thật, Người, và chính Người là lòng thương xót.

Trong chương 15 Tin Mừng Lu-ca chúng ta tìm thấy ba dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên lạc, đồng tiền bị mất và dụ ngôn đứa con hoang đàng. Trong cả ba dụ ngôn này chúng ta bị đánh động bởi niềm vui mừng của Thiên Chúa, niềm vui Người cảm nhận khi Người tìm thấy và tha thứ cho một tội nhân. Vâng, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Điều này đã tóm tắt toàn bộ Tin mừng. “Mỗi chúng ta, mỗi người trong chúng ta, đều là con chiên nhỏ bị lạc mất kia, là đồng xu bị đánh mất; mỗi người chúng ta là đứa con đã hoang phí sự tự do của mình cho những ngẫu tượng sai lạc, những ảo tưởng hạnh phúc, và đã mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta; Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người là một người cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta! Người tôn trọng sự tự do của chúng ta, nhưng Người vẫn mãi luôn trung tín. Và khi chúng ta quay trở về với Người, Người đón chào chúng ta như những đứa con trong nhà, vì Người không bao giờ từ bỏ, dù chỉ là một giây phút ngắn, chờ đợi chúng ta với lòng yêu thương. Và trái tim Người mừng vui khi mỗi đứa con trở về. Người mở tiệc mừng vì Người quá hân hoan. Thiên Chúa có niềm vui này, khi mỗi người trong chúng ta là tội nhân đến với Người và xin sự tha thứ của Người” (Angelus, 15 tháng 9, 2013).

Lòng thương xót của Chúa là rất thật và chúng ta được kêu gọi để trải nghiệm lòng thương xót đó trước hết. Khi cha 17 tuổi, chuyện xảy ra là một ngày kia khi cha chuẩn bị đi chơi với bạn bè, cha quyết định dừng lại ở nhà thờ trước. Cha gặp một linh mục ở đó và ngài đã khơi gợi lòng tự tin thật mạnh, và cha cảm thấy khát khao được mở tâm hồn ra trong Tòa cáo giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi cuộc đời cha! Cha khám phá ra rằng khi chúng ta mở tâm hồn với lòng khiêm nhường và thanh sạch, chúng ta có thể hưởng lòng thương xót của Chúa theo cách rất cụ thể. Cha cảm nhận thực sự được điều đó, trong con người của vị linh mục đó, Thiên Chúa vẫn luôn đợi cha thậm chí trước khi cha bước chân đi vào nhà thờ. Chúng ta cứ mải mê đi tìm Thiên Chúa, nhưng Chúa đó ngay trước mặt chúng ta, luôn tìm chúng ta, và Người tìm thấy chúng ta trước. Có lẽ một vài người trong chúng con cảm thấy cái gì đó đè nặng lên tâm hồn. Các con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều đó … Đừng sợ! Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa là Cha và Người luôn chờ đợi chúng ta! Thật quá tuyệt vời nếu cảm nhận được cái ôm đầy lòng thương xót của Chúa Cha qua bí tích Hòa giải, để khám phá ra rằng việc xưng tội là nơi hưởng lòng thương xót, và để chúng ta được đụng chạm đến bởi tình yêu xót thương của Thiên Chúa Người luôn tha thứ cho chúng ta!

Chúng con, những bạn trẻ nam nữ thân mến, các con có bao giờ cảm nhận được ánh mắt nhìn của một tình yêu viên mãn trên chúng con, một cái nhìn vượt trên những tội lỗi của chúng con, những giới hạn và vấp ngã, và tiếp tục tin tưởng vào chúng con và nhìn đến đời sống của chúng con với niềm hy vọng? Chúng con có nhận ra chúng con quý giá như thế nào với Thiên Chúa không, Người đã cho chúng con mọi thứ vì yêu? Thánh Phaolo nói với chúng ta rằng “Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rom 5:8). Các con có thực sự hiểu được sức mạnh của những lời này không?

Cha biết cây thập giá Ngày Giới trẻ Thế giới có ý nghĩa to lớn như thế nào với chúng con. Đó là một quà tặng của Thánh Gioan Phaolo II (Saint John Paul II) và đã ở cùng chúng con trong tất cả những cuộc họp mặt quốc tế từ năm 1984 (World Meetings). Đã có rất nhiều những thay đổi và hoán cải xảy ra trong đời sống của nhiều bạn trẻ gặp gỡ với cây thập giá đơn sơ này! Có thể các con tự hỏi mình câu hỏi này: nguồn gốc của quyền năng đặc biệt của thập giá là gì? Và đây là câu trả lời: thập giá là một dấu chỉ hùng hồn nhất của lòng thương xót của Chúa! Thập giá kể cho chúng ta rằng thước đo của tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại là yêu không biên giới! Qua thập giá chúng ta có thể chạm đến lòng thương xót của Chúa và được lòng thương xót đó biến đổi! Đến đây cha muốn kể lại chuyện của hai người trộm bị đóng đinh hai bên Chúa Giê-su. Một người rất ngạo mạn và không thừa nhận anh ta là người có tội. Anh ta chế giễu Thiên Chúa. Còn người kia nhận rằng anh ta đã làm sai; anh ta quay sang Chúa Giê-su và nói: “Thưa ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi ông vào nước của ông.” Chúa Giê-su nhìn anh ta với lòng thương xót vô bờ và trả lời: “Hôm nay anh sẽ ở với ta trên nước Thiên đàng” (Lc 23:32, 39-43). Với hai người trên đây chúng ta giống ai? Có phải là người kiêu căng không thừa nhận lỗi lầm của mình? Hay là ngời kia, người chấp nhận rằng anh ta đang cần lòng thương xót của Chúa và van xin điều đó với trọn con tim? Có phải qua Thiên Chúa, Người đã tặng ban sự sống của Người cho chúng ta trên cây thập tự, chúng ta sẽ tìm được tình yêu vô điều kiện đó, một tình yêu luôn nhìn đến cuộc sống của chúng ta là một điều gì đó tốt đẹp và luôn cho chúng ta cơ hội để khởi đầu trở lại.

3. Niềm vui đáng kinh ngạc khi là những khí cụ của lòng thương xót của Chúa

Lời Chúa dạy chúng ta rằng “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20:35). Đó là lý do Mối Phúc thứ năm nói rằng Phúc cho ai có lòng thương xót. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Nhưng chúng ta sẽ thực sự được ân ban và hạnh phúc chỉ khi chúng ta bước vào ân sủng “hợp quy” của Chúa và tình yêu khoan dung, khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa đã yêu chúng ta vô cùng để làm chúng ta có thể yêu được như Người, không tính toán. Thánh Gioan nói rằng: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Gioan 4:7-11).

Sau khi tóm tắt về những cách Thiên Chúa tặng ban lòng thương xót của Người trên chúng ta, cha muốn cho các con một số gợi ý để làm sao chúng ta có thể trở nên những khí cụ của lòng thương xót cho tha nhân.

Cha nghĩ đến tấm gương của Chân Phước Pier Giorgio Frassati. Ngài nói, “Chúa Giê-su đến thăm tôi mỗi sáng qua Bí tích Thánh thể, và tôi đáp lại chuyến thăm của Người bằng một cách rất đơn sơ mà tôi có thể biết, đến thăm người nghèo.” Pier Giorgio là một thanh niên đã hiểu được ý nghĩa có lòng thương xót biết hồi đáp lại trước những ai đang thiếu thốn là như thế nào. Ngài cho họ vượt xa những gì thuộc vật chất. Ngài cho đi chính bản thân bằng cách tặng ban thời gian của ngài, lời nói và khả năng lắng nghe của ngài. Ngài phục vụ người nghèo trong thầm lặng và khiêm cung. Ngài thực sự đã làm điều mà Tin mừng dạy chúng ta: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:3-4).

Hãy hình dung, vào ngày đó trước khi qua đời lúc ngài đã rất yếu, ngài vẫn cho những hướng dẫn để làm sao các bạn bè thiếu thốn của ngài vẫn được giúp đỡ. Trong đám tang của ngài, gia đình và bạn bè quá sửng sốt vì sự hiện diện của bao nhiêu người nghèo mà họ không biết. Họ đã được kết giao và được giúp đỡ bởi thanh niên Pier Giorgio.

Cha vẫn luôn thích liên kết những Mối Phúc Tin mừng với Mát-thêu 25, trong đó Chúa Giê-su trình bày cho chúng ta những hành động của lòng thương xót và cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên những điều đó. Vậy thì, cha yêu cầu các con tái khám phá lại những mối thương xác: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần trụi mặc, đón tiếp người lạ, chăm sóc người bệnh, thăm người tù và chôn người chết. Và rồi chúng ta cũng hãy nhìn đến những mối phúc linh hồn: khuyên bảo người hoài nghi, dạy bảo người mê muội, khuyên răn người có tội, an ủi người sầu khổ, tha thứ người lỗi phạm, kiên nhẫn chịu đựng người sai quấy và cầu nguyện với Thiên Chúa cho người sống cũng như người chết. Như các con thấy, lòng thương xót không chỉ hàm ý trở nên một “người tốt,” nó cũng chẳng là một sự đa cảm đơn thuần. Nó là thước đo tính xác thực của người môn đệ Chúa Giê-su, và uy tín của Người Ki-tô hữu chúng ta trong thế giới hôm nay.

Nếu các con muốn cha nói cụ thể hơn, cha đề nghị rằng trong 7 tháng đầu của năm 2016 các con hãy chọn một mối thương người hay thương xác để thực hành hàng tháng. Hãy tìm lấy nguồn hứng khởi trong lời cầu nguyện của Thánh Faustina, một tông đồ khiêm nhường của Lòng Thương xót Chúa của thời  đại chúng ta:

“Xin giúp con, Ôi Lạy Chúa,
… để đôi mắt con có thể biết thương xót, để con sẽ không bao giờ hoài nghi hay xét đoán qua diện mạo bên ngoài, nhưng luôn tìm đến điều đẹp đẽ trong tâm hồn của anh chị em con và trở nên động lực giúp đỡ cho họ;
… để đôi tai con có thể biết thương xót, để con sẽ chú ý lắng nghe những nhu cầu của anh chị em con, và không thờ ơ trước những nỗi đau và than van của họ;
… để lưỡi con có thể biết thương xót, để con sẽ không bao giờ nói xấu về người khác, nhưng biết nói lời ủi an và tha thứ cho tất cả;
… để đôi bàn tay con có thể biết thương xót và làm những công việc tốt lành;
… để đôi bàn chân con có thể biết thương xót, để con biết vội vã đi giúp đỡ anh chị em con, bất kể nhọc mệt hay yếu đuối của con;
… để trái tim con có thể biết thương xót, để chính con sẽ biết chia sẻ tất cả những nỗi đau của anh chị em con” (Nhật ký, 163).

Thông điệp Lòng Chúa thương xót là một chương trình sống rất cụ thể vì nó bao gồm những hành động. Một trong những hành động cụ thể nhất của lòng thương xót, và có lẽ là khó thực hành nhất, là tha thứ cho người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm điều sai quấy đối với chúng ta mà chúng ta đã xem như kẻ thù. “Có những lúc, dường như quá khó để tha thứ! Tuy nhiên tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để giành được sự an bình cho tâm hồn. Hãy cho qua đi những cơn giận, sự phẫn nộ, bạo lực, và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống trong niềm vui” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương xót - Misericordiae Vultus, 9).

Cha đã gặp rất nhiều bạn trẻ nói rằng họ chán ngán thế giới này đã bị phân chia, với những xung đột giữa những người ủng hộ các phe nhóm khác nhau và quá nhiều chiến tranh, và trong một số trường hợp tôn giáo được sử dụng như một biện minh cho bạo lực. Chúng ta phải nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng để biết thương xót những ai phạm lỗi với chúng ta. Chúa Giê-su trên thập tự đã cầu xin cho những kẻ đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Lòng thương xót là con đường duy nhất để vượt qua tội lỗi. Công bằng là cần thiết, rất cần, nhưng chỉ mình nó chưa đủ. Công bằng và Thương xót phải đi chung với nhau. Cha tha thiết mong ước rằng chúng ta có thể hiệp chung với nhau đồng thanh trong lời cầu nguyện, từ tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta, để nài xin Thiên Chúa ban ân sủng xuống trên chúng ta và trên toàn thế giới!

4. Krakow đang mong chờ chúng ta!

Chỉ còn vài tháng nữa là chúng ta sẽ gặp nhau tại Ba lan. Krakow, thành phố của Thánh Gioan Phaolo II và thánh Faustina Kowalska, đang chờ đón chúng ta với đôi vòng tay và trái tim rộng mở. Cha tin rằng Thiên Chúa Quan Phòng đã soi dẫn chúng ta đến quyết định tổ chức mừng Năm Thánh Giới trẻ tại thành phố đó, quê hương của hai vị tông đồ vĩ đại của lòng thương xót trong thời đại của chúng ta. Thánh Gioan Phaolo đã nhận ra rằng đây là thời gian của lòng thương xót. Ngay từ đầu triều đại của ngài, ngài đã viết Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia). Trong Năm Thánh 2000 ngài đã tôn phong thánh Nữ tu Faustina và thiết lập Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, bây giờ được mừng vào Chúa nhật thứ hai Phục Sinh. Năm 2002, ngài đã khánh thành Đền thờ Lòng Chúa Thương xót ở Krakow và phó thác thế giới cho Lòng Thương xót của Chúa, với mong muốn thông điệp này sẽ đến được với mọi dân tộc trên thế giới và làm tâm hồn họ ngập tràn hy vọng: “Ánh lửa này cần được đốt lên bằng ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa lòng thương xót này cần được lan truyền trên toàn thế giới. Trong lòng Thương xót của Chúa thế giới sẽ tìm thấy hòa bình và nhân loại sẽ tìm thấy hạnh phúc!” (Bài giảng lễ Cung hiến Đền thờ Lòng Chúa Thương xót ở Krakow ngày 17 tháng 8 năm 2002 - Dedication of the Divine Mercy Shrine in Krakow).

Các bạn trẻ thân mến, tại Đền Thờ ở Krakow cung hiến cho Chúa Giê-su hay thương xót, tại đây dung nhan Người được mô tả qua bức ảnh mà dân Chúa sùng kính, Giê-su đang đợi các con. Người rất vững tin vào các con và trông mong các con! Người có rất nhiều điều muốn nói với mỗi người chúng con … Đừng sợ khi nhìn vào đôi mắt Người, đầy tình thương vô biên dành cho chúng con. Hãy mở lòng mình ra trước cái nhìn thương xót của Người, sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của các con. Một cái nhìn của Người có thể thay đổi cuộc đời chúng con và chữa lành những vết thương tâm hồn chúng con. Ánh mắt của Người có thể  làm dứt cơn khát đang cư ngụ trong thẳm sâu tâm hồn chúng con, một cơn khát tình yêu, cơn khát hòa bình, cơn khát niềm vui và cơn khát hạnh phúc đích thực. Hãy đến với Người và đừng e ngại! Hãy đến với Người và tâm sự với Người từ tận đáy lòng chúng con: “Chúa Giê-su ơi, con xin tín thác vào Người!” Hãy để cho lòng thương xót vô bờ bến của Người đụng chạm đến chúng con, để sau đó các con sẽ trở thành những tông đồ của lòng thương xót bằng hành động, bằng lời nói và cầu nguyện trong thế giới của chúng ta, đã bị thương tổn vì sự ích kỷ, lòng hận thù và quá nhiều nỗi tuyệt vọng.

Hãy luôn mang trong mình ngọn lửa của tình yêu thương xót của Chúa Ki-tô – như Thánh Gioan Phaolo II nói (Saint John Paul II) – trong mỗi môi trường cuộc sống hàng ngày và đến tận cùng của trái đất. Trong sứ mạng này, cha luôn đồng hành cùng chúng con với sự động viên và những lời cầu nguyện. Cha xin phó dâng tất cả chúng con cho Mẹ Maria, Mẹ của Lòng thương xót, về giai đoạn cuối của hành trình chuẩn bị tâm hồn cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới ở Krakow. Cha chúc lành cho tất cả chúng con.
Từ  Vatican, 15 tháng Tám 2015
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên TrờiSolemnity of the Assumption of the B.V. Mary
FRANCIS



© Copyright - Libreria Editrice Vaticana






[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/07/2016]