Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.07.2024: “Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”

“Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 21.07.2024: “Đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ”


Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 6:30-34) cho chúng ta biết rằng các tông đồ tụ tập quanh Chúa Giêsu sau khi trở về từ sứ vụ của các ông. Các ông kể cho Người nghe những gì họ đã hoàn thành. Rồi Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (câu 31). Tuy nhiên, dân chúng hiểu các ông đi đâu và khi xuống thuyền, Chúa Giêsu thấy đám đông đang đợi Ngài. Ngài chạnh lòng thương họ và bắt đầu giảng dạy (x. câu 34).

Như vậy, một mặt là lời mời gọi nghỉ ngơi, mặt khác là lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông. Thật là đẹp khi chúng ta dừng lại để suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đây có vẻ như là hai điều không tương thích với nhau, nhưng thực ra chúng lại đi đôi với nhau: nghỉ ngơi và thương xót. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn.

Chúa Giêsu quan tâm đến sự mệt mỏi của các môn đệ. Có lẽ Ngài ý thức về mối nguy hiểm, nó cũng liên quan đến đời sống và hoạt động tông đồ của chúng ta. Mối nguy hiểm này có thể đe dọa chúng ta, chẳng hạn khi sự nhiệt huyết của chúng ta trong việc thực hiện sứ vụ hoặc công việc của mình, cũng như các vai trò và trách vụ được giao phó, khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chủ nghĩa hoạt động quá chú ý đến những việc phải làm và kết quả, và đây là một điều không tốt. Chúng ta trở nên quá bận tâm đến những gì phải làm, quá bận tâm đến kết quả. Khi đó, chúng ta trở nên bận rộn âu lo và xem nhẹ điều gì là trọng yếu. Chúng ta có nguy cơ bị vắt kiệt năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây là một lời cảnh báo quan trọng cho cuộc sống và xã hội của chúng ta thường trở thành tù nhân của sự hối hả, nhưng cũng là lời cảnh báo đối với Giáo hội và việc phục vụ mục vụ: thưa anh chị em, chúng ta hãy cẩn thận với tính độc tài của việc làm!

Và điều này cũng có thể xảy ra do sự cần thiết, chẳng hạn trong gia đình chúng ta khi người cha phải đi làm xa để kiếm sống, do đó phải hy sinh thời gian mà lẽ ra ông dành nó cho gia đình. Thông thường, cha mẹ rời nhà lúc sáng sớm khi các con vẫn đang ngủ và về nhà lúc tối muộn khi chúng đã đi ngủ. Và đây là một sự bất công xã hội. Trong gia đình, cha mẹ phải có thời gian dành cho con cái, để tình yêu thương được lớn lên trong gia đình và không rơi vào chủ nghĩa độc tài của việc làm. Chúng ta hãy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người bị buộc phải sống theo lối sống này.

Đồng thời, sự nghỉ ngơi mà Chúa Giêsu đề nghị không phải là một cách thoát khỏi thế gian, một sự ẩn dật trong hạnh phúc thuần túy cá nhân. Ngược lại, khi đứng trước đám đông dân chúng bơ vơ, Chúa chạnh lòng xót thương. Và vì vậy, trong Tin Mừng, chúng ta biết được rằng hai thực tại này – sự nghỉ ngơi và chạnh lòng thương xót – có mối liên hệ với nhau: chỉ khi chúng ta học được cách nghỉ ngơi thì chúng ta mới có lòng thương xót. Thật vậy, chỉ có thể có được một cái nhìn đầy lòng trắc ẩn là cái nhìn biết cách trả lời trước những thiếu thốn của người khác, khi tâm hồn chúng ta không bị kiệt sức bởi nỗi lo toan làm việc, khi chúng ta biết dừng lại và biết cách đón nhận Ân sủng của Thiên Chúa trong sự thinh lặng tôn thờ.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có khả năng dừng lại trong ngày của tôi không? Tôi có khả năng dành một chút thời gian cho chính bản thân và với Chúa không, hay tôi luôn hối hả, liên tục vội vàng cho những việc phải làm? Chúng ta có khả năng tìm được một loại “sa mạc nội tâm” nào đó giữa những ồn ào và các hoạt động thường ngày không?

Xin Đức Nữ Trinh rất Thánh giúp chúng ta “nghỉ ngơi trong Thần Khí” ngay cả trong mọi hoạt động hàng ngày, và có thái độ sẵn sàng và thương xót với người khác.

______________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tuần này, Thế vận hội Olympic sẽ bắt đầu tại Paris và tiếp theo là Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Thể thao cũng có sức mạnh xã hội to lớn và nó có thể đoàn kết mọi người từ các văn hóa khác nhau theo con đường hòa bình. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể là ngọn hải đăng cho một thế giới bao gồm mà chúng ta muốn xây dựng và các vận động viên có thể trở thành những sứ giả hòa bình và những gương mẫu đích thực cho giới trẻ bằng những chứng tá thể thao của họ. Đặc biệt, như phong tục của truyền thống lâu đời này, ước mong Thế vận hội Olympic là một dịp để kêu gọi ngừng bắn trong các cuộc chiến tranh, thể hiện lòng tha thiết mong muốn hòa bình.

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha xin chào Notre Dame Équipe đến từ giáo phận Quixadá ở Brazil, và Hiệp hội “Trung tâm Khoa học Assumpta Ofekata”, đang thực hiện các dự án liên đới cho Châu Phi.

Cha cũng gửi lời chào các Công nhân Thập giá Thầm lặng và Trung tâm các Tình nguyện viên Đau khổ, tập trung để tưởng nhớ đấng sáng lập của họ là Chân phước Luigi Novarese; các thỉnh sinh và các nữ tu trẻ tuyên khấn của Dòng Nữ tu Truyền giáo Chúa Kitô Vua; các bạn trẻ thuộc nhóm ơn gọi của Tiểu Chủng viện Rôma đã đi trên con đường của Thánh Phanxicô từ Assisi đến Rôma.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta đừng quên Ukraine chịu đau khổ, Palestine, Israel, Myanmar và nhiều quốc gia khác đang có chiến tranh. Chúng ta đừng quên, chúng ta đừng bao giờ quên, chiến tranh là một thất bại!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2024]


Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Hallow bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vì nội dung ‘bất hợp pháp’

Photos Courtesy of Hallow, Inc.

J-P Mauro

19/07/24


Chính quyền Trung Quốc đã gỡ bỏ ứng dụng cầu nguyện phổ biến nhất thế giới mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, nhưng Hallow vẫn tiếp tục có ý cầu nguyện cho Trung Quốc.

Hallow, ứng dụng cầu nguyện số 1 trên thế giới, đã bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc sau khi quốc gia cộng sản này cho rằng một số nội dung của nó là “bất hợp pháp”. Được xếp hạng ứng dụng phổ biến sau khi chạy quảng cáo Super Bowl có Mark Whalberg và Jonathan Roumie, ứng dụng này cam kết tiếp tục phục vụ Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng không rõ liệu Hallow có thể thực hiện những bước đi nào để quay trở lại chợ ứng dụng của Trung Quốc.

Ông Alex Jones, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Hallow, Inc., cho biết tình hình trong một bài đăng ngắn trên X (trước đây là Twitter), trong đó ông chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng ứng dụng Hallow không có sẵn ở Trung Quốc nữa:

Theo Catholic World Report, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã thông báo cho ông Jones rằng ứng dụng Hallow “được xét thấy có nội dung đăng tải trên ứng dụng là bất hợp pháp ở Trung Quốc và do đó phải bị xóa bỏ”. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra lời giải thích thêm nào về lý do ứng dụng bị xóa khỏi các cửa hàng hoặc có thể thực hiện những bước nào để Hallow quay trở lại kho ứng dụng.

Trong khi ông Jones không muốn vội vàng đưa ra những suy đoán về lý do ứng dụng bị xóa, nhưng Catholic World Report chỉ cho thấy rằng việc Hallow gần đây bổ sung loạt chương trình phát thanh trình bày về cuộc đời và các các tác phẩm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Với tựa đề “Chứng nhân hy vọng”, chương trình đề cập đến sự phản kháng quyết liệt của Đức Gioan Phaolô II đối với chủ nghĩa cộng sản, một chủ đề bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ông Jones bình luận:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phục vụ anh chị em trong Đức Kitô ở Trung Quốc cách tốt nhất theo khả năng thông qua trang web, ứng dụng web, nội dung mạng xã hội, nhưng chủ yếu là bằng lời cầu nguyện của chúng tôi,” ông Jones nói.

Chính quyền Trung Quốc có lịch sử kiểm duyệt các ứng dụng tôn giáo. Năm 2021, CAC đã sử dụng luật mạng để loại bỏ ứng dụng Kinh Thánh và ứng dụng Kinh Qur'an khỏi kho Ứng dụng của Apple ở Trung Quốc. Không chỉ giới hạn đối với các ứng dụng tôn giáo, những ứng dụng cung cấp tin nhắn mã hóa riêng tư – như WhatsApp và Telegram – cũng đã bị xóa, với lý do CAC trích dẫn cho là “có những lo ngại về an ninh quốc gia”.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/7/2024]