Bức tranh toàn cảnh tín ngưỡng phức tạp ở Mông Cổ, điểm đến tiếp theo của Đức Thánh Cha
© Chanwit Whanset / Shutterstock
17/08/23
Quốc gia với đa số người dân theo Phật giáo có lịch sử phát triển lâu đời và sự tương tác giữa các truyền thống bản địa và tôn giáo thế giới.
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ, từ ngày 31 tháng Tám đến 4 tháng Chín, 2023, sẽ là cơ hội để Đức Thánh Cha ngỏ lời với một dân tộc có truyền thống tôn giáo đa dạng và cổ xưa. Nói về Thiên Chúa trong bối cảnh này sẽ là một thách đố đối với Đức Giáo Hoàng, người đã coi việc đối thoại huynh đệ với các tôn giáo khác là một trong những khía cạnh quan trọng trong triều đại giáo hoàng của mình.
Ở Mông Cổ, các tôn giáo độc thần — chủ yếu là Hồi giáo và Kitô giáo — chiếm rất ít. Một nửa dân số hiện nay theo Phật giáo, nhưng đất nước này vẫn còn ghi đậm dấu ấn của chủ nghĩa vô thần của nhà nước suốt nhiều năm trong thời kỳ Cộng sản (hơn 40% dân số cho biết là người không có tín ngưỡng) và bởi một truyền thống shaman rất cổ xưa, Tengri giáo, đưa đến rất nhiều cách thực hành lẫn lộn.
Trong xã hội có 3,3 triệu dân này, tôn giáo là một vấn đề phức tạp và thường mang tính chính trị. Tuy nhiên, nhân vật Thành Cát Tư Hãn (khoảng 1160-1227) đã hợp nhất — về mặt tinh thần hoặc lịch sử — các nhánh khác nhau của truyền thống tôn giáo trong nước. Trong một bài tiểu luận xuất bản năm 2016, nhà nhân chủng học người Pháp Roberte Hamayon lưu ý rằng, sau thời kỳ cộng sản, người dân Trung Á cảm thấy cần phải làm hồi sinh quá khứ tôn giáo của họ. Điều đó bao gồm việc tìm kiếm các vị thần của riêng họ và hình thành các tôn giáo quốc gia. Ở Mông Cổ, nhân vật Thành Cát Tư Hãn huyền thoại, người sáng lập, được tôn vinh.
Vào những năm 2000, Lịch sử bí mật của người Mông Cổ, một văn bản từ thế kỷ 13 kể lại gia phả và lịch sử của vị lãnh tụ vĩ đại, bắt đầu được sử dụng như một loại kinh thánh. Tuy nhiên, việc thần thánh hóa Thành Cát Tư Hãn đã có từ rất lâu. Nó có nguồn gốc từ hình tượng truyền thống về vị thủ lãnh Mông Cổ, người có được sức mạnh từ mối liên hệ đặc biệt với “Tenger” — “bầu trời” — nơi người ta cho là ông có thể đọc được những điềm báo.
Tengri giáo, một thiên đàng không có Thượng đế
Mối liên kết mạnh mẽ shaman với thiên đường này là trung tâm của “Tengri giáo”, truyền thống tâm linh vĩ đại của Trung Á. Trong thế kỷ 12, nhà truyền giáo người Flemish, Guillaume de Rubrouck, nhấn mạnh rằng thuật ngữ “khan” là một “tước hiệu cao quý, có cùng ý nghĩa như là người có sức mạnh từ trời (…); do đó các hoàng tử của họ đã lấy tên này, bởi vì chức vụ của họ là cai trị các dân tộc qua những điềm.” Nhưng trong hệ thống tôn giáo này, “thiên đường” không phải là một con người, càng không phải là một vị thần, bà Roberte Hamayon nói.
Quan niệm này đã đưa đến một hình thức hổ lốn trong truyền thống Phật giáo Mật tông, với hình tượng Gesar, người anh hùng trong sử thi mang tên ông. Trong Phật giáo Mông Cổ, người anh hùng Gesar được coi là hóa thân của thần chiến tranh Begtse, một vị thần đầy thịnh nộ có chức năng bảo vệ những Phật tử thực hành tốt, nhưng không phải là một vị thần sáng tạo hay toàn năng.
Vị vua thần thoại này được biết đến với sự đồng hành của 33 anh hùng, “baatar”. Thuật ngữ này được tìm thấy trong tên thủ đô, Ulaanbaatar, có nghĩa là “anh hùng đỏ”, biệt danh của nhà cách mạng cộng sản Mông Cổ Damdin Sükhbaatar.
Phật giáo, sức mạnh kiến tạo của Mông Cổ
Có mặt ở Mông Cổ từ thế kỷ thứ 8, Phật giáo thực sự phát triển vào thế kỷ 13 với cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, người khai sinh triều đại nhà Nguyên trị vì Trung Quốc trong một thế kỷ (1271-1368). Ông quyết định tiếp nhận truyền thống Tây Tạng và áp đặt nó lên người dân của mình. Tuy nhiên, truyền thống shaman đã giành lại ưu thế sau khi đế chế của ông sụp đổ.
Phật giáo Tây Tạng đã trở lại vào thế kỷ 16 với Altan Khan, một người cai trị sử dụng các tu sĩ Phật giáo để củng cố quyền lực của mình, lấy cảm hứng từ quá khứ huy hoàng của triều đại Thành Cát Tư Hãn. Tôn giáo ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn, lên đến đỉnh điểm vào đầu thế kỷ 20 với Bogd Khan, người vừa là nhà lãnh đạo chính trị của Mông Cổ vừa là “lạt ma” quan trọng nhất trong phân cấp Phật giáo của đất nước.
Sau khi trở thành một nhà nước thực sự trong đất nước, mạng lưới tu viện hùng mạnh đã bị những người Cộng sản nắm quyền vào năm 1924 phá hủy một cách thô bạo và chỉ được tái lập sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Vào cuối những năm 1990, Phật giáo đã được chính quyền công nhận là quốc giáo và được một nửa dân số cả nước thực hành.
Phật giáo Tây Tạng thực hành ở Mông Cổ không tin vào sự tồn tại của một vị thần tối cao mà khuyến khích sự tôn sùng các thần linh địa phương. Nó cũng coi trọng những nhân cách siêu nhiên như Đức Phật, một con người có thể đạt đến giai đoạn giác ngộ và do đó đạt đến một dạng thần thánh; Buddha (Phật) có nghĩa là “thức tỉnh”.
Thành Cát Tư Hãn, ông tổ của các tôn giáo Trung Á
Trong lịch sử Mông Cổ, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn quan tâm đến các truyền thống Hồi giáo và Kitô giáo mà quân Mông Cổ gặp gỡ trên bước đường. Sự hiện diện của người Hồi giáo ở trung tâm đế quốc Mông Cổ có thể bắt đầu từ thế kỷ 13, dưới sự cai trị của người chắt của ông là Ghazan, người đã cải đạo và thành lập Ilkhanate, một đế quốc Hồi giáo mở rộng sang vùng Ba Tư và Kavkaz vào thế kỷ 14. Berke, một người cháu trai khác của Thành Cát Tư Hãn, được biết đến là người thành lập Golden Horde (Hãn quốc Kim trướng) — trải dài từ Ukraine đến Mông Cổ cho đến thế kỷ 14 — cũng cải sang đạo Hồi. Ngày nay, 2% dân số Mông Cổ theo đạo Hồi và tin vào Allah, vị thần mạc khải cho nhà tiên tri Mohammed.
Vào thế kỷ 13, một trong những người con trai của Thành Cát Tư Hãn, Tolui, đã trở thành người bảo vệ phái Nestorius, một dị giáo Cơ đốc lúc bấy giờ hiện diện khắp trong khu vực. Mặc dù ông chọn Phật giáo Tây Tạng nhưng con trai ông là Kubilai Khan được nuôi dưỡng bởi người theo giáo phái Nestorius nhưng bị cấm rửa tội. Bè Nestorius cuối cùng đã biến mất, và mãi về sau Kitô giáo trở lại với hai làn sóng các nhà truyền giáo, làn sóng đầu tiên từ thế kỷ 19 đến thời kỳ cộng sản, và làn sóng thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ 21.
Ngày nay, cộng đồng Công giáo nhỏ bé sát cánh với Chính thống giáo, hiện diện để đồng hành với cộng đồng người Nga hải ngoại, cũng như với các nhà truyền giáo Tin lành và phái Phúc âm. Những người Tin lành rất tích cực trong việc chiêu mộ tín đồ và đây là nguồn gây căng thẳng với chính phủ và các tôn giáo khác. Một nhà cựu truyền giáo ở Mông Cổ nói với I.MEDIA: “Là những người Kitô hữu, tất cả chúng ta phải chung sức với nhau”.
Khi nói về Thiên Chúa, bà Roberte Hamayon lưu ý rằng những người Kitô giáo Mông Cổ thường sử dụng thuật ngữ “Burhan”, có nghĩa là “sức mạnh cao quý”. Từ này cũng được dùng để chỉ Đức Phật. Đôi khi họ sử dụng từ “Iertönciin Ezen”, có nghĩa là “bậc thầy của vũ trụ” — một thuật ngữ cũng được dùng để chỉ Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, cách dùng đó của người Kitô giáo bị người Mông Cổ coi là xúc phạm và do đó đã bị loại bỏ. Trong Từ điển Công giáo Anh - Mông Cổ năm 2008, Cha Pierre Palussière, linh mục người Pháp, đề xuất thuật ngữ tổng hợp “Tengerburhan”, kết hợp các khái niệm Tenger (thiên đường) và Burhan.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/8/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét