Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Bài Giảng Lễ Sáng của Đức Thánh Cha: Rao Giảng Phúc Âm Là Một Nghệ Thuật

Bài Giảng Lễ Sáng của Đức Thánh Cha: Rao Giảng Phúc Âm Là Một Nghệ Thuật

Còn hơn cả việc gõ cửa; rao giảng Phúc âm là đồng hành với người khác trên hành trình của họ
9 tháng 9, 2016
pope francis
Rao giảng Phúc âm là một nghệ thuật và không bao giờ “là một cuộc đi dạo trong công viên,” Đức Thánh Cha Phanxico nói trong Thánh lễ sáng nay tại nguyện đường Casa Santa Marta.
Hôm nay là lễ kính Thánh dòng Tên Phê-rô Claver, và Đức Thánh Cha nhắc lại mẫu gương của thánh nhân trong Bài giảng, suy tư về việc rao giảng Phúc âm là làm chứng tá cho Đức Ki-tô với toàn bộ cuộc sống của một người.
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng rằng một số Ki-tô hữu ngày nay, sống cuộc đời phục vụ như thể họ chỉ đơn thuần là những công chức – các linh mục và những giáo dân khoe khoang về những gì họ làm: “Đây là một điều khoe khoang: Tôi cảm thấy tự hào về mình. Điều này hạ bậc Tin mừng xuống thành một chức năng hay thậm chí là nguồn gốc cho sự kiêu căng: Tôi đi rao giảng tin mừng và tôi đã đem rất nhiều người về với Giáo hội. Lôi cuốn người khác theo đạo: đó cũng là nguồn gốc của sự kiêu căng. Rao giảng Tin mừng không phải là lôi cuốn người ta theo đạo. Nghĩa là, chẳng phải buông xuôi, cũng không phải biến Tin mừng thành một công việc theo thói quen, và cũng chẳng phải lôi kéo người khác theo đạo: những hành động trên không phải là rao giảng thực sự. Đây là điều thánh Phaolo nói trong thư thứ nhất gửi Rô-rinh-tô (9:16-19, 22b-27)]: ‘Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc phải làm,” và ngài nói thêm rằng, ‘đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.’ Mỗi Ki-tô hữu đều có bổn phận, sức mạnh của nó ở chỗ phải biến nó thành một điều cần thiết vô cùng để mang danh Thánh Đức Giê-su.”
Vậy thì, “phong cách” rao giảng Tin mừng phải như thế nào? Bằng cách “trở nên nô lệ của mọi người,” đức Phanxico nói theo ý Thánh Phaolo.
Ngài tiếp tục nói, “Hãy đi và chia sẻ cuộc sống với mọi người: đồng hành với họ trên hành trình đức tin, để họ có thể lớn lên trong đức tin trên suốt hành trình của họ.”
Chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác: không phải để đi vào con đường của họ, nhưng là cùng đi với họ trên con đường. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại câu chuyện ăn bữa trưa với giới trẻ tại Ngày Giới Trẻ Thế giới ở Krakow, khi một thanh niên hỏi ngài anh ta phải nói gì với một người bạn thân vô thần:
“Đây là một câu hỏi hay. Tất cả chúng ta biết có những người xa Giáo hội: chúng ta phải nói gì với họ? Cha nói: Các con xem nhé, cuối cùng thì chúng con cũng phải nói gì đó! Hãy bắt đầu làm đi, rồi người đó sẽ nhìn thấy điều con đang làm và sẽ đặt câu hỏi với con về điều đó; và khi người đó hỏi, thì hãy nói. Rao giảng Tin mừng là đưa ra chứng tá: tôi sống theo con đường của tôi, vì tôi tin vào Đức Giê-su; tôi gợi lên trong bạn một sự tò mò, để rồi bạn phải hỏi tôi, ‘Nhưng tại sao anh lại làm những việc này?’ Câu trả lời là: ‘Vì tôi tin vào Đức Giê-su Ki-tô và loan truyền về Đức Giê-su Ki-tô nhưng không phải chỉ bằng lời nói’ – chúng ta phải công bố Lời Người – nhưng bằng đời sống của chúng ta.”
Đây là cách rao giảng Tin mừng, ngài nói, “và làm việc này miễn phí,” vì “chúng ta được đón nhận Tin mừng một cách nhưng không.” Ơn sủng, ơn cứu độ, không thể bán hay mua: nó là ơn nhưng không. “Chúng ta phải cho đi nhưng không.”
Đức Thánh Cha Phanxico sau đó gợi lại hình ảnh Thánh Phê-rô Claver: một nhà rao giảng, ngài  nói, “thánh nhân ra đi rao giảng Tin mừng.” Có lẽ, Đức Phanxico nói, “Ngài nghĩ rằng tương lai của ngài là hiến dâng cho việc truyền giáo. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại yêu cầu ngài phải gần gũi với những người ‘bị loại bỏ’ thời đó: những nô lệ, những người da đen từ Châu Phi đến, bị đem đi bán.”
“Thánh nhân không đi dạo chỗ này chỗ kia và nói rằng ngài đang rao giảng: ngài không biến việc rao giảng Tin mừng thành một công việc máy móc theo thói quen, hay thậm chí lôi kéo người ta theo đạo; ngài công bố Đức Giê-su Ki-tô bằng hành động của ngài, chuyện trò với các nô lệ, sống với họ – và có rất nhiều người giống như ngài trong Giáo hội – nhiều người đã từ bỏ mình để rao truyền Đức Giê-su Ki-tô – và tất cả chúng ta, thưa anh chị em, đều có bổn phận phải rao giảng Tin mừng – và việc đó không có nghĩa là gõ cửa nhà hàng xóm rồi nói: ‘Chúa Ki-tô đã sống lại!’ – nhưng là phải sống đức tin, nói về đức tin bằng sự khiêm cung, bằng tình yêu, và không với lòng khao khát chiến thắng một cuộc tranh luận (tiếng Ý convincere), nhưng là cho đi một cách nhưng không: cho đi một cách nhưng không những gì Thiên Chúa đã ban cho tôi – đó mới là ý nghĩa của rao giảng tin mừng.”

Lễ kính Thánh Phê-rô Claver, Linh mục

Bài đọc 1 1 COR 9:16-19, 22B-27

Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.  Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí.  Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Tin mừng Lc 6:39-42

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.  Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?  Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét