Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

18 tháng Mười Hai, 2019

Ông António Guterres sẽ thảo luận với Đức Giáo hoàng về sự biến đổi khí hậu, người tị nạn, giải trừ hạt nhân và tự do tôn giáo.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ tới Roma và gặp Đức Giáo hoàng Phanxico, là người mà vị đại diện của Liên Hợp Quốc đã ca ngợi trong một cuộc phỏng vấn gần đây “là một tiếng nói mạnh mẽ về sự khủng hoảng khí hậu, về sự nghèo đói và bất bình đẳng, về chủ nghĩa đa phương, về việc bảo vệ người tị nạn và di cư, về sự giải trừ quân bị và nhiều vấn đề quan trọng khác.”

Những vấn đề này sẽ là chủ đề của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo thế giới khi họ hợp tác để “xây dựng những cầu nối.”

Trong một phỏng vấn với Vatican News, ông Guterres sơ lược một số điểm quan tâm của LHQ — trong đó vấn đề khá quan trọng là sự biến đổi khí hậu, chủ đề của hội nghị COP25, tại Madrid. Ông Guterres bày tỏ sự thất vọng của mình rằng hội nghị kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về vấn đề này giữa các cường quốc của thế giới. Tổng thư ký nhắc lại cam kết của ông đối với carbon trung tính, ông nói:

“Vào năm 2030 tất cả các quốc gia phải cam kết cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính theo các mức độ của năm 2010, và để đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. Ở đây, tôi hoan nghênh cam kết của Liên minh Châu Âu nhằm đạt được mức carbon trung tính vào năm 2050 và tôi thúc giục các quốc gia trên toàn thế giới bắt chước tấm gương này về hành động đối với khí hậu.”

Vì Đức Giáo hoàng Phanxico là một người ủng hộ dứt khoát đối với carbon trung tính, nên dự kiến ngài sẽ đánh giá về vấn đề này với ông Guterres. Đức Phanxico cũng là một trong những tiếng nói thường xuyên nhất kêu gọi bảo vệ người tị nạn, một chủ đề khác mà hai vị sẽ thảo luận.

Ông Guterres cho rằng cần phải có sự cải tổ trong tất cả các khía cạnh về đời sống người tị nạn, từ di cư đến tái định cư. Ông viện dẫn rằng di cư là một con đường nguy hiểm, nó thường buộc người tị nạn đặt sự sống của họ trong tay những người không đáng tin cậy:

“Và chúng ta phải hợp tác để chống lại những kẻ buôn lậu và tội phạm làm giàu trên lưng những người không được bảo vệ. Những vụ đắm tàu chết người không thể trở thành một điều bình thường mới. Cần có các giải pháp để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những hành trình nguy hiểm này.”

Mặt khác, những người tị nạn chạm tới đích đến của họ thường phải sống trong những chỗ ở vô cùng thiếu thốn và các dịch vụ vô tổ chức. Ông Guterres kêu gọi “một cam kết thật sự để chia sẻ trách nhiệm”, và yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên thể hiện tình đoàn kết với những quốc gia đang ở trên “tiền tuyến.”

Vào tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ tại một hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí và phát triển, ngài nói rằng, “Những loại vũ khí có thể dẫn đến sự hủy diệt loài người là vô nghĩa ngay cả đặt trên quan điểm chiến thuật.” Ông Guterres đồng thuận với Đức Giáo hoàng Phanxico và dự kiến sẽ thảo luận về việc giải trừ hạt nhân trên toàn thế giới với giáo hoàng. Trong phỏng vấn của Vatican News, ông bình luận:

“Điều vô cùng quan trọng là phải đưa sự giải trừ hạt nhân trở lại trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế. Cũng cần thiết phải đảm bảo rằng hiệp ước không phổ biến hạt nhân, hoặc NPT, duy trì vị thế là một trụ cột nền tảng của trật tự toàn cầu.”

Tổng thư ký cũng nêu ra những cuộc tấn công mạng, điều mà ông lo ngại có thể gây ra các sự cố quốc tế bằng cách “làm xói mòn niềm tin và khuyến khích các Chính phủ thông qua các thái độ tấn công đối với việc sử dụng có hại trên không gian mạng.” Không rõ liệu ông có tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giáo hoàng về chủ đề này không, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy Liên Hợp Quốc giải quyết mối quan tâm này.

Một chủ đề khác mà ông Guterres dự kiến sẽ mang đến cho Đức Giáo hoàng Phanxico là sự gia tăng ngược đãi tôn giáo trên toàn thế giới, dẫn đến những cuộc tấn công vào người Ki-tô hữu, Hồi giáo và cả người Do Thái. Ông gọi tuyên ngôn gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học al-Azhar là “một đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự chung sống hòa bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trên thế giới.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét