Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Tại sao mỗi WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) lại khác nhau: quan điểm của một nhà báo kỳ cựu (phỏng vấn)

Isabella H. de Carvalho

25/05/23


Một nhà báo người Bồ Đào Nha đã tham dự 13 kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới - đều đặn mỗi kỳ kể từ năm 1989! Lần này chị sẽ tường thuật về một WYD trên quê hương của chị và Đức Thánh Cha đã chọn viết bốn trang để giới thiệu quyển sách của chị.

Từ Tây Ban Nha đến Philippines đến Hoa Kỳ, chị Aura Miguel đã tham dự và đưa tin về các Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) kể từ năm 1989. Là một nhà báo kỳ cựu đưa tin về Vatican và Giáo hội cho đài phát thanh Bồ Đào Nha Radio Renascença, chị là chuyên gia về đại hội thanh niên Công giáo, sự kiện thu hút khoảng 1 triệu người. Vì WYD tiếp theo sẽ được tổ chức tại quê hương Lisbon của chị, vào đầu tháng Tám, chị đã xuất bản một quyển sách về các kỳ đại hội trước với tựa đề “Um Longo Caminho até Lisboa: Jornadas Mundiais da Juventude” (Một con đường dài đến Lisbon: Ngày Giới trẻ Thế giới).

Cuốn sách có lời tựa của Đức Thánh Cha Phanxicô viết và hiện chỉ có bản bằng tiếng Bồ Đào Nha. Miguel đã nói chuyện với Aleteia về điều khiến sự kiện này trở nên đặc biệt đối với tất cả những người tham gia và những kỳ vọng của chị đối với WYD Lisbon.


Chị nghĩ có điều gì đặc biệt hoặc độc đáo về WYD năm nay ở Lisbon?

Miguel: Đây là một bí mật; mỗi WYD đều khác nhau và thật tuyệt khi được chứng kiến. Bối cảnh luôn thay đổi. Chẳng hạn, trong WYD ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) năm 1989, Châu Âu vẫn là một lục địa bị chia cắt. Trong lần tiếp theo ở Częstochowa (Ba Lan) năm 1991, Bức tường Berlin sụp đổ nên lần đầu tiên có những thanh niên Công giáo đến từ Nga. Một ví dụ khác là khi Đức Gioan Phaolô II đến WYD ở Toronto vào năm 2002, không lâu sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Luôn có những tranh cãi và phản đối trước khi một vị giáo hoàng đến nhưng kết quả cuối cùng thật ngoạn mục. WYD là một sự kiện rất lớn, hiếm có và độc đáo, người ta sẽ không thấy được mức độ nó lớn như thế nào cho đến khi họ tận mắt chứng kiến.

Lisbon rất đẹp. Nó nằm bên một con sông và hướng về phía đại dương. Có Châu Phi ở một bên và Châu Mỹ ở bên kia. Đây là những chân trời mà Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi mở rộng. Tôi chắc chắn rằng bất cứ điều gì Đức Thánh Cha mang đến cho WYD lần này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người trẻ để họ có thể sống đức tin của họ trong thời hiện đại, với tất cả những thách thức mà họ phải đối mặt hôm nay.


Chị nghĩ phần quan trọng nhất của WYD đối với các bạn trẻ là gì?

Miguel: Theo tôi, khía cạnh quan trọng nhất là trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Chính những cuộc gặp gỡ đó sẽ mở toang những chân trời. Những người trẻ Công giáo đã và đang trên hành trình chuẩn bị để đến đích điểm đó và họ biết tại sao họ ở đó.

Do sự tục hóa, là một người Công giáo ngày nay gần giống như lội ngược dòng. Điều này đã xảy ra từ năm 2000 nhưng ngày nay nó càng trở nên rõ ràng hơn. Tôi nhớ đã phỏng vấn một thanh niên ở Rôma trong WYD 2000 và cậu ta nói với tôi: “Bất chợt tôi nhìn quanh và thấy có 1 triệu người giống như tôi, đi xưng tội, đi Lễ vào các Chúa nhật, và không phải là những người ngoài hành tinh như những người ở trường của tôi muốn làm cho tôi tin tưởng.”

Đây là sự nhận thức đang trổi lên, đó là những con người đa dạng. Mọi người thật sự khác nhau, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng đồng thời họ cũng hợp nhất trong kinh nghiệm tuyệt vời này vì Đức Thánh Cha.


Chị nghĩ thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cho những người trẻ Công giáo sẽ là gì?

Miguel: Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho quyển sách của tôi và đó là điều tuyệt vời nhất về nó! Khi tôi gặp ngài trong một chuyến tông du giáo hoàng, tôi xin ngài viết vài lời cho quyển sách của tôi về WYD. Thay vì vậy, ngài đã gửi bốn trang cho lời nói đầu! Tôi hy vọng những chủ đề mà ngài đề cập đến trong các trang sách này là những điều ngài sẽ phát triển ở Lisbon.

Ngài nói rằng ngày nay chúng ta đang ở trong giai đoạn thay đổi của thời đại. Cách thể hiện của xã hội chúng ta ngày càng ít mang tính Kitô giáo hơn, nghĩa là có những thách thức mới cho các thế hệ mới. Ngài giải thích rằng người trẻ được gọi là “cư dân kỹ thuật số”, và vì vậy họ có nguy cơ tự cô lập mình mỗi ngày. Tôi nghĩ một trong những mục tiêu của WYD này là khuyến khích những người trẻ tuổi đừng “dựa ban công”, nghĩa là không đứng trên ban công nhìn mọi thứ trôi qua mà hãy ôm lấy thực tại để khám phá ra những điều đáng sống vì nó.

Tôi nghĩ trong lời nói đầu này Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý một thái độ mà ngài sẽ đề xuất trong WYD. Ngài trích lời một vị linh mục người Ý, Cha Lorenzo Milani, nói rằng “Tôi quan tâm, tôi quan tâm, tôi chăm sóc.” Sau đại dịch COVID-19 khiến mọi người bị cách ly, thái độ nghĩ rằng chúng ta phải cùng nhau mới có thể tự cứu mình là điều rất quan trọng. Người trẻ được mời gọi hãy quan sát xung quanh họ một cách trọn vẹn, và trong thực tại đó, họ gặp gỡ Chúa Kitô. Ngay cả trong bối cảnh kỹ thuật số mà chúng ta đang sống, chúng ta được kêu gọi làm cho nó trở nên nhân bản hơn.

Đức Thánh Cha nói rằng “Những Đại hội Giới trẻ Thế giới đã và đang là liều thuốc giải cho tình trạng ‘dựa ban công’, là liều thuốc giải cho chất gây mê khiến người ta thích ghế trường kỷ hơn, thích sự thờ ơ hơn.” Đức Thánh Cha muốn lay động giới trẻ qua WYD để họ có thể mở rộng các chân trời của họ. Tôi hy vọng điều này xảy ra ở Lisbon!


Chị nghĩ tại sao Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ đến với nhau?

Miguel: Mục tiêu chính là củng cố và làm sống lại cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Sự gặp gỡ đó mang tính cá nhân sâu sắc và đôi khi Chúa rất kín đáo. Ngài âm thầm làm những phép lạ trong lòng mỗi người mà chúng ta thường không nhận thấy. Tôi có một cô con gái đỡ đầu từng là ca sĩ nhạc jazz và là giáo viên. Ngày nay, nhờ trải nghiệm của cháu tại WYD Madrid năm 2011, cháu hiện là một nữ đan sĩ hạnh phúc.

Có rất nhiều ví dụ như thế. Nhiều bạn trẻ đến vì đại hội rất vui và họ muốn ở với các bạn trẻ Công giáo có cùng suy nghĩ với họ. Nhưng rồi họ bất ngờ mở lòng đón nhận đề nghị mà đức giáo hoàng mang đến. Đây là phần hấp dẫn nhất về WYD và tôi nghĩ Lisbon cũng sẽ như vậy.


Tại sao chị quyết định viết một quyển sách về WYD?

Miguel: Đối với mỗi chuyến tông du giáo hoàng mà tôi có mặt, tôi có một thư mục với tất cả các tài liệu mà tôi thu thập được, vì vậy tôi có một kho lưu trữ lớn với hơn 100 chuyến đi. Kho lưu trữ này bao gồm 13 kỳ WYD mà tôi đã tham dự. WYD đã diễn ra trên tất cả các châu lục, tràn ngập màu sắc, sự sống và những sự kiện bất ngờ.

Hiện có nhiều thế hệ đã tham dự WYD kể từ khi Đức Gioan Phaolô II bắt đầu cuộc phiêu lưu này 40 năm về trước vào năm 1983. Tôi quyết định viết quyển sách như một cẩm nang cho sự kiện này. Mỗi chương là riêng biệt và dành riêng cho một kỳ đại hội. Tôi đã gặp một số người lớn tuổi nói với tôi: “Tôi nhớ WYD mà chị viết, tôi đã ở đó.” Ngược lại, những người trẻ có thể chưa từng tham dự bất kỳ WYD nào và tò mò về nó cũng có thể đọc cuốn sách này. Nó dành cho bất kỳ ai muốn biết thêm về sự phong phú của những cuộc đại hội này.

Tôi cũng muốn mọi người nhận ra mọi thứ khác trước như thế nào. Ban đầu không có điện thoại di động. Để gọi đến Lisbon từ Ba Lan, anh phải đợi một giờ ở bưu điện. Đó là một thực tại và bối cảnh khác. Vì vậy, mỗi chương có một phần dành riêng cho những gì đang xảy ra vào thời điểm đó trên thế giới, trong Giáo hội và ở Bồ Đào Nha. Rồi có một phần gọi là “Quan trọng nhất” nơi tôi đưa ra bản tóm tắt những phần hay nhất về những điều đức giáo hoàng nói trong các bài huấn từ của ngài. Ngoài ra còn có một phần với kinh nghiệm của riêng tôi trong vai trò là một nhà báo với những người tôi đã gặp và những điều thú vị đã xảy ra.


Chị có thể chia sẻ một giai thoại?

Miguel: Ở Santiago de Compostela năm 1989, nhà vệ sinh thật kinh khủng vì chúng là nhà vệ sinh di động và nước bị hạn chế. Thêm nữa, trời mưa nên mọi thứ rất trơn trượt và đầy bùn đất. Có một vài người bạn của tôi biết tôi ở trong khách sạn nên họ lên kế hoạch lén lút tìm cách bí mật sử dụng phòng tắm của tôi để tắm. Ngoài việc gặp gỡ các giám mục và các thành viên của Giáo hội, còn có những khoảnh khắc buồn cười này.

Một giai thoại khác mà tôi viết là lần đầu tiên tôi được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay đi dự kỳ WYD ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 2013. Tất cả các nhà báo đều tự giới thiệu. Tôi nói với ngài rằng tôi rất vui được cùng đồng hành với ngài trong chuyến đi đó và tôi đã đưa tin về tất cả các kỳ WYD cho đến thời điểm đó, ngoại trừ kỳ đầu tiên ở Buenos Aires (Argentina) vào năm 1983. Ngài trả lời rằng kỳ đại hội ở Buenos Aires, quê hương của ngài, là kỳ duy nhất ngài có tham dự.


Người Công giáo ở Bồ Đào Nha đã sẵn sàng cho sự kiện này như thế nào? Bầu không khí như thế nào?

Miguel: Cho đến bây giờ mọi thứ vẫn còn ở cấp giáo phận. Các tranh ảnh WYD đã chuyển đi qua khắp các giáo phận. Cũng có rất nhiều sự chuẩn bị từ các tình nguyện viên, có hàng ngàn người đã đăng ký và sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Hiện tại cũng đã có hơn 600.000 người đăng ký tham dự nhưng tôi nghĩ con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày đến gần. Kinh nghiệm của tôi là khi các sự kiện WYD thực sự bắt đầu, những bạn trẻ còn lưỡng lự sẽ bắt đầu tham gia. Người Bồ Đào Nha chúng tôi yêu bãi biển và tháng Tám chính là thời điểm trong năm mà mọi người rời thành phố để đi về miền biển. Nhiều bạn trẻ có thể đang chần chừ vì không muốn bỏ những ngày nghỉ. Tuy nhiên, khi họ nhận ra điều này là xứng đáng, tôi nghĩ họ sẽ tham gia.

Tại các giáo xứ, người lớn cũng được khuyến khích mở rộng cửa nhà và chào đón các bạn trẻ. Đức Giáo hoàng cũng đã gửi đến một thông điệp nói rằng việc để người khác ở trong nhà và bỏ kỳ nghỉ của bạn có thể tạo ra sự khó chịu nhưng nhấn mạnh rằng đó là một sự phong phú. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời và tôi đã nhìn thấy nó trong các kỳ đại hội trước. Đó là một cách để người lớn tham gia vào WYD.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét