Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.10.2024: Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.10.2024: Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Vatican Media


*******

Trưa nay, cuối Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế tại Vương cung thánh đường Vatican để bế mạc Phiên họp thứ hai của Đại hội đồng thường kỳ XVI của Thượng hội đồng giám mục (từ ngày 2 đến 27 tháng 10 năm 2024) về chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với khoảng 30.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ vào Chúa Nhật.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Mc 10:46-52) kể cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù. Tên anh ta là Batimê, nhưng đám đông trên phố không để ý đến anh: anh ta là một người ăn xin nghèo khổ. Những người đó không để mắt đến người mù; họ để mặc anh ta, họ không để ý đến anh ta. Không một ánh mắt quan tâm, không một cảm giác thương xót. Batimê cũng không nhìn thấy, nhưng anh ta nghe thấy và anh ta làm cho mình được lắng nghe. Anh ta kêu lớn, anh ta kêu lớn tiếng, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (câu 48). Chúa Giêsu nghe thấy và nhìn thấy anh ta. Người sẵn sàng giúp đỡ và hỏi, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (câu 51).

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Trước một người mù thì câu hỏi này có vẻ như là một sự trêu chọc, nhưng thực ra, nó là một thử thách. Chúa Giêsu đang hỏi Batimê rằng anh ta thực sự đang tìm kiếm ai, và vì lý do gì. Ai là “Con vua Đavít” đối với anh? Và từ đó, Chúa bắt đầu mở mắt cho người mù. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của cuộc gặp gỡ này, những điều làm thành một cuộc đối thoại: tiếng kêu, lòng tin, cuộc hành trình.

Trước hết, tiếng kêu của Batimê, không chỉ là lời cầu xin giúp đỡ. Đó là lời khẳng định về bản thân. Người mù đang nói rằng, “Tôi ở đây, hãy nhìn tôi. Tôi không thấy Ngài, thưa ông Giêsu. Ngài có thấy tôi không?” Có, Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin, và Người lắng nghe anh ta bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim. Hãy nghĩ đến chính chúng ta, khi chúng ta đi ngang qua một người ăn xin trên phố: đã bao nhiêu lần chúng ta quay mặt nhìn chỗ khác, đã bao nhiêu lần chúng ta phớt lờ người đó, như thể anh ta không tồn tại? Và chúng ta có nghe thấy tiếng kêu của những người ăn xin không?

Điểm thứ hai: lòng tin. Chúa Giêsu nói gì? “Anh hãy đi; lòng tin của anh đã cứu anh” (câu 52). Batimê nhìn thấy vì anh tin; Đức Kitô là ánh sáng của đôi mắt anh. Chúa quan sát cách Batimê nhìn Người. Cách tôi nhìn một người ăn xin như thế nào? Tôi có lờ anh ta không? Tôi có nhìn người ăn xin như Chúa Giêsu không? Tôi có khả năng hiểu được những nhu cầu, hiểu được tiếng kêu cứu giúp của anh ta không? Khi anh chị em làm phúc bố thí, anh chị em có nhìn vào mắt người ăn xin không? Anh chị em có chạm vào tay người đó để cảm nhận da thịt anh ta không?

Cuối cùng, cuộc hành trình. Batimê được chữa lành, liền “đi theo Người trên con đường Người đi” (câu 52). Nhưng mỗi người chúng ta cũng là Batimê, mù lòa bên trong, đi theo Chúa Giêsu khi Người tiến đến với anh ta. Khi anh chị em đến gần một người nghèo và cho người đó cảm nhận được sự gần gũi của mình, thì chính Chúa Giêsu đến gần anh chị em trong con người của người nghèo khó đó. Xin đừng nhầm lẫn: làm phúc bố thí không phải là sự phân phát bố thí. Người nhận được nhiều ân sủng nhất từ ​​việc làm phúc bố thí là người cho đi, vì người đó được Chúa nhìn thấy.

Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Mẹ Maria, là bình minh của ơn cứu độ, để Mẹ bảo vệ con đường của chúng ta trong ánh sáng của Chúa Kitô.

_______________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi điều chúng ta đã làm trong tháng này có thể tiến triển vì lợi ích của Giáo hội.

Ngày 22 tháng 10 này đánh dấu kỷ niệm năm mươi năm thành lập Ủy ban Đặc trách về Quan hệ với Người Do Thái của Thánh Phaolô VI, và ngày mai sẽ là kỷ niệm sáu mươi năm Tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng chung Vatican II. Đặc biệt trong thời gian đau khổ và căng thẳng rất lớn này, tôi động viên những người đang tham gia đối thoại vì hòa bình ở cấp địa phương.

Ngày mai, một Hội nghị quốc tế quan trọng của Hội Hồng Thập tự và Trăng lưỡi liềm đỏ sẽ khai mạc tại Geneva, bảy mươi lăm năm sau Công ước Geneva. Mong rằng sự kiện này sẽ đánh thức lương tâm để trong các cuộc xung đột vũ trang, mạng sống và phẩm giá của con người và các dân tộc, cũng như sự toàn vẹn của các công trình dân sự và nơi thờ phượng, được tôn trọng theo luật nhân đạo quốc tế. Thật đáng buồn khi chứng kiến ​​các bệnh viện và trường học bị phá hủy trong chiến tranh ở một số nơi.

Tôi cùng với Giáo hội San Cristóbal de las Casas thân yêu, tại tiểu bang Chiapas của Mexico, thương tiếc linh mục Marcelo Pérez Pérez, bị sát hại hôm Chúa Nhật tuần trước. Một người tôi tớ nhiệt thành của Tin Mừng và của Dân trung thành của Chúa, xin cho sự hy sinh của ngài, cũng như sự hy sinh của các linh mục khác bị giết vì lòng trung thành với thừa tác vụ, trở thành hạt giống của hòa bình và đời sống Kitô giáo.

Tôi gần gũi với người dân Philippines, đang bị một cơn bão mạnh tấn công. Xin Chúa nâng đỡ dân tộc với đức tin mạnh mẽ này.

Cha chào tất cả anh chị em, người Rome và anh chị em hành hương. Đặc biệt, cha chào Hội đoàn Señor de los Milagros, của người Peru tại Roma, cha cảm ơn vì chứng tá của họ và động viên họ tiếp tục trên con đường đức tin.

Tôi chào nhóm các vị cao niên đến từ Loiri Porto San Paolo, các ứng viên chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức từ Assemini, Cagliari, “Những người hành hương vì sức khỏe” từ Piacenza, các tu sĩ dòng Xitô tại Đền thánh Cotrino và Liên đoàn Hiệp sĩ nghèo Thánh Bernard ở Chiaravalle.

Và xin chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine, Israel và Li Băng, để tình trạng leo thang có thể được dừng lại và tôn trọng sự sống con người, vốn là thánh thiêng, được đặt lên hàng đầu! Những nạn nhân đầu tiên là dân thường: chúng ta thấy điều này hàng ngày. Quá nhiều nạn nhân vô tội! Mỗi ngày chúng ta thấy hình ảnh trẻ em bị tàn sát. Quá nhiều trẻ em! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2024]


Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

Lời mời gọi tái khám phá bản chất của tình yêu Thiên Chúa qua Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

*******

Với tựa đề Dilexit nos, thông điệp thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tái khám phá tình yêu thương con người và nước trời của Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Tài liệu này không chỉ tiếp nối truyền thống phong phú của lòng sùng kính Thánh Tâm, mà còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc sống đức tin với sự dịu dàng, niềm vui và lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ thúc đẩy chúng ta yêu thương, mà còn sai chúng ta đi phục vụ anh chị em mình.


Một tình yêu không thể quên

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Người đã yêu thương chúng ta,” một lời tuyên bố cho chúng ta thấy rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu đó (Rm 8:39). Đây là mở đầu của tông huấn, nhấn mạnh rằng Trái tim Chúa Kitô chờ đợi chúng ta vô điều kiện, không đòi hỏi điều kiện tiên quyết để yêu thương chúng ta. Nhờ Người, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta (1 Ga 4:16).


Tình yêu của Chúa Kitô trong một thế giới đang rất cần

Trong bối cảnh khi nhiều hình thức của lòng mộ đạo phát triển mạnh mẽ, tách biệt khỏi mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chúng ta thường quên mất “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui phục vụ và lòng nhiệt thành của sứ vụ”. Vì lý do này, ngài mời gọi chúng ta đào sâu hơn vào tình yêu của Chúa Kitô được biểu lộ qua Thánh Tâm của Người, nơi chúng ta có thể tìm thấy bản chất của Tin Mừng và học cách yêu thương thực sự.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng khi gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta có khả năng tạo ra các mối liên kết huynh đệ và nhận biết phẩm giá của mỗi người. Trước Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta cầu xin Người thương xót trái đất bị thương tổn của chúng ta và xin Người ban cho chúng ta ánh sáng và tình yêu cần thiết để đối mặt với những thách thức hiện tại, từ chiến tranh đến chủ nghĩa tiêu dùng và việc sử dụng công nghệ vô trách nhiệm. Tông huấn này ra đời vào thời điểm quan trọng, khi chúng ta kỷ niệm 350 năm ngày Thánh Tâm Chúa được mặc khải cho Thánh Margaret Mary Alacoque.


Trở về với trái tim trong những thời điểm khủng hoảng

Được chia thành năm chương, tông huấn này khám phá lòng sùng bái Thánh Tâm Chúa Giêsu và di sản thiêng liêng phong phú của nó. Trong chương đầu tiên, có tựa đề “Tầm quan trọng của trái tim”, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta hãy quay trở lại với điều cốt yếu trong một thế giới thường xô đẩy chúng ta đến với chủ nghĩa tiêu dùng. Kinh Thánh trình bày trái tim như là cốt lõi của bản thể chúng ta, một nơi khả tín mà những câu hỏi thực sự quan trọng đặt ra: Tôi muốn mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống của mình? Tôi là ai trước mặt Chúa?

Đức Phanxicô chỉ trích việc gạt bỏ trái tim trong triết học đương đại, vốn coi trọng lý trí và ý chí hơn tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng bản sắc tinh thần của chúng ta nằm ở trái tim, nơi hiệp nhất chúng ta với người khác và cho phép chúng ta thiết lập các mối quan hệ đích thực.


Biến đổi thế giới từ trái tim

Trong chương thứ hai, Đức Thánh Cha phân tích về “những cử chỉ và lời nói yêu thương” của Chúa Kitô cho chúng ta thấy được sự gần gũi và lòng thương xót của Người. Qua những cuộc gặp gỡ với nhiều người khác nhau, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng sự chú ý của Người tập trung vào những mối quan tâm và đau khổ của chúng ta. Tình yêu của Chúa được biểu lộ trên thập giá, nơi sự hy sinh của Người trở thành chứng tá mạnh mẽ nhất về tình yêu của Người.


Một trái tim đã quá yêu thương

Chương thứ ba tập trung vào “Trái tim đã yêu thương quá nhiều”, nhắc lại cách thức Giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ở đây, Đức Phanxicô giải thích rõ rằng lòng sùng kính Thánh Tâm không chỉ giới hạn ở việc tôn thờ một cơ quan của cơ thể, mà đó là việc nhận biết trong trái tim rộng mở đó tình yêu Thiên Chúa và con người hiệp nhất chúng ta. Tình yêu này là sự tổng hợp của Phúc Âm, một lời kêu gọi canh tân đức tin của chúng ta giữa nhiều chiều hướng tâm linh đang phổ biến trong xã hội.


Lòng sùng kính đưa chúng ta đến hành động

Những chương cuối của tông huấn nhấn mạnh mối liên hệ giữa kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân và sự dấn thân cộng đoàn. Trong chương thứ tư, “Tình yêu cho chúng ta suối nguồn”, chúng ta được nhắc nhở rằng Thánh Tâm Chúa Kitô là nguồn tình yêu làm dịu cơn khát và thanh tẩy những điều ô uế của chúng ta. Qua chứng tá của các thánh, chúng ta học cách nhìn nhận Thánh Tâm như một nơi gặp gỡ cá nhân với Chúa.

Cuối cùng, chương “Yêu thương vì yêu” khuyến khích chúng ta sống chiều kích truyền giáo của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô. Khi chúng ta đến gần Chúa Cha hơn, chúng ta được sai đi để yêu thương anh chị em mình, trở thành tác nhân của nền văn minh tình yêu.


Lời cầu nguyện của Đức Phanxicô

Tông huấn kết thúc bằng lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha: “Tôi xin Chúa Giêsu ban những dòng nước hằng sống tuôn đổ từ Thánh Tâm của Người cho tất cả chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta và củng cố khả năng yêu thương và phục vụ của chúng ta.” Với lời mời gọi này, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta sống một tình yêu biến đổi thế giới từ trái tim.

Tải xuống Tông huấn theo định dạng sau: PDF


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2024]