Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục của ngài
Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!
27 tháng Sáu, 2017
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh Lễ trong nhà nguyện Phao-lô của Điện Tông truyền, cùng đồng tế với các Hồng y ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của ngài.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ.
* * *
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong Bài đọc Một, chúng ta được nghe cách đối thoại tiếp tục giữa Thiên Chúa và ông A-bra-ham, cuộc đối thoại bắt đầu bằng “Hãy đi. Hãy rời bỏ xứ sở . . .” (St 12:1). Và trong đoạn tiếp nối của cuộc đối thoại này, chúng ta tìm thấy ba mệnh lệnh: “Đứng dậy!” “Hãy nhìn!” “Hãy hy vọng!” Ba mệnh lệnh đánh dấu con đường A-bra-ham phải đảm nhận và cũng là cách để thực hiện nó, thái độ nội tâm: đứng dậy, nhìn, hy vọng.
“Đứng dậy!” Đứng dậy, bước đi, không đứng im tại chỗ. Ngươi có một nhiệm vụ, ngươi có một sứ mạng và ngươi phải thực hiện nó trên đường. Đừng ngồi im tại chỗ: hãy đứng dậy; đứng lên. Và ông A-bra-ham bắt đầu đi, luôn luôn trên đường. Và biểu tượng của việc này là túp lều. Sách Sáng thế nói rằng ông A-bra-ham ra đi với túp lều, và khi ông dừng lại, túp lều được dựng lên ở đó. A-bra-ham không bao giờ xây cho mình căn nhà trong khi vẫn còn đó mệnh lệnh: “Đứng dậy!” Ông chỉ xây một bàn thờ, một chỗ duy nhất, để thờ phụng Người là Đấng ra lệnh cho ông phải đứng dậy, bước đi trên hành trình, cùng với ngôi lều. “Hãy đứng dậy!”
“Hãy nhìn!” là mệnh lệnh thứ hai. “Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây” (St 13:14). Hãy ngước nhìn. Nhìn về chân trời; đừng xây lên những bức tường. Hãy luôn ngước nhìn và tiến bước. Và sự huyền diệu của chân trời là chúng ta càng đi chân trời càng xa hơn. Hãy chăm chú nhìn, hãy tiến tới, bước đi, nhưng hướng về chân trời.
Lệnh truyền thứ ba: “Hy vọng!” Có một cuộc đối thoại rất đẹp: “Chúa coi, Chúa đã ban cho con quá nhiều, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con” – “Một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi. Hãy hy vọng!” (x. St 15:3-4). Và điều này được nói với một người đàn ông không có người thừa tự, vì tuổi già, vì sự cằn cỗi của người vợ. Nhưng sẽ có một “kẻ do chính ngươi sinh ra.” Và là người thừa kế của ngươi – của chính ngươi – sẽ “nhiều như bụi trên mặt đất: nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi!” (St 13:16). Và một chút xa hơn: “Hãy ngước mắt lên trời, hãy thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Và dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó.” Và ông A-bra-ham tin, và Thiên Chúa kể ông là người công chính (x. St 15:5-6). Niềm tin của ông A-bra-ham bắt đầu là sự công chính mà Thánh Tông đồ Phao-lô đã đưa ra để giải thích cho đức công chính.
“Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! – chân trời, không có bức tường ngăn cách, chân trời – Hãy hy vọng!” Và hy vọng là không có bức tường nào ngăn cách, nó chỉ thuần túy là chân trời.
Tuy nhiên, khi ông A-bra-ham được gọi, tuổi của ông đã hơn kém một chút tuổi chúng ta: ông sắp nghỉ hưu, về hưu để nghỉ ngơi … Ông phải khởi đầu từ tuổi đó. Một ông già, với gánh nặng của tuổi già, tuổi già mang lại những cơn đau, bệnh tật … Nhưng ông như một người trẻ tuổi, đứng dậy, đi, ra đi! Ông như một hướng đạo sinh: ra đi! Ngước nhìn và hy vọng. Và lời này của Thiên Chúa cũng dành cho chúng ta là những người đang ở độ tuổi của A-bra-ham … hơn hoặc kém chút đỉnh – có một vài người trẻ hơn ở đây, nhưng đa phần chúng ta đều ở tuổi này; và hôm nay Thiên Chúa cũng nói như vậy với chúng ta: “Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!” Người nói với chúng ta rằng đây không phải là thời gian để khép lại cuộc đời, khép lại lịch sử của chúng ta, không phải để rút ngắn lại lịch sử của chúng ta. Thiên Chúa nói với chúng ta rằng lịch sử của chúng ta vẫn đang mở ra: nó mở ra cho đến tận cùng; nó mở ra với một sứ mạng. Và với ba mệnh lệnh này Người hướng dẫn cho chúng ta sứ mạng: “Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!”
Những người không thích chúng ta nói rằng chúng ta là những bô lão (gerontocracy) của Giáo hội. Đó là một sự nhạo báng. Họ không hiểu những điều họ nói. Chúng ta không phải là những người già lão, chúng ta là những người ông nội-ông ngoại, chúng ta là những người ông nội-ông ngoại. Và nếu chúng ta không cảm nhận được điều này, chúng ta phải cầu xin ơn sủng biết cảm nhận nó — ông nội-ông ngoại là người mà con cháu nhìn vào họ, người ông là người phải cho con cháu một ý nghĩa của cuộc sống với những kinh nghiệm của chúng ta. Người ông không khép chặt trong sự sầu muộn của lịch sử, nhưng mở ra để cho đi. Và với chúng ta, mệnh lệnh “hãy đứng dậy, hãy ngước nhìn, hãy hy vọng,” được gọi là “hãy mơ ước.” Chúng ta là những người ông được kêu gọi biết mơ ước và trao tặng giấc mơ của chúng ta cho thế hệ trẻ hôm nay: họ đang cần nó, vì họ sẽ rút ra từ những ước mơ của chúng ta sức mạnh để làm ngôn sứ và để mang lấy trách nhiệm và tiến bước.
Điều này gợi lên đoạn Tin mừng theo Thánh Lu-ca (2:21-38), ông Si-mê-on và bà An-na: hai ông bà, nhưng họ đã có ước mơ thật lớn lao! Và họ đã kể toàn bộ ước mơ này cho Thánh Giu-se, cho Mẹ Maria, cho mọi người … Và bà An-na đi đây đi đó kể rằng: “Đó chính là Ngài! Đó chính là Ngài!” và bà kể về giấc mơ suốt cuộc đời của bà. Và đây là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta hôm nay: hãy là những người ông người bà. Hãy có sinh khí để trao tặng lại cho những người trẻ, vì giới trẻ mong chờ điều đó từ chúng ta; đừng khóa chặt lòng chúng ta lại nhưng hãy cho đi những gì tốt nhất: họ đang mong chờ những kinh nghiệm của chúng ta, những ước mơ lạc quan của chúng ta để vững tin tiến bước với những dự ngôn và hành động.
Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn sủng này, cả cho những người chưa trở thành ông bà: chúng ta nhìn thấy ngài Chủ tịch [Hội đồng Giám mục] Brazil, ngài còn trẻ, … nhưng rồi ngài cũng sẽ đuổi kịp! Ơn sủng được làm ông bà, ơn sủng biết ước mơ, để trao tặng ước mơ này cho những thế hệ trẻ của chúng ta: họ đang cần nó.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/06/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét