Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

yorgil | Shutterstock

V. M. Traverso

28/01/24


Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa đã được nhiều nhiếp ảnh gia chụp lại trong các năm qua.

Khi dạo quanh Quảng trường Thánh Phêrô, thật khó có thể rời mắt khỏi khung cảnh ngoạn mục của mái vòm mang tính biểu tượng của vương cung thánh đường cao vút phía sau cột tháp của Ai Cập tại quảng trường. Nhưng quảng trường nổi tiếng nhất thế giới sẽ không được như vậy nếu không có hai đài phun nước tráng lệ mang đến cảm giác đối xứng hài hòa được các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới ghi hình.

Hai đài phun nước nằm ở hai phía đối diện cột tháp là tác phẩm của các bậc thầy phong cách Baroque là Carlo Moderno và Gian Lorenzo Bernini. Người La Mã cổ đại thường xây dựng đài phun nước như một cách để tôn vinh những người cai trị và trang trí các nơi công cộng, một truyền thống được Giáo hội Công giáo mở rộng.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên phải quảng trường được Đức Giáo hoàng Phaolô V đặt làm vào năm 1612 và được kiến trúc sư Carlo Maderno hoàn thành vào năm 1614.

Đài phun nước ở phía bên phải của cột tháp được xây dựng trước. Nó được Đức Giáo hoàng Phaolô V ủy quyền vào năm 1612 và hoàn thành vào năm 1614. Đức Giáo hoàng Phaolô V giám sát chặt chẽ việc khôi phục một trong những cống dẫn nước quan trọng nhất của Rome, cống dẫn nước Trajan, và ở đầu cuối cùng của nó xây dựng một “đài phun nước chính” tên là Acqua Paola, được thiết kế để cung cấp nước cho một phần của Rome nằm bên hữu ngạn sông Tiber.

Nước đến từ “đài phun nước chính” này, nằm ở độ cao 741 feet (gần 226 m) so với mực nước biển trên đỉnh đồi Janiculum, có thể cung cấp nước cho các đài phun nước và nhà tắm công cộng nằm ở độ cao thấp hơn thông qua hệ thống đường dẫn nước ngầm. Hệ thống này bảo đảm cung cấp đủ nước cho dự án đài phun nước mới ở quảng trường Vatican.

Năm 1612, Đức Phaolô V thuê kiến trúc sư Baroque Carlo Maderno, người nổi tiếng vì đã hoàn thiện một số thiết kế mặt tiền của Đền Thánh Phêrô, xây dựng công trình trên một đài phun nước hiện có trước đó. Kiến trúc sư Maderno xây một chân đế hình bát giác và đặt một cái bể lớn lên trên cùng với các bậc và cột để ngăn nước tràn. Một bệ trang trí với bốn cuộn đá được đặt trên nóc của chiếc bể La Mã cũ và trên cùng là một chiếc bể nhỏ hơn ốp phủ vảy đá.

Cấu trúc “giống như cây nấm” này cho phép nước chảy xuống từ đỉnh đài phun nước và khi chạm vào mặt trên của bể cao hơn, nước sẽ bắn ra và lấp lánh qua các vảy đá.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Đài phun nước ở phía bên trái của quảng trường được Đức Giáo hoàng Clement X ủy quyền năm 1667 và được kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini hoàn thành 10 năm sau đó.

Ở phía bên trái quảng trường là đài phun nước được xây dựng bởi kiến trúc sư lừng danh Gian Lorenzo Bernini theo phong cách Baroque, người nghệ sĩ đằng sau mái tán bằng đồng mạ vàng tuyệt đẹp của Đền thờ Thánh Phêrô. Kiến trúc sư Bernini được Đức Giáo hoàng Clement X yêu cầu xây đài phun nước thứ hai vào năm 1667, 50 năm sau khi đài phun nước Maderno được xây dựng. Phải mất 10 năm để xây dựng đài phun nước thứ hai, được tạo hình như bản sao chính xác theo mẫu tác phẩm của Maderno. Như vậy, quảng trường nổi tiếng nhất thế giới giờ đây đã có đài phun nước “song sinh” ở hai bên cột tháp và lối vào vương cung thánh đường.

Đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn thế giới

Hai đài phun nước kiểu Baroque giúp tạo cảm giác đối xứng hài hòa được nhiều nhiếp ảnh gia ghi hình trong nhiều năm qua.

Cả hai đài phun nước đều hoạt động mà không cần sử dụng máy bơm nhờ trọng lực và hệ thống van áp suất.

Hai đài phun nước ở Quảng trường Thánh Phêrô đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên khắp Châu Âu, trong đó có kiến trúc sư Jacques-Ignace Hittorff, người xây dựng “Fontaines de la Concorde” ở Paris và một số đài phun nước Peterhof, ở St. Petersburg do Sa Hoàng ủy quyền.

Ngày nay, đài phun nước đôi, hoạt động liên tục kể từ khi được xây dựng vào thế kỷ 17, trừ một thời gian gián đoạn ngắn trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2017, là một trong những địa danh được chụp nhiều nhất ở Rome.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét