Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 9 tháng Năm, 2021



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (Ga 15: 9-17) sau khi ví Ngài là cây nho và chúng ta là cành, Chúa Giêsu cho biết những ai luôn kết hiệp với Ngài sẽ sinh những hoa trái gì: hoa trái đó là tình yêu. Một lần nữa Ngài lại lặp lại động từ then chốt: ở lại. Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài để niềm vui của Ngài có thể ở trong chúng ta và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (câu 9-11). Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta tự hỏi: tình yêu mà Chúa Giêsu nói chúng ta hãy ở lại để có được niềm vui của Ngài là gì? Tình yêu này là gì? Đó là tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, tuôn chảy như một dòng sông trong Chúa Giêsu Con của Người và qua Ngài mà đến với chúng ta, những thụ tạo của Người. Thật vậy, Ngài nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15, 9). Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta cũng giống như tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài: tình yêu tinh tuyền, vô điều kiện, tình yêu được trao tặng nhưng không. Không thể mua được tình yêu đó, nó là nhưng không. Khi tặng ban tình yêu đó cho chúng ta, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như những người bạn – với tình yêu thương này –, làm cho chúng ta nhận biết Chúa Cha, và Ngài đưa chúng ta vào cùng một sứ mệnh của Ngài đối với sự sống của thế giới.

Và rồi chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, làm thế nào để chúng ta ở lại trong tình yêu này? Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (câu 10). Chúa Giêsu đã tóm tắt các điều răn của Ngài trong một điều duy nhất, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (câu 12). Yêu như Chúa Giêsu yêu có nghĩa là hiến thân phục vụ, phục vụ anh chị em mình, như ngài đã làm qua việc rửa chân cho các môn đệ. Nó cũng có nghĩa là thoát ra khỏi chính mình, tách mình ra khỏi những sự vững chắc của con người chúng ta, những tiện nghi thuộc thế gian, để mở lòng mình ra với người khác, đặc biệt là những người thiếu thốn hơn. Nó có nghĩa là để cho bản thân luôn sẵn sàng, với con người thật của chúng ta và với những gì chúng ta có. Điều này có nghĩa là yêu thương không phải bằng lời nói mà bằng hành động.

Yêu thương như Chúa Giêsu có nghĩa là nói ‘không’ với những ‘tình yêu’ khác mà thế gian dành cho chúng ta: yêu tiền – những người yêu tiền không yêu thương như Chúa Giêsu yêu –, yêu thành công, phù phiếm, [yêu] quyền lực…. Những con đường lừa dối của “tình yêu” này khiến chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa và đưa chúng ta tới chỗ ngày càng trở nên ích kỷ, chỉ quan tâm đến mình, hống hách. Và hống hách làm giảm bớt yêu thương, lạm dụng người khác, làm cho những người thân yêu của chúng ta đau khổ. Cha đang nghĩ đến tình yêu không lành mạnh biến thành bạo lực – và bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của bạo lực ngày nay. Đây không phải là tình yêu. Yêu như Chúa yêu chúng ta có nghĩa là trân quý những người bên cạnh chúng ta, tôn trọng sự tự do của họ, yêu thương họ với con người thật của họ, không phải như chúng ta muốn, một cách nhưng không. Cuối cùng, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài, cư ngụ trong tình yêu của Ngài, không theo ý tưởng của chúng ta, không ở trong sự tôn thờ bản thân. Những người chìm đắm trong sự tôn thờ bản thân sống trong một cái gương: luôn ngắm nhìn bản thân. Những người vượt qua tham vọng điều khiển và quản lý người khác. Không phải là điều khiển, mà là phục vụ họ. Mở lòng với người khác, đây chính là yêu thương, hiến thân cho người khác.

Anh chị em thân mến, việc ở lại trong tình yêu của Chúa dẫn đưa tới đâu? Nó đưa chúng ta đến đâu? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (câu 11). Và Chúa muốn niềm vui của Ngài ở trong chúng ta khi chúng ta được kết hiệp với Ngài, vì Ngài hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Niềm vui khi biết mình được Chúa yêu thương cho dù chúng ta không trung thành cho phép chúng ta vững tin đối mặt với những thử thách của cuộc sống, giúp chúng ta sống qua những cơn khủng hoảng để vượt qua chúng và trở nên tốt hơn. Việc chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực bao gồm cách sống niềm vui này, bởi vì niềm vui là dấu hiệu đặc biệt của một người Kitô hữu thật sự. Người Kitô hữu đích thực không buồn bã; họ luôn có niềm vui đó trong lòng, ngay cả giữa những thời khắc khó khăn.

Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu và được lớn lên trong sự yêu thương mọi người, làm chứng cho niềm vui của Chúa Phục sinh.

______________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến!

Tôi đang theo dõi các diễn biến đang xảy ra ở Giêrusalem với mối quan tâm đặc biệt. Tôi cầu nguyện rằng nơi đó trở thành một nơi gặp gỡ và không phải là nơi của các cuộc đụng độ bạo lực, một nơi cho việc cầu nguyện và hòa bình. Tôi mời gọi mọi người hãy tìm kiếm các giải pháp chung để bản sắc đa tôn giáo và đa văn hóa của Thành Thánh được tôn trọng và tình anh em bao trùm. Bạo lực sinh ra bạo lực. Đã quá đủ với những cuộc đụng độ.

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày hôm qua ở Kabul: một hành động vô nhân đã tấn công rất nhiều nữ sinh khi các em đang rời trường học. Chúng ta hãy cầu nguyện cho từng em và cho gia đình của các em. Và xin Chúa ban hòa bình cho Afghanistan.

Ngoài ra, tôi cũng bày tỏ sự lo lắng của mình trước những căng thẳng và các vụ đụng độ bạo lực ở Colombia, đã khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Có rất nhiều người Colombia ở đây; chúng ta hãy cầu nguyện cho quê hương của mình.

Hôm nay, tại Agrigento, luật sư Rosario Angelo Livatino, một vị tử đạo vì công lý và đức tin, đã được tuyên phong chân phước. Khi phục vụ cộng đồng với tư cách là một thẩm phán trung thực không bao giờ cho phép mình trở nên hủ hóa, ngài đã cố gắng phân xử không phải để kết án mà để phục hồi. Ngài luôn đặt công việc của mình “dưới sự che chở của Chúa”; vì lý do này, ngài đã trở thành chứng nhân cho Tin Mừng cho đến cái chết anh dũng của mình. Ước mong mẫu gương của ngài là động lực cho tất cả mọi người, đặc biệt là với các vị thẩm phán, để trở thành những người bảo vệ trung thành cho luật pháp và tự do. Xin một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Cha xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người dân thành Rôma và anh chị em hành hương. Cảm ơn anh chị em đã có mặt ở đây! Đặc biệt, cha gửi lời chào những anh chị em bị đau cơ xơ hóa: cha bày tỏ sự gần gũi với anh chị em và tôi hy vọng rằng sự chú ý đến căn bệnh đôi lúc bị lãng quên này tăng lên.

Và chúng ta không thể quên những người mẹ! Chủ nhật này, Ngày của Mẹ được tổ chức ở nhiều quốc gia. Chúng ta hãy chào tất cả những người mẹ trên thế giới, kể cả những người không còn ở bên chúng ta nữa. Xin một tràng pháo tay dành cho những người mẹ!

Cha chúc mọi người Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!

______________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/5/2021]


Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Antoine Mekary | ALETEIA

Marinella Bandini

01/04/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 43: Nhà thờ Giám mục Rôma là một điểm dừng chân thích hợp vào ngày này.



Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 43

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày của nhà thờ chính tòa — ở Rôma, ngày của Đền thờ Thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của Giáo hoàng. Có một thời gian vào ngày này, đức giáo hoàng đã cử hành Lễ Truyền dầu ở đây — với nghi thức làm phép dầu thánh — cũng như được thực hiện tại tất cả các nhà thờ chính tòa trên thế giới. Có thời điểm trong hiện tại, lễ này đã được chuyển đến Đền thờ Thánh Phêrô.

Cho đến năm 2012, đức giáo hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly của Chúa, với nghi thức “rửa chân,” tại Đền Thánh Gioan Lateran. Với Đức Thánh Cha Phanxicô, truyền thống này đã bị gián đoạn và Thánh lễ Tiệc ly đã trở thành “lưu động”: vào ngày này đức giáo hoàng muốn tiến đến với những môi trường bị gạt ra ngoài lề nhất, quỳ gối dưới chân những người “bị gạt bỏ” trong xã hội. Vì đại dịch, năm nay, cũng như năm 2020, việc “rửa chân” bị đình hoãn và đức giáo hoàng sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô.

Một truyền thống đặc biệt khác có liên quan đến Vương cung thánh đường Lateran: đó là việc trao tặng danh hiệu Proto-canon danh dự cho các tổng thống Pháp. Phong tục này bắt nguồn từ thế kỷ 15 sau những lần dâng cúng đầu tiên của Vua Louis XI và sau đó là Vua Henry IV cho Công hội của Vương cung thánh đường. Để ghi ơn, Công hội Lateran đã phong tặng vua Henry IV danh hiệu Proto-canon. Truyền thống vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Theo gương Chúa Giêsu, mọi quyền hạn của con người được kêu gọi thi hành quyền bính của mình để phục vụ anh chị em.

Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (Ga 13:14)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Rôma.

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh (2019). Đã từng có thời gian các giáo hoàng cử hành Lễ Truyền Dầu tại Đền thờ Thánh Gioan Lateran là nhà thờ chính tòa của Rôma, nhưng về sau lễ được chuyển đến Đền thờ Thánh Phêrô.

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh lễ Truyền Dầu, các loại dầu thánh được làm phép để sử dụng trong các bí tích tại tất cả các nhà thờ của giáo phận trong suốt năm tiếp theo.

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Các bình chứa dầu thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Có ba loại dầu thánh: “dầu thánh hiến” dùng cho Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh; “dầu dự tòng”, được dùng để xức cho những người chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội; và “dầu bệnh nhân” để xức cho Người bệnh.

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Đền thờ Thánh Gioan Lateran. Nghi thức rửa chân, trong Thánh lễ “in Coena Domini” (Bữa Tiệc Ly của Chúa), do Đức Bênêđictô XVI chủ tế (2012)

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Nhà tù Regina Coeli. Nghi thức rửa chân trong Thánh lễ Tiệc ly do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành với các tù nhân (2018). Với Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh lễ Tiệc ly của Chúa đã trở thành “lưu động”, và không được cử hành thường xuyên tại Đền thờ Thánh Gioan Lateran.

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Đền thờ Thánh Gioan Lateran. Nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ Tiệc Ly do Đức Gioan Phaolô II chủ tế (1998).

Viếng Đền thờ Thánh Gioan Lateran vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của nhà thờ chính tòa

Đền thờ Thánh Gioan Lateran. Tổng thống Cộng hòa Pháp, Emmanuel Macron, trong buổi lễ phong tặng Danh hiệu Protocanon Danh dự (2018). Danh hiệu này được phong cho các tổng thống Pháp theo truyền thống có từ thế kỷ 15.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/5/2021]