Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

“Việc sử dụng năng lượng nguyên tử là một tội ác chống lại tương lai”

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thư gửi Đức Giám mục Hiroshima của Đức Thánh Cha

Vatican News


*******

Đức Thánh Cha trong bức thư của ngài gửi Đức Giám mục của Hiroshima, thành phố chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G7 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến Chúa nhật:
Thư của Đức Thánh Cha

________________________________________


Gửi Đức Cha Alexis-Mitsuru Shirahama

Giám mục Hiroshima

Khi Hội nghị thượng đỉnh G7 nhóm họp tại Hiroshima để thảo luận các vấn đề cấp bách mà cộng đồng toàn cầu hiện đang phải đối mặt, tôi xin gửi đến Đức Cha sự gần gũi tinh thần và lời cầu nguyện của tôi cho kết quả của Hội nghị thượng đỉnh. Việc lựa chọn Hiroshima làm địa điểm của cuộc họp này là vô cùng quan trọng, trước mối đe dọa tiếp tục sử dụng vũ khí nguyên tử. Tôi nhớ lại ấn tượng ghi sâu trong tôi sau chuyến viếng thăm đầy cảm xúc đến Đài tưởng niệm Hòa bình trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2019. Đứng đó cầu nguyện trong thinh lặng và nghĩ đến những nạn nhân vô tội của cuộc tấn công nguyên tử cách đây nhiều thập kỷ, tôi xin nhắc lại niềm tin vững chắc của Tòa Thánh rằng “việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh ngày nay, hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá của con người, mà còn chống lại tất cả tương lai cho ngôi nhà chung của chúng ta” (Diễn từ tại Đài tưởng niệm Hòa bình, ngày 24 tháng 11 năm 2019).

Đó là một tương lai mà những người có trách nhiệm đang quan tâm hiện nay, đặc biệt là sau kinh nghiệm của chúng ta về đại dịch toàn cầu và những cuộc xung đột vũ trang xảy ra dai dẳng ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả cuộc chiến tàn khốc hiện đang diễn ra trên vùng đất của Ukraine. Các biến cố trong vài năm qua đã cho thấy rõ rằng chỉ cùng với nhau, trong tình huynh đệ và liên đới, thì gia đình nhân loại của chúng ta mới có thể tìm được cách chữa lành các vết thương và xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình.

Thật vậy, ngày càng cho thấy rất rõ rằng trong thế giới đa cực của thế kỷ 21, việc theo đuổi hòa bình có liên quan chặt chẽ với nhu cầu cấp thiết đối với nền an ninh và suy nghĩ về các phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho điều đó. Suy nghĩ đó nhất thiết phải xét đến thực tế rằng nền an ninh toàn cầu cần phải toàn diện, có khả năng bao trùm các vấn đề như sự tiếp cận lương thực và nước, tôn trọng môi trường, chăm sóc sức khỏe, các nguồn năng lượng và phân phối công bằng sản vật của thế giới. Một khái niệm toàn diện về an ninh có thể phục vụ để đặt nền móng vững chắc cho chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế giữa các chủ thể chính phủ và phi chính phủ, trên cơ sở mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề này, để cho thấy sự cần thiết phải cùng nhau áp dụng một cách tiếp cận hợp tác đa phương có trách nhiệm.

Hiroshima, như là “một biểu tượng của ký ức”, mạnh mẽ tuyên bố rằng vũ khí nguyên tử là không thích đáng để đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa lớn ngày nay đối với hòa bình và bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. Chúng ta rất cần phải xem xét đến tác động thảm khốc về nhân đạo và môi trường do việc sử dụng vũ khí nguyên tử gây ra, cũng như việc lãng phí và phân bổ kém nguồn nhân lực và kinh tế trong quá trình phát triển. Chúng ta cũng không được đánh giá thấp những tác động của bầu không khí sợ hãi và nghi ngờ nảy sinh từ việc sở hữu chúng, điều này làm tổn hại đến sự phát triển của bầu không khí tin tưởng và đối thoại với nhau. Trong bối cảnh này, vũ khí nguyên tử và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác đại diện cho một cấp số nhân của những rủi ro chỉ mang lại ảo tưởng về hòa bình.

Tôi luôn nhớ đến Đức Cha và những người được trao phó cho Đức Cha chăm sóc mục vụ trong lời cầu nguyện, tôi cùng với Đức Cha cầu nguyện cho Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima sẽ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng trong việc đặt nền móng cho nền hòa bình dài lâu và an ninh bền vững và ổn định. Với tâm tình biết ơn vì những nỗ lực của Đức Cha trong việc phục vụ công lý và hòa bình, tôi gửi đến Đức Cha lời chúc lành.

Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, 19 tháng Năm, 2023

PHANXICÔ



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét