Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021



ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021

THÁNH LỄ ĐÊM
ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vương cung Thánh đường Vatican

Thứ Sáu, 24 tháng Mười Hai 2021

_____________________________________


Trong bóng tối, một ánh sáng chiếu tỏa. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang của Thiên Chúa bao trùm các mục đồng và cuối cùng lời loan báo được mong chờ nhiều thế kỷ vang lên: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11). Thiên thần tiếp tục loan báo tin đầy ngạc nhiên. Thiên thần chỉ cho các mục đồng cách tìm thấy Thiên Chúa đã đến thế gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12). Đây là dấu hiệu: một trẻ sơ sinh, một trẻ thơ nằm trong máng cỏ thô sơ nghèo nàn. Không còn ánh sáng rực rỡ hoặc ca đoàn các thiên thần. Chỉ một trẻ thơ. Không có gì khác, như ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta” (Is 9:5).

Tin Mừng nhấn mạnh về sự tương phản này. Tin mừng kể về sự ra đời của Chúa Giêsu bắt đầu với Xêda Augustô, người ra lệnh thực hiện cuộc điều tra dân số trên toàn cõi thiên hạ: cho thấy vị hoàng đế đầu tiên với tất cả sự vĩ đại của ông ta. Nhưng ngay sau đó, Tin mừng đưa chúng ta đến Bêlem, nơi chẳng có gì to lớn: chỉ là một trẻ thơ nghèo được bọc trong tã, với những người mục đồng đứng vây quanh. Và đó là nơi Thiên Chúa cư ngụ, trong sự nhỏ bé. Đây là thông điệp: Thiên Chúa không thể hiện sự vĩ đại, nhưng hạ mình trở nên bé nhỏ. Sự nhỏ bé là cách Người chọn để đến gần với chúng ta, chạm vào tâm hồn chúng ta, cứu chúng ta và đưa chúng ta trở lại những điều thực sự quan trọng.

Thưa anh chị em, dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điểm trung tâm, vượt ra ngoài những ánh đèn và đồ trang trí đẹp đẽ. Chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi. Thiên Chúa hiện diện trong sự nhỏ bé của Hài Nhi. Chúng ta hãy chân nhận Người: “Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, Người là Chúa, là Thiên Chúa trở thành một Hài Nhi”. Chúng ta hãy cho phép bản thân kinh ngạc trước sự thật đầy tai tiếng này. Đấng ôm lấy toàn thể vũ trụ lại cần được bồng ẵm trên tay một con người. Đấng đã tạo dựng vầng thái dương cần được sưởi ấm. Đấng hóa thân dịu dàng cần được nâng niu. Tình yêu vô tận có trái tim bé nhỏ đập êm đềm. Ngôi Lời hằng hữu là một “trẻ sơ sinh”, một trẻ thơ chưa nói được. Bánh sự sống cần được dưỡng nuôi. Đấng sáng tạo thế giới không có được một ngôi nhà. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Thiên Chúa đến thế gian trong sự nhỏ bé. Sự vĩ đại của Người xuất hiện trong sự nhỏ bé.

Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta có thể chấp nhận cách thực hiện mọi việc của Thiên Chúa không? Đây là thách đố của lễ Giáng sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng con người không hiểu được. Người biến mình trở nên nhỏ bé trong con mắt thế gian, trong khi chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại trong mắt thế gian, thậm chí có thể nhân danh Người. Chúa hạ mình còn chúng ta cố gắng trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao đi tìm những người mục đồng, những người vô hình ở giữa chúng ta, còn chúng ta tìm kiếm sự thể hiện. Chúa Giêsu sinh ra để phục vụ, và chúng ta dành cả cuộc đời để theo đuổi thành công. Thiên Chúa không tìm kiếm quyền lực và sức mạnh; Người yêu cầu tình yêu dịu dàng và sự nhỏ bé trong lòng.

Đây là điều chúng ta phải xin Chúa Giêsu trong Lễ Giáng sinh: xin ơn nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng sự nhỏ bé là con đường dẫn đến sự vĩ đại đích thực”. Chấp nhận trở nên nhỏ bé cách cụ thể có nghĩa là gì? Trước hết, đó là tin rằng Thiên Chúa muốn đi vào những điều nhỏ bé trong cuộc đời chúng ta; Người muốn cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những việc chúng ta làm hàng ngày ở nhà, trong gia đình, ở trường học và ở nơi làm việc. Giữa trải nghiệm cuộc sống bình thường của chúng ta, Người muốn thực hiện những điều phi thường. Đó là một thông điệp hy vọng lớn lao. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tái khám phá và trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Người hiện diện ở đó, chúng ta cần gì nữa? Chúng ta hãy ngừng khát khao sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy gác lại những lời kêu ca phàn nàn và khuôn mặt u ám của mình, và lòng tham không bao giờ thỏa mãn!

Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế. Chúa Giêsu không chỉ muốn đến trong những điều nhỏ bé của cuộc sống chúng ta, mà còn trong sự bé nhỏ của chính chúng ta: trong kinh nghiệm của chúng ta về cảm nhận yếu đuối, mong manh, bất xứng, thậm chí có thể là “rối tung lên”. Anh chị em thân mến, nếu như ở Bêlem, bóng tối của màn đêm bao trùm lấy anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy bị phủ vậy bởi sự thờ ơ lạnh lẽo, nếu nỗi đau mà anh chị em mang trong lòng kêu lên rằng: “Ngươi quá nhỏ bé; ngươi chẳng có chút giá trị; ngươi sẽ không bao giờ được yêu thương theo cách ngươi muốn”, thì đêm nay Thiên Chúa sẽ trả lời. Đêm nay Người nói với anh chị em: “Ta yêu thương con với chính con người của con. Sự nhỏ bé của con không làm Ta kinh sợ, những thất bại của con không làm phiền Ta. Ta trở nên nhỏ bé vì lợi ích của con. Để trở thành Chúa của con, Ta đã trở thành người anh em của con. Đừng e sợ Ta, người anh em thân yêu, người chị em yêu quý. Hãy tìm trong Ta thước đo cho sự vĩ đại của con. Ta gần gũi với con, và Ta yêu cầu duy nhất một điều: hãy tin tưởng Ta và mở rộng tâm hồn với Ta”.

ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021

Chấp nhận sự nhỏ bé cũng có một nghĩa khác. Đó là ôm lấy Chúa Giêsu trong những con người bé mọn của ngày hôm nay. Yêu mến Người tức là trong những người bé mọn nhất trong anh chị em của chúng ta. Phục vụ Người trong những người nghèo khó, họ là những người giống Chúa Giêsu nhất, là Đấng đã sinh ra trong cảnh nghèo. Người muốn được tôn vinh chính trong họ. Trong đêm tình yêu này, ước mong chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi: đó là xúc phạm tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương Người bởi sự khinh thường những người nghèo bằng thái độ thờ ơ của chúng ta. Chúa Giêsu yêu thương họ tha thiết, và một ngày nào đó họ sẽ chào đón chúng ta về trời. Một thi sĩ đã từng viết: “Người nào đã tìm thấy thiên đàng – ở dưới đất – sẽ thất bại ở trên trời” (E. DICKINSON, Poems, P96-17). Chúng ta đừng đánh mất thiên đàng; bây giờ chúng ta hãy chăm sóc Chúa Giêsu, âu yếm Người trong những người khốn khó, bởi vì trong họ Người tỏ mình ra.

Một lần nữa chúng ta ngắm nhìn máng cỏ, và chúng ta thấy rằng khi sinh ra, Chúa Giêsu được bao quanh bởi chính những người bé mọn, người nghèo khó. Họ là ai? Là những người chăn cừu. Họ là những người đơn sơ nhất, và gần gũi nhất với Chúa. Họ tìm thấy Người vì họ sống ngoài đồng, “thức đêm canh giữ đàn vật” (Lc 2:8). Họ ở đó để làm việc bởi vì họ nghèo. Họ không có thời gian biểu trong cuộc sống; mọi thứ phụ thuộc vào bầy chiên. Họ không thể sống ở nơi và theo cách họ muốn, nhưng tùy theo nhu cầu của đàn chiên mà họ chăm sóc. Đó là nơi Chúa Giêsu sinh ra: gần với họ, gần gũi với những người bị quên lãng ở vùng ngoại vi. Người đến tại nơi mà phẩm giá con người bị thử thách. Người đến để nâng những người bị loại trừ lên và Người tỏ mình ra cho họ trước tiên: không phải cho những người có học thức và quan trọng, mà cho những người lao động nghèo. Đêm nay Chúa đến để lấp đầy phẩm giá cho sự gian khổ của lao động. Người nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc trao phẩm giá cho con người thông qua lao động, và cũng trao phẩm giá cho chính sự lao động của con người, vì con người là chủ nhân của lao động chứ không phải nô lệ. Nhân Ngày Sự sống, chúng ta hãy nhắc lại: không còn những cái chết ở nơi làm việc! Và chúng ta hãy cam kết để bảo đảm điều này.

Khi nhìn vào máng cỏ lần cuối cùng, chúng ta thoáng nhìn thấy các Đạo sĩ ở phía xa, đang trên hành trình đến tôn thờ Chúa. Khi quan sát gần hơn, chúng ta thấy rằng tất cả mọi thứ xung quanh Chúa Giêsu đều kết hiệp lại với nhau: chúng ta không chỉ nhìn thấy người nghèo, các mục đồng, mà còn cả những người thông thái và giàu có là những đạo sĩ. Tại Bêlem, người giàu và người nghèo tụ họp lại với nhau, những người đến tôn thờ như các Đạo sĩ, và những người làm việc như các mục đồng. Mọi thứ đều được hiệp nhất khi Chúa Giêsu ở trung tâm: không phải những ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, những là chính Chúa Giêsu, Đấng hằng sống.

Vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy trở về Bêlem, chúng ta hãy trở về cội nguồn: về với những điều trọng yếu của đức tin, về với tình yêu đầu tiên của chúng ta, với sự tôn thờ và lòng bác ái. Chúng ta hãy nhìn các Đạo sĩ lên đường hành hương, và là một Giáo hội Thượng hội đồng, một Giáo hội hiệp hành, chúng ta hãy đến Bêlem, nơi Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Ở đó, Thiên Chúa ở vị trí thứ nhất và được tôn thờ; ở đó người nghèo được ở nơi gần nhất với Người; ở đó các mục đồng và Đạo sĩ được kết hiệp trong một tình huynh đệ vượt ra khỏi mọi nhãn mác và phân loại. Xin Chúa làm cho chúng ta trở thành một Giáo hội thờ phượng, nghèo khó và huynh đệ. Đó là điều trọng yếu. Chúng ta hãy trở lại Bêlem.

Thật tốt cho chúng ta khi đến đó, tuân theo Tin Mừng Giáng Sinh chỉ cho chúng ta thấy Thánh Gia, các mục đồng, các đạo sĩ: tất cả mọi người trên một cuộc hành trình. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc sống là một cuộc hành hương. Chúng ta hãy tự đánh thức mình, vì đêm nay ánh sáng đã được thắp lên, một ánh sáng nhân hậu, nhắc nhở chúng ta rằng, trong sự nhỏ bé của chúng ta, chúng ta là những người con yêu dấu, những đứa con của ánh sáng (xem 1 Tx 5:5). Chúng ta hãy cùng nhau hân hoan, vì không ai có thể dập tắt được ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng đêm nay chiếu sáng rực rỡ trong thế giới của chúng ta.



[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét