Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

http://www.carloacutis.com | Antoine Mekary/ALETEIA

Meg Hunter-Kilmer

19/12/20

Vâng, thường thường chính cha mẹ là người truyền đức tin cho con cái của họ. Nhưng không phải luôn luôn như vậy!

Khi các gia đình trên khắp thế giới sum họp (trực tiếp hoặc qua internet) để mừng ngày sinh của Đức Kitô, nhiều gia đình cảm thấy những cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng vì niềm tin khác nhau của các thành viên trong gia đình. Trong khi một số gia đình có thể không có những tranh cãi về sự khác biệt này, những người yêu mến Chúa Giêsu chúng ta có thể vô cùng chán nản khi chúng ta trải qua hết năm này đến năm khác nhìn thấy người thân yêu của chúng ta sống xa cách Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài. Có nhiều vị thánh cầu nguyện cho con cái của họ hối cải (nổi bật là Thánh Monica), nhưng trường hợp ngược lại thì có thể phải tế nhị hơn, khi con cái khao khát và hy vọng cha mẹ mình sống trọn vẹn đức tin Công giáo. Thật may mắn, có một vị thánh cho trường hợp này: những người nam và nữ thánh thiện có đời sống và chứng tá đã đưa cha mẹ của họ (và thậm chí là cha mẹ chồng/vợ) trở về với Chúa Giêsu.

Chân phước Columba Kang Wan-suk (1761-1801) sinh ngoài giá thú trong một gia đình quý tộc. Sau khi trở thành vợ và là mẹ kế của Chân phước Philip Hong Pil-ju, chân phước trở thành một người Công giáo và đã đưa người con riêng của chồng và mẹ chồng về với Chúa Kitô, cùng với con gái của Chân phước. Khi người chồng bỏ Chân phước để theo vợ lẽ, mẹ chồng của Columba quyết định ở lại với Chân phước, rất biết ơn vì sự ảnh hưởng tinh thần của cô con dâu trước; con trai riêng của chồng Columba cũng vậy, đã chọn ở lại với người vợ cũ của cha mình, sốt sắng với cộng đoàn Kitô giáo. Khi chồng bỏ đi, nhà của Columba trở thành trung tâm hoạt động cho Giáo hội bí mật. Chân phước Clumba dành phần đời còn lại để truyền giáo và dạy giáo lý, là người bảo trợ cho một linh mục Hàn quốc (bị săn lùng), và là trung tâm của cộng đoàn, trước khi chịu tử đạo ở tuổi 40.

Chân phước Luke Hwang Sŏk-tu (1811-1866) là con một của một gia đình thượng lưu quý tộc. Ngài được mong chờ sẽ tiến lên những vị trí cao trong triều đình, nhưng được nghe Tin mừng rao giảng khi ngài đi thi tuyển đầu vào, liền trở về nhà thông báo rằng ngài đã bỏ thi để học biết về Chúa Giêsu. Ngài bị thân phụ đánh nhưng vẫn không chịu từ bỏ niềm tin. Chẳng bao lâu sau, Chân phước Luke đã đưa vợ mình trở về Công giáo, điều làm xúc phạm đến phụ thân và bị đe dọa có người hãm hại. Cuối cùng, Luke giữ im lặng, không chịu nói chuyện trong suốt hai năm. Gia đình Chân phước bằng mọi cách cố hàn gắn sự im lặng của Chân phước, nhưng cuối cùng chịu đầu hàng trước tính bướng bỉnh của chân phước và đồng ý học hỏi đức tin. Họ đã trở lại, kể cả người cha cực lực chống đối Công giáo. Khi bị bắt, Chân phước Luke tiếp tục rao giảng Phúc âm cho các tù nhân cho đến khi chịu tử đạo.

Thánh Kizito (1872-1886) là một cậu bé phục vụ tại triều đình của kabaka (vua) Buganda. Dù được nuôi nấng bởi cha mẹ ngoại giáo, Kizito bị cuốn hút bởi Công giáo và tìm đến phép rửa tội ngay sau khi vào cung. Khi cậu chống cự lại sự quấy rối và tấn công tình dục của vua, Kizito bị bắt cùng với những người Kitô hữu khác trong triều và chịu tử đạo. Mặc dù cha mẹ của thánh nhân bị suy sụp vì mất đứa con, nhưng Kizito chết trong niềm vui quá lớn đến mức cha của thánh nhân là Lukomera bắt đầu đặt vấn đề về niềm tin đã có thể lay động con trai mình. Dù ông Lukomera từ lâu chống đối Công giáo để cưới được nhiều vợ, nhưng chẳng bao lâu sau ông đã tìm hiểu về tôn giáo của Kizito và trở thành một người Công giáo, và rồi một giáo lý viên đã đưa cả làng trở lại đạo.

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của một tù trưởng Bakhone ở Kenya. Cha của ngài có hàng chục người vợ, nhưng đã chọn Otunga làm người kế vị. Khi Otunga muốn được rửa tội năm 12 tuổi, cha của ngài đã từ chối suốt một thời gian, nhưng cuối cùng vẫn bằng lòng. Khi cậu thiếu niên muốn vào chủng viện, cha cậu giữ im lặng trong suốt 24 giờ, sau đó nói rằng cậu có thể đi nhưng chắc chắn sẽ bỏ. Mặc dù tù trưởng dành nhiều năm tiếp theo để thuyết phục Otunga từ bỏ ơn gọi của mình và trở về nhà để lãnh đạo bộ tộc, Otunga đã được thụ phong linh mục, sau đó trở thành giám mục khi mới 33 tuổi. Gần 30 năm sau khi Otunga trở lại đạo, cha mẹ của ngài cũng đã được rửa tội, và cuối cùng bây giờ họ tự hào về ơn gọi của người con trai họ. Otunga là một nhà hoạt động mạnh mẽ cho công bằng xã hội và bảo vệ sự sống và đã làm việc với các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương để phản đối việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngài đã trở thành hồng y đầu tiên người Kenya.

Chân phước Carlo Acutis (1991-2006) được nuôi dưỡng bởi cha mẹ người Ý không thực hành niềm tin. Tuy nhiên, khi học biết về Chúa Giêsu từ người bảo mẫu của mình, Carlo đã theo đạo ngay khi còn là một trẻ mẫu giáo. Cậu bắt đầu yêu cầu mẹ đưa mình đi viếng Mình Thánh Chúa, một việc có lẽ bà chẳng bao giờ làm. Chẳng bao lâu, bà trở lại thực hành đức tin của mình và thậm chí còn ghi danh vào các lớp thần học, để trả lời tốt hơn cho các câu hỏi của cậu bé Carlo. Bà nói, “Nó như vị cứu tinh nhỏ của tôi”, ý thức trọn vẹn rằng sự trở lại của bà đến từ tấm gương của đứa con thánh thiện của mình. Carlo nổi tiếng yêu mến các phép lạ Thánh Thể và đã xây dựng một trang web chia sẻ những phép lạ đó với thế giới trước khi qua đời đột ngột vì bệnh bạch cầu năm 15 tuổi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét