HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Thư viện Điện Tông tòaThứ Tư, 27 tháng Một năm 2021
Bài Giáo lý về cầu nguyện - 22. Cầu nguyện với Kinh Thánh
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay cha muốn tập trung vào việc cầu nguyện mà chúng ta có thể thực hiện bắt đầu bằng một trích đoạn Kinh Thánh. Những lời của Kinh Thánh không được viết ra để bị giam cầm trên giấy cói, giấy da, hoặc giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện, làm cho chúng trổ hoa trong tâm hồn họ. Lời Chúa đi vào tâm hồn. Sách Giáo lý khẳng định: “kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh” – không nên đọc Thánh Kinh như một quyển tiểu thuyết, nó phải đi đôi với việc cầu nguyện – “để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Đây là nơi mà lời cầu nguyện sẽ dẫn dắt anh chị em, vì nó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây hàng thế kỷ và hàng thế kỷ, để mang đến cho tôi lời của Chúa. Nó được viết cho mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm này xảy ra cho tất cả các tín hữu: một trích đoạn Thánh Kinh, đã nghe đi nghe lại nhiều lần, bất chợt nói với tôi vào một ngày nào đó, và soi sáng vào hoàn cảnh tôi đang sống. Nhưng điều cần thiết là tôi, ngày hôm đó, phải có mặt trong cuộc hẹn gặp với Lời. Tôi phải có mặt ở đó, lắng nghe Lời. Mỗi ngày Chúa đều đi ngang qua và gieo một hạt giống vào mảnh đất cuộc đời chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay Ngài sẽ tìm thấy một mảnh đất khô cằn, đầy bụi gai, hay thửa đất tốt sẽ làm cho hạt giống mọc lên (xem Mc 4:3-9). Lời Chúa tùy thuộc vào chúng ta, vào việc cầu nguyện của chúng ta, vào tâm hồn rộng mở mà qua đó chúng ta tiến đến với Thánh Kinh. Chúa luôn luôn đi ngang qua và thông qua Thánh Kinh. Và đến đây cha trở lại với lời cha nói tuần trước về điều Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua.” Tại sao thánh nhân lại sợ? Sợ rằng thánh nhân sẽ không lắng nghe Ngài. Rằng tôi sẽ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Qua lời cầu nguyện một sự nhập thể mới của Ngôi Lời diễn ra. Và chúng ta là “những nhà tạm” nơi Lời Chúa muốn được chào đón và lưu giữ, để những lời đó có thể đến với thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp cận với Thánh Kinh mà không có động cơ thầm kín, mà không khai thác nó. Người tin Chúa không hướng đến Kinh Thánh để ủng hộ quan điểm triết học và đạo đức của riêng mình, nhưng vì người đó trông đợi một cuộc gặp gỡ; người tin Chúa biết rằng những lời đó được viết trong Chúa Thánh Thần, và vì thế Lời phải được chào đón và hiểu trong cùng Thần Khí đó, để sự gặp gỡ có thể xảy ra.
Cha hơi khó chịu một chút khi nghe những người Kitô đọc các câu Kinh Thánh như con vẹt. “Ồ, vâng … Ồ, Chúa nói … Ngài muốn điều này …” Nhưng bạn có gặp được Chúa với câu Kinh Thánh đó chưa? Nó không phải là vấn đề bộ nhớ: nó là vấn đề ghi nhớ của tâm hồn, là điều mở ra cho bạn cuộc gặp gỡ với Chúa. Và lời đó, câu đó, đưa bạn tới gặp gỡ Chúa.
Do đó, chúng ta đọc Thánh Kinh vì Kinh Thánh “đọc chúng ta.” Và đó là một ơn khi có thể nhận ra bản thân mình trong trích đoạn này hoặc nhân vật đó, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia. Thánh Kinh không được viết cho một nhân loại chung chung, nhưng là cho chúng ta, cho tôi, cho bạn, cho những người nam và nữ bằng xương bằng thịt, những người nam và nữ có tên và họ, như tôi, như anh chị em. Và Lời Chúa, được thấm đẫm bởi Chúa Thánh Thần, khi được đón nhận với một tâm hồn rộng mở, không để mọi thứ vẫn nguyên như lúc trước: không bao giờ. Một điều gì đó thay đổi. Và đây là ơn và là sức mạnh của Lời Chúa.
Truyền thống Kitô giáo rất phong phú về những kinh nghiệm và suy tư trong việc cầu nguyện với Thánh Kinh. Đặc biệt, phương pháp “Lectio divina” đã được thiết lập; nó bắt nguồn từ giới tu sĩ, nhưng hiện nay nó cũng được thực hành bởi những người Kitô hữu thường xuyên tới các nhà xứ. Vấn đề trước hết là đọc trích đoạn Thánh Kinh thật chăm chú, hoặc hơn thế: cha muốn nói là “vâng nghe” văn bản, để hiểu thấu đáo ý nghĩa. Sau đó, người ta đi vào cuộc đối thoại với Thánh Kinh, để những lời đó trở thành căn nguyên cho sự suy niệm và cầu nguyện: trong khi vẫn trung thành với văn bản, tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng lời đó “nói gì với tôi.” Đây là bước tinh tế: chúng ta không được sa vào những cách giải thích chủ quan, nhưng chúng ta phải là một phần của con đường sống của Truyền thống, nó liên kết mỗi người chúng ta với Thánh Kinh. Bước cuối cùng của Lectio divina là chiêm niệm. Ở đây Lời và suy nghĩ nhường chỗ cho tình yêu, như những người yêu nhau đôi lúc nhìn nhau trong im lặng. Văn bản Thánh Kinh tồn tại, nhưng như một chiếc gương soi, như một một ảnh tượng để chiêm ngưỡng. Và bằng cách này sẽ có sự đối thoại.
Qua cầu nguyện, Lời Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong lời. Lời truyền cảm hứng cho những ý định tốt lành và duy trì hành động; nó đem lại cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản, và ngay cả khi lời thách đố chúng ta, nó vẫn mang lại cho chúng ta sự bình an. Vào những ngày “kỳ cục” và rắc rối, nó đảm bảo cho tâm hồn cốt lõi của sự vững tin và yêu thương bảo vệ tâm hồn khỏi sự tấn công của sự dữ.
Theo cách này, Lời Chúa được tạo thành xác thể – cho phép cha sử dụng cách diễn đạt này – nó được tạo thành xác thể nơi những người đón nhận nó trong lời cầu nguyện. Trực giác xuất hiện trong một số văn bản cổ xưa mà những người Kitô hữu hoàn toàn đồng nhất với Lời, đến nỗi, ngay cả khi tất cả các Thánh Kinh trên thế giới bị đốt cháy, thì “khuôn đúc” của nó vẫn được lưu lại vì dấu ấn mà nó đã ghi lại trong cuộc đời của các thánh. Đây là một cách diễn đạt đẹp.
Đồng thời đời sống người Kitô hữu là công việc của sự vâng phục và sáng tạo. Một người Kitô hữu tốt lành phải biết vâng phục, nhưng họ phải sáng tạo. Vâng phục, vì họ lắng nghe Lời Chúa; sáng tạo, bởi vì họ có Chúa Thánh Thần trong lòng, Đấng thúc đẩy họ trở thành như vậy, để dẫn dắt họ tiến bước. Ở đoạn cuối của một dụ ngôn, Chúa Giêsu đưa ra sự so sánh này – Ngài nói, “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình – tâm hồn – cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Sách Thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban ơn cho tất cả chúng ta để có thể rút ra nhiều hơn nữa từ những lời đó, qua lời cầu nguyện.
____________________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng biết trân quý sâu sắc hơn ánh sáng mà Thánh Kinh chiếu soi trên đời sống hàng ngày của chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
____________________________________________
LỜI KÊU GỌI
Hôm nay, kỷ niệm ngày giải phóng Trại Hủy diệt Auschwitz của Đức Quốc xã, chúng ta kỷ niệm Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế. Chúng ta tưởng nhớ các nạn nhân của Holocaust và tất cả những người bị chế độ Đức Quốc xã đàn áp và trục xuất. Tưởng nhớ là một cách biểu đạt của lòng nhân. Tưởng nhớ là một dấu hiệu của văn minh. Ghi nhớ là điều kiện cho một tương lai hòa bình và huynh đệ tốt đẹp hơn. Tưởng niệm cũng có nghĩa là phải cẩn thận vì những điều này có thể xảy ra một lần nữa, bắt đầu từ những đề xuất thuộc ý thức hệ nhằm cứu một dân tộc và cuối cùng lại là tiêu diệt một dân tộc và nhân loại. Hãy chú ý đến cách thức con đường của sự chết, hủy diệt và tàn bạo này đã bắt đầu như thế nào.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét