Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29.09.2021
Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Sống trong niềm tin” (Bài đọc Kinh Thánh Gl 2:19-20).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho các nạn nhân của những vụ tấn công vũ trang ở miền bắc Nigeria.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
*****
Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát: 9. Sống trong niềm tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong hành trình hiểu rõ hơn về giáo huấn của Thánh Phaolô, hôm nay chúng ta sẽ gặp một chủ đề khó nhưng quan trọng: ơn công chính hóa. Ơn công chính hóa là gì? Chúng ta, những người từng là tội nhân, đã được nên công chính. Ai đã làm cho chúng ta được nên công chính? Quá trình thay đổi này là sự công chính hóa. Trước mặt Chúa, chúng ta là người công chính. Sự thật là chúng ta có tội lỗi riêng của mình. Nhưng về nền tảng, chúng ta được công chính hóa. Đây là sự công chính hóa. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này, để tìm ra cách giải thích phù hợp nhất với tư tưởng của Thánh Tông đồ, và như thường lệ, những cuộc thảo luận này thậm chí dẫn đến những lập trường mâu thuẫn. Trong Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào sự thật rằng sự công chính đến nhờ đức tin vào Đức Kitô. “Nhưng, thưa Cha, con được nên công chính vì con tuân giữ tất cả các điều răn!” Vâng, nhưng sự công chính không đến từ việc đó. Có Đấng đã làm cho bạn được nên công chính, có Đấng đã làm cho bạn được nên công chính trước mặt Chúa. “Vâng, nhưng tôi là một tội nhân!” Đúng, bạn được nên công chính, nhưng là một tội nhân. Nhưng về nền tảng, bạn được nên công chính. Ai làm cho bạn nên công chính? Chúa Giêsu Kitô. Đây là ơn công chính hóa.
Điều gì ẩn chứa sau cụm từ “công chính hóa” có ý nghĩa quyết định đối với đức tin? Không dễ để đi đến một định nghĩa thấu đáo, nhưng xét tổng thể tư tưởng của Thánh Phaolô, có thể đơn giản nói rằng ơn công chính hóa là kết quả của “sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng thƣơng xót và hằng tha thứ” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1990). Và đây là Thiên Chúa của chúng ta, vô cùng tốt lành, vô cùng nhân từ, vô cùng nhẫn nại, đầy lòng thương xót, Đấng liên tục ban ơn tha thứ, liên tục. Người tha thứ. Lòng thương xót của Chúa ban ơn tha thứ. Thật vậy, qua cái chết của Chúa Giêsu – và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua cái chết của Chúa Giêsu – Thiên Chúa đã tiêu diệt tội lỗi và ban cho chúng ta ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Người. Nhờ vậy, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hòa giải với Người. Dường như mối tương quan ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo trước khi tội bất tuân chen vào đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hóa do Thiên Chúa ban tặng cho phép chúng ta phục hồi sự vô tội đã bị mất do tội lỗi. Sự công chính hóa xảy ra như thế nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá thêm một điểm mới lạ trong giáo huấn của Thánh Phaolô: rằng ơn công chính hóa đến từ ân sủng. Chỉ nhờ ân sủng: chúng ta được nên công chính nhờ ân sủng. “Nhưng tôi không thể, tôi không thể, một người, đến gặp thẩm phán và trả tiền để ông ta có thể biện hộ cho tôi?” Không. Bạn không thể trả tiền cho việc này. Có Đấng đã trả giá cho tất cả chúng ta: Đức Kitô. Và từ Đức Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta, ân sủng mà Chúa Cha ban cho mọi người tuôn đổ: ơn công chính hóa đến nhờ ân sủng.
Thánh Tông đồ luôn tâm niệm về kinh nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời của ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đamát. Phaolô đã từng là một con người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính gồm có trong việc tuân giữ thật tỷ mỷ các giới răn của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã bị chinh phục bởi Đức Kitô, và đức tin vào Đức Kitô đã hoàn toàn biến đổi ngài, cho phép ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu: chúng ta không trở nên công chính nhờ vào nỗ lực của bản thân, không, không phải là chúng ta, mà chính là Đức Kitô, với ân sủng của Người, Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính. Vì vậy, Thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ mọi thứ trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để nhận thức đầy đủ về mầu nhiệm của Chúa Giêsu (xem Pl 3: 7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài. Chúng ta đã được nên công chính, chúng ta đã được cứu thoát, tất cả nhờ ân sủng, không nhờ công trạng của chúng ta. Và điều này mang lại cho chúng ta sự tin tưởng lớn lao. Chúng ta là tội nhân, vâng; nhưng chúng ta sống cuộc đời của mình với ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được nên công chính mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải chỉ trong lúc đó chúng ta mới được nên công chính: chúng ta đã được nên công chính rồi, nhưng Ngài lại đến để tha thứ cho chúng ta.
Với Thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị toàn diện. Nó chạm đến mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người tín hữu: từ Bí tích Rửa tội cho đến khi chúng ta rời khỏi thế giới này, mọi việc đều được thấm đẫm niềm tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban sự cứu độ. Sự công chính hóa nhờ đức tin nhấn mạnh sự ưu tiên của ân sủng mà Chúa ban tặng không phân biệt cho những ai tin vào Con của Người.
Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng đối với Thánh Phaolô, Luật Môsê đã mất giá trị; đúng hơn, nó vẫn là một món quà không thể hủy bỏ của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ viết, lề luật là “thánh” (Rm 7:12). Ngay cả với đời sống thiêng liêng của chúng ta, việc tuân theo các điều răn là rất cần thiết – chúng ta đã nói điều này nhiều lần. Nhưng ngay cả ở đây, chúng ta cũng không thể trông cậy vào nỗ lực của riêng mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được qua Đức Kitô là nền tảng. Ân sủng đó đến từ sự công chính hóa do Đức Kitô ban cho chúng ta, Đấng đã trả giá cho chúng ta. Từ Người, chúng ta đón nhận được tình yêu nhưng không cho phép chúng ta biết yêu thương theo những cách cụ thể.
Trong bối cảnh này, thật tốt khi nhớ lại lời dạy của Thánh Tông đồ Giacôbê đã viết: “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” Điều này tưởng như là trái ngược, nhưng nó không phải như vậy. Vì “một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:24,26). Sự công chính hóa, nếu nó không trổ sinh hoa trái bằng những công việc của chúng ta, thì nó có thể đã bị chôn vùi, đã chết. Ơn có ở đó, nhưng chúng ta phải kích hoạt nó bằng việc làm của mình. Đây là cách thức những lời của Giacôbê bổ sung cho lời dạy của Thánh Phaolô. Vì vậy, đối với hai Thánh Tông đồ, sự đáp lời của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong tình yêu mến đối với Thiên Chúa và trong tình yêu thương đối với người lân cận. Tại sao phải “tích cực trong tình yêu đó?” Bởi vì tình yêu đó đã cứu tất cả chúng ta, nó làm chúng ta nên công chính cách nhưng không, ân sủng!
Sự công chính hóa đưa chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài và cho thấy sự công bằng của Thiên Chúa: trước những sa ngã và bất xứng liên tục của chúng ta, Người đã không bỏ cuộc, nhưng Người muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Người làm điều đó qua ân sủng, qua món quà của Chúa Giêsu Kitô, cái chết và sự sống lại của Người. Đôi khi cha đã nói, Chúa hành động như thế nào? Phong cách của Chúa là gì? Và cha đã đưa ra ba từ ngữ: phong cách của Chúa là gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Ngài luôn đến gần chúng ta, từ bi và dịu dàng. Và sự công chính hóa chính là sự gần gũi nhất của Chúa với chúng ta, những người nam và nữ, lòng trắc ẩn lớn nhất của Chúa đối với chúng ta, sự dịu dàng lớn nhất của Chúa Cha. Sự công chính hóa chính là món quà này của Chúa Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được tự do. “Nhưng thưa Cha, con là một tội nhân… Con đã cướp… Con đã…” Đúng, đúng. Nhưng về cơ bản, bạn được công chính hóa. Hãy cho phép Đức Kitô thực hiện sự công chính hóa đó. Chúng ta hãy để cho ân sủng của Đức Kitô đến và sự công chính hóa này sẽ cho chúng ta sức mạnh để phát triển. Từ đó, ánh sáng của đức tin cho phép chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa là vô biên, ân sủng của Ngài là ích lợi cho chúng ta. Nhưng chính ánh sáng đó cũng làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Người. Sức mạnh của ân sủng cần được kết hợp song song với các công việc của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi sống để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu vĩ đại biết bao. Chúng ta hãy tiến bước với sự tín thác này: tất cả chúng ta đã được nên công chính hóa, chúng ta được nên công chính trong Đức Kitô. Chúng ta phải thực hiện sự công chính hóa đó bằng các công việc của mình. Cảm ơn anh chị em.
Lời chào bằng Tiếng Anh
Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Đan Mạch và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các chủng sinh của Trường Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ và gia đình của các chủng sinh tập trung tham dự lễ phong Phó tế. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên tất cả các anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi vô cùng đau buồn khi nghe biết tin tức về các cuộc tấn công vũ trang vào Chủ nhật tuần trước nhằm vào các làng Madamai và Abun, ở miền bắc Nigeria. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương, và cho toàn thể dân tộc Nigeria. Tôi hy vọng rằng sự an toàn của mọi người dân được đảm bảo trong đất nước.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét