Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

© Vatican Media

Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

‘Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta’

24 tháng Mười Hai, 2020 20:28

ZENIT STAFF


Sau đây là bài giảng Đức Thánh Cha Phanxico trong đêm vọng Đại Lễ Chúa Giáng sinh trong Vương cung Thánh đường Vatican.

******

Đêm nay, lời tiên tri lớn lao của tiên tri Isaia đã được thực hiện: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:6).

Một người con đã được ban tặng cho ta. Chúng ta thường nghe nói rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc sống là sự chào đời của một trẻ thơ. Nó là một điều gì đó thật phi thường và nó thay đổi mọi thứ. Nó mang đến sự phấn khởi khiến chúng ta không một chút nghĩ đến sự mệt mỏi, sự khó chịu, và những đêm mất ngủ, vì nó lấp đầy cho chúng ta một niềm hạnh phúc khôn tả và không gì sánh được. Đó chính là Giáng sinh: sự ra đời của Chúa Giêsu là “tính mới mẻ” giúp chúng ta có thể được tái sinh mỗi năm và tìm được sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách trong Ngài. Tại sao? Vì sự chào đời của Ngài là cho chúng ta – cho tôi, cho anh, cho mọi người. “Cho” là một từ ngữ xuất hiện lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: “Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta”, như Tiên tri Isaia đã báo trước. Chúng ta lặp lại trong Thánh vịnh, “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta”. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “đã tự hiến cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin mừng, thiên sứ loan báo “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, những từ ngữ đó – cho chúng ta – có ý nghĩa thật sự là gì? Chúng có nghĩa là Con Thiên Chúa, Đấng là thánh, đã đến để làm cho chúng ta, là con cái của Thiên Chúa, trở nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vâng, Thiên Chúa đã đi vào thế gian là một trẻ thơ để làm cho chúng ta trở thành con cái của Chúa. Thật là một ơn quá cao trọng! Hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và nói với từng người chúng ta: “Con thật tuyệt vời.” Thưa anh chị em, đừng bao giờ ngã lòng. Anh chị em có bị cám dỗ cảm thấy mình tội lỗi không? Chúa nói với anh chị em, “Không, con là con của Ta!” Anh chị em có cảm giác thất bại hoặc bất xứng không, có e sợ rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đường hầm thử thách đen tối không? Chúa nói với anh chị em, “Hãy can đảm, Ta ở với con.” Người làm điều này không bằng lời nói, nhưng bằng cách hạ mình trở thành một trẻ thơ với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Người nhắc nhở anh chị em rằng điểm xuất phát của mọi sự tái sinh là nhận biết rằng chúng ta là con cái của Chúa. Đây là trái tim bất tử cho niềm hy vọng của chúng ta, là cốt lõi rực sáng mang lại hơi ấm và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Làm nền tảng cho tất cả sức mạnh và yếu đuối của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ của chúng ta, hoặc những nỗi sợ hãi và lo lắng về tương lai, có một sự thật tuyệt vời: chúng ta là những người con trai và con gái được yêu. Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không tùy thuộc vào chúng ta, và sẽ không bao giờ tùy thuộc vào chúng ta. Nó hoàn toàn là tình yêu nhưng không, ân sủng thuần túy. Đêm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ” (Tt 2:11). Không gì quý báu hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Chúa Cha không cho chúng ta một thứ gì đó, một món đồ; Người ban tặng chính Người Con Một Duy nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn bạc nghĩa của chúng ta với Chúa và sự bất công của chúng ta với nhiều anh chị em của mình, một sự hoài nghi có thể sinh ra. Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như vậy? Người có đúng không khi vẫn tin tưởng chúng ta? Người không đánh giá chúng ta quá cao chứ? Dĩ nhiên, Người đánh giá chúng ta rất cao, và Người làm như vậy vì Người quá đỗi yêu thương chúng ta. Người chẳng có cách nào ngoài yêu thương chúng ta. Người là như vậy, vô cùng khác với chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu còn lớn hơn cả chúng ta yêu chính bản thân mình. Đây là sự huyền diệu của Người để đi vào tâm hồn chúng ta. Chúa biết rằng chúng ta chỉ trở nên tốt hơn bằng cách đón nhận tình yêu vô bờ của Người, một tình yêu không thay đổi để làm thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi đời sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất, và giải thoát chúng ta khỏi những vòng luẩn quẩn xấu xa của sự thất vọng, phẫn uất, và liên tục phàn nàn.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng chiên bò tối tăm, Con Thiên Chúa thật sự hiện diện. Nhưng điều này lại đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Ngài lại sinh ra vào ban đêm, không có một nơi trú ngụ tươm tất, trong cảnh nghèo khó và bị từ chối, trong khi Ngài xứng đáng được sinh ra như là vị vua vĩ đại nhất trong một cung điện sang trọng nhất? Tại sao? Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với tình trạng của con người: thậm chí đụng chạm đến những sâu thẳm của sự nghèo hèn của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra là một người bị gạt bỏ, để nói với chúng ta rằng tất cả những người bị gạt bỏ đều là con cái Thiên Chúa. Người đi vào thế giới giống như mọi trẻ em đi vào thế giới, yếu ớt và dễ bị tổn thương để chúng ta có thể học được cách chấp nhận những yếu đuối của mình bằng tình yêu thương dịu dàng. Và để khám phá ra điều quan trọng, như Người đã làm ở Bêlem, thì chúng ta cũng hãy làm như vậy, Thiên Chúa thích thực hiện những điều kỳ diệu qua sự nghèo khó của chúng ta. Người đặt toàn bộ ơn cứu độ của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng chiên. Người không e ngại sự nghèo khó của chúng ta, vì vậy hãy cho phép lòng thương xót của Người biến đổi nó hoàn toàn!

Đây chính là ý nghĩa tại sao lại nói rằng một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nghe thấy chữ “cho” ở một chỗ khác. Thiên thần loan báo với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu cho anh em: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Dấu đó, Hài nhi nằm trong máng cỏ, cũng là dấu cho chúng, để hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bêlem, địa danh có nghĩa là “Căn nhà lương thực”, Thiên Chúa nằm trong một máng cỏ, dường như để nhắc nhở chúng ta rằng, để được sống chúng ta cần Người, như lương thực chúng ta ăn. Chúng ta cần phải được đầy tràn tình yêu nhưng không, không bao giờ cạn, và cụ thể của Người. Thay vì vậy, không biết bao nhiêu lần, trong sự đói khát giải trí, thành công, và những lạc thú thế gian của chúng ta, chúng ta lại nuôi dưỡng cuộc sống bằng thứ lương thực không làm thỏa mãn và chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong lòng! Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã than phiền rằng, trong khi con bò và con lừa còn biết máng cỏ của chủ của chúng, thì chúng ta là dân tộc của Người, lại không biết Người, là nguồn mạch sự sống (x. Is 1:2-3). Đúng như vậy: trong sự khao khát sở hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo tất cả những máng cỏ được lấp đầy với những thứ phù du và quên đi máng cỏ Bêlem. Máng cỏ đó, nghèo khó về mọi mặt nhưng lại giàu có về tình yêu, dạy chúng ta rằng nguồn nuôi sống đích thực của cuộc sống đến từ việc cho phép bản thân chúng ta được yêu thương bởi Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chúa Giêsu đã cho chúng ta mẫu gương. Người, là Ngôi Lời, đã trở thành một hài nhi; Người không nói một lời nhưng ban tặng sự sống. Ngược lại, chúng ta nói rất nhiều lời, nhưng thường khi chúng ta có quá ít điều để nói về sự tốt lành.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Những người cha mẹ có con nhỏ biết chúng đòi phải có biết bao sự yêu thương và kiên nhẫn. Chúng ta phải cho các bé ăn, chăm sóc các bé, tắm rửa cho chúng, và chú ý đến tính dễ bị tổn thương và những nhu cầu của chúng, là những điều thường rất khó hiểu được. Một đứa trẻ làm cho chúng ta cảm thấy được yêu quý nhưng cũng có thể dạy cho chúng ta cách yêu thương. Thiên Chúa sinh ra là một trẻ thơ để khuyến khích chúng ta biết chăm sóc cho người khác. Những giọt nước mắt thầm lặng của Người làm chúng ta nhận ra được sự vô ích của nhiều cơn bột phát mất kiên nhẫn. Tình yêu dịu dàng của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là dành để cảm thấy thương khốn cho bản thân, nhưng là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Chúa đến giữa chúng ta trong sự nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng trong việc phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu dành cho Người. Từ đêm nay trở đi, như một thi sĩ đã viết, “Nơi ở của Chúa sát bên cạnh tôi, những đồ nội thất của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho ta. Lạy Chúa Giêsu, Người là Trẻ thơ để làm cho con trở thành một trẻ thơ. Người yêu thương con với chính con người của con, không phải như hình ảnh về bản thân mà con tưởng tượng ra. Khi bồng ẵm Người, là Hài nhi trong máng cỏ, con một lần nữa ôm lấy sự sống của con. Khi chào đón Người, Bánh sự sống, con cũng khát khao trao hiến cuộc đời con. Người, là Đấng Cứu độ con, dạy con biết phục vụ. Người đã không để con một mình, giúp con biết an ủi những người anh chị em của Người, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.

[01609-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét