HỌP CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH
“Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại của các tôn giáo và văn hóa”
Đức Thánh cha: “Hòa bình là trung tâm của các Tôn giáo, trong Kinh Thánh và trong các thông điệp của Kinh Thánh”
Vatican Media
*******
Kêu gọi hòa bình
Chiều nay, tại Hý trường Colosseum, cuộc họp mặt quốc tế do Cộng đoàn Sant’Egidio thúc đẩy trong “Tinh thần Assisi” với chủ đề “Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại Tôn giáo và Văn hóa”, diễn ra từ 23 đến 25/10.
Lúc 4:30 chiều Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì buổi cầu nguyện với các Kitô hữu cùng với đại diện của các tôn giáo khác. Cuối cùng, Đức Thánh Cha cùng với những vị đại diện lên sân khấu nơi diễn ra Cuộc Họp mặt quốc tế và bắt đầu nghi thức, Lời kêu gọi Hòa bình được đọc lên ở cuối nghi thức.
_____________________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa quý vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô giáo và các Tôn giáo của Thế giới,
Thưa các nhà chức trách dân sự,
Anh chị em thân mến,
Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị đã tham dự buổi họp cầu nguyện cho hòa bình này. Theo cách đặc biệt, tôi xin cảm ơn các nhà lãnh đạo Kitô giáo và những nhà lãnh đạo thuộc các tôn giáo khác cùng tham dự với chúng tôi trong tinh thần huynh đệ, một tinh thần đã truyền cảm hứng cho cuộc hiệu triệu lịch sử đầu tiên của Thánh Gioan Phaolô II ở Assisi, 36 năm về trước.
Năm nay lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một lời khẩn cầu tha thiết, bởi vì ngày nay hòa bình đã bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tấn công và bị chà đạp, và điều này là ở Châu Âu, trên chính lục địa mà trong thế kỷ trước đã phải gánh chịu nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới. Thật đáng buồn, kể từ đó chiến tranh vẫn tiếp tục gây ra đổ máu và làm kiệt quệ trái đất. Tuy nhiên, tình hình mà chúng ta đang trải qua hiện nay vô cùng nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng luôn nghe thấy lời khẩn cầu sầu khổ của con cái của Ngài.
Hòa bình là trung tâm của các tôn giáo, các sách thiêng liêng và giáo huấn của tôn giáo. Tối nay, trong sự thinh lặng cầu nguyện, chúng ta đã nghe thấy lời khẩn xin hòa bình đó: một nền hòa bình bị tiêu diệt ở rất nhiều khu vực trên thế giới, bị vi phạm bởi quá nhiều hành vi bạo lực, và bị từ chối ngay cả đối với trẻ em và người già cũng không được tha cho những khổ đau cay đắng của chiến tranh. Lời khẩn xin hòa bình đó thường bị bóp nghẹt, không chỉ bởi những luận điệu căm thù mà còn bởi sự thờ ơ. Nó biến thành sự im lặng bởi lòng thù ghét đang lan rộng khi cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, lời khẩn cầu hòa bình không thể bị dập tắt: nó trỗi dậy từ con tim của những người mẹ; nó khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di tản, những người bị thương và những người đang chết. Và lời khẩn cầu thầm lặng này bay lên tận trời cao. Nó không có công thức ma thuật nào để chấm dứt xung đột, nhưng nó có quyền thiêng liêng để cầu xin hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và nó xứng đáng được lắng nghe. Nó hiệu triệu tất cả mọi người dành thời gian và lắng nghe cách nghiêm túc và đầy lòng tôn trọng, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo chính phủ. Lời khẩn xin hòa bình đó thể hiện nỗi đau đớn và kinh hoàng của chiến tranh, là mẹ đẻ của mọi sự nghèo khổ.
“Mỗi cuộc chiến đều làm cho thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và của con người, một sự nhượng bộ đáng xấu hổ, một thất bại đau đớn trước các thế lực của sự dữ” (Tông huấn Fratelli Tutti, 261). Những nhận thức này là kết quả của các bài học đau đớn của thế kỷ XX, và đáng buồn thay, một lần nữa là của đầu của thế kỷ XXI. Trên thực tế, ngày nay một điều mà chúng ta khiếp sợ và hy vọng không bao giờ nghe thấy hiện đang bị đe dọa: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, những thứ mà ngay cả sau Hiroshima và Nagasaki vẫn tiếp tục được sản xuất và thử nghiệm cách sai lầm.
Trong viễn cảnh ảm đạm này, đáng buồn phải nói rằng kế hoạch của các nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới lại không xét đến nguyện vọng chính đáng của các dân tộc, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta không bao giờ thay đổi, đó là “kế hoạch hòa bình chứ không phải tai ương” (x. Gr 29:11). Ở đây tiếng nói của người không có tiếng nói được nghe thấy; ở đây niềm hy vọng của người nghèo và người cô thế được thiết lập vững chắc: trong Thiên Chúa, Đấng mà danh Người là Hòa bình. Hòa bình là món quà của Thiên Chúa, và chúng ta khẩn cầu món quà đó từ Ngài. Tuy nhiên, hòa bình phải được đón nhận và nuôi dưỡng bởi con người, đặc biệt là bởi những người có niềm tin như chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị lây nhiễm bởi luận điệu ương ngạnh của chiến tranh; chúng ta đừng rơi vào cạm bẫy của lòng căm hận kẻ thù. Một lần nữa, chúng ta hãy đặt hòa bình vào trọng tâm của tầm nhìn cho tương lai, làm mục tiêu chính cho các hoạt động cá nhân, xã hội và chính trị ở mọi cấp độ. Chúng ta hãy xoa dịu những cuộc xung đột bằng vũ khí đối thoại.
Vào tháng Mười năm 1962, giữa cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng, khi sự đối đầu quân sự và thảm họa hạt nhân dường như sắp xảy ra, Thánh Gioan XXIII đã đưa ra lời kêu gọi này: “Chúng tôi cầu xin tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ không bịt tai trước tiếng kêu này của nhân loại. Hãy để họ làm mọi việc trong khả năng của họ để bảo vệ hòa bình. Từ đó, họ sẽ giải thoát cho thế giới thoát khỏi sự kinh hoàng của một cuộc chiến tranh, những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước được… Thúc đẩy, nuôi dưỡng và chấp nhận đối thoại ở mọi cấp độ và trong mọi thời đại là nguyên tắc của sự khôn ngoan và cẩn trọng, thu hút phúc lành của trời đất” (Thông điệp Radio, ngày 25 tháng Mười năm 1962).
Sáu mươi năm sau, những lời này vẫn khắc ghi trong chúng ta bởi tính hợp thời của nó. Tôi lấy những lời đó làm của riêng mình. Chúng ta không “trung lập, nhưng liên minh vì hòa bình”, và vì lý do đó “chúng ta kêu gọi ius pacis là quyền của tất cả mọi người để giải quyết những xung đột theo cách phi bạo lực” (Gặp gỡ Sinh viên và Đại diện của Thế giới Học thuật, Bologna, ngày 1 tháng Mười năm 2017).
Trong những năm gần đây, mối quan hệ huynh đệ giữa các tôn giáo đã có những bước tiến mang tính quyết định: “Tôn giáo giúp các dân tộc trở thành anh chị em chung sống trong hòa bình” (Họp mặt các tôn giáo vì hòa bình, ngày 7 tháng Mười năm 2021). Càng ngày chúng ta càng cảm nhận rằng chúng ta đều là anh chị em của nhau! Một năm trước khi tập trung tại đây trước Hý trường Colosseum, chúng ta đã đưa ra lời kêu gọi vô cùng phù hợp cho ngày nay: “Không được sử dụng các tôn giáo cho chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thiêng liêng và không ai được sử dụng danh Thiên Chúa để chúc phúc cho khủng bố và bạo lực. Nếu bạn nhìn thấy chiến xung quanh mình, đừng bỏ cuộc! Các dân tộc mong muốn hòa bình ”(sđd).
Đây là những gì chúng ta cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta đừng bao giờ đầu hàng chiến tranh; chúng ta hãy gieo những hạt giống hòa giải. Hôm nay, chúng ta hãy dâng lên trời cao lời khẩn cầu hòa bình của chúng ta, một lần nữa theo lời của Thánh Gioan XXIII: “Xin cho tất cả các dân tộc đến với nhau như anh chị em, và xin cho nền hòa bình mà họ khao khát sẽ luôn hưng thịnh và ngự trị ở giữa họ” (Pacem in Terris, 171). Xin được như vậy, với ân sủng của Thiên Chúa và thiện chí của những người Chúa thương.”
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét