“Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta ‘đổi mới mặt đất này’”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha: Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo
*******
Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo, sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 9 năm 2023:
___________________________________________
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO
1 Tháng Chín 2023
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến!
“Hãy để Công lý và Hòa bình tuôn trào” là chủ đề của Mùa Sáng tạo đại kết năm nay, lấy cảm hứng từ những lời của tiên tri Amôt: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5:24).
Hình ảnh gợi nhiều sự liên tưởng được Tiên tri Amôt sử dụng nói với chúng ta về những điều Thiên Chúa mong muốn. Chúa muốn công lý ngự trị; nó cần thiết cho đời sống của chúng ta trong tư cách là con cái của Thiên Chúa được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, giống như nước rất cần thiết cho đời sống thể chất của chúng ta. Công lý này phải tuôn trào ở bất cứ nơi nào cần đến nó, không ẩn sâu dưới lòng đất cũng như không biến mất như nước bốc hơi trước khi nó có thể mang lại nguồn bổ dưỡng. Thiên Chúa muốn mọi người cố gắng trở nên công bằng trong mọi hoàn cảnh, sống theo luật pháp của Ngài và nhờ đó giúp sự sống triển nở. Khi chúng ta “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6:33), duy trì mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, với con người và thiên nhiên, thì công lý và hòa bình mới có thể tuôn trào như nguồn nước tinh khiết không bao giờ cạn, nuôi dưỡng nhân loại và muôn loài thụ tạo.
Vào một ngày hè đẹp trời của tháng Bảy năm 2022, trong chuyến hành hương đến Canada, tôi đã suy ngẫm về điều này trên bờ hồ Lac Ste. Anne ở Alberta. Hồ nước đó đã và đang là nơi hành hương của nhiều thế hệ người dân bản địa. Xung quanh là những tiếng trống, tôi suy nghĩ: “Biết bao nhiêu trái tim đã đến đây với nỗi khao khát khắc khoải, trĩu nặng bởi gánh nặng cuộc đời, và tìm thấy ở dòng nước này niềm an ủi và sức mạnh để tiếp tục! Ở đây, đắm mình trong tạo vật, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một nhịp đập khác: nhịp đập trái tim hiền mẫu của trái đất. Giống như trái tim của những đứa trẻ trong lòng mẹ cùng hòa nhịp đập với trái tim của người mẹ, để phát triển thành người, chúng ta cần làm hài hòa nhịp sống của chính mình với nhịp sống của tạo vật, mang lại cho chúng ta sự sống”. [1]
Trong Mùa Thụ tạo này, chúng ta hãy tập trung vào nhịp tim đó: nhịp tim của chính chúng ta và của những người bà và người mẹ của chúng ta, nhịp tim của thụ tạo và nhịp tim của Thiên Chúa. Ngày nay những nhịp đập đó không hòa hợp nữa; chúng không hòa hợp trong công lý và hòa bình. Quá nhiều anh chị em của chúng ta không được uống nước từ dòng sông hùng vĩ đó.
Chúng ta hãy lưu tâm đến lời kêu gọi của chúng tôi để sát cánh cùng các nạn nhân của sự bất công về môi trường và khí hậu, đồng thời chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa chống lại thụ tạo.
Những tác động của cuộc chiến này có thể được nhìn thấy ở nhiều dòng sông đang khô cạn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng nhận xét rằng: “các sa mạc bên ngoài trên thế giới đang gia tăng, bởi vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn”. [2] Lòng tham của chủ nghĩa tiêu dùng, được thúc đẩy bởi những trái tim ích kỷ, đang phá vỡ vòng tuần hoàn nước của hành tinh. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát và nạn phá rừng đang đẩy nhiệt độ lên cao hơn và dẫn đến tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Tình trạng thiếu nước đáng báo động đang ngày càng ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ ở nông thôn và các đô thị lớn. Ngoài ra, các ngành công nghiệp bóc lột đang làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của chúng ta thông qua các hoạt động cực đoan như fracking (thủy lực cắt phá) để khai thác dầu khí, các dự án khai thác lớn không được kiểm soát và chăn nuôi thâm canh. “Chị Nước”, theo cách nói của Thánh Phanxicô Assisi, bị cướp bóc và biến thành “một thứ hàng hóa tuân theo quy luật thị trường” (Tông huấn Laudato Si’, 30).
Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc đã tuyên bố rằng hành động cấp bách hơn ngay bây giờ đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội tạo ra một thế giới bền vững và công bằng hơn. Chúng ta có thể và chúng ta phải ngăn chặn điều xấu nhất xảy ra. “Thật vậy, có thể làm được nhiều điều” (nt., 180), miễn là chúng ta đến với nhau như rất nhiều dòng suối, suối nhỏ và lạch, cuối cùng hợp nhất thành một dòng sông hùng vĩ để tưới mát cho sự sống của hành tinh kỳ diệu của chúng ta và gia đình nhân loại của chúng ta cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay và thực hiện những bước đi táo bạo để “Công lý và Hòa bình tuôn trào” trên khắp thế giới của chúng ta.
Chúng ta có thể đóng góp vào dòng sông hùng vĩ của công lý và hòa bình trong Mùa Thụ tạo này bằng cách nào? Chúng ta có thể làm gì, đặc biệt với tư cách là các cộng đoàn Kitô hữu, để hàn gắn ngôi nhà chung của chúng ta để một lần nữa nó tràn đầy sức sống? Chúng ta phải làm điều này bằng cách quyết tâm biến đổi con tim, lối sống của chúng ta và những chính sách công điều khiển xã hội của chúng ta.
Trước hết, chúng ta hãy hòa vào dòng sông hùng vĩ bằng cách biến đổi trái tim mình. Đây là nền tảng cho bất kỳ sự biến đổi nào khác xảy ra; đó là sự “hoán cải sinh thái” mà Thánh Gioan Phaolô II đã khuyến khích chúng ta thực hiện: đổi mới mối tương quan của chúng ta với tạo vật để chúng ta không còn coi nó như một đối tượng để khai thác mà thay vào đó hãy trân trọng nó như một món quà thiêng liêng từ Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cần phải nhận biết rằng cách tiếp cận toàn diện để tiến tới sự tôn trọng môi trường bao gồm bốn mối tương quan: với Chúa, với anh chị em của chúng ta hôm nay và ngày mai, với tất cả thiên nhiên và với chính chúng ta.
Với mối tương quan đầu tiên trong các mối tương quan này, Đức Bênêđictô XVI đã nói về nhu cầu cấp thiết phải biết thừa nhận rằng tạo vật và sự cứu chuộc liên kết với nhau không thể tách rời: “Đấng Cứu Thế là Đấng Tạo Hóa và nếu chúng ta không tuyên xưng Thiên Chúa trong sự vĩ đại toàn vẹn của Ngài – là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Thế – chúng ta cũng làm giảm giá trị của ơn cứu chuộc”. [3] Tạo vật nói đến hành động kỳ diệu, vĩ đại của Thiên Chúa trong việc tạo dựng ra hành tinh và vũ trụ hùng vĩ, xinh đẹp này từ hư không, và kết quả liên tục của hành động đó, mà chúng ta trải nghiệm như một món quà vô tận. Trong phụng vụ và cầu nguyện của cá nhân trong “đại thánh đường tạo vật”, [4] chúng ta hãy nhớ đến Người nghệ sĩ vĩ đại, người đã tạo ra vẻ đẹp đó, và suy ngẫm về sự nhiệm mầu của quyết định đầy yêu thương khi tạo dựng nên vũ trụ.
Thứ hai, chúng ta hãy thêm vào dòng chảy của dòng sông hùng vĩ này bằng cách thay đổi lối sống của chúng ta. Bắt đầu từ sự kinh ngạc đầy lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa và tạo vật của Ngài, chúng ta hãy ăn năn về “những tội lỗi sinh thái” của chúng ta, như hiền huynh của tôi là Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew đã thúc giục. Những tội này gây hại cho thế giới thiên nhiên và đồng loại của chúng ta. Với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, chúng ta hãy áp dụng lối sống bớt lãng phí và những tiêu thụ không cần thiết, đặc biệt là đối với những sản phẩm có quy trình sản xuất độc hại và không bền vững. Chúng ta hãy hết sức chú ý đến những thói quen và quyết định kinh tế của mình để tất cả đều có thể phát triển – con người đồng loại của chúng ta dù họ ở đâu, cũng như các thế hệ tương lai. Chúng ta hãy hợp tác với công trình sáng tạo đang diễn ra của Thiên Chúa thông qua các lựa chọn tích cực: sử dụng các nguồn tài nguyên cách điều độ và điềm đạm, xử lý và tái chế chất thải, đồng thời tận dụng nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ sẵn có có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Cuối cùng, để dòng sông hùng vĩ tiếp tục chảy, chúng ta phải thay đổi các chính sách công điều hành xã hội của chúng ta và định hình đời sống cho lớp người trẻ tuổi hôm nay và ngày mai. Các chính sách kinh tế thúc đẩy sự giàu có đáng hổ thẹn cho một số ít người có đặc quyền và làm suy giảm các điều kiện cho nhiều người khác, báo hiệu sự kết thúc của hòa bình và công lý. Rõ ràng là các quốc gia giàu có hơn đã mắc một “món nợ sinh thái” phải hoàn trả (x. Tông huấn Laudato Si’, 51). [5] Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh COP28 tại Dubai từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng Mười Hai tới phải lắng nghe khoa học và thiết lập bước chuyển đổi cách nhanh chóng và công bằng để chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Theo những cam kết được thực hiện trong Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu, việc cho phép tiếp tục thăm dò và mở rộng cơ sở hạ tầng của nhiên liệu hóa thạch là rất vô lý. Chúng ta hãy lên tiếng để ngăn chặn sự bất công này đối với người nghèo và con cái của chúng ta, những người sẽ phải gánh chịu các tác động xấu nhất của sự biến đổi khí hậu. Tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí hãy hành động phù hợp với những quan điểm này về xã hội và thiên nhiên.
Một quan điểm tương đồng khác liên quan đến cam kết của Giáo hội Công giáo đối với tính hiệp hành. Năm nay, ngày bế mạc Mùa Thụ tạo là 4 tháng Mười nhằm ngày lễ kính Thánh Phanxicô Assisi, sẽ trùng với dịp khai mạc Thượng hội đồng về sự hiệp hành. Như những dòng sông trong thiên nhiên, được nuôi dưỡng bởi vô số những con suối nhỏ cũng như những dòng suối và lạch lớn hơn, tiến trình hiệp hành đã bắt đầu vào tháng Mười năm 2021 mời gọi tất cả mọi người tham gia ở cấp độ cá nhân hoặc cộng đồng, hợp nhất trong dòng sông hùng vĩ của sự suy tư và đổi mới. Toàn thể Dân Chúa đang được mời gọi tham gia vào một hành trình đối thoại hiệp hành và hoán cải.
Cũng vậy, giống như một lưu vực sông với nhiều phụ lưu nhỏ và lớn, Giáo hội là sự hiệp thông của rất nhiều các Giáo hội địa phương, các cộng đồng dòng tu và các hội đoàn rút ra từ cùng một nguồn nước chung. Mỗi nguồn thêm vào sự đóng góp độc đáo và không thể thay thế của nó, cho đến khi tất cả cùng nhau chảy vào đại dương bao la của lòng thương xót đầy yêu thương của Thiên Chúa. Cũng giống như một dòng sông là nguồn sống cho môi trường xung quanh, Giáo hội hiệp hành của chúng ta phải là nguồn sống cho ngôi nhà chung của chúng ta và tất cả cư dân của nó. Giống như cách mà một dòng sông mang lại sự sống cho mọi loại động vật và thực vật, Giáo hội hiệp hành phải mang lại sự sống bằng cách gieo rắc công lý và hòa bình ở mọi nơi Giáo hội đến.
Tại Canada, vào tháng Bảy năm 2022, tôi đã nói về Biển hồ Galilee, nơi Chúa Giêsu đã chữa lành và an ủi cho nhiều người và công bố “một cuộc cách mạng của tình yêu”. Tôi được biết Hồ Lac Ste. Anne cũng là một nơi chữa lành, an ủi và yêu thương, một nơi “nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là đích thực nếu nó hiệp nhất những người ở xa nhau, [và] thông điệp về sự hiệp nhất mà nước Trời gửi xuống trần gian không e sợ những khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta đến với tình bằng hữu, liên kết những khác biệt, để cùng nhau khởi sự lại từ đầu, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người lữ hành trên một hành trình”. [6]
Trong Mùa Thụ tạo này, với tư cách là những người môn đệ của Chúa Kitô trên hành trình hiệp hành chung của chúng ta, chúng ta hãy sống, làm việc và cầu nguyện để ngôi nhà chung của chúng ta một lần nữa tràn đầy sức sống. Xin Chúa Thánh Thần một lần nữa bay lượn trên mặt nước và dẫn lối cho những nỗ lực của chúng ta để “đổi mới mặt đất này” (x. Tv 104:30).
Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, 13 tháng Năm, 2023
PHANXICÔ
___________________________________________________________________
[1] Homily at Lac Ste. Anne, Canada, 26 July 2022.
[2] Homily for the Solemn Inauguration of the Petrine Ministry, 24 April 2005.
[3] Conversation at the Cathedral of Bressanone, 6 August 2008.
[4] Message for the World Day of Prayer for the Care of Creation, 21 July 2022.
[5] “A true ‘ecological debt’ exists, particularly between the global north and south, connected to commercial imbalances with effects on the environment, and the disproportionate use of natural resources by certain countries over long periods of time” ( Laudato Si’, 51).
[6] Homily at Lac Ste. Anne, Canada, 26 July 2022.
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/5/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét