Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

Toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

© Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý cũng như từ khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý tiếp tục chủ đề giáo lý về Sự Phân định, Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ điểm: “Những yếu tố của phân định. Sự thân mật với Thiên Chúa” (Bài đọc: Êp 5:15, 17-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

____________________________________________

Bài Giáo lý về sự phân định: 3. Những yếu tố phân định. Sự thân mật với Thiên Chúa

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta lại tiếp tục các bài giáo lý về chủ đề phân định — vì chủ đề phân định là rất quan trọng để biết được những gì đang diễn ra trong lòng chúng ta, để biết được những cảm xúc và ý tưởng của mình, chúng ta phải phân định được chúng từ đâu đến, chúng dẫn tôi đi đâu, đến những quyết định gì — và hôm nay chúng ta tập trung vào yếu tố đầu tiên trong những yếu tố cấu thành nó, đó là cầu nguyện. Để phân định chúng ta cần đặt mình trong một môi trường, trong trạng thái cầu nguyện.

Cầu nguyện là một sự trợ thủ không thể thiếu cho sự phân định thiêng liêng, đặc biệt khi nó liên quan đến chiều kích cảm xúc, giúp chúng ta có thể thưa với Chúa cách đơn sơ và thân mật, như nói chuyện với một người bạn. Đó là biết cách vượt ra ngoài những suy nghĩ, đi vào sự mật thiết với Thiên Chúa, với tình cảm tự nhiên. Bí mật về cuộc sống của các thánh là sự thân mật và tâm tình riêng tư với Chúa, những điều này phát triển trong các thánh và giúp cho các ngài ngày càng dễ dàng nhận ra điều gì làm hài lòng Thiên Chúa hơn. Cầu nguyện thật sự là thân mật và tin tưởng nơi Ngài. Nó không phải là việc đọc kinh giống như con vẹt, bla bla bla, không phải. Cầu nguyện thực sự xuất phát cách tự nhiên và yêu mến Thiên Chúa. Sự thân mật này chiến thắng nỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ rằng ý muốn của Chúa là không tốt đẹp cho chúng ta, một cám dỗ có những lúc chạy qua trong suy nghĩ của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bất bất an và chao đảo, hoặc thậm chí là cay đắng.

Phân định không phải là khẳng định hoàn toàn chắc chắn, nó không phải là phương pháp thuần túy về phương diện hóa học, nó không khẳng định tuyệt đối chắc chắn, vì nó là về cuộc sống, và cuộc sống thì không phải luôn hợp luận lý, nó có nhiều khía cạnh không thể gói gọn trong một phạm trù tư tưởng. Chúng ta muốn biết chính xác những gì cần phải làm, nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra thì không phải lúc nào chúng ta cũng làm theo. Không biết bao nhiêu lần chúng ta cũng có kinh nghiệm như thánh Tông đồ Phaolô miêu tả rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Chúng ta không chỉ là lý trí, chúng ta không phải là những cỗ máy, chỉ đưa ra những chỉ dẫn để thực hiện chúng là không đủ: những trở ngại, như sự hỗ trợ, đối với quyết định dành cho Thiên Chúa chủ yếu thuộc về tình cảm, từ con tim.

Điều đặc biệt là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong Tin mừng theo Thánh Máccô là trừ quỷ (x. 1:21-28). Trong hội đường ở Caphácnaum Chúa đã cứu một người thoát khỏi quỷ ám, giải thoát người đó khỏi hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa mà Satan đã đưa ra từ lúc đầu: đó là hình ảnh một Thiên Chúa không muốn chúng ta được hạnh phúc. Người bị quỷ ám trong đoạn Tin mừng đó biết rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng điều này không làm cho anh ta tin vào Ngài. Thật vậy, anh ta nói: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24).

Nhiều người, ngay cả những người Kitô hữu, cũng nghĩ như vậy: tức là nghĩ rằng Chúa Giêsu có thể là Con Thiên Chúa, nhưng họ nghi ngờ việc Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc; thật vậy, một số người lo sợ rằng nếu đón nhận đề nghị của Ngài cách nghiêm túc, rằng điều mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta, thì đồng nghĩa với việc phá hỏng cuộc sống của chúng ta, hủy hoại những ước muốn, những khát vọng mạnh mẽ nhất của chúng ta. Những suy nghĩ này đôi khi len lỏi vào trong lòng chúng ta: rằng Chúa đòi hỏi quá nhiều ở chúng ta, chúng ta sợ rằng Chúa đòi hỏi chúng ta quá nhiều, rằng Ngài không thực sự yêu thương chúng ta. Thay vào đó, trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta thấy rằng dấu hiệu của sự gặp gỡ với Thiên Chúa là niềm vui. Khi gặp Chúa trong lời cầu nguyện, tôi trở nên vui mừng. Mỗi người chúng ta đều trở nên hân hoan, một điều rất đẹp. Trái lại, sự buồn bã hay sợ hãi là dấu hiệu của sự xa cách Thiên Chúa: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”, Chúa Giêsu nói với người thanh niên có nhiều của cải (Mt 19:17). Thật đáng buồn cho người thanh niên đó, một số trở ngại không cho phép anh thực hiện mong muốn trong lòng là theo “Thầy nhân lành” một cách gần gũi hơn. Anh ta là một thanh niên mạnh dạn, ham hiểu biết, anh ta đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu, nhưng anh ta lại bị chia rẽ trong tình cảm của mình, đối với anh ta thì của cải là vô cùng quan trọng. Chúa Giêsu không buộc anh ta phải quyết định, nhưng bản văn ghi rằng người thanh niên “buồn bã” bỏ đi (câu 22). Những người quay lưng lại với Chúa thì không bao giờ có hạnh phúc, cho dù họ có vô vàn của cải và cơ hội để tùy ý sử dụng. Chúa Giêsu không bao giờ bắt buộc bạn phải theo Ngài, không bao giờ. Chúa Giêu cho bạn biết ý muốn của Ngài, Chúa cho bạn biết mọi điều, nhưng Ngài để bạn tự do. Và đây là điều đẹp nhất của việc cầu nguyện với Chúa Giêsu: sự tự do mà Ngài cho phép bạn. Ngược lại, khi chúng ta xa cách Chúa, điều buồn bã sẽ đọng lại trong chúng ta, một điều gì đó xấu xí trong lòng chúng ta.

Phân định những gì đang xảy ra trong lòng chúng ta không phải là điều dễ dàng, vì những vẻ bề ngoài dễ làm cho nhầm lẫn, nhưng sự thân mật với Chúa có thể làm tan biến những hoài nghi và sợ hãi một cách nhẹ nhàng, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận “ánh sáng dịu dàng” của Ngài, theo cách diễn giải tuyệt vời của Thánh John Henry Newman. Các thánh tỏa sáng bằng ánh sáng phản chiếu và thể hiện sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa qua những cử chỉ đơn sơ trong ngày của họ, Thiên Chúa biến điều không thể thành có thể. Người ta nói rằng hai vợ chồng sống yêu thương nhau thật lâu thì cuối cùng sẽ trở nên tương đồng như nhau. Cũng có thể nói tương tự như vậy về lời cầu nguyện đầy lòng cảm mến: theo cách từ từ nhưng hiệu quả, nó khiến chúng ta ngày càng có khả năng nhận ra những gì là quan trọng một cách tự nhiên, như một điều gì đó bật lên từ sâu thẳm con người chúng ta. Cầu nguyện không có nghĩa là nói và nói, không: cầu nguyện có nghĩa là mở lòng ra với Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu, cho phép Chúa Giêsu đi vào tâm hồn tôi và làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Và ở đó chúng ta có thể phân định những suy nghĩ khi nào là của Chúa Giêsu và khi nào là của chúng ta, những suy nghĩ của chúng ta nhiều lần rất khác xa với những gì Chúa Giêsu muốn.

Chúng ta hãy xin ơn này: sống mối quan hệ bằng hữu với Chúa, như một người bạn nói với một người bạn (x. Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 53). Tôi biết một vị tu sĩ lớn tuổi gác cổng một trường nội trú, và mỗi khi có thể ngài tiến vào nhà nguyện, nhìn lên bàn thờ và nói, “Kính chào Chúa” vì ngài gần gũi với Chúa Giêsu. Tu huynh không cần phải nói blah blah blah, không: “Con chào Chúa, con gần Chúa và Chúa gần con.” Đây là mối quan hệ mà chúng ta phải có khi cầu nguyện: gần gũi, gần gũi về tình cảm, như anh chị em, gần gũi với Chúa Giêsu. Một nụ cười, một cử chỉ đơn giản và không đọc lại những lời không chạm đến tâm hồn. Như cha đã nói, hãy thưa chuyện với Chúa Giêsu như một người bạn nói chuyện với một người bạn. Đó là một ơn mà chúng ta phải xin cho nhau: xem Chúa Giêsu là người bạn của chúng ta, là người bạn tuyệt vời nhất, người bạn trung thành của chúng ta, người không tống tiền, trên hết là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài. Ngài vẫn đứng ở cửa tâm hồn của chúng ta. Chúng ta nói: “Không, với Chúa, con không muốn biết bất cứ điều gì.” Và Ngài vẫn im lặng, Ngài luôn ở gần gần, trong tâm hồn vì Ngài luôn trung tín. Chúng ta hãy tiếp tục với lời cầu nguyện này, chúng ta có thể nói lời cầu nguyện “Ciao”, lời cầu nguyện chào Chúa với tấm lòng, lời cầu nguyện cảm mến, lời cầu nguyện gần gũi, ít lời nhưng bằng hành động và việc làm tốt lành. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ Đan Mạch, Ghana, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào thân ái đến đông đảo các nhóm sinh viên hiện diện, và đặc biệt là lớp phó tế của Trường Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ và gia đình của họ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Kitô đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu của các giáo xứ Parete và Battipaglia, hy vọng rằng, với sự cam kết của tất cả mọi người, lòng nhiệt thành tôn giáo của các cộng đoàn giáo xứ sẽ phát triển.

Và ý nghĩ hướng về đất nước Ukraine đang bị đau khổ, đang chịu đựng quá nhiều đau khổ, mà những người dân nghèo chịu thử thách cách nghiệt ngã. Sáng nay tôi có nói chuyện với Đức Hồng y Krajewski, ngài đang trên đường trở về từ Ukraine và ngài đã kể cho tôi nghe những điều khủng khiếp. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho dân tộc chịu đau khổ này.

Cuối cùng như thường lệ, suy nghĩ của cha hướng về các bạn trẻ, bệnh nhân, người già và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước mong Lễ các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel và Raphael, mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày mai, khơi dậy trong mọi người lòng trung thành tuân theo các kế hoạch của Nước Trời. Cầu mong anh chị em nhận ra và làm theo tiếng nói của Vị Thầy trong lòng của anh chị em, Đấng nói trong thầm kín lương tâm của anh chị em. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các Hiến binh Vatican, nhận thánh bổn mạng là Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần, và sẽ cử hành Lễ ngày mai. Xin cho họ luôn noi gương Tổng lãnh Thiên thần và xin Chúa chúc phúc cho mọi điều tốt lành họ làm.

Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/9/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét