Copyright: Vatican Media
Đức Thánh Cha khen ngợi những người cống hiến cho nền giáo dục Công giáo vì công việc của họ mỗi ngày
Diễn từ tại Bộ Giáo dục Công giáo, giải thích lời kêu gọi trong Khế ước Giáo dục Toàn cầu sắp tới
20 tháng Hai, 2020 16:16
“Tôi cảm ơn anh chị em vi công việc anh chị em làm qua sự cống hiến mỗi ngày, và tôi khẩn xin các ơn của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên anh chị em ban cho anh chị em sức mạnh trong sứ mạng giáo dục …”
Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ điều này trong diễn từ của ngài hôm nay ngày 20 tháng Hai năm 2020, trước phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo dục Công giáo (của các Chủng viện và Học viện) tại Vatican.
Bộ có thẩm quyền trong ba khu vực khác nhau: tất cả các chủng viện (ngoài các chủng viện thuộc thẩm quyền của các Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc và Bộ các Giáo hội Đông phương) và các nhà đào tạo tu sĩ và các Tu hội đời; các đại học, phân khoa, học viện và trường trung học, hoặc trực thuộc giáo hội hoặc thuộc dân sự trong dân thánh; và tất cả các trường học và học viện giáo dục trực thuộc thẩm quyền hội thánh.
Đức Thánh Cha cảm ơn Bộ vì những cố gắng của bộ, lưu ý rằng phiên họp khoáng đại trong những ngày này cho họ cơ hội “để duyệt xét lại khối công việc dày đặc được thực hiện trong ba năm vừa qua, và để đưa ra những cam kết cho tương lai với tâm hồn rộng mở và hy vọng.”
Đức Phanxico nói, “Phạm vi năng lực của Bộ gắn kết anh chị em trong thế giới giáo dục đầy thú vị, mà nó không bao giờ là một hành động lặp đi lặp lại, nhưng là nghệ thuật của sự phát triển, của sự trưởng thành, và vì lý do này nó không bao giờ giống nhau.”
Nhắc nhở rằng giáo dục là một thực tại năng động, Đức Thánh Cha phản ánh về những khía cạnh khác nhau của nó, đặc biệt về phương diện sinh thái, xã hội và tập thể. Ngài cũng phản ánh về Ngày Khế ước Giáo dục Toàn cầu sắp tới vào ngày 14 tháng Năm, và lý do tại sao ngài cảm thấy buộc phải thúc đẩy nó.
Ngài nói, “Nó là một lời kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm về chính trị, quản trị, tôn giáo và giáo dục để tái xây dựng lại “ngôi làng giáo dục.” Mục đích của việc tập hợp với nhau không phải là để phát triển các chương trình, nhưng để tìm ra một bước đi chung “để làm sống lại cam kết và cùng với các thế hệ trẻ, làm mới lại đam mê về một nền giáo dục rộng mở và bao gồm hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau.
“Khế ước giáo dục không phải là một mệnh lệnh đơn thuần, nó không phải là “sự khôi phục” thuyết duy thực nghiệm mà chúng ta đã đón nhận từ nền giáo dục Khai sáng. Nó phải mang tính cách mạng.”
Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả những người hiện diện và các nhà giáo dục Công giáo vì sự cam kết họ đặt vào công việc hàng ngày.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:
* * *
Thưa các Đức Hồng y,
Thưa các huynh đệ trong giám mục đoàn và linh mục đoàn,
Thưa anh chị em!
Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Versaldi vì những lời giới thiệu chân tình của ngài, và tôi xin chào thân ái tất cả anh chị em. Buổi họp của anh chị em trong Hội nghị Khoáng đại trong những ngày này cho anh chị em cơ hội để duyệt xét lại khối công việc dày đặc được thực hiện trong ba năm vừa qua, và để đưa ra những cam kết cho tương lai với tâm hồn rộng mở và hy vọng. Phạm vi năng lực của Bộ gắn kết anh chị em trong thế giới giáo dục đầy thú vị, mà nó không bao giờ là một hành động lặp đi lặp lại, nhưng là nghệ thuật của sự phát triển, của sự trưởng thành, và vì lý do này nên nó không bao giờ giống nhau.
Giáo dục là một thực tại năng động, nó là một chuyển động mang con người đến với ánh sáng. Nó là một loại chuyển động đặc biệt, với những đặc tính riêng biệt làm cho nó trở thành một động lực phát triển, hướng đến sự phát triển trọn vẹn của con người trong chiều kích cá nhân và xã hội của người đó. Tôi muốn dừng lại trên một số đặc điểm tiêu biểu của nó.
Một khía cạnh của giáo dục đó là hoạt động sinh thái học. Nó là một trong những lực đẩy hướng đến mục tiêu đào tạo toàn diện. Nền giáo dục đặt toàn bộ con người vào trung tâm của nó có mục đích đưa con người đến sự hiểu biết về bản thân, hiểu biết về ngôi nhà chung trong đó người đó được đặt vào để sinh sống, và trên hết là khám phá ra tình huynh đệ như là một mối quan hệ tạo ra thành phần cấu tạo đa văn hóa của nhân loại, một nguồn mạch làm phong phú lẫn nhau.
Hoạt động giáo dục này, như tôi đã viết trong Tông huấn Laudato si’, góp phần phục hồi “các cấp độ khác nhau về thế quân bình sinh thái, tạo sự hoà hợp với chính bản thân chúng ta, với người khác, với thiên nhiên và với các loại sinh vật khác, và với Thiên Chúa.” Nền giáo dục này cần những nhà giáo dục “có khả năng phát triển một nền đạo đức sinh thái, và giúp đỡ mọi người, thông qua việc giáo dục hiệu quả, để phát triển tình liên đới, trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng thương cảm” (210).
Liên quan đến phương pháp, giáo dục là một hoạt động bao gồm. Sự bao gồm đó tiến đến với tất cả những người bị loại trừ: những người bị loại trừ vì nghèo khổ, vì tình trạng bấp bênh do chiến tranh, đói kém và thiên tai, vì tính chọn lọc của xã hội, và vì những khó khăn gia đình và cuộc sống. Sự bao gồm được thể hiện rõ trong hoạt động giáo dục hỗ trợ cho những người tị nạn, những nạn nhân của nạn buôn người, và người di cư, mà không có sự phân biệt đặt trên nền tảng giới tính, tôn giáo hay sắc tộc. Sự bao gồm không phải là một phát minh hiện đại, nhưng nó là một phần không thể thiếu của thông điệp cứu độ của Ki-tô giáo. Ngày nay cần phải đẩy mạnh hoạt động giáo dục bao gồm này để đối phó với văn hóa loại bỏ phát xuất từ sự chối bỏ tình huynh đệ như là yếu tố cấu thành của nhân loại.
Một khía cạnh tiêu chuẩn khác của giáo dục là hoạt động xây dựng hòa bình. Nó mang tính hòa hợp – tôi sẽ nói về vấn đề này, nhưng chúng được liên kết với nhau – một hoạt động hòa bình, một người mang đến hòa bình. Chính bản thân người trẻ là chứng nhân cho điều này; với sự cam kết và khát khao sự thật của họ, họ liên tục nhắc chúng ta nhớ rằng “hy vọng không phải là hão huyền và hòa bình luôn luôn là một thiện ích có thể đạt được” (Diễn từ trước các Thành viên trong Ngoại giao đoàn Chính thức tại Tòa Thánh, ngày 9 tháng Một năm 2020). Hoạt động giáo dục xây dựng hòa bình là một sức mạnh được nuôi dưỡng để chống lại “sự tôn thờ bản ngã” (egolatry) tạo ra những rạn nứt bất ổn giữa các thế hệ, giữa các dân tộc, giữa các văn hóa, giữa người giàu và người nghèo, giữa nam giới và nữ giới, giữa kinh tế và đạo đức, giữa con người và môi trường (x. Bộ Giáo dục Công giáo, Khế ước Giáo dục Toàn cầu. Instrumentum laboris, 2020). Những rạn nứt và đối kháng này, gây mầm bệnh cho các mối quan hệ, che đậy một nỗi sợ hãi về sự đa dạng và khác biệt. Vì lý do này, giáo dục, với sức mạnh làm nguôi dịu của nó, được đòi hỏi phải đào tạo con người có khả năng hiểu được rằng tính đa dạng không cản trở sự hiệp nhất; ngược lại, nó là yếu tố không thể thiếu cho tính phong phú của bản sắc riêng của một người và của tất cả mọi người.
Một yếu tố khác của giáo dục là hoạt động nhóm. Nó không bao giờ là hoạt động của một cá nhân con người hay một cơ quan. Tuyên ngôn Gravissimum educationis khẳng định rằng trường học “thiết lập như một trung tâm trong đó công việc và sự tiến bộ phải được chia sẻ chung giữa gia đình, thầy cô giáo, các đoàn thể thuộc nhiều hình thức khác nhau cùng thúc đẩy đời sống văn hóa, dân sự, và tôn giáo, cũng như xã hội dân sự và toàn thể cộng đồng nhân loại” (5). Tông hiến Ex corde Ecclesiae, mà kỷ niệm năm thứ ba mươi công bố rơi vào năm nay, khẳng định rằng “một Đại học Công giáo theo đuổi mục tiêu của mình qua việc đào tạo một cộng đồng con người đích thực được thúc đẩy bởi tinh thần của Đức Ki-tô” (21). Nhưng tất cả mọi đại học được kêu gọi phải trở thành một “cộng đồng học tập, nghiên cứu và đào tạo” (Tông hiến Veritatis gaudium, art. 11 § 1).
Hoạt động nhóm này từ lâu đã bị khủng hoảng vì một số lý do. Vì vậy, tôi cảm thấy cần phải thúc đẩy Ngày Khế ước Giáo dục Toàn cầu vào ngày 14 tháng Năm này, trao phó việc tổ chức cho Bộ Giáo dục Công giáo. Nó là một lời kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm về chính trị, quản trị, tôn giáo và giáo dục để tái xây dựng lại “ngôi làng giáo dục.” Mục đích của việc tập hợp với nhau không phải là để phát triển các chương trình, nhưng để tìm ra một bước đi chung “để làm sống lại cam kết và cùng với các thế hệ trẻ, làm mới lại đam mê về một nền giáo dục rộng mở và bao gồm hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau. Khế ước giáo dục không phải là một mệnh lệnh đơn thuần, nó không phải là “sự khôi phục” thuyết duy thực nghiệm mà chúng ta đã đón nhận từ nền giáo dục Khai sáng. Nó phải mang tính cách mạng
Chưa bao giờ cần phải hợp nhất những nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn như ngày nay để đào tạo nên những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua được sự phân mảnh và đối kháng và tái xây dựng cấu trúc của các mối quan hệ cho một nhân loại huynh đệ hơn. Để đạt được những mục tiêu này cần phải can đảm: “Can đảm để đặt nhân vị vào trung tâm [...]. Can đảm để tận dụng những năng lượng tốt nhất của chúng ta [...]. Can đảm để rèn luyện những cá nhân sẵn sàng phục vụ cộng đồng” (Thông điệp buổi khởi động Khế ước Giáo dục, 12 tháng Chín 2019). Can đảm để trả lương cao cho các nhà giáo dục.
Tôi cũng nhìn thấy trong việc xây dựng một khế ước giáo dục toàn cầu điều kiện thuận lợi cho sự phát triển một liên minh đa học thuật và đa ngành, điều mà Tông hiến Veritatis gaudium gần đây đã chỉ ra cho các ngành học của hội thánh, như là “nguyên tắc trí tuệ quan trọng cho sự thống nhất trong sự khác nhau của kiến thức và tôn trọng những cách diễn đạt đa dạng, có tương quan và hội tụ, […] trong mối quan hệ với toàn cảnh đã bị phân mảnh và thường mang tính cục bộ của các môn học đại học và với tính đa nguyên của các niềm tin thuộc văn hóa và những lựa chọn văn hóa – không kiên định, mâu thuẫn và mang tính tương đối” (Lời nói đầu, 4 c).
Trong viễn cảnh rộng lớn về giáo dục này tôi hy vọng anh chị em sẽ tiếp tục áp dụng một cách hiệu quả chương trình cho những năm sắp tới, đặc biệt trong việc phác thảo một Hướng dẫn, trong việc thành lập một Trạm Quan sát Thế giới, và trong việc nghiên cứu và cập nhật các môn học của hội thánh và trong sự quan tâm lớn hơn đến việc chăm sóc mục vụ đại học như là một công cụ của tân phúc âm hóa. Tất cả đây là những cam kết mà chúng ta có thể đóng góp hiệu quả cho việc củng cố khế ước, với ý thức chúng ta được dạy bởi Lời Chúa: “giao ước giữa Thiên Chúa và con người, giao ước giữa các thế hệ, giao ước giữa các dân tộc và văn hóa, giao ước – trong trường học – giữa thầy cô giáo và học viên – và cả cha mẹ – giao ước giữa con người, động vật, thực vật và thậm chí các thực tại vô tri vô giác là những điều làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở nên đẹp và đa sắc. Mọi sự đều có liên quan với nhau, mọi sự được tạo dựng để trở thành một hình tượng sống động của Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu!” (Diễn từ trước Cộng đồng Học thuật của Viện Đại học Sophia của Loppiano, 14 tháng Mười Một năm 2019).
Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em vi công việc anh chị em làm qua sự cống hiến mỗi ngày, và tôi khẩn xin các ơn của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên anh chị em ban cho anh chị em sức mạnh trong sứ mạng giáo dục. Và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét