Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ

Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ
© Vatican Media

Estonia: Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ đại kết với giới trẻ

‘Chúng ta hãy cầu xin có sức mạnh tông đồ để mang Tin mừng đến cho anh em.’

25 tháng Chín, 2018 17:23

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Gặp gỡ Đại kết với giới trẻ ngày 25 tháng Chín, 2018, trong Nhà thờ Tin lành Kaarli, ở Tallinn.


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Các bạn trẻ thân mến,

Cha cảm ơn chúng con rất nhiều về sự chào đón nồng hậu, về những bài hát của chúng con và các chứng ngôn của Lisbel, Tauri và Mirko. Tôi chân thành cảm ơn Đức Tổng Giám mục Urmas Viilma thuộc Giáo hội Tin lành Phúc Âm của Estonia về những lời chào đón thật đẹp của ngài, và sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Andres Põder, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Estonia, Đức Giám mục Philippe Jourdan, Giám quản Tông tòa ở Estonia, và các vị đại diện từ các nền tảng đức tin Ki-tô khác hiện diện trong đất nước. Tôi cũng vô cùng tri ân sự hiện diện của Bà Tổng thống nước Cộng hòa.

Sự gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện đời sống, và chia sẻ với nhau những suy nghĩ và hy vọng luôn luôn là một điều rất đẹp; và cũng thật tuyệt vời cho chúng ta đến với nhau như là những người tín hữu trong Đức Giê-su Ki-tô. Những sự gặp gỡ như hôm nay làm trọn vẹn ước mơ của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly: “Để tất cả nên một ... , […] để thế gian sẽ tin” (Ga 17:21). Nếu chúng ta cố gắng xem mình là những người hành hương đang cùng chung bước hành trình, thì chúng ta sẽ học được cách tin tưởng người bạn đồng hành và không hề e ngại hay ngờ vực, chỉ nhìn đến những gì tất cả chúng ta đang thực sự đi tìm: đó là nền hòa bình trong sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất. Việc kiến tạo hòa bình là một nghệ thuật như thế nào, thì học cách tin tưởng lẫn nhau cũng là một nghệ thuật và là một nguồn mạch của hạnh phúc như vậy: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9). Và chúng ta không chỉ đi trên con đường này, đi trên hành trình này với những người có đức tin, nhưng cùng với tất cả mọi người. Tất cả mọi người đều có điều gì đó để nói với chúng ta. Và chúng ta cũng có điều gì đó để nói với tất cả mọi người.

Bức họa tuyệt đẹp trên gian cung thánh của nhà thờ này có viết một câu trích trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúng con là những Ki-tô hữu trẻ có thể tìm thấy một số yếu tố trùng hợp trong trích đoạn này của Tin mừng.

Trong các trích đoạn trước đó, Mát-thêu kể cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su gặp nhiều sự phiền muộn. Trước hết Ngài than phiền vì dường như những người nghe Ngài nói không hiểu những điều Ngài đang nói (x. Mt 11:16-19). Giới trẻ chúng con thường cũng như vậy, chúng con có thể cảm thấy rằng người lớn chung quanh chúng con không trân trọng những hy vọng và khát khao của chúng con; đôi khi, họ lại hoài nghi khi họ thấy chúng con quá vui; và nếu họ nhìn thấy chúng con đang lo âu về một điều gì đó, họ liền xem nhẹ nó. Trong tài liệu tham khảo trước Thượng Hội đồng sắp tới, chúng ta sẽ nói về giới trẻ, rất nhiều người trong chúng con bày tỏ khát khao có một người bạn đồng hành trên đường, một người có thể hiểu chúng con mà không kết án, một người có thể lắng nghe chúng con cũng như trả lời cho những câu hỏi của chúng con (x. Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Instrumentum Laboris, 132). Các Giáo hội Ki-tô của chúng ta – và cha dám nói điều này về mọi quy trình tôn giáo theo cơ cấu tổ chức – có những lúc đem đến những thái độ làm cho chúng ta thấy dễ dàng để nói, để đưa ra những lời khuyên, để nói về những kinh nghiệm của riêng chúng ta, hơn là lắng nghe, hơn là để bản thân được thách đố và rút ra bài học từ những gì chúng con đang trải nghiệm. Rất nhiều lúc các cộng đoàn Ki-tô hữu đóng chặt cửa, mà không nhận ra được, và không lắng nghe những lo âu của chúng con. Chúng ta biết rằng chúng con muốn và mong chờ “được đồng hành không phải bởi một quan tòa cứng rắn, hoặc bởi một người cha người mẹ đầy lo sợ và bảo bọc quá mức tạo ra sự ỷ lại, nhưng được đồng hành bởi một người không e sợ sự yếu đuối của mình và có thể làm cho gia tài tỏa sáng, giống như một chiếc bình sành, mà nó chứa đựng trong đó (x. 2 Cr 4:7)” (nt., 142). Hôm nay, cha đến đây để nói với chúng con rằng chúng ta cùng than khóc khi chúng con than khóc, cùng chia sẻ những niềm vui của chúng con bằng những tràng vỗ tay và tiếng cười, và giúp chúng con trở thành những người môn đệ của Chúa. Chúng con, những người con trai và con gái, những người trẻ tuổi, nên biết điều này: khi một cộng đoàn Ki-tô hữu thật sự là Ki-tô giáo, thì nó không đi theo chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ. Nó chỉ lắng nghe, chào đón, đồng hành và cùng chung bước, nhưng nó không áp đặt một điều gì.

Chúa Giê-su cũng phải than phiền về những thành trì nơi Ngài đã đến thăm, nơi Ngài đã thực hiện những phép lạ vĩ đại và thể hiện những dấu chỉ của lòng nhân hậu bao la và sự gần gũi, và Ngài xót xa vì họ không thể nhận ra rằng sự mới mẻ mà Ngài mang đến là vô cùng khẩn thiết và không thể trì hoãn. Ngài thậm chí nói rằng họ còn cứng đầu và ngoan cố hơn cả thành Xơ-đôm (x. Mt 11:20-24). Khi người lớn chúng ta từ chối không thừa nhận một thực tại hiển nhiên nào đó, chúng con hãy nói thẳng với chúng ta: “Ông bà không nhìn thấy sao?” Một số trong chúng con trực tính hơn thậm chí có thể nói với chúng ta: “Ông bà không thấy rằng chẳng còn ai đang lắng nghe ông bà nữa sao, hay tin ông bà nữa sao?” Bản thân chúng ta cần thay đổi thật sự; chúng ta phải thừa nhận rằng để có thể cùng đứng bên cạnh chúng con thì chúng ta cần phải thay đổi nhiều hoàn cảnh, mà cuối cùng chúng làm cho chúng con thoái chí.

Như chúng con đã nói với chúng ta, cha và những người lớn biết rằng nhiều bạn trẻ không đến với chúng ta để xin điều gì nữa vì họ không cảm thấy người lớn có điều gì đó đầy ý nghĩa để nói cho họ về cuộc sống của họ. Điều này thật tệ, khi trong một Giáo hội, trong một cộng đoàn, lại cư xử theo một cách làm cho giới trẻ phải nghĩ: “Họ sẽ chẳng nói cho tôi điều gì hữu ích cho tôi trong cuộc sống.” Thật vậy, một số bạn trẻ tỏ thái độ như muốn nói với chúng ta là hãy để cho họ một mình, vì họ cảm thấy sự hiện diện của Giáo hội là một sự phiền toái hay thậm chí chỉ làm bực mình. Và điều này là đúng. Họ cảm thấy lo lắng thất vọng vì những vụ bê bối về kinh tế và tình dục mà họ không tìm thấy việc kết án rõ ràng, vì sự vô tình của chúng ta hoặc vì vai trò thụ động mà chúng ta trao cho họ (x. Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Instrumentum Laboris, 66). Đây chỉ là một vài ví dụ trong những điều chúng con than phiền. Chúng ta muốn trả lời cho họ, như chính chúng con đã đưa ra, chúng ta muốn trở thành một “cộng đoàn minh bạch, chào đón, trung thực, mời gọi, cởi mở, nhạy cảm, vui mừng và có tình liên đới” (nt. 67), cụ thể là một cộng đoàn không e sợ. Những e sợ làm chúng ta đóng cửa lòng. Sự e sợ khiến chúng ta trở thành những người chiêu dụ tín đồ. Và tình huynh đệ thì hoàn toàn khác: nó là một trái tim rộng mở và một cái ôm của tình anh em.

Trước khi đến với những lời phúc âm tỏa rạng trong nhà thờ này, Chúa Giê-su đã ca khen Chúa Cha. Ngài làm như vậy vì Ngài biết rằng những người thật sự hiểu, những người thật sự nắm bắt được ý nghĩa thông điệp và ngôi vị của Ngài, là những con người bé nhỏ, những con người với tâm trí đơn sơ và rộng mở. Nhìn thấy tất cả chúng con ở đây như vầy, tập trung lại như một và cùng nhau cất tiếng ca, cha thêm lời của riêng cha hòa cùng với lời của Chúa Giê-su và cha ngạc nhiên thấy rằng, dù tất cả chúng ta đều thiếu sót việt làm chứng tá, nhưng chúng con tiếp tục tìm thấy Chúa Giê-su trong giữa những cộng đoàn. Vì chúng ta biết rằng nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện, thì nơi đó luôn có sự canh tân; luôn có những cơ hội mới cho sự hoán cải và cho việc gạt lại sau lưng mọi điều chia cách chúng ta ra khỏi Người và ra khỏi anh em. Nơi nào có Chúa Giê-su hiện diện, sự sống luôn mang hương thơm ngát của Chúa Thánh Thần. Chúng con ở đây hôm nay phản ánh một sự kỳ diệu mà Chúa Giê-su cảm nhận.

Đúng vậy, chúng ta hãy lặp lại lời của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Nhưng chúng ta hãy lặp lại những lời đó với lòng vững tin rằng Chúa Giê-su vẫn là lý do để chúng ta đến đây với nhau, vượt qua mọi giới hạn và chia cách của chúng ta. Chúng ta biết rằng không có sự bình an tâm hồn nào lớn hơn là để cho Chúa Giê-su cất đi những gánh nặng của chúng ta. Chúng ta cũng biết rằng nhiều người vẫn chưa biết Người và sống trong nỗi buồn và sự mất mát. Một trong những ca sĩ nổi tiếng của chúng con, khoảng mười năm trước, đã nói trong một bài hát của cô: “Tình yêu đã chết, tình yêu đã vụt bay, tình yêu không còn sống ở đây” (Kerli Koiv, Tình yêu đã chết). Không, xin làm ơn, chúng ta hãy làm cho tình yêu vẫn luôn sống, và tất cả chúng ta phải làm điều này! Và có quá nhiều người có kinh nghiệm này: họ nhìn thấy rằng tình yêu của cha mẹ họ đã kết thúc, rằng tình yêu của những đôi vợ chồng mới cưới không còn; họ cảm thấy một sự đau đớn sâu thẳm khi không có một ai quan tâm chăm sóc đến mức họ phải ra đi để tìm việc làm, hoặc khi họ bị dò xét một cách ngờ vực vì họ là người nước ngoài. Dường như tình yêu đã chết, như Kerli Koiv nói, nhưng chúng ta biết rằng nó không chết và chúng ta có một lời để nói, một thông điệp để mang đến, với ít lời nhưng nhiều hành động, vì chúng con là thế hệ của hình ảnh, thế hệ của hành động, nhiều hơn là suy đoán và lý thuyết.

Và đó là lý do tại sao Chúa Giê-su yêu thích, vì Người ra đi để làm điều lành, và khi hy sinh Người gửi đến thông điệp làm chấn động của thập giá thay cho những lời nói. Chúng ta được kết hiệp bởi niềm tin vào Chúa Giê-su, và Người đang chờ đợi chúng ta mang Người đến với tất cả những bạn trẻ đang sống đời sống không còn ý nghĩa. Và sự nguy hiểm của nó là đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, cả đối với chúng ta là những người tin. Và điều này xảy ra khi người tín hữu chúng ta trở nên mâu thuẫn. Chúng ta cùng nhau chấp nhận tính mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho cuộc sống của chúng ta, tính mới mẻ thúc giục chúng ta lên đường đến với những nơi mà nhân loại chịu thương tổn nhất. Bất kỳ nơi đâu con người, nam và nữ, ẩn sau cái vỏ bọc của sự bằng lòng hời hợt, sẽ tiếp tục đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng chúng ta không bao giờ cô đơn trên hành trình: Thiên Chúa cùng đi với chúng ta; “Người không e ngại những người bị gạt ra bên lề, chính Người trở thành một người bị gạt ra bên lề (x. Phl 2:6-8; Ga 1:14). Nếu chúng ta có can đảm thoát ra khỏi con người của mình, thoát khỏi tính tự cao tự đại của chúng ta, thoát khỏi những tư tưởng bó khuôn của chúng ta và đi đến với những người bị gạt ra bên lề, chúng ta sẽ tìm được Người ở đó, vì Chúa Giê-su đi trước chúng ta trong đời sống của một người anh em đau khổ và bị bỏ rơi. Người đã ở đó (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 135).

Các chàng trai và các cô gái, tình yêu không chết. Nó lên tiếng kêu gọi chúng ta và thúc đẩy chúng ta lên đường. Nó chỉ yêu cầu chúng ta mở rộng tấm lòng. Chúng ta hãy cầu xin có sức mạnh tông đồ để mang Tin mừng đến cho anh em – nhưng là giới thiệu chứ không phải áp đặt — và chống lại khuynh hướng cho rằng đời sống của Ki-tô giáo chúng ta dường như chỉ là một nhà bảo tàng lưu giữ những ký ức. Đời sống người Ki-tô hữu là sự sống, là tương lai, là hy vọng! Nó không phải là một nhà bảo tàng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giê-su sống lại, để Giáo hội, để các Giáo hội của chúng ta có thể tiếp tục tiến bước để đón chào những sự ngạc nhiên của Chúa (x. nt, 139), tái khôi phục lại sự trẻ trung của mình, niềm vui, và vẻ đẹp mà Mirko đã nói đến, của một Nàng dâu đến gặp Đức Chúa – những sự ngạc nhiên của Chúa. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên vì cuộc sống luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy lên đường, để gặp những sự ngạc nhiên này. Xin cảm ơn!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch chính thức (tiếng Anh)]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét