Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Những nữ tu Siervas nói, “Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện.”

Những nữ tu Siervas nói, “Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện.”

Những nữ tu Siervas
AP Photo | Damian Dovarganes

Không chỉ là nhạc rock and roll. Mọi người thích nó.

Đã ba năm kể từ lần đầu tiên 12 nữ tu trình diễn nhạc rock trên sân khấu. Trong tu phục đen trắng của các chị, guitar điện, vi-ô-lông xen và kèn clarinet và dàn trống rock, ban nhạc Siervas (tiếng Tây Ban nha có nghĩa là “những người phục vụ”) không còn là ban nhạc chỉ có một bài nổi tiếng. Với hàng triệu lượt xem video trên kênh YouTube, hai album của các chị với lượng người theo dõi quốc tế ngày càng tăng, ban nhạc gần như đã tiến đến giải Grammy năm ngoái.

Khai sinh trong một dòng tu ở Peru, ban nhạc Siervas ban đầu chơi nhạc trong các nhà tù, với mục đích hướng đến những nhu cầu của các nữ tù nhân, và những người nghèo mà các chị chăm sóc. Khi các chị tiếp tục viết thêm các bài hát, và phát hành CD đầu tay, các chị bắt đầu công diễn cả trong nước và quốc tế. Dưới đây, giọng hát chính của nhóm là seour Monica Nobl nói chuyện với Aleteia về rock and roll, phục vụ người nghèo, loan báo về Thiên Chúa, và nhạc pop.




Để viết những bản nhạc các chị đang trình diễn, hầu như rõ ràng là các chị không đi theo hướng nhạc phụng vụ. Ban nhạc Siervas nghe thể loại nhạc gì? Các chị thán phục những nhạc sĩ “đời” nào?

Sự thật là chúng tôi không nghe nhạc đời. Những khi chúng tôi có thời gian nghe nhạc, chúng tôi chọn nghe những bài ca mang thông điệp Ki-tô giáo, và ưu tiên hơn nếu đó là nhạc của những nhạc sĩ Công giáo. Tuy nhiên, theo lẽ tự nhiên tất cả chúng tôi đều đã tiếp cận với nhạc đời trong cuộc sống, trước khi gia nhập đời sống cộng đoàn. Mỗi người chúng tôi đều có sở thích riêng. Một vài chị thích Beatles, Michael Jackson, U2, Toto, Sting, hoặc Adele, hoặc nhóm khác.

Vai trò của những người các chị phục vụ hàng ngày có ảnh hưởng gì trong các bản nhạc của các chị?

Âm nhạc chúng tôi viết ra miêu tả những gì có trong con tim của chúng tôi. Chúng tôi đặt tên cho album đầu tay là Ansias que queman (“Những khát khao cháy bỏng”) vì nó diễn tả một trong những khao khát sâu thẳm nhất của chúng tôi: mong sao tất cả chúng ta cam kết trong việc tạo ra sự thay đổi cho thế giới và để cho Thiên Chúa đi vào thế giới. Cùng trong một tinh thần như vậy, album thứ hai của chúng tôi có tựa đề Hoy Despierto (“Hôm nay tôi bừng tỉnh”) vì chúng tôi muốn giúp mọi người bừng tỉnh và nhìn thấy một Thiên Chúa luôn hiện diện trên trần gian nhưng đồng thời lại thường bị quên lãng và chối bỏ. Rõ ràng sự tiếp xúc của chúng tôi với những người thiếu thốn và ý thức của chúng tôi về sự cần thiết Thiên Chúa trong thế giới hiện tại của chúng ta là điều đã khơi nguồn cảm hứng và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của chúng tôi.

Một số nhạc sĩ không thuộc tôn giáo rõ ràng (hầu hết là nhạc sĩ nhạc pop) chỉ trích nhạc đạo, họ tranh luận rằng hầu hết lời bài ca không mang tính thuyết phục, dường như là thiếu tính thực tế, có lẽ vì họ thấy nó mang tính tôn giáo nhiều quá. Nghĩa là, thay vì “kể,” thì hầu hết lời nhạc đạo lại “rao giảng.” Thật ra, nhạc pop có đầy những câu chuyện về sự sa ngã và cứu độ, và người ta rất dễ dàng liên tưởng đến chúng, thậm chí có thể còn dễ dàng hơn dòng nhạc thuần đạo. Các chị có ý kiến gì về vấn đề này?

Sự thật là tôi không biết gì về chỉ trích này. Nhưng dù sao đi nữa, vì chúng tôi đã bắt đầu với dự án nhạc này chúng tôi biết rằng mỗi lúc chúng tôi bước lên sân khấu và, dĩ nhiên, trong mỗi bài nhạc chúng tôi viết ra, chúng tôi muốn trình bày bản chất thật của con người chúng tôi. Siervas không nhắm đến việc “trình diễn,” nhưng tìm cách để chia sẻ với những người thưởng thức nhạc chúng tôi, bằng tính xác thực, chúng tôi là ai, cách chúng tôi sống đức tin, điều gì làm chúng tôi hạnh phúc và điều gì làm chúng tôi lo lắng. Vì lý do đó, giáo lý mà chúng tôi đưa ra trước mỗi bài hát là vô cùng quan trọng, trong các buổi trình diễn trực tiếp. Trong phần giáo lý, chúng tôi cố gắng chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chúng tôi và con đường tốt nhất của chúng tôi để thực hiện việc này là đưa ra chứng tá của con đường chúng tôi đã đi qua. Thế giới đang rất cần những vấn đề liên quan đến Công giáo có thể chia sẻ ý nghĩa thật sự của việc theo chân Chúa Giê-su Ki-tô. Tôn giáo không phải là một điều gì đó xa cách và là ngoại lai với mọi người. Phải ngược lại mới đúng!

Lập một ban nhạc rất khó. Việc chia sẻ cuộc sống cộng đoàn có giúp các chị giải quyết được những căng thẳng vốn có đối với những hoạt động âm nhạc, hay ngược lại, lại thêm căng thẳng? Đôi khi có người tưởng tượng ra nhà dòng của các chị giống như một phòng diễn tập khổng lồ, hoặc là một phòng thu âm với một nhà nguyện trong đó.

Sống chung với người khác luôn luôn là một thách đố. Tất cả chúng tôi phải học cách lắng nghe và tôn trong ý kiến khác. Dĩ nhiên, trong đời sống chung, đời sống dòng tu, chúng tôi cũng phải học điều này. Điều rất đẹp về Siervas là trước hết chúng tôi là một cộng đoàn, chúng tôi là chị em và bạn của nhau, và sau đó chúng tôi mới là một ban nhạc. Tôi nghĩ điều đó giúp rất nhiều khi chúng tôi phải đối mặt với những thách đố thường có, nhưng trước khi là những nhạc sĩ chúng tôi là nữ tu, chúng tôi là những tông đồ và điều kết hiệp chúng tôi là khao khát đem Chúa đến cho mọi người. Chúng tôi không những xem ban nhạc như một công việc tông đồ, chúng tôi cũng chịu trách nhiệm những sự phục vụ khác. Nhiều người chúng tôi đi thăm các nhà tù; những người khác đi thăm người sống trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo túng.

Chị có nghĩ Siervas có một ví trí riêng của mình trong nền nhạc pop? Điều gì phân biệt giữa nhạc pop và nhạc đạo? Đây có phải là sự phân biệt không đúng?

Là nữ tu khao khát lớn nhất của chúng tôi là Thiên Chúa có thể có được một không gian trong văn hóa hiện thời, vì thế nếu nhạc pop là một kênh để chuyển tải thông điệp của Ngài, thì rõ ràng chúng tôi hy vọng chúng tôi có một vị trí trong văn hóa nhạc pop đương thời. Chẳng có lý do gì gọi là xì-căng-đan khi bạn nhìn thấy một nữ tu chơi trống hoặc guitar điện. Chúng tôi không bao giờ sử dụng những nhạc cụ hay giai điệu này trong phụng vụ, chúng tôi cho rằng phụng vụ đòi hỏi thể loại âm nhạc phù hợp cho những nhu cầu thiêng liêng đặc biệt.

Nếu chúng ta nói về những ranh giới (ranh giới phân chia nhạc pop với nhạc đạo) tôi cho rằng chúng ta gặp phải sự khó khăn gấp đôi. Về một mặt, vì muốn hiện đại hóa âm nhạc phụng vụ, đôi khi vì sự thiếu hiểu biết nên có khi sử dụng sai những tiết điệu và bài hát được giới thiệu mà không có sự xem xét cần thiết và hiểu biết về phụng vụ. Về khía cạnh đó cần phải có sự phân biệt rõ ràng. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng một ranh giới gượng ép được dựng lên giữa giữa âm nhạc với nội dung tôn giáo và văn hóa nhạc pop. Sự phân biệt không đúng giữa tôn giáo và tính hiện đại là điều mà Siervas đang làm cầu nối, tôi hy vọng như vậy.

Trong Giáo hội Công giáo, có nhiều nhóm nhạc sáng tác nhạc đạo được sử dụng trong phụng vụ. Họ thậm chí chơi trong các Thánh Lễ, hoặc các sự kiện Ki-tô giáo lớn. Nhưng chúng tôi nhìn thấy rằng có một nhu cầu rất lớn về âm nhạc để có thể tiến đến được với những người còn rất xa. Với Siervas, chúng tôi đang cố gắng viết ra những bản nhạc có thể đến được với những vùng ngoại biên, tới những người Công giáo đã rời xa Giáo hội, với những Ki-tô hữu không thuộc Công giáo, hoặc thậm chí với những người vô thần. Chúng tôi viết ra những bản nhạc để bạn có thể nghe khi đang lái xe hoặc di chuyển, trong thời gian rảnh, thể loại nhạc với một thông điệp có thể đồng hành với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi không dám nói rằng âm nhạc của chúng tôi là “thánh ca.” Đó là một bản nhạc với một thông điệp được chuyển tải trong thể loại nhạc pop, pop-rock, Latin-pop. Chúng tôi muốn “đẩy” thông điệp của Thiên Chúa vào, để nó có thể đến được với những người không thể đón nhận thông điệp nếu nó được trình bày theo phong cách khác.

Sự nghiệp âm nhạc của các chị liên quan như thế nào với đặc sủng của dòng?

Đặc sủng dòng chúng tôi là phục vụ những người thiếu thốn. Chúng tôi hoạt động với người nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư, phụ nữ trong tù, đó là những công tác phục vụ bên cạnh những công tác thừa sai của chúng tôi. Chúng tôi chọn tên gọi “Siervas” (có nghĩa là “Những người phục vụ”), vì qua âm nhạc chúng tôi muốn đặt mình vào sự phục vụ thế giới hiện đại hiện đang rất cần Thiên Chúa. Cần phải loan báo Thiên Chúa trong những vùng ngoại biên mà Đức Thánh Cha Phanxico đã nói đến rất nhiều và âm nhạc của chúng tôi có sứ mạng đi vào tâm hồn của những người đang cần Người nhất. Bên cạnh việc trao tặng niềm hy vọng và sức mạnh cho người Công giáo đã cam kết trong đức tin của họ, chúng tôi muốn tiến đến với những người vô thần, người Ki-tô hữu đã cách rất xa với đức tin và tất cả những người không biết gì về đức tin của chúng ta. Chúng tôi là những người thừa sai, sáng tác nhạc cho Chúa, và nhạc của chúng tôi là một kênh để chúng tôi có thể đến được với tất cả những người đó. Qua âm nhạc chúng tôi đặt mình vào sự phục vụ tha nhân theo hai ý nghĩa. Chúng tôi phục vụ Thiên Chúa bằng cách loan báo Ngài cho một thế giới đang rất cần thông điệp của Người, đồng thời âm nhạc là một khí cụ cho phép chúng tôi gây quỹ cho người thiếu thốn để chúng tôi có thể tiếp tục giúp đỡ những người sống trong những khu vực ngoại biên về địa lý.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét