Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

21 tháng Hai, 2020

Nhà thương được xây dựng để tưởng nhớ nhà truyền giáo Dòng Phan Sinh người Ý đã cống hiến cuộc đời cho người dân Trung Quốc.

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc luôn nằm trên các bản tin trong suốt nhiều tuần lễ, vì virus COVID-19 đã lây lan trong khắp thủ phủ và trên toàn thế giới. Các giới chức Trung Quốc đã áp đặt rộng rãi việc cách ly và xây dựng các bệnh viện mới để đối phó với sự bùng nổ.

Một trong những bệnh viện đầu tiên được chỉ định để điều trị dịch có lai lịch quá khứ của Công giáo. Một website của Dòng Phan Sinh OFM cho biết tiền thân của Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán là Nhà thương Bệnh Truyền nhiễm Vũ Hán, được đặt tên là Nhà thương Công giáo Tưởng nhớ Cha Mei Hán Khẩu khi nó được thành lập năm 1926. Nó được đặt theo tên của một nhà truyền giáo Dòng Phan Sinh người Ý, Cha Pascal Ange (Angelicus) Melotto, người đã lấy tên Trung Quốc là Mei Zhanchun.

“Mei” là một chữ Trung Quốc có nghĩa là “quả mận,” website cho biết.

Sinh tại thị trấn Lonigo nước Ý năm 1864, Melotto gia nhập Dòng Phan Sinh năm 1880 và sang Trung Quốc năm 1902. Bị liên lụy do một mâu thuẫn trong địa phương, Cha bị bắt cóc năm 1923. Một khoản tiền chuộc lớn được đặt ra, và các sứ quán Ý và Pháp can thiệp để cố gắng giải quyết vấn đề.

Website viết, “Khi bị bắt cóc, cha bị di chuyển nhiều lần giữa các tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam và qua đời ba tháng sau, khi một trong những kẻ bắt cóc bắn vào bụng cha bằng một viên đạn tẩm độc. Trước khi chết, cha nói, ‘Tôi hạnh phúc vì chết cho người Trung Quốc. Tôi sống ở Trung Quốc vì người Trung Quốc và bây giờ tôi hạnh phúc được chết cho họ’.”

Trang web cho biết thêm chi tiết:

Trong quá khứ, khi một nhà truyền giáo nước ngoài bị giết, quốc gia quê hương của nhà truyền giáo đó đòi những khoản bồi thường khổng lồ từ Trung Quốc, từ đó tạo cảm tưởng rằng Giáo hội đứng về phe của đế quốc. Tuy nhiên, năm 1919, Đức Giáo hoàng Benedict XV công bố Tông thư Maximum illud cảnh báo chống lại sự liên kết giữa chủ nghĩa đế quốc và tôn giáo, và vì vậy vị Khâm sứ đầu tiên đến Trung Quốc, là Hồng y Celso Costantini, nhấn mạnh rằng thay vì nhượng bộ cho chính phủ vừa được thành lập của Mussolini, cần phải xây dựng một nhà thương để tôn vinh cha Melotto. Cuối cùng hài cốt của cha được chuyển đến một đài kỷ niệm được gọi là Đền Plum (“mei”) Pavilion.

Là một trong năm nhà thương Công giáo trong vùng, Nhà thương Tưởng niệm Cha Mei đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ người nghèo ở Hán Khẩu. Năm 1949, có 150 giường, hai phòng khám, 20 nữ tu Phan Sinh Christian Doctrine, và bảy y tá. Năm 1952, khi tất cả các nhà truyền giáo bị trục xuất, nhà thương bị tịch thu và đổi tên. Năm 2008, tòa nhà bệnh viện ban đầu bị phá hủy và bệnh viện được chuyển đến một vị trí khác và đổi thành Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán. Đền Plum Pavilion bị tháo dỡ, đang chờ để được lắp đặt lại trong một ngày nào đó … và sự hiện diện thừa sai Phan Sinh cũng chờ đợi cơ hội được tiếp tục tại nơi mà Dòng đã ra đi.

Thật đáng tiếc, một bác sĩ 29 tuổi chiến đấu chống lại virus đã chết do bệnh này khi được điều trị tại Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán ngày 30 tháng Một.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét