Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024

Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 của Đức Thánh Cha (11/02/2024), 13.01.2024


Sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32, diễn ra vào ngày 11 tháng Hai năm 2024, phụng vụ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức, với chủ đề: “Con người ở một mình thì không tốt”: Chữa lành bệnh nhân bằng cách chữa lành các mối tương quan:

______________________________

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

“Con người ở một mình thì không tốt”.

Chữa lành bệnh nhân bằng cách chữa lành các mối tương quan

“Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2:18). Ngay từ đầu, Thiên Chúa là tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta để hiệp thông và ban cho chúng ta khả năng sẵn có để đi vào mối tương quan với người khác. Đời sống của chúng ta, phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, tiến tới đạt được sự viên mãn thông qua mạng lưới các mối tương quan, tình bạn và tình yêu, cho đi và đón nhận. Chúng ta được tạo dựng để ở bên nhau chứ không phải cô độc. Chính vì dự án hiệp thông này đã ăn sâu vào tâm hồn con người nên chúng ta xem kinh nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn là một điều gì đó đáng sợ, đau đớn và thậm chí vô nhân. Tình trạng này trở nên càng mạnh mẽ hơn vào những thời điểm dễ bị tổn thương, bấp bênh và bất an, thường do sự khởi phát của một căn bệnh hiểm nghèo.

Về vấn đề này, tôi nghĩ đến tất cả những người đã thấy mình quá cô đơn trong đại dịch Covid-19: những bệnh nhân không thể tiếp khách, và kể cả nhiều y tá, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ bị quá tải bởi công việc và bị giam trong các phòng cách ly. Đương nhiên, chúng ta không thể không nhớ đến tất cả những người phải đối mặt với giờ chết một mình, được các nhân viên y tế hỗ trợ, nhưng phải xa gia đình của họ.

Tôi cũng chia sẻ nỗi đau đớn, sự đau khổ và cô lập của những người bị bỏ rơi, vì chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, mà không được hỗ trợ và giúp đỡ. Chiến tranh là căn bệnh xã hội khủng khiếp nhất và nó gây thiệt hại nặng nề nhất cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Đồng thời, cần phải nói rằng ngay cả ở những quốc gia được hưởng nền hòa bình và các nguồn lực dồi dào hơn, tuổi già và bệnh tật cũng thường xuyên phải trải qua trong cô đơn và đôi khi thậm chí bị bỏ rơi. Thực tế tàn nhẫn này chủ yếu đến từ kết quả của văn hóa cá nhân chủ nghĩa đề cao năng suất bằng mọi giá, nuôi dưỡng câu chuyện thần thoại về tính hiệu quả và cho thấy sự thờ ơ, thậm chí nhẫn tâm khi các cá nhân không còn đủ sức mạnh cần thiết để bắt kịp nhịp độ. Từ đó, nó biến thành văn hóa vứt bỏ, trong đó “con người không còn được coi là giá trị tột bực phải được chăm sóc và tôn trọng, đặc biệt khi họ nghèo hoặc khuyết tật, ‘chưa hữu dụng’ – như thai nhi, hoặc ‘không còn cần thiết’ – như người già” (Tông huấn Fratelli Tutti, 18). Thật đáng buồn, lối suy nghĩ này cũng hướng dẫn một số quyết định chính trị không tập trung vào phẩm giá và nhu cầu của nhân vị, và thường không thúc đẩy các chiến lược và nguồn lực cần thiết để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng quyền cơ bản về sức khỏe và tiếp cận sự chăm sóc sức khỏe. Việc bỏ rơi những người dễ bị tổn thương và sự cô lập của họ cũng được trợ lực qua cách biến việc chăm sóc sức khỏe thành điều khoản của các các dịch vụ mà không được kèm với “giao ước trị liệu” giữa các bác sĩ, bệnh nhân và thành viên gia đình.

Một lần nữa chúng ta cần lắng nghe những lời trong Kinh thánh: “Con người ở một mình thì không tốt!” Thiên Chúa đã nói những lời đó vào lúc bắt đầu công trình tạo dựng và từ đó mạc khải cho chúng ta ý nghĩa sâu sắc dự án của Ngài dành cho nhân loại, nhưng đồng thời, vết thương phải chết của tội lỗi, len lỏi vào bằng cách gây ra những nghi ngờ, rạn nứt, chia rẽ và hậu quả là sự cô lập. Tội lỗi tấn công con người và mọi mối tương quan của họ: với Thiên Chúa, với chính họ, với người khác, với thụ tạo. Sự cô lập như vậy khiến chúng ta đánh mất ý nghĩa của cuộc đời mình; nó lấy đi niềm vui của tình yêu và khiến chúng ta trải qua cảm giác ngột ngạt khi phải cô đơn trong tất cả những giai đoạn quan trọng của cuộc đời.

Thưa anh chị em, hình thức chăm sóc đầu tiên cần có đối với bất kỳ căn bệnh nào là sự gần gũi đầy lòng trắc ẩn và yêu thương. Do đó, chăm sóc người bệnh trước hết có nghĩa là quan tâm đến các mối tương quan của họ, tất cả các mối tương quan: với Thiên Chúa, với người khác – các thành viên gia đình, bạn bè, nhân viên y tế –, với tạo vật và với chính họ. Việc này có thể thực hiện được không? Có, điều đó có thể thực hiện được và tất cả chúng ta đều được mời gọi để bảo đảm rằng nó sẽ xảy ra. Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Người Samari nhân hậu (x. Lc 10:25-37), nhìn đến khả năng ông có thể dừng lại và đến gần người khác, nhìn đến tình yêu dịu dàng mà ông chăm sóc cho những vết thương của một người anh em đang đau khổ.

Chúng ta hãy ghi nhớ sự thật trung tâm này trong cuộc sống: chúng ta đi vào thế giới vì có người chào đón chúng ta; chúng ta được tạo dựng để yêu thương; và chúng ta được kêu gọi đến với sự hiệp thông và tình huynh đệ. Khía cạnh này trong cuộc sống là điều nâng đỡ chúng ta, đặc biệt là vào những lúc bệnh tật và dễ bị tổn thương. Đó cũng là liệu pháp đầu tiên mà tất cả chúng ta phải áp dụng để chữa lành các căn bệnh của xã hội nơi chúng ta đang sống.

Đối với những anh chị em đang trải qua bệnh tật, dù là tạm thời hay mãn tính, tôi muốn nói điều này: đừng xấu hổ vì anh chị em khao khát sự gần gũi và dịu dàng! Đừng che giấu điều đó và đừng bao giờ nghĩ rằng anh chị em là gánh nặng cho người khác. Tình trạng của người bệnh thúc giục tất cả chúng ta hãy đi ngược lại nhịp độ quay cuồng của cuộc sống để khám phá lại chính mình.

Tại thời điểm thay đổi quan trọng này, chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu, được mời gọi đón nhận cái nhìn đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan tâm đến những người đau khổ và cô đơn, có lẽ bị đẩy ra bên lề xã hội và bị gạt sang một bên. Với tình yêu thương dành cho nhau mà Chúa Kitô ban cho chúng ta qua lời cầu nguyện, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy chăm sóc các vết thương cô đơn và cô lập. Bằng cách này, chúng ta sẽ hợp tác để chống lại văn hóa cá nhân chủ nghĩa, văn hóa thờ ơ và lãng phí, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của một văn hóa dịu dàng và nhân ái.

Người bệnh, người dễ bị tổn thương và người nghèo là trung tâm của Giáo hội; họ cũng phải là trung tâm của sự quan tâm con người và sự quan tâm mục vụ của chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ quên điều này! Và chúng ta hãy dâng mình cho Đức Maria rất Thánh, Sức khỏe của Bệnh nhân, để Mẹ cầu bầu cho chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nghệ nhân của sự gần gũi và các mối tương quan huynh đệ.

Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 10 tháng Một, 2024

PHANXICÔ


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét